Đà Nẵng đồng ý cho 300 lao động Trung Quốc vào làm việc
Người dân được chọn doanh nghiệp xây dựng lại chung cư
Trung tá Lê Hoàng Ngân, 33 tuổi làm Phó giám đốc Công an Đồng Nai
Hai Phó ban Nội chính giữ nhiệm vụ mới ở Quốc hội
Sẽ tăng dân ở Trường Sa khi hạ tầng nâng lên
“Bẫy” chết người ven kênh
- Cập nhật : 15/11/2015
(Thoi su)
Từ khi được cải tạo, chỉnh trang đến nay, các tuyến kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Kênh Đôi, Kênh Tẽ... đã dần trở thành điểm hóng mát, ngắm cảnh của người dân TP HCM
Tuy đã trở thành nơi thư giãn nhưng những địa điểm trên cũng khiến nhiều người lo ngại vì có những đoạn lan can dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị kẻ gian tháo trộm, nhiều bờ kênh lộng gió không có lan can như Kênh Đôi, Kênh Tẽ hay một số đoạn trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé... lại rình rập gây họa cho người dân, du khách.
Tai nạn rình rập
Cách nay 2 tuần, ông Nguyễn Văn Hải (SN 1955, ngụ quận 3) đã may mắn thoát chết khi hóng mát bên dòng Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Theo lời kể của ông Hải, mỗi sáng, ông thường có thói quen rủ nhóm cán bộ hưu trí ra bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn khu vực quận 3) để tập thể dục. Sáng đó, trong lúc hóng mát, ông vô tình dựa vào lan can bờ kênh thì bất ngờ toàn bộ thanh sắt lọt tỏm xuống dòng nước. May mắn, khi ngã, ông Hải kịp chụp trụ sắt kế bên.
“Nếu lúc đó rơi xuống kênh chắc tôi đã theo ông bà bởi thành kênh không có chỗ bám víu, nước sâu, sức yếu tôi không thể bơi đến nơi có thang sắt để trèo lên. Từng có nhiều người rơi xuống kênh ít phút sau đã chết vì không tìm thấy đường lên” - ông Hải bần thần.
Thực tế đã chứng minh lời ông Hải. Cụ thể, ngày 4-5 vừa qua, sau khi nhậu trở về nhà, bất ngờ ông Mai Văn Tâm (58 tuổi, ngụ phường 19, quận Bình Thạnh) lọt xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Vùng vẫy một hồi không thấy đường lên, không chỗ bám víu, ông Tâm đã chết đuối.
Theo quan sát của chúng tôi, tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các thang sắt bắc từ lòng kênh lên bờ có khoảng cách rất xa, người già, người bơi yếu khó có thể đủ sức bơi tới để bám vịn, cứu thân.
Trở lại vụ lan can gây họa, không phải vị trí ông Nguyễn Văn Hải tập thể dục là nơi duy nhất có hiện tượng bị mất cắp ốc vít. Hiện tại, rất nhiều khung lan can bị xiêu vẹo trên toàn tuyến kênh này, chạy dài từ quận Bình Thạnh đến quận Tân Bình.
Đoạn bị hư hỏng nặng nhất tập trung gần khu vực cầu Kiệu (quận 3). Ở đây, có những đoạn lan can không còn một con ốc vít nào, chỉ cần một lực tác động nhỏ là lan can rơi xuống kênh.
Anh Trần Quốc Thái (SN 1985, ngụ quận 3) cho biết khi chứng kiến những cảnh té kênh vì lan can “yếu”, anh đã không còn dám dẫn con gái 8 tuổi ra bờ kênh đi dạo. “Trẻ em vốn thích dựa, leo trèo, ra đây không để ý là coi như mình hại con” - anh Thái nói.
Dòng kênh Tàu Hủ - Bến Nghé sau cải tạo cũng có vài cái bẫy đối với những ai ra câu cá, hóng mát bởi đoạn kênh này chỗ thì lắp lan can, chỗ thì không khiến tai nạn té kênh xảy ra không ít. Cụ thể, hôm 5-8, lực lượng cứu hộ cứu nạn thuộc Cảnh sát PCCC TP HCM nhận liên tiếp 2 vụ đuối nước xảy ra tại kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, đoạn qua quận 5 và quận 8.
Còn những chỗ không có lan can như ở kênh Đôi, kênh Tẽ thì chỉ cần nhìn cảnh trẻ em vui chơi dọc kênh thôi ai cũng phải lo sợ.
Hứa sẽ sớm khắc phục
Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh lan can kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị xuống cấp, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan trực tiếp xuống hiện trường để kiểm tra và khắc phục. Ông Minh khẳng định: “Chúng tôi sẽ cố gắng làm càng sớm để bảo đảm an toàn cho người dân”.
Về việc các tuyến kênh trên địa bàn TP HCM vẫn chưa được lắp đặt lan can, theo ông Minh, những vị trí trọng yếu thường có người lui tới đã được lắp trước (như kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, chỗ lắp chỗ không - PV). Còn những khu vực khác sớm muộn gì cũng được trang bị nhưng phải dựa vào ngân sách từ UBND TP.
Đại diện Công ty CP Xây dựng Công trình giao thông 610 (đơn vị chủ thầu lắp đặt lan can trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) cho biết hiện tượng mất trộm ốc vít xảy ra thời gian dài, nhiều lần. Mặc dù công ty đã dùng các mối hàn chắc chắn để kẹp lại những con ốc vít nhưng vẫn bị trộm. Vị đại diện này đề xuất: Để ngăn chặn tình trạng trộm ốc vít, bu-lông ở các lan can, cần phải có sự tham gia, giám sát chặt chẽ từ phía công an khu vực.
“Trong thời gian qua đã tốn rất nhiều tiền vào việc sửa chữa, khắc phục tình trạng phá hoại lan can. Hiện nay, trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang khai thác tuyến đường thủy, nếu chẳng may du khách trong và ngoài nước đến đây bắt gặp một vụ té kênh hoặc bản thân du khách gặp nạn mà nguyên nhân chính là do chất lượng lan can gây ra thì quả là khó chấp nhận được” - đại diện công ty đánh giá.
Tai nạn xảy ra rồi mới... theo dõi (?!)
“Chúng cho thuyền tấp vào hành lang neo đậu, giả như những người đi vớt ve chai, khi không ai để ý liền ra tay tháo ốc vít, bu-lông để các khung lan can rời ra khỏi cột; đến khi điều kiện thích hợp sẽ lấy xe máy, xe ba gác đến chở đi bán phế liệu” - ông T., một người dân sống gần cầu Kiệu, kể lại.
Sau khi tiếp nhận thông tin, đại diện Công an phường Tân Định (quận 1) đã tiến hành kiểm tra, thời gian tới sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình an ninh trật tự dọc kênh Nhiêu Lộc.
“Theo nhận định, để có thể trộm ốc vít, bu-lông, đối tượng phải dùng mỏ-lết hoặc dụng cụ chuyên dụng để mở. Nhiều đoạn lan can có ốc vít đã hàn cứng thì bị móp méo xung quanh, rất có thể do các đối tượng dùng búa hay vật cứng đập cho sứt ra” - một cán bộ Công an phường Tân Định nói.
L.Phong - G.Nguyễn