tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh chiều 27-02-2016

  • Cập nhật : 27/02/2016

Bộ ngoại giao VN: “Hòa bình, ổn định ở Biển Đông đang bị đe dọa”

Hành động gây leo thang căng thẳng như triển khai tên lửa, chiến đấu cơ của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây đã trở thành tiêu điểm nóng trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 25-2 tại Hà Nội.

nguoi bieu tinh mang theo co viet nam phan doi hanh dong quan su hoa bien dong cua trung quoc truoc cua lanh su quan trung quoc o makati, thu do manila ngay 25-2 - anh: reuters

Người biểu tình mang theo cờ Việt Nam phản đối hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc trước cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati, thủ đô Manila ngày 25-2 - Ảnh: Reuters

Liên quan đến thông tin Trung Quốc điều máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và đặt hệ thống rađa ở một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình một lần nữa nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi.

Ông Bình cho biết bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

“Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

Ông Bình cho biết thêm rằng bất cứ vấn đề nào ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông sẽ được nêu ra tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở thủ đô Vientiane (Lào) trong hai ngày 26 và 27-2.

Theo ông Bình, các diễn biến gần đây đã cho thấy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông đang thật sự bị đe dọa.

Báo giới nước ngoài cũng đặc biệt quan tâm đến những diễn biến gần đây ở Biển Đông. Đại diện Hãng thông tấn Đức DPA đặt câu hỏi: những hành động leo thang căng thẳng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông như triển khai hệ thống tên lửa và máy bay chiến đấu có khác gì so với những hành động leo thang căng thẳng trước đây của nước này hay không, có nghiêm trọng hơn không?

Đáp lại, ông Lê Hải Bình nói những diễn biến gần đây ở khu vực, đặc biệt là ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho thấy nguyên trạng ở Biển Đông đang bị phá vỡ, và đặc biệt đáng lo ngại hơn, đó là tình trạng quân sự hóa ở Biển Đông.

Ông Lê Hải Bình cho rằng việc phá vỡ nguyên trạng và quân sự hóa là hai diễn biến hết sức đáng lo ngại, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh hàng hải và hàng không trong khu vực.

Đại diện Đài truyền hình Phố Bolsa TV ở California (Mỹ) đặt câu hỏi: nếu có lời đề nghị từ phía Mỹ về việc tham gia tuần tra chung ở Biển Đông, Việt Nam sẽ phản ứng như thế nào?

Liên quan đến câu hỏi này, người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam đã, đang và sẽ tiến hành các hoạt động bình thường của mình ở các khu vực trên phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 và chúng tôi cũng khẳng định các hoạt động này của các cơ quan chức năng Việt Nam đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới”.

Liên quan đến câu hỏi, cũng từ Phố Bolsa TV, liệu chính sách không liên minh với nước này để chống lại nước khác có cản trở Việt Nam tham gia các hoạt động tuần tra chung như vậy hay không, ông Lê Hải Bình cho biết Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ quan điểm tôn trọng quyền đi lại vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định liên quan đến luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Đồng thời Việt Nam cũng đã đề nghị các nước đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế.


Việt Nam tham gia diễn tập rà phá bom mìn ở Ấn Độ

Nội dung chính của buổi tổng duyệt là triển khai phối hợp giữa lực lượng công binh và quân y trong tình huống xử lý bom mìn. 

cac chien si cong binh ra pha bom min theo phuong phap thu cong tai thao truong cua lu doan cong binh 229 sang 25-2 - anh: quynh trung

Các chiến sĩ công binh rà phá bom mìn theo phương pháp thủ công tại thao trường của Lữ đoàn công binh 229 sáng 25-2 - Ảnh: Quỳnh Trung

Buổi tổng duyệt một số nội dung chống khủng bố và rà phá bom mìn trước khi sang Ấn Độ tham dự diễn tập Hành động bom mìn nhân đạo và gìn giữ hòa bình (FTX) 2016 từ ngày 2 đến 8-3 đã được tổ chức sáng 25-2 tại thao trường của Lữ đoàn công binh 229 (tỉnh Bắc Ninh).

Nội dung chính của buổi tổng duyệt là triển khai phối hợp giữa lực lượng công binh và quân y trong tình huống xử lý bom mìn.

Theo đó, các chiến sĩ công binh đã thực hiện các nhiệm vụ vô hiệu hóa chất nổ được cài đặt nhiều phương pháp kích hoạt khác nhau và rà phá bom mìn trong bãi theo hai phương pháp thủ công và bằng máy dò.

Các chiến sĩ quân y thực hiện tình huống cấp cứu đồng đội bị thương do bom mìn nổ cũng như xử lý tình huống bom mìn phát nổ khi đang rà phá.

Đoàn VN tham gia diễn tập FTX-2016 gồm 27 thành viên đến từ Bộ tư lệnh công binh, Quân y, Trung tâm Gìn giữ hòa bình VN và một số đơn vị liên quan. FTX-2016 do VN và Ấn Độ đồng tổ chức, có sự tham gia của các nước thành viên Hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).

Qua việc tham gia FTX-2016, VN mong muốn thể hiện vai trò, vị thế và đóng góp của mình trong hợp tác quốc phòng và quân sự trong khu vực.


Gia Lai có thêm phó chủ tịch tỉnh

Sáng 26-2, HĐND tỉnh Gia Lai họp bất thường và bầu bổ sung chức danh phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. 

ba huynh nu thu ha - anh: b.d

Bà Huỳnh Nữ Thu Hà - Ảnh: B.D

Bà Huỳnh Nữ Thu Hà - trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy Gia Lai được bầu giữ chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ mới với số phiếu 61/76.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai vừa diễn ra, bà Hà được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bà Huỳnh Nữ Thu Hà sinh năm 1966, quê quán tỉnh Bình Định. Sau khi về UBND tỉnh Gia Lai, bà sẽ phụ trách khối văn hóa xã hội. Mảng này hiện đang được giao cho ông Kpă Thuyên - phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai kiêm nhiệm


TP.HCM kiến nghị thí điểm thành lập cảnh sát du lịch

UBND TP.HCM vừa kiến nghị các bộ, ngành, trung ương cho phép TP thí điểm thành lập cảnh sát du lịch để xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn của du khách, góp phần phát triển ngành du lịch TP.

UBND TP cũng kiến nghị tiếp tục ban hành chính sách mở rộng diện các quốc gia được Việt Nam miễn thị thực đơn phương và kéo dài thời gian miễn thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam nhằm kích cầu du lịch. Ngoài ra, có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư phát triển các trung tâm mua sắm quy mô lớn để thu hút phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng, sự kiện), du lịch mua sắm. 


Sai phạm nghiêm trọng của nhiều công ty con thuộc Tổng công ty Sông Đà

du an nha o xa hoi tai 143 tran phu lo nhieu sai pham - anh: ngoc thang

Dự án nhà ở xã hội tại 143 Trần Phú lộ nhiều sai phạm - Ảnh: Ngọc Thắng


Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, nhiều công ty con thuộc Tổng công ty Sông Đà bị phát hiện không ít sai phạm khi thực hiện thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong cổ phần hóa, quản lý, sử dụng vốn, tài sản.
Cụ thể, tại Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà (SDU) tồn tại khoản tiền ghi là “tạm ứng cá nhân” chưa được quyết toán lên đến hơn 12,9 tỉ đồng. Tại dự án nhà ở xã hội 143 Trần Phú, Q.Hà Đông (Hà Nội) do SDU triển khai, dự toán tính thêm chi phí vận chuyển lên cao đối với gạch xây, vữa xây không phù hợp định mức của quy định pháp luật, dẫn đến tăng sai số tiền hơn 1,6 tỉ đồng; trong việc lắp đặt ống cấp nước lạnh cũng tính thêm chênh lệch khiến tăng vốn đến hơn 536 triệu đồng.
Thanh tra yêu cầu SDU phải giảm trừ dự toán số tiền hơn 2,1 tỉ đồng và tiếp tục nộp về ngân sách nhà nước số tiền nợ thuế của năm 2014 là trên 14,3 tỉ đồng. Riêng cá nhân ông Hoàng Văn Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SDU bị phát hiện trong năm 2014 đã ký ban hành 38 nghị quyết nhưng không có sự tán thành của đa số thành viên HĐQT công ty.
Tại Công ty CP đầu tư phát triển Sông Đà (IDC), Thanh tra yêu cầu phải quyết toán số tiền hơn 5,6 tỉ đồng tạm ứng cá nhân đã tồn tại nhiều năm; đồng thời có phương án thu hồi hơn 4,3 tỉ đồng đầu tư vào Công ty CP Sông Đà Ban Mê hiện đang làm thủ tục phá sản. Công ty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà cũng bị yêu cầu cơ cấu lại vốn đầu tư không hiệu quả tại 4 đơn vị với số tiền hơn 18,5 tỉ đồng.
Đáng chú ý, nhiều công ty thủy điện trực thuộc cũng bị Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện làm ăn bê bối. Cụ thể, Công ty thủy điện Nậm Chiến (H.Mường La, Sơn La) nợ quá hạn khoản vốn vay ODA hơn 179,4 tỉ đồng để nhập máy móc thiết bị. Tổng mức đầu tư điều chỉnh áp sai đơn giá máy, đơn giá bê tông... dẫn đến tăng tổng mức đầu tư lên hơn 144,5 tỉ đồng. Công ty này cũng bị phát hiện không thực hiện một số văn bản của Thủ tướng dẫn đến chi phí đầu tư sai tăng số tiền hơn 47 tỉ đồng. Tại Công ty CP điện Việt Lào, Thanh tra phát hiện nợ quá hạn 6 đơn vị khác với số tiền hơn 372,4 tỉ đồng. Còn tại Công ty thủy điện Nậm He (H.Mường Trà, Điện Biên) thực hiện dự án thủy điện Nậm He đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ tháng 6.2014, tuy nhiên sau 12 tháng dự án vẫn chưa quyết toán...

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục