tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh trưa 29-09-2015

  • Cập nhật : 29/09/2015

4 tháng nữa có kịp thoái 17.000 tỷ đồng vốn ngoài ngành?

Theo kế hoạch thực hiện năm 2014-2015, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải thực hiện thoái trên 25.000 tỷ đồng vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, ngân hàng tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư), theo đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, tính lũy kế năm 2014 và 8 tháng 2015 (tính đến 19/8), các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mới chỉ thoái được hơn 8.000 tỷ đồng. 

Như vậy, số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực trên cần phải thoái tiếp đến cuối năm 2015 là hơn 17.000 tỷ đồng, trong khoảng thời gian còn lại là 4 tháng.

Phát biểu trên cổng thông tin Bộ Tài chính về việc thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, ông Trần Văn Hiền, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, cho rằng tiến độ thoái vốn nói trên chưa đáp ứng được yêu cầu của đề án tái cơ cấu, và điều này là do ba nguyên nhân chính.

Thứ nhất, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới ảnh hưởng đến kinh tế trong nước trong đó có thị trường tài chính, thị trường chứng khoán làm nhu cầu sụt giảm, sức mua thấp trong khi số lượng cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước phải cổ phần hóa và thoái vốn nhiều dẫn đến cung vượt cầu.

Thứ hai, từ năm 2011-2013, khi bắt đầu thực hiện đề án tái cơ cấu thì còn một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn.

Thứ ba, nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội, còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa, thoái vốn.

Ngày 7/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 62 về phiên họp thường kỳ tháng 8/2015, trong đó cũng nhấn mạnh yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, rà soát, phân loại và lập phương án tổng thể thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng.

Bộ Tài chính phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả việc triển khai chỉ đạo trên ngay trong tháng 9/2015.


Điều động một Bí thư tỉnh ủy làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa

Với sự đồng ý của Ban Bí thư TƯ Đảng, ông Nguyễn Ngọc Thiện – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

ong nguyen ngoc thien tai dien dan quoc hoi, voi tu cach la bi thu tinh uy thua thien - hue.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện tại diễn đàn Quốc hội, với tư cách là Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế.

Cụ thể, tại Quyết định 1664/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Cùng ngày, Thủ tướng cũng ký quyết định bổ nhiệm một Thứ trưởng mới cho Bộ Nội vụ, một Thứ trưởng – Phó Chủ nhiệm UB Dân tộc của Chính phủ.

Quyết định bổ nhiệm ông Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng giữ chức Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc mang số 1663/QĐ-TTg.

Quyết định bổ nhiệm ông Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ mang số 1665/QĐ-TTg.


21 năm, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu gần 150.000 tỷ

Trong lĩnh vực thu chi ngân sách, qua 21 năm hoạt động, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị truy thu gần 150.000 tỷ đồng, chủ yếu là chi sai quy định.

Con số trên được Phó tổng kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên đưa ra tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán”, do Kiểm toán Nhà nước và Hiệp hội Kế toán công chức Vương quốc Anh (ACCA) tổ chức ngày 24/9.

Theo ông Tiên, cũng trong 21 năm hoạt động, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hủy bỏ 474 văn bản sai quy định hoặc không phù hợp với thực tiễn.

Các báo cáo kết quả kiểm toán do Kiểm toán Nhà nước công bố hàng năm được các cơ quan Quốc hội, Chính phủ sử dụng ngày càng nhiều trong việc xem xét, phê duyệt dự toán ngân sách.

Chủ tịch Hiệp hội Kế toán kiểm toán Việt Nam (VAA) Đặng Văn Thanh cho rằng, trong bối cảnh phân cấp đầu tư mạnh như hiện nay, hoạt động kiểm toán ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giám sát, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực đầu tư phát triển.

Chủ tịch VAA cũng chỉ ra 3 hạn chế trong quản lý, sử dụng ngân sách hiện nay là phân cấp chưa đảm bảo sự thống nhất còn phân tán, chưa xử lý được tình trạng lồng ghép khoản thu, chi.

Bên cạnh đó thẩm quyền các cấp trong ban hành chính sách, tiêu chuẩn, định mức ngân sách chưa rõ ràng. Việc phân bổ ngân sách đang bị chia cắt, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định chi đầu tư phát triển, Bộ Tài chính quyết định chi thường xuyên, vì vậy có sự chia cắt trong chi ngân sách nhà nước những năm qua.

“Tôi ngồi ở Quốc hội một khóa mà thấy buồn. Trong phiên họp về dự toán ngân sách hàng năm chỉ có 5 ý kiến phát biểu, vì tài liệu quá nhiều, quá dày với hàng trăm khoản mục nên đại biểu không biết thảo luận gì. Phiên họp dự kiến kết thúc 16h30 thì 15h đã kết thúc”, ông Thanh nói.

Chính vì vậy, chuyên gia này kiến nghị cần cải tiến cách thức cung cấp thông tin về ngân sách của các bộ ngành cho Quốc hội.

“Ở các nước, quốc hội bao giờ cũng có một bộ phận kiểm toán chuyên cung cấp thông tin cho các đại biểu quốc hội, cung cấp tài liệu về thu chi ngân sách nhà nước từng lĩnh vực cho từng nhóm đại biểu chuyên trách cụ thể. Làm như vậy mới nâng cao khả năng quyết định ngân sách hàng năm của quốc hội”, ông Thanh nói tiếp.

Còn theo TS. Đặng Văn Du, nguyên Trưởng khoa Tài chính công - Học viện Tài chính, ở góc độ người dân bình thường thì báo cáo kiểm toán được Kiểm toán Nhà nước công bố định kỳ chưa đủ minh bạch. Cần khắc phục để báo cáo kiểm toán càng rõ ràng càng tốt. Trong ngắn hạn, hoạt động kiểm toán cần chuyển từ hậu kiểm sang tiền kiểm nhằm nâng cao và hiệu quả hơn tình trạng thất thoát ngân sách.


Ông Triệu Tài Vinh tái đắc cử Bí thư tỉnh ủy Hà Giang

Tại hội nghị lần thứ I diễn ra chiều 28/9, BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 đồng chí, bầu Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí.

Ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khóa XV tái đắc cử chức Bí thư Tỉnh ủy khóa XVI.

Ông Nguyễn Đình Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XV, tái cử chức Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XVI; Ông Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy khóa XVI; ÔngThào Hồng Sơn, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIII, trúng cử chức Phó Bí thư Tỉnh ủy; Ông Lê Quang Minh, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy khóa XV, tái cử chức Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy khóa XVI.

Trong chương trình làm việc buổi chiều, Đại hội tiến hành thảo luận Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh.


Cựu lãnh đạo doanh nghiệp chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng

Ngày 28/9, TAND Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Bùi Duy Hùng (55 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) – cựu Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Phương Trung (viết tắt là công ty Phương Trung) 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tù Chung thân về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hình phạt chung cho cả hai tội danh trên là tù chung thân.

Theo cáo trạng, Công ty Phương Trung được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp đăng ký kinh doanh ngành nghề: vận tải hàng hóa, vận chuyển hành khách bằng ô tô, buôn bán ô tô…

Ông Đỗ Anh Dũng (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là Giám đốc Công ty Phương Trung. Trong quá trình kinh doanh, Hùng nhờ ông Dũng đứng tên làm Giám đốc công ty, nhưng trên thực tế, Hùng là người điều hành toàn bộ hoạt động của công ty.

Quá trình kinh doanh do thua lỗ nên Hùng đã có hành vi nhận xe ô tô của nhiều người, nhận tiền của nhiều người để mua xe ô tô, rồi đưa xe ô tô vào Công ty Phương Trung để kinh doanh, vay tiền của nhiều người để hợp tác kinh doanh, cho thuê xe ô tô, sau đó dùng những xe ô tô này bán cho nhiều người hoặc thế chấp tại các ngân hàng cho nhiều người.

Kết quả điều tra xác định, trong khoảng thời gian từ 2008 đến tháng 10/2012, Hùng đã nhận tiền, nhận ô tô để kinh doanh, cho thuê, dùng một xe ô tô để bán cho nhiều người, bán các tài sản thế chấp tại các ngân hàng cho nhiều người để chiếm đoạt số tiền hơn 29 tỷ đồng.

HĐXX xác định, trong vụ án này, ông Dũng đứng tên là Giám đốc Công ty Phương Trung là do Hùng nhờ. Quá trình kinh doanh, Hùng đã dùng dấu, chữ ký của ông Dũng để ký một số hợp đồng mua bán, quyết định bán xe ô tô…, nhưng ông Dũng không biết việc kinh doanh, bán xe ô tô cho nhiều người, không tham gia việc nhận tiền của khách hàng.

Việc thực hiện hành vi phạm tội chỉ do một mình Hùng thực hiện. Ông Dũng không biết, không được ăn chia, cũng không được hưởng lợi từ số tiền do Hùng chiếm đoạt được nên Cơ quan Cảnh sát điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Dũng là có căn cứ. Ngoài hình phạt tù chung thân, HĐXX còn buộc bị cáo Hùng có trách nhiệm bồi thường cho các bị hại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt theo quy định của pháp luật.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục