Các quận, huyện tiến hành rà soát, chấn chỉnh ngay những biển báo giao thông bất hợp lý, có tính gài bẫy người đi đường.
Tin trong nước đọc nhanh tối 29-02-2016
- Cập nhật : 29/02/2016
Hơn 15.600 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tính từ đầu năm
Theo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trong hai tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 15.605 lao động (trong đó có 6.695 lao động nữ), đạt 15,61% kế hoạch năm 2016 và bằng 90,69% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo từ các doanh nghiệp cho thấy, chỉ riêng trong tháng 2/2016, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 6.978 lao động (3.387 lao động nữ). Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tiếp nhận nhiều lao động nhất với 3.963 lao động (1.775 lao động nữ), tiếp theo là Nhật Bản 2.215 lao động, Hàn Quốc: 57 lao động, Malaysia: 503 lao động, Saudi Arabia 118 lao động, Macau 29 lao động và các thị trường khác.
Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) liên tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong một vài năm gần đây. Năm 2015, số lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) là hơn 67.000 người. Cũng trong năm 2015, Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam làm việc tại hai nghề khán hộ công gia đình (chăm sóc người già, người bệnh tại nhà) và thuyền viên tàu cá đánh bắt gần bờ mở ra cơ hội tiếp tục tăng về số lượng lao động đi làm việc tại thị trường này.
Để đảm bảo thực hiện tốt việc đưa lao động sang Đài Loan (Trung Quốc) làm khán hộ công và thuyền viên tàu cá đánh bắt gần bờ, Cục Quản lý Lao động ngoài nước yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thời gian đào đạo. Đặc biệt, doanh nghiệp phải đảm bảo yêu cầu không bị xử phạt vi phạm hành chính do đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, không có vụ việc nghiêm trọng phát sinh kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động.
Mặt khác, để chấn chỉnh việc doanh nghiệp thu phí của người lao động đi Đài Loan (Trung Quốc) sai quy định, giữ lương và khấu trừ tiền ăn-ở từ lương của người lao động, trong những năm gần đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã xử phạt hành chính và tạm dừng hoạt động của hơn 40 công ty xuất khẩu lao động đi Đài Loan (Trung Quốc).
Hoạt động của tham tán thương mại: Cánh tay nối dài của Chính phủ
Việt Nam có 56 Thương vụ và 7 chi nhánh tại các khu vực châu Á, châu Âu, Tây Phi, Tây Á - Nam Á và khu vực châu Mỹ. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
“Năm 2015, nếu không nhờ kênh tham tán thương mại ở nước ngoài thì xoài Cát Chu tại Đồng Tháp khó có thể xuất khẩu sang Nhật, trái nhãn tươi cũng khó mà vào được thị trường Mỹ. Các đơn hàng xuất khẩu thủy sản cũng nhận được sự hỗ trợ đáng kể của các đại diện thương mại nước ngoài”, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ tại tổng kết Công tác thị trường nước ngoài trong khuôn khổ Hội nghị Tham tán Thương mại 2016 diễn ra 26/2/2016 tại Hà Nội.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Tháp năm 2015 đạt 777 triệu USD trong bối cảnh mặt hàng chủ lực là gạo và thủy sản bị giảm về giá, khiến giá trị xuất khẩu gạo chỉ còn 100 triệu USD, cá tra 615 triệu USD…
Theo ông Phong, với sự nỗ lực của doanh nghiệp tại Đồng Tháp và nếu nhận được sự thông tin, hướng dẫn kịp thời, cụ thể từ phía các thương vụ, hàng hóa của doanh nghiệp tại địa phương sẽ có cơ hội đến với nhiều thị trường xuất khẩu hơn và thu về giá trị lớn hơn, chứ không dừng ở kết quả như 2015.
Mong muốn gia tăng xuất khẩu, được tư vấn cụ thể về các mặt hàng xuất khẩu mà nước sở tại có nhu cầu cao, nhưng theo ông Phong, bản thân các doanh nghiệp tại Đồng Tháp cũng rất hiểu, bởi lực lượng tham tán thương mại hiện đang rất mỏng về nguồn lực cũng như bị hạn chế về kinh phí hoạt động, phương tiện đi lại không chủ động…
“Chúng tôi được biết, Bộ phận Thương vụ tại một số thị trường chỉ có 1 người, nhưng còn phải đảm nhiệm công việc của Cơ quan đại diện giao, có muốn cũng khó mà giúp các doanh nghiệp trong nước kết nối với đối tác nhập khẩu”, ông Phong nói.
Bộ Công thương cho biết, tính đến nay, Việt Nam có 56 Thương vụ và 7 chi nhánh tại các khu vực châu Á, châu Âu, Tây Phi, Tây Á - Nam Á và khu vực châu Mỹvới 147 biên chế, nhưng thực tế có mặt chỉ là 127 biên chế.
Đại diện cho Cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam đã tham gia vào một loạt các FTA thế hệ mới, thì điều doanh nghiệp mong mỏi là các Thương vụ cần thông tin chi tiết, cập nhật về các thị trường TPP và các thị trường châu Âu. Đây đều là những thị trường quan trọng của thủy sản, dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ… trong nhiều năm tới.
Không chỉ bó gọn trong việc kết nối xuất khẩu, mà Thương vụ hãy thể hiện nhiệm vụ là “cánh tay nối dài của Chính phủ”, với những tham mưu về chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, định hướng sản xuất chủng loại sản phẩm/mặt hàng có ưu thế cạnh tranh…
“doanh nghiệp sẵn sàng trả kinh phí cho các cơ quan Thương vụ nước ngoài, nếu Thương vụ cung cấp dịch vụ, thông tin ngành hàng, cảnh báo doanh nghiệp trong trường hợp hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, hỗ trợ doanh nghiệp trong những tranh chấp thương mại…”, ông Lộc cho biết thêm.
Đơn cử với thị trường Mỹ, một trong những thị trường xuất khẩu lớn của nhiều hàng hóa trong nước, cũng là thị trường chủ lực khối TPP, ngay từ lúc này, doanh nghiệp mong muốn các Tham tán thương mại kết nối họ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Mỹ, vì đây là đối tượng làm ăn phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước và chính các doanh nghiệp Mỹ cũng thiếu thông tin về các nhà sản xuất trong nước, đại diện VCCI đề nghị.
Liên quan đến triển vọng tăng nhanh xuất khẩu hàng hóa sang TPP, EVFTA, VKFTA…, ông Đào Trần Nhân, Tham tán Công sứ thương mại tại Mỹ cho rằng, các hiệp định thương mại đã được ký kết sẽ tạo ra cơ hội mới cho xuất khẩu, cho các ngành sản xuất của Việt Nam. Trong số 11 nước sẽ tham gia TPP, xuất khẩu vào Hoa Kỳ của Việt Nam đứng đầu về mặt hàng dệt may và da giày.
Rõ ràng, cơ hội tăng xuất khẩu với 2 mặt hàng này là rất lớn, nếu nhìn vào mức thuế mà dệt may và da giày Việt Nam đóng thuế trong xuất khẩu. Năm 2014, Việt Nam phải đóng thuế gần 1,68 tỷ USD cho mặt hàng dệt may vào Mỹ, chiếm tới 3/4 tổng số thuế Mỹ thu được tại tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Với ngành da giày, theo ông Nhân, hàng năm Mỹ dùng 2,5 tỷ đôi giày, thuế thu từ giày hơn 2,7 tỷ USD. Theo tính toán của Hiệp hội Giày dép Hoa Kỳ, khi TPP thực thi, Việt Nam sẽ tăng xuất giày dép thêm 32%.
Năm 2015, xuất khẩu ngành da giày lần đầu tiên đã có sự thay đổi, khi EU sau nhiều năm là thị trường lớn nhất đã phải “nhường ngôi” cho thị trường Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách, ô dù… sang Mỹ đã chạm gần 5 tỷ USD.
Trên thực tế, sự “vênh” nhau giữa doanh nghiệp trong nước và Thương vụ ở nước ngoài đang là vấn đề được cả hai phía nêu nhiều nhất tai các kỳ Hội nghị tham tán thương mại. Trong khi nhiều Thương vụ “kêu” về hệ thống cung cấp thông tin từ trong nước còn yếu, chưa kịp thời và đầy đủ, thì doanh nghiệp cũng phàn nàn về thiếu thông tin từ các thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận được vai trò của các tham tán thương mại trong việc hỗ trợ xuất khẩu và càng hội nhập sâu, tham gia nhiều hơn các FTA, doanh nghiệp càng cần hơn những tư vấn về sản xuất chủng loại hàng hóa nào phù hợp, khuyến cáo về hàng khó cạnh tranh… để giảm thiểu rủi ro khi đưa hàng hóa đi xuất khẩu.
Thông tin mới nhất từ Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Nguyễn Trung Dũng đang là tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả. Ông Dũng cho hay, năm qua, trái xoài Việt Nam đầu đã đưa được vào siêu thị Aeon, Chiba để bán cho người Nhật. Nếu đưa được hàng hóa vào thị trường khó tính thì sẽ vào được các thị trường khác.
“Tôi nghĩ rằng, bên cạnh nỗ lực của tham tán, công tác xúc tiến thương mại cần phải được đổi mới để thêm nhiều trái cây chất lượng ở trong nước hiện diện tại Nhật. Nếu khâu xúc tiến thương mại được làm tốt hơn, cộng với sự hỗ trợ từ Tham tán tại Nhật, sẽ giúp người dân thu về giá trị gia tăng cao”, ông Dũng đề nghị.
Dự án BOT Quốc lộ 1 qua Quảng Bình: Kết luận nhiều sai sót của Tasco
Dấu ấn “xám”
Cho đến thời điểm này, trong số các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ được Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán thì Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km597+549 - Km605 và đoạn Km617 - 641, tỉnh Quảng Bình theo hình thức hợp đồng BOT có kết quả vào loại “tối” nhất.
Đây là dự án do Công ty cổ phần Tasco - một trong những đơn vị có kinh nghiệm làm các công trình hạ tầng theo hình thức xã hội hóa, làm nhà đầu tư; Ban quản lý dự án 6 được giao làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Tasco chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, trong đó có hạng mục thí điểm công nghệ thu phí không dừng, cân tải trọng xe. Ảnh: Đức Thanh
Dự án có mục tiêu nâng cấp 30 km Quốc lộ 1 từ 2 làn lên 4 làn xe, bề rộng nền đường 20,5m, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 2.004 tỷ đồng. Theo Thông báo số 142/TB - KTNN vừa được Kiểm toán Nhà nước ban hành, “dấu ấn” mà Tasco để lại tại Dự án là khá quan ngại.
Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, trong phần công địa tại Dự án có tới 6 đoạn đường bê tông asphalt đã bị hư hỏng, lằn lún vệt có độ sâu lớn hơn 2,5 cm với tổng diện tích 15.600 m2. Tính đến giữa tháng 10/2015 - thời điểm Kiểm toán bắt đầu vào cuộc và sau 4 tháng thông xe, Tasco mới “chữa cháy” bằng cách cào tạo phẳng đảm bảo giao thông 6.200 m2, phần còn lại chưa được xử lý.
Công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng do Tasco thực hiện cũng được phát hiện là có khá nhiều “sạn”. Kiểm toán Nhà nước cho rằng, đối với các gói thầu xây lắp, quá trình thực hiện đã không thực hiện đầy đủ Quyết định số 58/QĐ - Tasco ngày 22/7/2013 (kế hoạch này đã báo cáo Ban quản lý dự án 6 và Bộ GTVT theo quy định của Hợp đồng BOT).
Trong số các phân đoạn tại Dự án, chỉ có đoạn Km617 - Km625 + 300 được thi công bởi Công ty cổ phần Xây dựng Tasco (Công ty con của Tasco), các đoạn còn lại, nhà đầu tư đã giao cho một số đơn vị khác như: Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí PVC Trường Sơn thi công đoạn Km597 + 549 - Km600; Công ty cổ phần Hùng Đức thi công đoạn Km600 - Km650; Công ty cổ phần Bắc Phương thi công đoạn 626 + 700 - Km632…
Đối với các gói thầu thiết bị, Tasco thậm chí còn tổ chức thực hiện khi chưa lập, thẩm định phê duyệt kế hoạch đấu thầu và lựa chọn nhà thầu; chưa gửi thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu cho Bộ GTVT theo quy định khoản 21.1, điều 21 của Hợp đồng số 12818/HĐ.BOT - BGTVT được ký với Bộ GTVT vào ngày 28/11/2013.
“Trách nhiệm này thuộc về Công ty cổ phần Tasco và đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là Ban quản lý dự án 6”, Phó tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành kết luận.
Nguy cơ thất thoát phí
Được biết, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện giảm trừ số tiền 3,5 tỷ đồng; trong đó sai khối lượng là 1,96 tỷ đồng, sai định mức là 0,55 tỷ đồng, sai đơn giá là 0,98 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sai sót là do trong quá trình nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu, tư vấn giám sát, Tasco đã “lỏng tay” trong việc kiểm soát khâu tính toán lại khối lượng theo hồ sơ hoàn công. Đặc biệt, qua kiểm tra công tác quản lý lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí, Kiểm toán phát hiện quy định hiện hành của Nhà nước để quản lý số lượng phương tiện qua trạm thu phí chưa đầy đủ, không đảm bảo chặt chẽ.
Theo Kiểm toán Nhà nước, việc xác định chỉ tiêu lưu lượng phương tiện trong quá trình lập phương án tài chính chỉ căn cứ vào kết quả khảo sát thực tế trong vòng… 2 ngày của đơn vị tư vấn, trong khi lưu lượng xe lưu thông thực tế trên các tuyến đường trong các ngày là khác nhau, không có quy luật, phụ thuộc vào nhu cầu, thời tiết. Đó là chưa kể đến việc, có rất nhiều phương tiện cá nhân qua trạm thu phí không lấy vé, do vậy có rủi ro tiềm tàng khá lớn về số liệu báo cáo tài chính liên quan đến số lượng phương tiện và doanh thu thực tế của doanh nghiệp thu phí.
Được biết, vào tháng 10/2015, Bộ GTVT đã có quyết định giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương xây dựng biện pháp quản lý, kiểm soát, giám sát chống thất thoát doanh thu tại trạm thu phí BOT. Tuy nhiên, cho đến thời điểm Kiểm toán Nhà nước ra thông báo kết luận, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường bộ vẫn chưa thực hiện yêu cầu này.
Đối với các sai sót, tồn tại của Dự án, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ GTVT yêu cầu Tasco rút kinh nghiệm trong việc chưa thực hiện đầy đủ quy định đối với công tác lựa chọn nhà thầu; tiến hành giảm thanh toán 3,5 tỷ đồng khi quyết toán.
Điều đáng lưu ý là Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT bị đề nghị kiểm điểm trách nhiệm do chưa đưa ra được các giải pháp khắc phục triệt để việc thiết kế cơ sở có cao độ mặt đường cao hơn cao độ nền nhà dân bên đường tại một số đoạn tại Dự án.
“Các đơn vị liên quan phải báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị về Kiểm toán Nhà nước trước ngày 30/6/2016”, ông Thành yêu cầu.
Quảng Ngãi xây dựng quy hoạch chi tiết KCN Đồng Dinh
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan đề xuất giải pháp để đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải tập trung; đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật về môi trường tại các khu công nghiệp của tỉnh.
.Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý bổ sung Khu công nghiệp Đồng Dinh, tỉnh Quảng Ngãi, diện tích 150 ha vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp cả nước.Khu công nghiệp Đồng Dinh dự kiến sẽ phát triển các ngành chế biến thủy sản, bao bì, giấy, công nghệ thực phẩm…
Theo Trung tâm xúc tiến đầu tư Quảng Ngãi, Cụm Công nghiệp Làng nghề Đồng Dinh cách thành phố Quảng Ngãi 8km về phía Tây, đến nay tỷ lệ lấp đầy hơn 70%. Hiện tại, có 12 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 7 dự án đi vào hoạt động, với các ngành nghề sản xuất chính như: Chế biến gỗ, nha công nghiệp, phụ gia phân bón và thức ăn gia súc, sản xuất ván ép, chế biến lâm sản, tơ tằm,...
Bình Định đầu tư 200 tỷ đồng xây dựng Khu du lịch biển Casa Marina Island
Các sở, ngành của tỉnh Bình Định đã đồng thuận cao trong việc hỗ trợ cho Công ty cổ phần Đầu tư Trường Thành Quy Nhơn thực hiện Dự án, cũng như từng bước giải quyết những khó khăn mà nhà đầu tư đang vướng mắc cần tháo gỡ hiện nay.
Trước đó, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho Công ty cổ phần Đầu tư Trường Thành Quy Nhơn khảo sát nghiên cứu lập dự án đầu tư Khu du lịch biển Casa Marina Island tại đảo Hòn Đất và đảo Hòn Ngang, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn.
Theo hồ sơ dự án, Khu du lịch biển Casa Marina Island có tổng vốn đầu tư 200 tỉ đồng. Tổng diện tích dự án là 41,3 ha. Trong đó, đảo Hòn Đất có diện tích 28,5 ha và đảo Hòn Ngang 12,8 ha. Dự kiến tháng 8/2018 dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.
Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trên đảo gồm các hạng mục: Quần thể nhà hàng, bungalow, cầu tàu du lịch, các dịch vụ thể thao leo núi và lặn biển, kết hợp nuôi trồng và bảo tồn sinh vật biển…
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư có giải pháp phương án đầu tư hạ tầng điện, nước; cải tạo và phát triển thảm thực vật tại các đảo nhằm phục vụ cho dự án; có giải pháp kết hợp với người dân khai thác nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho dự án; đồng thời nhà đầu tư khi triển khai dự án, phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về đất đai, xây dựng, đảm bảo môi trường và các vấn đề liên quan khác theo quy định hiện hành.