Thông xe toàn tuyến cao tốc 2 tỷ USD Hà Nội - Hải Phòng
Căn cước công dân được cấp miễn phí
Công an huyện đánh người giữa đường rồi vô ôtô cố thủ
Sân bay Tân Sơn Nhất đón hành khách thứ 25 triệu
Nhiều vật tư nông nghiệp Nhật Bản vào VN
Học giả Nhật: 'Kịch bản nguy hiểm nhất Biển Đông là đụng độ tàu Mỹ - Trung'
- Cập nhật : 04/12/2015
(The gioi)
Giáo sư, tiến sĩ Oba Mie cho rằng khó giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng cần phải tìm cách giữ trật tự ổn định và tránh xung đột vũ lực.
Oba Mie, giáo sư quan hệ quốc tế thuộc Đại học Khoa học Tokyo, trả lời phỏng vấn VnExpress về môi trường an ninh phức tạp ở Biển Đông và giải pháp thiết lập cơ chế xây dựng lòng tin đa phương. Bà dự kiến có bài tham luận tại hội thảo quốc tế "Xây dựng Lòng tin ở châu Á" tại Hà Nội vào ngày 4/12, quy tụ các học giả Việt Nam, Philippines, Singapore, Nhật.
- Bà nhận định thế nào về môi trường an ninh Biển Đông hiện nay?
Rõ ràng, căng thẳng ở Biển Đông đang gia tăng vì thái độ cứng rắn của Trung Quốc với các vấn đề lãnh thổ, hoạt động của các tàu Trung Quốc và việc nước này cải tạo quy mô lớn một số đảo và bãi san hô.
Các nước Đông Á, chứ không chỉ các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, quan ngại sâu sắc về hành động này của Trung Quốc. Việc Mỹ triển khai tàu USS Lassen vào phạm vi 12 hải lý quanh đá Subi thể hiện ý định ngăn chặn âm mưu thay đổi hiện trạng của Trung Quốc bằng vũ lực cũng như việc diễn giải kỳ quặc Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Chính phủ Trung Quốc chỉ trích việc triển khai USS Lassen. Bất đồng về lập trường giữa Mỹ và Trung Quốc về Biển Đông trở nên rõ ràng hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, những nước này dường như phản ứng một cách cẩn trọng nhằm giữ mối quan hệ với nhau và không muốn leo thang lập trường khác biệt về Biển Đông thành một cuộc xung đột bằng cách sử dụng vũ lực. Hải quân Mỹ triển khai tàu Lassen vào khu vực Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền, nhằm cho thấy lập trường của Mỹ với vấn đề lãnh thổ trong khu vực là trung lập, và mục đích của Mỹ chỉ là thể hiện tầm quan trọng của quy tắc "tự do đi lại trên biển". Hải quân Mỹ và Trung Quốc đã diễn tập chung ở Đại Tây Dương hồi đầu tháng 11.
Kịch bản nguy hiểm nhất ở Biển Đông là những sự cố và tai nạn không mong muốn xảy ra giữa các tàu của Trung Quốc, Mỹ và các nước ASEAN.
Bên cạnh đó, Trung Quốc và Mỹ đã có thỏa thuận MMCA (Hiệp định Tham vấn Quân sự trên biển) để tránh các tai nạn khi lực lượng không quân và hải quân của họ di chuyển gần nhau. Tuy nhiên, không có cơ chế xây dựng lòng tin đa phương dành cho các nước Đông Nam Á, Trung Quốc và Mỹ. Đây là vấn đề nghiêm trọng ở Biển Đông.
- Vậy những vấn đề trên Biển Đông ảnh hưởng thế nào đến môi trường an ninh châu Á?
- Có rất nhiều vấn đề hàng hải trên Biển Đông. Không chỉ có xung đột về vấn đề lãnh thổ, nạn cướp biển, chủ nghĩa khủng bố và các tội phạm xuyên biên giới cũng là những vấn đề chủ chốt trên biển. Nhìn nhận nhiều vấn đề này để thấy cần duy trì ổn định và trật tự ở Biển Đông.
- Giải pháp nào để xử lý những vấn đề ở Biển Đông và cách để xây dựng lòng tin giữa các nước láng giềng?
- Rất khó để giải quyết vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông. Kể cả khi việc đó là khả thi, sẽ cần nhiều thời gian. Dù phải công nhận để đạt được giải pháp cuối cùng đối với vấn đề lãnh thổ, cần xem xét làm thế nào để giữ trật tự ổn định và cách tránh xung đột vũ lực.
Như ở trên tôi đã nói, một số cơ chế xây dựng lòng tin đa phương cần được thiết lập ở Đông Nam Á. Thể chế khu vực lấy ASEAN làm trung tâm như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Hàng hải ASEAN+ có thể đem đến cơ hội thảo luận vấn đề này.
Cần thúc đẩy việc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC).
MMCA, Hiệp định Ngăn chặn Đụng độ trên biển (INCSEA) giữa Mỹ và Nga, Bộ quy tắc ứng xử cho các vụ đụng độ ngoài ý muốn trên biển (CUES), được thông qua tại Hội nghị chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương lần thứ 14, sẽ đem đến nhiều ý tưởng về cách xây dựng cơ chế lòng tin đa phương ở Biển Đông.
Về chống cướp biển và chống khủng bố, cần thúc đẩy hơn nữa Hiệp định Hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang tại châu Á (ReCAAP) và tại Eo biển Malacca.
- Hợp tác chính trị và quân sự Việt - Nhật ảnh hưởng thế nào đến môi trường an ninh ở Biển Đông?
- Tôi cho rằng tiến bộ trong hợp tác chính trị và quân sự Việt - Nhật hiện nay sẽ tác động tích cực vào môi trường an ninh Biển Đông. Việc Nhật hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực để bảo vệ lãnh thổ của mình ở Biển Đông và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cần tiếp tục trở thành nòng cốt trong hợp tác chính trị, quân sự giữa hai nước.
- Việt Nam có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm của Nhật khi đối phó với Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông?
- Tuần duyên Nhật (JCG) đóng vai trò chủ chốt trong việc tuần tra các lãnh thổ xung quanh Senkaku. JCG không phải là lực lượng quân sự, nhưng tham gia vào nhiều hoạt động trong đó có điều tra hình sự, hoạt động an ninh hàng hải, an toàn hàng hải. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và kiến thức của JCG và thúc đẩy xây dựng năng lực cảnh sát biển.
- Thủ tướng Shinzo Abe hôm 19/11 nói Nhật đang cân nhắc triển khai lực lượng phòng vệ trên biển (JMSDF) tới Biển Đông để hỗ trợ hoạt động của Mỹ. Theo bà, Nhật có thể làm gì?
- Tôi không chắc về ý định thực sự của chính phủ Nhật, nhưng được biết có nhiều quan điểm về việc triển khai JMSDF ở Biển Đông để hỗ trợ hoạt động "tự do đi lại trên biển" của Mỹ. Tôi nghĩ năng lực của JMSDF không đủ để triển khai ở cả Biển Đông và Hoa Đông. Các tàu Trung Quốc vẫn đang hoạt động tích cực trong khu vực.
Nếu JMSDF giữ quy mô ở mức hiện nay, họ khó lòng hỗ trợ được Mỹ khi đang cố gắng ngăn các tàu Trung Quốc thay đổi hiện trạng quanh Senkaku.