Ninh Thuận đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và làng nghề phát triển, tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa như mong muốn, số lượng làng nghề được công nhận ít, hiệu quả sản xuất thấp.
Đại sứ Đan Mạch: Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn du khách
- Cập nhật : 15/11/2015
(Du lich)
Nữ Đại sứ Đan Mạch đầu tiên tại Việt Nam, bà Charlotte Laursen, cho hay Việt Nam là trong một trong những điểm đến hàng đầu của du khách Đan Mạch, với tỷ lệ du khách tăng 10% hàng năm.
Trong buổi họp báo ra mắt tại Hà Nội ngày 28/9 sau khi trở thành nữ đại sứ đầu tiên của Đan Mạch tại Việt Nam kể từ tháng 8/2015 với nhiệm kỳ 4 năm, bà Laursen cho biết thêm, khoảng 27.000 du khách Đan Mạch đã tới thăm Việt Nam trong năm 2014.
Bà Laursen cho hay bà có mối quan tâm sâu sắc tới đất nước và con người Việt Nam. Tân Đại sứ Đan Mạch cũng không còn xa lạ với Việt Nam, vì từng đảm nhiệm cương vị Phó Đại sứ tại Hà Nội từ 2004-2007.
Bà Laursen công tác tại Bộ Ngoại giao Đan Mạch từ năm 1990. Trước khi nhậm chức Đại sứ tại Việt Nam, bà là Vụ trưởng Vụ chiến lược, chính sách, chất lượng thuộc Bộ Ngoại giao Đan Mạch. Nói về việc trở thành nữ Đại sứ Đan Mạch đầu tiên tại Việt Nam, bà Laursen cho hay vấn đề bình đẳng giới luôn được chú trọng trong xã hội Đan Mạch và hiện 20% các đại sứ của nước này trên khắp thế giới là phụ nữ.
“Tôi rất vui mừng được trở lại Việt nam với cương vị Đại sứ Đan Mạch. Tôi nhìn thấy nhiều thay đổi tích cực ở đất nước này so với cách đây 10 năm, khi tôi còn là Phó trưởng phái đoàn tại Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam”, Đại sứ Laursen nói.
Theo bà Laursen, Việt Nam và Đan Mạch đã trải qua tình bạn lâu dài và sâu sắc kể từ năm 1971, và Việt Nam tiếp tục ở vị trí quốc gia được ưu tiên đối với Đan Mạch. Cùng với Việt Nam, Đan Mạch đã tạo lập được mối quan hệ hợp tác đặc biệt và mạnh mẽ.
Từ năm 1994, Đan Mạch đã hỗ trợ phát triển cho Việt Nam hơn 1,3 tỷ USD. Thông qua sự hỗ trợ này, Đan Mạch đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ ở Việt Nam diễn ra trong những thập niên gần đây. Và mặc dù sự hỗ trợ phát triển của Đan Mạch đối với Việt Nam đang giảm dần, Đan Mạch vẫn ở vị trí là một trong những quốc gia châu Âu dành khoản hỗ trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam.
Trong lĩnh vực thương mại, thương mại song phương đã tăng gần 100% kể từ năm 2010. Cho tới nay, đã có hơn 130 công ty Đan Mạch đang hiện diện tại Việt Nam
Nữ Đại sứ cho rằng, Thỏa thuận đối tác Toàn diện Việt Nam - Đan Mạch và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU đã, đang và sẽ tạo nền móng cho bước chuyển đổi mối quan hệ dựa trên Hợp tác phát triển trở thành mối quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực bao gồm đối thoại về chính trị, thương mại, đầu tư, và hợp tác trong tăng trưởng xanh cũng như giáo dục, thực phẩm, và văn hóa.
Trở lại Việt Nam sau 10 năm, bà Laursen nhận thấy đất nước hình chữ S đã thay đổi mạnh mẽ trong thời gian qua, với nhiều nhà cao tầng, các cơ sở hạ tầng được xây mới, số lượng ô tô lưu thông trên đường nhiều hơn hẳn. Bà cũng nhận thấy một điều thú vị là khi Việt Nam ngày càng phát triển, người dân giờ đây lại có xu hướng quay trở lại sử dụng xe đạp như một phương tiện đi lại ở cự ly gần.
Đại sứ Đan Mạch cũng cho rằng Việt nam cũng cần phải tiếp tục các chương trình cải cách để tránh bị tụt hậu so với các nước, đặc biệt là cải cách về luật, các chính sách kinh tế, cải cách hành chính và giáo dục.
Nữ đại sứ Laursen cho hay, bà biết nhiều người dân Việt Nam biết tới đất nước Đan Mạch qua các câu chuyện cổ tích của nhà văn nổi tiếng Andersen. Nhiều thế hệ trẻ em Đan Mạch cũng như thế giới đã lớn lên cùng các chuyện cổ của Andersen. Tuy nhiên, bà cũng mong người Việt Nam biết đến đất nước của bà nhiều hơn nữa về một xã hội hiện đại; có các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng gió, vận tải biển, đóng tàu, công nghệ xanh; có nền nông nghiệp tiên tiến. Đan Mạch cũng là một trong đất nước hạnh phúc nhất thế giới.
Trong nhiệm kỳ 4 năm tới, bà Laursen mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế với Việt Nam. “Tôi tin rằng Việt Nam và Đan Mạch sẽ bước vào sự hợp tác hiệu quả hơn nữa trong tương lai, và tôi sẽ gắng hết sức mình để đóng góp vào việc củng cố tình hữu nghị giữa hai quốc gia đồng thời thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện hai nước”, bà Laursen nói.