Lego đang đối mặt với bài kiểm tra gian nan nhất kể từ khi Công ty suýt sụp đổ tài chính vào năm 2003-2004.
PVN trong vòng xoáy cải cách
- Cập nhật : 09/01/2018
Giá dầu như khởi nguồn cho những khó khăn của PVN hiện nay.
Ghế nóng tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã có chủ sau 9 tháng bỏ trống khi Ban tổ chức trung ương vừa trao quyết định ông Trần Sỹ Thanh, Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn, nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN. Dư luận đang theo sát từng bước tiến trình lèo lái đưa con thuyền PVN vượt sóng lớn từ một người không phải “dân dầu khí”. Ông Trần Sỹ Thanh sẽ rốt ráo cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên đảm bảo tiến độ Thủ tướng giao, đưa ra giải pháp để chặn đà suy giảm trữ lượng?
Muôn phần khó
Luôn phải tính đến tác động của giá dầu như khởi nguồn cho những khó khăn của PVN. Giá dầu tụt dốc từ năm 2013 sang năm 2014 đã đẩy ngành công nghiệp dầu khí vào những khó khăn rất lớn. Chỉ trong vài tháng, giá dầu rớt từ 112 USD/thùng xuống còn 62 USD/thùng và chạm đáy dưới 27 USD/thùng vào cuối tháng 1.2016, làm giảm lợi nhuận, đảo lộn kế hoạch kinh doanh của PVN. Mức doanh thu 745.500 tỉ đồng như năm 2014 chỉ còn là quá khứ, doanh thu năm 2015 của PVN đã giảm xuống 560.000 tỉ đồng, đến năm 2016 tiếp tục giảm xuống mức 452.500 tỉ đồng và năm 2017 chỉ đạt 437.800 tỉ đồng.
Vấn đề được dư luận lưu ý nhiều nhất trong 3 năm này là việc quyết định hút thêm 1 triệu tấn dầu vào năm 2015 bất chấp mọi cảnh báo từ các chuyên gia trong và ngoài nước.
Năm đó, sản lượng khai thác dầu thô đạt tới 16,86 triệu tấn, vượt tới hơn 2,1 triệu tấn dầu so với kế hoạch mà Chính phủ cho phép. Tuy nhiên, động thái này đã không ủng hộ PVN phát triển bền vững, ngoại tệ thu được không lớn như dự kiến bởi giá dầu đang trên đà lao dốc, mà còn đẩy tập đoàn này đến gần tình trạng “khánh kiệt” trữ lượng sớm hơn dự báo. Từ đây, sản lượng khai thác dầu thô liên tục sụt giảm, năm 2016 chỉ đạt 14,02 triệu tấn và năm 2017 đã giảm xuống 12,49 triệu tấn.
Vấn đề thực sự nghiêm trọng khi trữ lượng dầu khí dễ tìm và dễ khai thác đã bước vào giai đoạn cạn kiệt. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, đầu tư cho thăm dò là tối cần thiết cho sự phát triển lâu dài của PVN. Sự quan tâm đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã giảm đi đáng kể từ khi giá dầu rớt thê thảm và sản lượng sụt giảm. Trong khi đó, phần lớn các mỏ đã ở trạng thái khai thác cao nhất có thể do các công ty điều hành luôn tìm cách tăng sản lượng để thu hồi vốn nhanh. Việc tối ưu hóa sản lượng trong giai đoạn này đã ảnh hưởng không nhỏ tới “sức khỏe” và vòng đời của mỏ.
Sản lượng khai thác dầu thô năm 2017 của PVN đều vượt kế hoạch được giao. Tuy nhiên, theo báo cáo rà soát kế hoạch phát triển từng ngành công nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hồi tháng 7.2017, việc gia tăng trữ lượng gặp nhiều khó khăn, số lượng công trình khai thác mới đưa vào để bổ sung sản lượng khai thác rất ít. Theo báo cáo này, năm 2017, chỉ duy nhất giàn Thỏ Trắng 3, một công trình mới của liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, được đưa vào khai thác.
Hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam gần như hoàn toàn trên biển khiến chi phí thăm dò, khai thác của Việt Nam thuộc mức cao so với thế giới và làm giảm tính cạnh tranh. Thêm nữa, rủi ro trong thăm dò dầu khí được đo bằng tỉ lệ thành công địa chất. Chi phí một giếng khoan thăm dò thường từ hàng chục tới hàng trăm triệu USD nhưng tỉ lệ thành công địa chất chỉ khoảng 30%, có nghĩa trong 3 giếng khoan thăm dò, có thể chỉ 1 giếng có dầu.
Đã có 1,5 tỉ USD của nhiều công ty dầu khí quốc tế đầu tư vào thăm dò dầu khí ở Việt Nam bị mất trắng trong những năm gần đây. Total, Shell là 2 trong những cái tên đã phải chấm dứt hợp đồng PSC, rút khỏi Việt Nam sau khi khoan thăm dò không thành công. Hơn thế, những thông tin không thuận lợi cho uy tín của PVN thời gian gần đây có thể dẫn đến khả năng các nhà đầu tư nước ngoài quay lưng với công tác thăm dò dầu khí ở Việt Nam.
Bài học cổ phần hóa
Hơn bao giờ hết, ngành dầu khí cần một cơ chế tài chính và chế độ trách nhiệm đặc thù cho hoạt động thăm dò dầu khí. Thế nhưng, trong số 12 đại dự án thua lỗ ngàn tỉ đồng của ngành công thương, PVN đứng đầu với 5 nhà máy. Cùng với đó, doanh thu và lợi nhuận của PVN đang giảm dần trong khi nợ phải trả ngày càng lớn.
Đến năm 2016, nợ phải trả của PVN là 338.000 tỉ đồng, chiếm gần 44% trong tổng nguồn vốn, trong đó gần 50% là nợ dài hạn. Chính phủ đã tính đến phương án cổ phần hóa Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, theo hình thức bán bớt một phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Về vấn đề bán vốn các doanh nghiệp thành viên PVN, ông Mark Edmunds, lãnh đạo cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Deloitte, nhận định: “Việc này cần làm ngay bây giờ” để giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Ông lưu ý trường hợp Pemex, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia của Mexico đã nhiều năm quản lý nguồn tài nguyên này một cách yếu kém. Chính phủ không chào đón nhà đầu tư trong lĩnh vực dầu khí như BP, Shell, Chevron... và tất cả các công ty trong lĩnh vực này đều bị từ chối.
Sau đó, Chính phủ Mexico nhận ra rằng, họ cần sự trợ giúp từ bên ngoài để việc quản lý doanh nghiệp năng lượng hiệu quả hơn. Thế nhưng, khi cổ phần hóa, Mexico lại bắt đầu với những tài sản ít giá trị và điều này không thu hút được dòng vốn đầu tư. Chính phủ Mexico đã học kinh nghiệm từ thất bại này và phải đưa những tài sản phù hợp với thị trường.
Ông Mark Edmunds, người đã có hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính năng lượng, nói rằng, Việt Nam cũng đang gặp vấn đề tương tự Mexico. Nếu Chính phủ Việt Nam muốn thúc đẩy quá trình này nhanh hơn, nên đưa những tài sản tốt ra trước, để có thể thu hút được các nhà đầu tư lớn tham gia. Tuy nhiên, “đó thực sự là một quá trình phức tạp và mất thời gian”, ông Mark Edmunds khẳng định.
Hiện tại, giá dầu trên thị trường thế giới chưa có nhiều khởi sắc, chỉ quanh mức 50-60 USD/thùng. Mỗi quốc gia sẽ phải cạnh tranh trong một thị trường đang ngày càng khan hiếm về vốn. Ông Mark Edmunds cho rằng việc bán vốn của PVN sẽ khó khăn hơn khi mà nguồn vốn đầu tư vào năng lượng trên thế giới đang ngày càng giảm dần.
Các nhà đầu tư năng lượng sẽ cân nhắc lựa chọn Việt Nam, Indonesia, hay một quốc gia khác để đầu tư. Song quyết định đầu tư có xét đến các điều khoản thương mại, chế độ thuế..., một thỏa thuận có lợi cho tất cả các bên sẽ là thách thức lớn nhất.
Một tin tốt, theo ông Mark Edmunds, là các công ty dầu khí lớn và siêu lớn đang rất quan tâm và muốn tham gia vào ngành dầu mỏ, khí tự nhiên. Như vậy, tiềm năng tài chính nước ngoài đối với ngành dầu khí tại Việt Nam là rất lớn. Ngay cả khi các quốc gia đều phải cạnh tranh nhau để thu hút nguồn vốn, Việt Nam vẫn có thể thu hút được vốn đầu tư từ các công ty toàn cầu, bởi Chính phủ Việt Nam đang có những điều khoản thương mại tốt. “Nếu là CEO của Việt Nam, tôi sẽ nói chuyện với Bộ trưởng Năng lượng Mexico, Na Uy, Brazil để học hỏi những kinh nghiệm và những sai lầm của họ để thu hút nguồn vốn đầu tư, đồng thời nhận tư vấn từ các nước này cho quá trình cổ phần hóa lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam”, ông Mark Edmunds nói.
Hải Vân
Theo Nhipcaudautu.vn