Cần phải mời quan chức đi nghe về TPP, hiểu về TPP và các vấn đề của doanh nghiệp bởi có khi chính lực lượng hiểu về TPP yếu nhất lại chính là các quan chức và ít chia sẻ với doanh nghiệp nhất.
Tin trong nước đọc nhanh 01-03-2016
- Cập nhật : 01/03/2016
Ông Phan Đình Trạc làm Trưởng ban Nội chính Trung ương
Phát biểu tại buổi lễ, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết, Bộ Chính trị đã "thống nhất rất cao" phân công Phó trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đảm nhiệm cương vị Trưởng ban.
Ông Phan Đình Trạc sinh năm 1958 tại Nghệ An, là Ủy viên Trung ương Đảng khoá 11,12. Trước khi được điều động về Ban Nội chính Trung ương từ tháng 1/2013, ông Trạc từng là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, là đại biểu Quốc hội khóa 11, 12, 13.
Sau khi về giữ cương vị Phó trưởng ban Nội chính Trung ương, đến tháng 1/2015, ông tiếp tục được giao nhiệm vụ là Phó trưởng ban Thường trực.
Người tiền nhiệm của ông Trạc là ông Nguyễn Bá Thanh. Ông Thanh giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương từ khi ban này được tái lập vào cuối năm 2012 cho đến khi từ trần vào giữa tháng 2/2013 vì bệnh hiểm nghèo.
Sau khi ông Nguyễn Bá Thanh lâm bệnh, ông Phan Đình Trạc được giao điều hành Ban Nội chính Trung ương từ giữa tháng 1/2015.
Hiện cơ cấu lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương gồm có Trưởng ban Phan Đình Trạc cùng 6 phó ban, gồm các ông: Nguyễn Doãn Khánh, Hà Ngọc Chiến, Nguyễn Văn Thông, Võ Văn Dũng, Phạm Anh Tuấn và Lê Minh Trí.
Sầm Sơn sắp có không gian ven biển mới
Một bản vẽ phối cảnh dự án chỉnh trang và xây dựng không gian ven biển trên tuyến đường Hồ Xuân Hương.
Dự án chỉnh trang và xây dựng không gian ven biển trên tuyến đường Hồ Xuân Hương tại thị xã Sầm Sơn (Thanh Hoá) đang bước vào giai đoạn thi công cuối cùng.
Lợn phát cho hộ nghèo chết hàng loạt
Cuối năm 2015, thực hiện chính sách chương trình 135 về việc hỗ trợ, phát triển sản xuất cho hộ nghèo và cận nghèo, xã Hương Giang (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã đề xuất lên UBND huyện làm tờ trình đầu tư dự án cấp lợn và phân bón cho bà con phát triển sản xuất.
Theo đó, 141 hộ nghèo được nhận 141 con lợn Móng Cái từ một trại giống ở Nghệ An. Mỗi con giá 1-1,5 triệu đồng, nặng 10-12 kg. Các hộ cận nghèo còn lại được nhận phân bón để sản xuất hoa màu.Nhận lợn giống từ ngày 21/12/2015, vài tuần sau, 61 con lợn đi ngoài, đứng run lẩy bẩy, lông dựng đứng, thường xuyên bỏ ăn rồi chết.
Nhiều hộ bức xúc, cho rằng chính quyền xã phát lợn "bệnh". "Lợn của gia đình tôi thường xuyên bị tiêu chảy, dù đã mua thuốc chữa trị nhiều cách nhưng không khỏi. Chúng tôi băn khoăn bởi không phải ngẫu nhiên mà hàng chục con giống tự nhiên chết, nó giống như bị mắc chung một loại bệnh", một người dân nói.
Lợn chết, một số hộ nghèo cũng đổ vỡ nhiều dự định. Từ khi tiếp nhận, họ muốn sẽ nuôi lợn để sau đó nhân giống, đem bán lấy tiền lo cho con cái ăn học, nhưng giờ mong ước đó tiêu tan.
Trao đổi với VnExpress, ông Phan Thế Hùng, Chủ tịch UBND xã Hương Giang cho biết đã mời cảnh sát môi trường (Công an Hà Tĩnh) lên làm việc tìm hiểu nguyên nhân, bước đầu chưa phát hiện điều gì bất thường.
Chủ tịch UBND xã Hương Giang cho hay nguyên nhân ban đầu có thể do thời điểm tiếp nhận lợn, trời quá rét. Ngoài ra, còn một số yếu tố khác như chế độ ăn uống, chăm sóc, chuồng trại lạnh lẽo, không nuôi tập trung thành bầy đàn như khi ở ngoài trại giống nên lợn dễ nảy sinh bệnh.
"Chúng tôi đã mời các hộ nghèo có lợn chết lên họp và thống nhất bước đầu hỗ trợ mỗi hộ 400.000 đồng", ông Hùng nói và bác bỏ thông tin của một số người về việc xã cấp lợn "bệnh" cho hộ nghèo.
Hà Nội: Hàng chục ngàn cử nhân, thạc sĩ hưởng trợ cấp thất nghiệp
Trong số này lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 35,61%. Ngày 28-2, ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết.
Ông Phong nhận định lao động thất nghiệp đã giảm 3,01% so với năm 2014, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Nguyên nhân là do tình hình thế giới và khu vực ảnh hưởng xấu đến kinh tế Việt Nam. Vì vậy, cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã phải đối diện với nhiều thách thức. Nhiều doanh nghiệp phải giải thể, chuyển đổi loại hình kinh doanh hoặc cắt giảm lao động…
Được biết trong năm 2015, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã giới thiệu việc làm cho hơn 32.100 người/32.715 người thất nghiệp.
Một du khách Belarus tử vong tại thác Pongour
Tối 28-2, Ban Quản lý khu du lịch thác Pongour (xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho biết đến 22 giờ 30, lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn chưa tìm thấy thi thể của 1 du khách người Belarus tử vong tại thác này.
Theo Ban quản lý khu du lịch, du khách này tới thác Pongour vào lúc 15 giờ cùng ngày bằng xe ôm. Tới khu du lịch, khách không mua vé mà vào cổng và đi thẳng xuống thác. Một số nhân viên khu du lịch cho biết du khách này có mùi rượu, khi đến chân thác đã cởi quần áo, giày dép lao xuống hồ tắm. Không lâu sau, nhóm du khách người Việt dạo thác kề đó phát hiện du khách nước ngoài chới với dưới nước đã lao xuống cứu nhưng bất thành.
Ngay sau đó, lực lượng của khu du lịch thác Pongour đã đến tìm kiếm nhưng không thấy thi thể nạn nhân do nước quá sâu. Qua kiểm tra ba lô của vị khách, cơ quan chức năng xác định người tử nạn quốc tịch Belarus, 26 tuổi, nhập cảnh vào Việt Nam ngày 16-2 qua cửa khẩu Hữu Nghị.
Hiện công tác cứu hộ đang gặp khó khăn vì trời tối, nước quá lạnh.
Trước đó, chiều 26-2, tại thác Tử Thần, thuộc khu du lịch Datanla Đà Lạt cũng đã xảy ra vụ 3 du khách người Anh (2 nữ, 1 nam) tử vong.