Sản lượng lúa của cả nước năm nay ước đạt hơn 45 triệu tấn
Hà Giang: Khởi công nhà máy thủy điện gần 1.900 tỉ đồng
Đề nghị khởi tố vụ án ngư dân bị phía Thái Lan bắn chết
Khởi công xây dựng Khu công nghiệp Phong Điền-Viglacera
CHK quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm ngành GTVT
Bất cập trong đấu thầu thuốc chữa bệnh
- Cập nhật : 29/09/2015
(Kinh doanh)
Có hay không tiêu cực trong đấu thầu, chất lượng thuốc trúng thầu kém?
Trên thực tế, tình trạng các loại thuốc có hàm lượng không thông dụng (thấp quá hoặc cao quá) được trúng thầu giá cao vào các bệnh viện đã xảy ra nhiều năm nay.
Bên lề Hội thảo xã hội hóa và kết hợp công - tư trong khám chữa bệnh do Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức tuần qua, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết: Vừa qua cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam có văn bản thông báo tạm thời dừng thanh toán 23 loại thuốc có hàm lượng không thông dụng, trúng thầu giá cao sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế.
"So với thuốc có hàm lượng, công thức thông thường, giá các loại thuốc không thông dụng này đều cao hơn tới 50%. Mặc dù sản phẩm khác biệt hẳn về giá, nhưng có khi lại cùng nhà sản xuất, nước sản xuất, thậm chí sản phẩm này còn có giá cao hơn hẳn so với thuốc xuất xứ từchâu Âu- nơi có trình độ bào chế dược phẩm cao", ông Thảo nói.
23 loại thuốc có hàm lượng bất bình thường, tập trung chủ yếu ở các nhóm thuốc kháng sinh và giảm đau. Thay vì có hàm lượng phổ biến là 250mg, 500mg, các thuốc này có hàm lượng 561mg, 350mg, 750mg...
Do có hàm lượng không phổ biến nên giá trúng thầu vào bệnh viện của nhóm thuốc này cũng cao gấp 2- 5 lần. Cụ thể, một lọ Piracetam 2g/10ml có giá 6.700 đồng, nhưng lọ thuốc không thông dụng với hàm lượng 4g/10ml, giá lại tới 26.000 đồng, khiến mỗi năm Bảo hiểm y tế phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để thanh toán.
Hàng loạt nghi vấn đã được đặt ra, liệu đây có thể là một chiêu thức nhằm độc quyền về giá do không có thuốc tương đương để so sánh.
Lý giải về thực tế này, ông Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nói: 23 loại thuốc mà Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thông báo tạm thời dừng thanh toán đã được cấp phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam, được Thủ trưởng của cơ sở khám chữa bệnh lựa chọn trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng thuốc và điều trị.
Bàn về những bất cập trong công tác đấu thầu thuốc đang tồn tại, ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai nói: Đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu, bệnh viện không được đưa ra quy định khác vì như vậy là vi phạm pháp luật.
Ông Dương Đức Hùng cho biết, nếu để nói về những bất cập đang tồn tại trong công tác đấu thầu thuốc hiện nay tôi cho rằng đó là hiện chủng loại thuốc quá phong phú với nhiều tên gọi khác nhau. Ví dụ cùng một loại ampexilin nhưng Ấn Độ có một tên gọi, Trung Quốc có tên gọi khác, Pháp lại tên khác... gây khó cho cơ quan quản lý và bác sỹ khi kê đơn.
"Bên cạnh đó, hiện quy định thế nào là thuốc thiết yếu (thuốc bắt buộc phải dùng - PV), thuốc có tác dụng bổ trợ được kê trong điều trị bệnh cũng chưa rõ ràng gây khó cho đội ngũ y, bác sỹ trong quá trình kê đơn", ông Hùng nói.
Còn ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương thì cho rằng, bất cập trong hình thức đấu thầu thuốc hiện nay là việc đấu thầu thuốc được tiến hành ở các cơ sở khác nhau nên thông tin tiếp cận cũng khác, dẫn tới giá trúng thầu khác nhau, không có sự đồng nhất trong khi đó chất lượng thuốc khó kiểm soát.
Nai lưng nuôi hãng dược nước ngoài
Để hạn chế tình trạng thuốc trúng thầu giá cao vào bệnh viện, ông Phạm Lê Tuấn yêu cầu các cơ sở y tế thanh toán theo giá mua vào của cơ sở khám chữa bệnh, không vượt giá thuốc trúng thầu đúng quy định trên cơ sở hợp đồng đã ký với nhà thầu hoặc hợp đồng điều chỉnh đối với trường hợp nhà thầu có văn bản đề nghị giảm giá.
"Giá mặt hàng thuốc xét duyệt trúng thầu không vượt giá tối đa của mặt hàng thuốc đó được công bố tại thời điểm gần nhất của Bộ Y tế. Trong trường họp chưa công bố giá tối đa thì giá mặt hàng thuốc xét duyệt trúng thầu không vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại còn hiệu lực của mặt hàng thuốc đó", ông Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh.
Về trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc lựa chọn thuốc đấu thầu, ông Nguyễn Minh Thảo cho biết, thời gian tới cơ quan này sẽ tăng cường trách nhiệm trong tham gia lựa chọn nhà thầu, có ý kiến ngay khi đơn vị lập kế hoạch mua sắm các thuốc có hàm lượng không thông dụng, giá trúng thầu cao; nếu đã có các thuốc cùng hoạt chất, bảo đảm cạnh tranh trên thị trường.
Còn theo ông Dương Đức Hùng, tránh tình trạng người dân phải sử dụng thuốc nhập khẩu giá cao trúng thầu vào các bệnh viện, các cơ sở sản xuất thuốc nên hướng tới việc đầu tư công nghệ dây chuyền vào sản xuất thuốc nội, tránh tình trạng lượng thuốc ngoại đang áp đảo thị trường thuốc trong nước như hiện nay.
"Hiện nay điều kiện kinh tế xã hội còn quá nhiều khó khăn, do vậy không có cớ gì mà người dân lại phải nai lưng ra làm việc để nuôi các hãng dược nước ngoài, phải trả chi phí cao cho việc mua thuốc để điều trị bệnh. Vậy nên việc cần làm của các nhà quản lý, các cơ quan chức năng là thay đổi nhận thức của người dân về thuốc nội, đồng thời nâng cao chất lượng của thuốc nội, đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh của nhân dân", ông Hùng nói.