Chủ tịch FPT kể, ông đã đặt câu hỏi với đại diện nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, vì sao họ không sang Việt Nam...
Cuối năm 2015, EVN phải trả hết 3.000 tỷ đồng cho PVN
- Cập nhật : 10/09/2015
(Tin kinh te)
Bộ Công thương cho biết cuối năm nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải trả hết khoản nợ gốc 3.000 tỷ đồng cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Theo văn bản của Bộ Công thương vừa gửi tới Thanh tra Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện Kết luận thanh tra số 2181/2013 về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngày 8/11/2013 cơ quan này đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo phương án xử lý nợ tiền điện của EVN với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Sau khi đồng ý phương án xử lý khoản nợ tiền điện giữa EVN và PVN, Thủ tướng đã giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo hướng dẫn EVN và PVN thực hiện theo quy định.
Ngày 27/12/2013 Bộ Công thương đã có hướng dẫn thực hiện việc xử lý công nợ tiền điện giữa EVN và PVN. Theo đó, tổng số khoản nợ tiền điện của EVN với PVN đến ngày 31/12/2011 là 9.650 tỷ đồng, EVN thực hiện thanh toán cho PVN số tiền là 2.650 tỷ đồng trước ngày 31/12/2013; số tiền điện còn nợ lại 7.000 tỷ đồng của EVN được chuyển thành khoản nợ vay dài hạn đối với PVN. Thời điểm nhận nợ kể từ ngày ký hợp đồng, kỳ hạn trả nợ và lãi suất vay theo biên bản làm việc giữa EVN và PVN năm 2013.
“Lãi tiền vay phát sinh của số tiền nợ 7.000 tỷ đồng kể từ khi EVN ký nhận nợ vay dài hạn với PVN, EVN được phép hạch toán vào giá thành điện hàng năm theo kỳ hạn trả nợ theo hợp đồng đã ký. Không tính lãi đối với khoản nợ 9.650 tỷ đồng của EVN với PVN kể từ khi phát sinh đến thời điểm hai bên ký hợp đồng vay nợ”- Bộ Công thương cho biết.
Bộ Công thương cho biết, tháng 12/2013 EVN đã ký hợp đồng vay với Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam. Theo đó việc thanh toán nợ vay cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đến nay đã được EVN thực hiện như sau: Tổng số tiền vay là 7.000 tỷ đồng; số nợ gốc vay đã trả là 4.000 tỷ đồng; số nợ gốc vay còn phải trả là 3.000 tỷ đồng.
“Số nợ gốc còn phải trả 3.000 tỷ đồng dự kiến đến cuối năm 2015 EVN sẽ trả hết cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam”- Bộ Công thương cho biết.
“Trần tình” việc điều chỉnh giá bán điện
Đối với việc chỉ đạo và thực hiện kiểm điểm, xử lý theo thẩm quyền trong việc không trả lời báo cáo giải trình EVN về giá bán buôn điện bình quân, giá truyền tải điện trong năm 2011 của Cục Điều tiết Điện lực và các tổ chức cá nhân có liên quan, Bộ Công thương cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, trong năm 2011 do hoạt động sản xuất kinh doanh điện bị lỗ, EVN điều chỉnh giá mua bán điện giữa EVN với các đơn vị trực thuộc EVN. Ngoài ra, do tổng các khoản chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện đến hết ngày 31/12/2011 là rất lớn (lỗ chênh lệch tỷ giá là 26.733,53 tỷ đồng và lỗ sản xuất kinh doanh điện lũy kế đến hết ngày 31/12/2011 khoảng 11.200 tỷ đồng), việc EVN điều chỉnh giá bán điện giữa EVN với các đơn vị trực thuộc EVN là cần thiết để đảm bảo cân đối chung tình hình tài chính giữa các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và quản lý ngành.
“Vì vậy để phù hợp với thực tế là hoạt động sản xuất kinh doanh điện bị lỗ và các khoản chi phí còn treo chưa được tính vào giá thành điện năm 2011 còn rất lớn, ngày 19/12/2011 Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 42/2011 quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện, trong đó không quy định cụ thể giá mua điện nội bộ giữa EVN với các Tổng công ty điện lực trực thuộc EVN”- văn bản của Bộ Công thương nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cho biết đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thực tế điều hành giá bán điện giữa EVN với các Tổng công ty điện lực trực thuộc EVN của Bộ Công thương và EVN như trong năm 2011.
Liên quan đến yêu cầu của Thanh tra Chính phủ về việc chỉ đạo EVN đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm các khoản công nợ khi bàn giao EVNTelecom, NPT (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia) và 5 tổng công ty điện lực với các đối tác ngân hàng và EVN, cũng như việc tổ chức kiểm điểm, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ liên quan đến việc đầu tư vào EVNTelecom gây mất vốn nhà nước số tiền trên 2.425 tỷ đồng, Bộ Công thương cho biết Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về việc xử lý sau thanh tra tại EVN. Theo đó, “việc xử lý các vấn đề liên quan đầu tư và chuyển giao EVNTelecom sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét và có quyết định xử lý cụ thể”.