(Doanh nghiep)
Lo ngại dư thừa xăng dầu khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất hoạt động hết công suất, Tập đoàn dầu khí VN (PVN) vừa có đề nghị Thủ tướng Chính phủ có biện pháp hạn chế nhập khẩu xăng dầu, buộc các doanh nghiệp phải sử dụng sản phẩm của hai nhà máy lọc dầu này.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
“Việc thực hiện bao tiêu sản phẩm cho lọc dầu Nghi Sơn là khó khăn rất lớn đối với PVN”, PVN đã nêu lên như vậy trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ. Sở dĩ, PVN phải “cầu cứu” lên tận Thủ tướng vì theo thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ đối với Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, PVN có nghĩa vụ phải bao tiêu toàn bộ sản phẩm xăng, dầu và LPG của nhà máy này.
Không cạnh tranh được...
Ảnh hưởng đến người tiêu dùng
Đáng ra chúng ta cần cân nhắc khi bao tiêu sản phẩm cho dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn. Việc bao tiêu sản phẩm có thể gây ra nhiều khó khăn khi giá bán của họ có thể không rẻ hơn giá nhập khẩu.
Khi đã ký thỏa thuận bao tiêu sản phẩm, chúng ta không thể không thực hiện được vì nếu không sẽ mất uy tín, chưa kể còn nhiều vấn đề phức tạp khác. Nhưng khi ký cam kết không tính đến hiệu quả kinh tế trong trung và dài hạn, sẽ gây ra hệ lụy cho hoạt động kinh doanh xăng dầu, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế
PVN tính toán, khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) vận hành thương mại vào năm 2017 và đạt công suất tối đa vào năm 2018 thì tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường VN đạt khoảng 18,1 triệu m3. Trong khi đó, nhu cầu thị trường nội địa với xăng, dầu diesel và xăng Jet A1 vào năm 2018 chỉ khoảng 17,3 triệu m3. Như vậy tổng cung sẽ vượt cầu khoảng 821.000 m3, riêng sản phẩm dầu diesel sẽ dư khoảng 849.000 m3. Còn sản phẩm xăng các loại và Jet A1 đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.
Tình hình này khiến PVN cho rằng việc thực hiện bao tiêu sản phẩm cho lọc dầu Nghi Sơn là “khó khăn rất lớn đối với PVN”, nhất là khi giá bán sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn sẽ cao hơn đối với xăng dầu nhập khẩu nếu áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do. Khi đó, việc tiêu thụ sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn sẽ rất khó khăn do không cạnh tranh được với xăng dầu nhập khẩu ngay trên thị trường VN.
“Nếu Chính phủ không kiểm soát chặt chẽ lượng xăng dầu nhập khẩu, không có các thay đổi về cơ chế, chính sách trong kinh doanh xăng dầu thì việc tiêu thụ sản phẩm bao tiêu sẽ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro rất lớn” - PVN trình bày.
Vì vậy, PVN kiến nghị trên cơ sở cân đối cung cầu, chỉ cấp quota nhập khẩu sau khi cân đối đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước như Nghi Sơn và Dung Quất để đảm bảo cho các nhà máy lọc dầu này được tiêu thụ an toàn, hiệu quả toàn bộ sản phẩm, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án, đảm bảo an ninh năng lượng.
... nên “ép” doanh nghiệp !?
Bình luận về đề xuất này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng “sẽ khó thực hiện”. Bởi vì theo ông Doanh, các hiệp định thương mại tự do VN đã ký kết về nguyên tắc đều có quy định việc cạnh tranh bình đẳng và không có đặc quyền đặc lợi. “Nếu đề xuất này được chấp thuận, đến khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, những quy định đó chắc chắn bị kiện cáo vì đó là cạnh tranh không bình đẳng. Tốt nhất là lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn phải giảm giá thành để cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu” - TS Lê Đăng Doanh nói.
TS Đỗ Đức Định, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, cho rằng: Không nên quy định doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu phải mua xăng dầu sản xuất trong nước trước rồi mới được nhập khẩu. PVN bao tiêu toàn bộ sản phẩm của Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, lọc dầu Dung Quất cũng do PVN đầu tư, như vậy có thể nảy sinh vấn đề độc quyền trong việc cung cấp các sản phẩm hóa dầu.
GS-TS Đặng Đình Đào, Đại học Kinh tế quốc dân, lưu ý: “Kinh doanh theo cơ chế thị trường cần tính đến lỗ lãi của DN, đó là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, cần tính mức chênh lệch giữa giá xăng dầu sản xuất trong nước và giá nhập khẩu. Nếu giá bán trong nước cao hơn giá nhập khẩu, việc ép DN trong nước phải mua xăng dầu trong nước, người tiêu dùng không được hưởng lợi gì cả do phải sử dụng xăng dầu với giá cao hơn”.
“DN sản xuất xăng dầu trong nước phải tìm cách giảm giá thành để cạnh tranh được với xăng dầu nhập khẩu, chứ không phải là buộc DN trong nước phải sử dụng sản phẩm của mình” - GS-TS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.
TS Đỗ Đức Định khẳng định: “Nhất định phải có cạnh tranh trên thị trường xăng dầu, đồng thời có biện pháp khuyến khích tiêu thụ sản phẩm trong nước bằng cách giảm giá thành, chứ không phải tạo lập sự độc quyền”.
Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn được đầu tư bởi PVN: 25,1%, Công ty dầu khí quốc tế Kuwait (KPI/KPE) 35,1%, Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) 35,1%, Công ty hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI) 4,7%. Đại diện bởi Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP).
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 9 tỉ USD, công suất 10 triệu tấn/năm, dầu thô chế biến được nhập khẩu từ Kuwait. Sản phẩm của nhà máy gồm khí hóa lỏng LPG, xăng (RON 92, 95), dầu diesel (cao cấp, thường), dầu hỏa/nhiên liệu phản lực, nhựa polypropylene, para-xylene, benzene và lưu huỳnh. Dự án khởi công vào ngày 23-10-2013, dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2017.
(Theo Người lao động)