Phú Yên có bí thư mới
Đà Nẵng phải là trung tâm kinh tế biển của khu vực và cả nước
Phát hiện xưởng sản xuất nước giặt, nước xả giả quy mô lớn
Một Giám đốc ngân hàng đánh nhau tại khách sạn bị đình chỉ công tác
Ông Nguyễn Thanh Tùng được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Định
Tin trong nước đọc nhanh chiều 29-12-2015
- Cập nhật : 29/12/2015
Co.opmart và Co.opXtra khuyến mãi mạnh đón năm mới
Trung Quốc xây dựng trạm xăng dầu trái phép tại Hoàng Sa
Kho xăng dầu trên được xây dựng tại đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng) thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện do Trung Quốc chiếm giữ trái phép. Theo kế hoạch, tại đây Trung Quốc sẽ xây dựng một kho dự trữ xăng dầu chuyên dụng với thể tích 2.000 m3, đáp ứng nhu cầu sử dụng xăng dầu của các đảo thuộc cái gọi là “TP Tam Sa”. Ngoài ra, dẫn tin từ Cục Công việc báo chí Bộ Quốc phòng Trung Quốc, các báo trên cho biết thêm trong những ngày tới, hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục tổ chức cho biên đội tàu chiến tiến hành diễn tập, huấn luyện tại khu vực biển Đông. Tuy nhiên, các báo trên không nêu rõ địa điểm và thời gian cụ thể hải quân Trung Quốc sẽ tiến hành diễn tập.
Vẫn “nặng gánh” thuế, phí!
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, bình quân cả giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN khoảng 21% GDP.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình thu chi và thực hiện cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2011-2015.
Trước tình hình đó, nhiều giải pháp đã được thực hiện nhằm tăng cường huy động cho ngân sách, phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, quản lý chặt chẽ nợ công, phát triển thị trường tài chính, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.
Trong giai đoạn 2011-2015, mức độ động viên NSNN có xu hướng giảm so với giai đoạn trước, chủ yếu do tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến và thấp hơn giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chính sách làm giảm thu NSNN trong ngắn hạn, trong đó, nhiều chính sách nhằm tăng khả năng cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thực hiện các cam kết hội nhập... theo hướng cắt giảm, điều chỉnh một số loại thuế nhanh hơn dự kiến.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, bình quân cả giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN khoảng 21% GDP.
Mặc dù tổng thu ngân sách/GDP giảm song cơ cấu thu đã có chuyển biến theo hướng tích cực, tỷ trọng thu nội địa đã tăng từ 59% lên 68%, đến năm 2015 chiếm 74% tổng thu NSNN.
Sự chuyển dịch cơ cấu thu cơ bản đảm bảo theo đúng định hướng chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 là tăng dần tỷ trọng từ nguồn thu trong nước để bù đắp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu giảm do tham gia hội nhập quốc tế.
Trong cơ cấu thu nội địa, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng ở mức cao và trở thành nguồn thu quan trọng của NSNN. Tỷ trọng thu từ khu vực ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng dần theo các giai đoạn (giai đoạn 2001-2005 là 14%, giai đoạn 2006-2010 là 21%, giai đoạn 2011-2015 dự kiến khoảng 26%).
Trong khi đó, tổng chi NSNN giai đoạn 2011 - 2015 đạt mức bình quân khoảng 28,3% GDP. Chi thường xuyên giai đoạn 2011-2015 ở mức bình quân khoảng 65% tổng chi NSNN, tăng so với giai đoạn 2006-2010 do thực hiện điều chỉnh tiền lương, chế độ phụ cấp công vụ; chi trả nợ cũng tăng nhanh do phải duy trì bội chi NSNN ở mức cao, đồng thời tăng phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho rằng, chi NSNN đang được điều hành theo hướng chặt chẽ, rà soát, sắp xếp lại các khoản chi thường xuyên, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên; hạn chế bổ sung ngoài dự toán và quản lý chặt chẽ nguồn dự phòng ngân sách.
Cơ chế phân bổ vốn đầu tư từng bước được thực hiện theo kế hoạch trung hạn, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động bố trí nguồn lực theo thứ tự ưu tiên phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng thời, cân đối NSNN được duy trì theo các mục tiêu đề ra, dư nợ công, dư nợ chính phủ và dư nợ nước ngoài của quốc gia được đảm bảo trong giới hạn cho phép.
Bội chi NSNN năm 2015 dự kiến 5% GDP, tuy cao hơn so với mục tiêu 4,5% GDP đề ra nhưng đã thể hiện xu hướng giảm so với 2 năm trước đó.
"Trong bối cảnh kinh tế không thuận lợi, tăng trưởng thấp hơn dự kiến, ảnh hưởng đến thu NSNN; tích lũy của nền kinh tế còn nhỏ, khả năng huy động đầu tư từ các nguồn ngoài NSNN còn hạn chế nên những năm qua Việt Nam đã chủ động điều hành bội chi NSNN theo hướng linh hoạt, chấp nhận bội chi cao ở một số thời điểm để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển" - Bộ Tài chính cho biết.
Chính phủ bàn tính chuyện tiết kiệm chi tiêu ngân sách năm 2016
Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổ chức điều hành chi ngân sách trong phạm vi dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao, bảo đảm sử dụng triệt để tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ quy định,
Nội dung trên đưa ra tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triểnkinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 sáng ngày 28/12.
Trình bày dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết mục tiêu đặt ra trong năm 2016 là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 53%; số giường bệnh trên một vạn dân là 24,5 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 76%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 85%; tỷ lệ che phủ rừng là 41%.
Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sản xuất kinh doanh
Để đạt mục tiêu này, Chính phủ chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng linh hoạt, hiệu quả phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Tăng trưởng dư nợ tín dụng phù hợp, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.
Thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, phối hợp với chính sách tiền tệ để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ chỉ đạo tiếp tục cơ cấu lại nguồn thu NSNN theo hướng tăng tỉ trọng thu nội địa; cơ cấu lại các khoản chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm chi đầu tư tăng nhanh hơn chi thường xuyên.
Hướng dẫn các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý chi ngân sách nhà nước. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương, chỉ bổ sung dự toán chi ngân sách trung ương cho địa phương để thực hiện cải cách tiền lương, phụ cấp trong năm 2016 cho các địa phương thực sự khó khăn, không có khả năng cân đối ngân sách nhà nước.
Tăng cường bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính; các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được thực hiện theo dự toán. Bảo đảm bội chi NSNN theo đúng nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời có biện pháp tích cực để phấn đấu giảm bội chi. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; kiên quyết xử lý, thu hồi nợ đọng thuế. Quản lý chặt việc chi chuyển nguồn; chi thường xuyên chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi còn nhiệm vụ và thực sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.
Theo dõi các diễn biến và chủ động tính toán các phương án bảo đảm nguồn thu và cân đối ngân sách năm 2016 trong trường hợp giá dầu có biến động lớn so với giá dự toán. Triển khai phát hành trái phiếu Chính phủ theo đúng kế hoạch để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đồng thời phải thực hiện các biện pháp bảo đảm các cân đối vĩ mô và an toàn nợ công. Đẩy mạnh giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí, tiêu cực.
Kiểm soát chặt chẽ nợ công, triển khai cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương
Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia bảo đảm trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội. Quản lý chặt Quỹ tích lũy trả nợ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ; tập trung cấp bảo lãnh và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay để đầu tư các dự án, công trình trọng điểm.
Đồng thời nghiên cứu chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại; tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỷ trọng vay trung, dài hạn; ban hành và triển khai thực hiện cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương.
Theo dõi, rà soát tình hình, tiến độ giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách nhà nước (ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) trong trường hợp cần thiết.
Chi ngân sách trong phạm vi được giao, sử dụng tiết kiệm
Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổ chức điều hành chi ngân sách trong phạm vi dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao, bảo đảm sử dụng triệt để tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ quy định, lồng ghép các chính sách, xây dựng phương án tiết kiệm để thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện.
Cắt giảm tối đa các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền. Áp dụng phổ biến hình thức hội nghị, hội thảo trực tuyến để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Không đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, chế độ mới hoặc tăng định mức chi dẫn đến tăng chi ngân sách nhà nước mà không có nguồn đảm bảo.
Tổ chức tốt việc phục vụ bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp theo tinh thần triệt để tiết kiệm. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương. Trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao, tự cân đối để bố trí nguồn tăng lương theo nghị quyết của Quốc hội. Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn theo quy định của Chính phủ.
Hàng hoá Tết dự báo không khan hiếm, ít biến động giá
Là thời điểm sôi động nhất năm cả về sản xuất và thương mại để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, đến thời điểm này cả Chính phủ và doanh nghiệp đều đã sẵn sàng các phương án phục vụ Tết.
Do sức mua được dự báo không lớn và lạm phát thấp, hàng hoá năm nay sẽ không khan hiếm và không có biến động giá lớn.
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 thị trường tiêu thụ lớn hàng đầu của cả nước. Đây cũng là hai TP có kinh nghiệm nhất trong việc chuẩn bị hàng hoá dịp này. Sở Công thương Hà Nội dự kiến tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết trên địa bàn Thủ đô đạt trên 21.610 tỉ đồng, để phục vụ nhu cầu của cả người dân thủ đô và khách từ các địa phương khác đổ về. Dự kiến tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ sẽ tăng khoảng 10-15% so với các tháng trong năm, thấp hơn mức tăng của năm ngoái.
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã chuẩn bị một lượng hàng bình ổn thị trường và các nhóm hàng phục vụ Tết với tổng giá trị ước tính 12.780 tỉ đồng. Tiếp tục truyền thống của các năm trước, hơn 1.000 điểm bán hàng sẽ được triển khai trên toàn thành phố để người dân được tiếp cận với các hàng hoá chất lượng, giá cả phải chăng. Ngoài ra, hàng trăm chuyến bán hàng lưu động khác cũng sẽ được triển khai đến các khu công nghiệp, các huyện ngoại thành.
Tại TP Hồ Chí Minh, lượng hàng bình ổn trị giá hơn 16.000 tỷ đồng đã được chuẩn bị, nhiều điểm bán thực phẩm sạch cũng được triển khai. Các chợ đầu mối, các siêu thị lớn cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các loại nhu yếu phẩm cho Tết. Được biết, ngay từ đầu tháng 12, UBND TP đã giao Sở Công Thương chủ trì, cùng các quận, huyện kiểm tra nguồn hàng thực tế, nhu cầu và kế hoạch sản xuất, kinh doanh tại các cơ sở, nếu có vướng mắc gì lập tức kiến nghị để UBND TP tháo gỡ. Việc đảm bảo cung ứng tiền mặt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiền lương của người dân, việc đi lại, nhu cầu nhiên liệu cũng đã được lên kế hoạch kỹ càng.
Các địa phương phía Nam như Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai cũng đã lên kế hoạch cụ thể, đặc biệt Đồng Nai là khu vực tập trung nhiều trang trại chăn nuôi, cung cấp một lượng lớn thịt cho khu vực phía Nam.
Về giá cả, Bộ Công thương dự báo sẽ không có biến động lớn, căn cứ trên diễn biến thị trường vào thời điểm này. Cụ thể, giá hàng hoá trong nước vào ngày 25-12 gần đây đang ở mức ổn định tại cả 3 miền, phổ biến ở 50.000 đồng/kg gà Tam Hoàng hơi (bán buôn), 100.000 đồng/kg gà ta; thịt lợn ở mức trên dưới 80.000 đồng/kg, thịt bò ở mức 200.000 – 250.000 đồng/kg; các loại rau, đậu... từ 10.000 đồng đến 25.000 đồng/kg. Riêng các loại trái cây đặc sản như bưởi, dưa hấu, cam, xoài… được dự báo sẽ tăng cao hơn so với năm ngoái do sản lượng tại nhiều tỉnh phía Nam có dấu hiệu sụt giảm.
Về vấn đề kiểm soát giá cả, mới đây, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính chủ động, có biện pháp kịp thời xử lý tình trạng tăng giá cục bộ, điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm, nhất là trong dịp trước và sau Tết; hướng dẫn các địa phương có biện pháp kịp thời, phù hợp để đảm bảo đủ nguồn hàng với giá cả ổn định phục vụ nhân dân.
Bộ Công Thương cũng được giao theo dõi sát diễn biến thị trường cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hoá; tổ chức tốt hệ thống phân phối, điều tiết giữa các vùng, đặc biệt tích cực tổ chức các chuyến hàng lưu động phục vụ nhân dân tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, đảm bảo cho nhân dân cả nước đón một cái Tết bình yên, đầm ấm bên người thân.