Số người chết liên quan đến nhiệt điện than vào năm 2010 trên toàn thế giới là 3,2 triệu người. Trong đó Việt Nam có 31.000 người và riêng Đồng bằng Sông Cửu Long là 8.000 người.
Tin trong nước đọc nhanh 28-09-2015
- Cập nhật : 28/09/2015
Việt Nam đón hơn 6,5 triệu lượt khách quốc tế 9 tháng
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong tháng 9, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 626.324 lượt, giảm 5,8% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2014.
Tính chung 9 tháng năm 2015 ước đạt 5.689.512 lượt, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó các thị trường khách tăng gồm: Hàn Quốc tăng 31,4%; Hồng Kông tăng 17,3%; Singapore tăng 16,9%; Tây Ban Nha tăng 8,7%...
Các thị trường giảm mạnh nhất là: Campuchia giảm 43,5%; Thái Lan giảm 27,6%; tiếp đến là Lào giảm 25,9%; Trung Quốc giảm 18,2%; Indonesia giảm 13,2%; Nga giảm 10,6%… so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh đó, khách du lịch nội địa trong 9 tháng năm 2015 ước đạt 48,8 triệu lượt, trong đó, khách lưu trú đạt 23,4 triệu lượt.
Tổng thu từ khách du lịch đạt 269.458 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Công ty CP Traenco Việt Nam bị dừng làm thủ tục hải quan
Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, đơn vị vừa ra quyết định dừng làm thủ tục hải quan đối với Công ty CP Traenco Việt Nam vì nợ tiền thuế quá hạn và tiền chậm nộp.
Theo đó, quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa NK của Công ty CP Traenco Việt Nam, có địa chỉ tại 407, đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội với số tiền nợ thuế, tiền chậm nộp trên 868 triệu đồng.
Để đưa ra quyết định cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan này, theo Cục Hải quan Lạng Sơn, lý do, Công ty CP Traenco Việt Nam không chấp hành thông báo về tiền thuế nợ và tiền chậm nộp của Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Thời gian thực hiện cưỡng chế cho đến khi Công ty CP Traenco Việt Nam thực hiện xong thông báo về tiền thuế nợ và tiền chậm nộp.
Được biết, Công ty CP Traenco Việt Nam chuyên NK, buôn bán ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác. Công ty CP Traenco Việt Nam với tên giao dịch VIET NAM TRAENCO., JSC, đã hoạt động hơn 6 năm trong lĩnh vực NK, buôn bán ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác.
Cảng Hải Phòng có 2 Phó Tổng Giám đốc mới
CTCP Cảng Hải Phòng (mã chứng khoán PHP) vừa công bố thông tinvề việc thay đổi nhân sự.
Theo đó, ông Phan Tuấn Linh, kỹ sư máy tầu thủy, Trưởng phòng phòng Kỹ thuật Công Nghệ, được bổ nhiệm có thời hạn 5 năm vào vị trí Phó Tổng Giám đốc công ty từ ngày 23/9/2015. Ông Linh được hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ tương ứng theo quy định của công ty.
Cùng ngày, HĐQT CTCP Cảng Hải Phòng cũng ra quyết định bổ nhiệm có thời hạn 5 năm vào vị trí Phó Tổng Giám đốc công ty đối với ông Phạm Hồng Minh. Ông Minh được hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của công ty. Quyết định có hiệu lực từ 23/9/2015.
Ông Phạm Hồng Minh là thạc sỹ Kỹ thuật, Kỹ sư công trình thủy và là Trưởng phòng – Phòng Kỹ thuật công trình của công ty.
Toàn bộ 326,86 triệu cổ phiếu của Cảng Hải Phòng vừa được chấp thuận và chính thức niêm yết trên HNX từ ngày 12/8/2015.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015, Cảng Hải Phòng đạt mức lợi nhuận 317 tỷ đồng, hoàn thành 84% chir tiêu đặt ra cho cả năm.
Tuần lễ nhận diện hàng Việt
Trên mỗi hộp rau quả của đơn vị này có in 3 loại dấu: Dấu chứng nhận bình ổn thị trường, dấu chứng nhận thực phẩm theo quy trình Việt - Gap, dấu thực phẩm sạch. Trong đó dấu chứng nhận bình ổn thị trường là do UBND TP HCM cấp cho những doanh nghiệp tham gia chương trình. Giải thích lý do "quá hiểu" chất lượng rau quả của doanh nghiệp, bà Hồng cho biết: "Để cấp ra dấu chứng nhận bình ổn giá này, Ủy ban chúng tôi phải đến tận vườn doanh nghiệp kiểm tra nhiều lần quy trình sản xuất để đảm bảo sản phẩm hoàn toàn sạch cung ứng cho thị trường". Tại hội chợ Nhận diện hàng Việt khai mạc sáng 27/9 ở TP HCM, bà Hồng cầm từng vỉ cà chua, cà rốt, cải thìa, củ cải đỏ... bình ổn giá giới thiệu rành mạch về cách trồng, thu hoạch, vệ sinh đóng gói với bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chia sẻ với VnExpress.net, ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty nông sản Thảo Nguyên nói rằng chính UBND Thành phố đóng vai trò là người tiêu dùng đầu tiên giám sát chất lượng và quy trình sản xuất của doanh nghiệp mình. "Ủy ban giám sát rất kỹ quy trình sản xuất của công ty mới cấp dấu chứng nhận bình ổn giá. Đây là bảo chứng để nhận diện hàng Việt Nam an toàn, sạch", ông Sơn nhận xét. Thực tế gian hàng nông sản này cũng thu hút nhiều khách mua. Chị Vân Anh, một khách mua hàng cho biết: "Giá rẻ hơn rất nhiều so với ngoài thị trường, nhưng quan trọng nhất là được lãnh đạo thành phố chứng nhận rau quả đảm bảo sạch".
Bà Trương Thị Ngọc Ánh (áo dài đen) xem kỹ vỉ dưa leo sản xuất theo quy trình sạch với sự giới thiệu của Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Hồng (ngoài cùng bên phải). Ảnh: P.A.
Có hơn 330 gian hàng của doanh nghiệp tham gia hội chợ Nhận diện hàng Việt lần đầu tiên được tổ chức tại đồng thời cả TP HCM và Hà Nội. Chương trình do Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cùng Bộ Công Thương chủ trì, diễn ra trong 6 ngày từ 27/9 đến 2/10. Hầu hết thương hiệu Việt uy tín hiện nay đều có mặt tại hội chợ, như hàng hóa của Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty may Việt Tiến, Vinamilk, Saigon Co.op, Tổng công ty thương mại Sài Gòn, May 10, Dược phẩm OPC, Công ty Ba Huân... Hầu hết doanh nghiệp này đều tham gia chương trình bình ổn thị trường của UBND TP HCM.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sau 6 năm triển khai cuộc vận động "Người Việt dùng hàng Việt", khảo sát cho thấy 92% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến hàng Việt, 63% xác định ưu tiên dùng hàng Việt khi có nhu cầu mua, 54% khuyên người thân hoặc bạn bè sử dụng hàng trong nước. Thứ trưởng Hải cho rằng trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam càng phải nâng cao chất lượng, tạo dấu ấn riêng và giúp người tiêu dùng xây dựng thói quen nhận diện hàng Việt chất lượng, đảm bảo chất lượng và an toàn cho sức khỏe.
Dự kiến sẽ có 28 hợp đồng giữa các nhà sản xuất, cung ứng và đơn vị phân phối sẽ được ký kết tại Tuần lễ nhận diện hàng Việt, để hàng hóa chất lượng đến tay người tiêu dùng thuận lợi nhất.
Chương trình "Tuần nhận diện hàng Việt Nam" là giải pháp hỗ trợ thực hiện đề án vận động người Việt dùng hàng Việt của Chính phủ. Mục tiêu năm 2015 có 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến cuộc vận động; Tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lên trên 70%. Đến năm 2020, tất cả các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các nhóm sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam. Cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của 63 tỉnh thành trực thuộc Trung ương để cung cấp cho doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý nhà nước.
(Vnexpress)
Nhiều nhân viên ngân hàng muốn chuyển nghề vì lương thấp
Khảo sát của JobStreet - mạng quảng cáo việc làm tại Đông Nam Á - mới đây đối với 1.885 nhân sự đang làm việc tại ngân hàng cho thấy 66% nhận được mức lương dưới 10 triệu. Điều này khiến 29% nhân sự ngành muốn chuyển nghề do mức lương thấp hơn so với kỳ vọng; 53% cảm thấy thiếu cơ hội phát triển và khó đạt được vị trí mà họ mong muốn.
Báo cáo lương của JobStreet công bố vào tháng 5/2015 cũng chỉ ra rằng, mức lương thực tế mà nhân viên ngành ngân hàng nhận chỉ từ 6,7 đến 10,5 triệu đồng một tháng. Theo đánh giá của họ, mức thu nhập trên thấp hơn khoảng 1,5 lần so với các nước trong khu vực. Như tại Malaysia, nhân viên ngân hàng nhận được từ 11,5 đến 16,3 triệu đồng.
Trên thực tế, nguồn cung nhân lực cho ngành tài chính - ngân hàng đang có xu hướng giảm khi số lượng đơn ứng tuyển trung bình cho một vị trí việc làm năm 2015 giảm khoảng 36% so với năm 2014 theo số liệu của JobStreet. "Ngân hàng vốn nổi tiếng về lương cao, thưởng lớn khiến làm việc cho họ luôn là giấc mơ của người lao động. Tuy nhiên, gần đây lợi thế mức lương không còn quá lớn khiến các nhà băng mất đi sức hấp dẫn đối với các ứng viên", đơn vị khảo sát việc làm này cho hay.
Trong lúc cung đang có dấu hiệu đi xuống thì cầu lại không hề giảm vào những tháng cuối năm. Khảo sát của JobStreet cho thấy 83% các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng nhiều hơn vào quý III/2015, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhân viên do công ty mở rộng quy mô và một phần để thay thế những người nghỉ việc.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại lại cho biết, thu nhập bình quân tháng của mỗi nhân viên vẫn rất cao, hầu hết trên 10 triệu đồng. Tại một số ngân hàng thương mại Nhà nước và cổ phần quy mô lớn, thu nhập bình quân tháng của một nhân viên tới 17-19 triệu đồng. Trên thực tế, đây là mức thu nhập mang tính kế toán nhiều hơn là thực tế bởi đã bao gồm thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng của các nhân sự cấp cao.