Tận dụng diện tích, nguồn cỏ ở bãi bồi ven sông Hồng, ông Dương Tiến Sử (69 tuổi, ở P.Yên Phụ, Q.Tây Hồ, Hà Nội) đã mạnh dạn đầu tư nuôi cừu và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tin trong nước đọc nhanh 15-02-2016
- Cập nhật : 15/02/2016
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dự hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dự hội nghị từ ngày 15/2 đến 16/2 tại Sunnylands, bang California. Thủ tướng đến theo lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Ông Obama mời riêng từng lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tới Sunnylands khi dự cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN tháng 11 năm ngoái ở Malaysia. Sự kiện lần này sẽ có sự tham gia của ông Obama, lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN.
Các bên tham gia hội nghị thượng đỉnh dự kiến thảo luận các vấn đề hợp tác an ninh chính trị và kinh tế ASEAN - Mỹ và trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế. Họ cũng dự kiến bàn về biến đổi khí hậu và buôn người.
Đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ, khi Mỹ tổ chức cuộc họp thượng đỉnh với ASEAN. Đây còn là cuộc họp đầu tiên của các nước thành viên ASEAN với Mỹ với tư cách các đối tác chiến lược, theo trợ lý ngoại trưởng Philippines Maria Hellen Barber-Dela Vega.
Tàu đang chạy, hành khách lao xuống biển mất tích
Tăng thu ngân sách, TP.HCM sẽ được thưởng
Nhằm tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính đối với TP.HCM.
Theo dự thảo, tới đây TP.HCM sẽ được bổ sung một số cơ chế tài chính nhằm có thêm nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển TP.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất hằng năm, trường hợp tổng thu ngân sách trung ương tăng so với dự toán Quốc hội quyết định và thu ngân sách trung ương trên địa bàn tăng so với dự toán giao cho TP, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định mức thưởng và bổ sung có mục tiêu từ số tăng thu ngân sách trung ương.
Đồng thời hằng năm, trường hợp số thực hiện thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP tăng so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, ngân sách TP được thưởng một phần nhưng không quá 30% số tăng thu này và không vượt quá số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước.
Thêm nữa, hằng năm TP được bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương một phần không quá 70% tổng số tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Mặt khác, căn cứ vào mức thưởng và số bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND TP báo cáo HĐND TP quyết định sử dụng để đầu tư xây dựng các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng; trả nợ các khoản vay đầu tư phát triển; thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và thưởng cho ngân sách cấp dưới.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho TP có nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng, Bộ Tài chính cũng đề xuất trường hợp cần thiết vay để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng mà mức dư nợ vay của TP vượt quá quy định, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Dự kiến nội dung nêu trên sẽ được áp dụng từ năm 2017.
Cuối tháng 1, TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ thưởng khoảng 10.000 tỉ đồng do vượt kế hoạch thu ngân sách năm 2015. Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Quang Hải - thứ trưởng Bộ Tài chính - cho biết Bộ Tài chính đang xem xét và sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc này.
Số tiền thưởng và đầu tư trở lại cho TP.HCM bao nhiêu còn phải cân nhắc khả năng ngân sách trung ương. Trung ương sẽ đầu tư trở lại cho TP với điều kiện có tiền.
Ðường sắt đô thị: Cấp thiết cho giao thông Thủ đô
Các chuyên gia khẳng định, đường sắt đô thị phải có ở mỗi thành phố trên 1 triệu dân. Mỗi tuyến tàu đô thị có năng lực vận tải gấp 100 lần xe buýt mà không gây ùn tắc... Do vậy, việc phát triển đường sắt đô thị là cực kỳ quan trọng và cấp thiết trong việc giảm tải áp lực giao thông Thủ đô.
Giải pháp căn cơ giảm ùn tắc giao thông đô thị
Cùng với quá trình đô thị hóa, dân số của thành phố Hà Nội đã tăng lên nhanh chóng. Tính đến năm 2015, Hà Nội có hơn 8 triệu dân, với trên 50% dân số sống trong nội thành. Song song với tăng trưởng dân số, quá trình cơ giới hóa, sở hữu xe cá nhân cũng diễn ra nhanh chóng. Theo tính toán của UBND thành phố, hiện nay bình quân hàng tháng trên địa bàn thành phố Hà Nội có 18.000 - 20.000 xe máy đăng ký mới và từ 6.000-8.000 ôtô đăng ký mới. Với tốc độ này, thì đến năm 2020, Hà Nội có gần 1 triệu ôtô (chưa kể ô tô của các lực lượng vũ trang), 7 triệu xe máy.
Trong khi đó, mạng lưới hạ tầng giao thông của Hà Nội không đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại về mặt mật độ, khả năng kết nối và các tiêu chuẩn kỹ thuật. Ðường bộ tại các vùng ngoại thành không chỉ thiếu về mặt số lượng mà còn cấu hình mạng lưới chưa thích hợp. Do cơ sở hạ tầng đường bộ nghèo nàn và thiếu các hệ thống trung chuyển nhanh khối lượng lớn, phần lớn các hoạt động xã hội trong trung tâm thành phố dựa trên giao thông bằng phương tiện cá nhân gây ra tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng, đặc biệt vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều.
PGS.TS Phạm Văn Ký, Bộ môn Xây dựng Ðường sắt, Ðại học Giao thông Vận tải cho biết, với một thành phố có 8 triệu dân, cho xe buýt, ô tô, xe máy chạy cùng nhau khiến giao thông bị hỗn loạn. Xe buýt đang là phương tiện vận chuyển chủ lực, nhưng năng lực tối đa cũng chỉ đạt 10.000 lượt/ giờ. Trong khi đó theo số liệu quy hoạch, 5 năm tới, Hà Nội có khoảng 25.000 - 50.000 lượt người/giờ. Trên thế giới, chỉ có một phương pháp duy nhất để giải bài toán giao thông này, đó chính là metro - tàu điện ngầm hoặc đường sắt nhẹ.
Ðường sắt đô thị (ÐSÐT) với ưu điểm là năng lực vận chuyển lớn, chiếm ít diện tích, chi phí thấp, không ảnh hưởng đến các làn đường giao thông khác. Cùng với đó, đường sắt có thế mạnh về vận chuyển lớn, vận hành an toàn và chạy theo đúng lịch trình. Mỗi tuyến tàu điện ngầm, tàu điện đô thị có năng suất gấp 100 lần xe buýt mà không gây ùn tắc, mỗi xe buýt năng lực vận chuyển gấp hàng chục lần với ôtô con và xe máy... Việc phát triển ÐSÐT là cực kỳ quan trọng trong việc giảm tải áp lực giao thông Thủ đô.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, phát triển mạng lưới giao thông công cộng dù còn nhiều khó khăn nhưng là đòi hỏi tất yếu của thành phố văn minh, hiện đại. Thực tế cho thấy, người dân tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới cho dù có thu nhập cao nhưng vẫn lựa chọn các phương tiện vận tải hành khách công cộng như tàu điện, xe buýt làm phương tiện di chuyển chính trong cuộc sống hàng ngày.
Phát triển phương tiện công cộng sẽ tự giúp hạn chế phương tiện cá nhân. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm, ÐSÐT đang trên “bệ phóng”, chuẩn bị tham gia vào quỹ đạo giao thông của thành phố. Những tuyến ÐSÐT Nhổn - Ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Ðông… sắp cán đích trong sự kỳ vọng lớn lao của chính quyền, nhân dân toàn TP Hà Nội.
Ðường sắt đô thị: Phương tiện thân thiện của mọi người
Ông Nguyễn Quang Mạnh, Giám đốc BQL Ðường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đến nay dự án ÐSÐT Nhổn - Ga Hà Nội (giai đoạn 1) đang được triển khai thi công khu vực Depot và tuyến trên cao , khu vực tuyến ngầm dự kiến bắt đầu thi công từ quý I/2016. Theo kế hoạch, tuyến ÐSÐT số 3 được đưa vào khai thác vận hành vào năm 2019.
Sau khi hoàn thành, đây là 1 trong 2 trục giao thông có lưu lượng hành khách lớn nhất thành phố: Dự báo tuyến đường này đến năm 2020 sẽ thu hút được 488.000 hành khách/ngày (16.500 hành khách/giờ/hướng). Theo tính toán, với lợi thế vượt trội về khả năng chuyên chở, đến năm 2020 hệ thống ÐSÐT sẽ góp phần đưa tỷ lệ đảm nhận của hệ thống vận tải hành khách công cộng lên 20% - 30%.
Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội năm 2020 xác định, tầm nhìn xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành “Thành phố Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Mục tiêu đặt ra là nâng cao hệ thống giao thông vận tải công cộng bao gồm xe buýt nhanh (BRT), ÐSÐT… Trong quy hoạch chung, 8 tuyến đường sắt đô thị đã được phê duyệt. Hệ thống ÐSÐT được kỳ vọng sẽ là “xương sống” của giao thông vận tải thành phố, gắn kết với xe buýt và các phương thức vận tải công cộng khác, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của các khu vực xung quanh nhà ga.
Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), trong tổng diện tích cần GPMB là 19,59 ha, hiện đã hoàn thành thu hồi Depot, tuyến, ga trên cao với diện tích 18,01 ha (chiếm 90% diện tích). Còn lại 1,58 ha diện tích GPMB các ga ngầm cũng được Ban Quản lý ÐSÐT Hà Nội phối hợp với UBND các phường công khai tài liệu Kế hoạch hành động tái định cư. UBND thành phố chấp thuận bố trí quỹ nhà tái định cư cho các ga ngầm tại khu N07 Dịch Vọng, quận Cầu Giấy và khu ao Hoàng Cầu.
Khi hình thành các nhà ga, hành khách có thể tiếp cận nhà ga thông qua phương tiện như xe buýt có bến đỗ gần nhà ga hoặc đi bộ. Ðối với nhà ga trên cao, hành khách có thể đi thang bộ, thang máy và thang cuốn để di chuyển tới tầng trung chuyển để lên tàu. Trong tương lai, dự kiến khu vực lân cận nhà ga sẽ được phát triển và quảng bá cùng các trung tâm thương mại, kinh doanh và khu dân cư để hành khách có thể tận hưởng các hoạt động từ mua sắm tới ẩm thực... Toàn bộ các nhà ga sẽ được thiết kế phù hợp và an toàn cho mọi hành khách, bao gồm cả hành khách khuyết tật, phụ nữ mang thai, người cao tuổi và trẻ em. Cơ sở thiết bị nhà ga sẽ được thiết kế dựa trên khái niệm “Thiết kế cho tất cả mọi người”.
Khi xây dựng xong, hệ thống ÐSÐT sẽ đóng vai trò chính trong hệ thống vận tải công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn. Vừa có chức năng gắn kết với các khu đô thị, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch, trường học. Thiết lập một phương thức vận tải giao thông mới cho thành phố hiện đại trong tương lai tại Việt Nam; thúc đẩy sự chuyển đổi từ hình thức và thói quen sử dụng phương tiện cá nhân sang việc sử dụng loại hình vận tải công cộng.
Tuyến ÐSÐT số 3 giai đoạn 1 kéo dài 12,5 km, chạy từ ga Nhổn đến ga Hà Nội trong vòng 20 phút. Tàu sẽ chạy với tần suất 3 phút một lần nhằm cung cấp dịch vụ tiện lợi và đúng giờ cho hành khách. Ðây là tuyến kết nối khu đô thị phía Tây với khu vực đô thị trung tâm thành phố sang khu vực phía Nam thành phố. Trong tương lai, Tuyến số 3 sẽ kéo dài tới Hoàng Mai ở phía Nam thành phố.
Bộ trưởng Văn hóa kiểm tra đột xuất các lễ hội sau tết
Chiều 13-2, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết nội dung trên.
Cụ thể, từ tháng 1, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã ký quyết định thành lập các đoàn kiểm tra do Bộ trưởng và các thứ trưởng trực tiếp làm trưởng đoàn sẽ đi kiểm tra các hoạt động văn hóa vui chơi giải trí và công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016 tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo đó, từ ngày 16-2 đến 31-3, các đoàn kiểm tra sẽ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất (không theo kế hoạch) nhằm kiểm tra các lễ hội tại các tỉnh, thành để đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ VH-TT&DL về tổ chức các hoạt động văn hóa vui chơi giải trí... :"Không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trong đó thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam, cụ thể: Mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo…".
Thanh tra Bộ có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về quản lý và tổ chức lễ hội theo thẩm quyền.
Trong một diễn biến khác, theo VNN, trong sáng 13-2 (mùng 6 tết Bính Thân), lễ hội truyền thống làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) bắt đầu. Khác với mọi năm, năm nay việc chém lợn ở đây không còn diễn ra công khai giữa sân đình và tuân thủ thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL.Theo đại diện BTC, lễ chém lợn làng Ném Thượng, các cụ trong làng cùng đại diện các ban, ngành thống nhất không thực hiện nghi lễ chém lợn giữa sân đình như mọi năm. Một số cụ cao niên trong làng khi được hỏi cũng cho rằng “dù chưa đúng với nghi lễ xưa nhưng thực hiện như năm nay cũng đã thể hiện nét văn hóa, văn minh trong lễ hội”.
Các lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) có tục chém lợn, lễ hội Cầu trâu (Hương Nha, Phú Thọ) có tục dùng búa đập vào đầu trâu đến chết, lễ hội đâm trâu (Tây Nguyên)… đều nằm trong nhóm có yếu tố bạo lực. Theo Thông tư 15, nếu không thay đổi cho phù hợp, các lễ hội này sẽ không được tổ chức và bị xử phạt theo Nghị định 158 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.