EU nêu rõ thủ tục để Anh rời khỏi liên minh
Brexit gây sốc cho cộng đồng quốc tế
Vì sao truyền thông hờ hững với âm mưu ám sát Donald Trump
Đức kêu gọi Nga báo cáo quân số
IS bắt cóc 900 người Kurd để làm lá chắn sống
Tin thế giới đọc nhanh 04-12-2015
- Cập nhật : 04/12/2015
Triều Tiên đào đường hầm mới để thử hạt nhân?
Bản báo cáo từ trang tin theo dõi Triều Tiên 38 North - thuộc ĐH John Hopkins cho thấy Triều Tiên vẫn đang xây dựng cơ sở hạt nhân mới. Hình ảnh vệ tinh ghi nhận công trình trên đã bắt đầu từ tháng 4 tại tỉnh Punggye-ri, miền duyên hải phía đông. Đây cũng là nơi nước này từng ba lần thử nghiệm hạt nhân.
Nhiều khả năng Triều Tiên vẫn giữ hoạt động ngầm từ lâu, một là họ có thể đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm hạt nhân hoặc động thổ để xây hầm. “Mặc dù chưa có dấu hiệu cho thấy có vụ thử hạt nhân mới nhưng việc cho xây đường hầm mới này dấy lên khả năng sắp tới Triều Tiên tiến hành vụ thử mới ở Punggye-ri” - báo cáo viết.
Hôm 30-10, hãng Yonhap (Hàn Quốc) dẫn nguồn từ phía Seoul đưa tin họ phát hiện một lượng lớn công nhân và phương tiện xây dựng được chuyên chở đến địa điểm xây hầm.
Nguồn tin còn tiết lộ Bình Nhưỡng rục rịch thử khai hỏa hạt nhân ở vài địa điểm. Nhưng theo Reuters, đến nay chưa ghi nhận được dấu hiệu nào như nguồn tin nói.
Liên Hiệp Quốc từng cấm vận Triều Tiên vì nước này dùng cơ sở hạt nhân dân sự để đẩy mạnh hạt nhân quân sự. Phía Bình Nhưỡng từng tuyên bố kiên quyết tiếp tục các vụ thử hạt nhân và phóng thử tên lửa, cũng như thử đưa vệ tinh vào quỹ đạo Trái đất.
Tuy nhiên, Mỹ và Hàn Quốc nghi ngờ rằng đây là các vụ thử tên lửa tầm xa. Phía Triều Tiên luôn nhấn mạnh các vụ thử tên lửa nhằm phục vụ chương trình hàng không vũ trụ nước này.
Quân đội và Tổng thống Myanmar hợp tác với bà Aung San Suu Kyi
Chiều 2-12, thủ lĩnh Đảng NLD giành chiến thắng tuyệt đối trong bầu cử Myanmar - bà Aung San Suu Kyi đã gặp Tổng thống và Tư lệnh quân đội để thảo luận phương án hợp tác lãnh đạo vì “lợi ích quốc gia”.
BBC dẫn nguồn tin từ Myanmar cho biết cuộc gặp giữa Tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing và thủ lĩnh Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi diễn ra tại Sở chỉ huy quân đội ở thủ đô Nay Pyi Taw.
Đây là kết quả từ đề nghị của bà Suu Kyi trong bức thư riêng gửi cho ông Min Aung Hlaing sau khi Đảng NLD giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8-11.
Tuyên bố từ quân đội Myanmar cho biết toàn bộ cuộc hội đàm tập trung về việc phối hợp và hợp tác giữa tướng Min Aung Hlaing và bà Suu Kyi vì sự ổn định, bình yên, thực thi luật pháp, đoàn kết dân tộc và phát triển đất nước theo nguyện vọng của nhân dân.
Trước đó cùng ngày, bà Suu Kyi đã có cuộc gặp với Tổng thống Thein Sein để thảo luận việc thiết lập cơ chế chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và có hệ thống.
Phát ngôn viên của tổng thống là Yemen Htut cho biết trong cuộc trò chuyện kéo dài 45 phút, bà Aung San Suu Kyi không hề đề cập đến việc thay đổi hiến pháp để bà có thể trở thành tổng thống, cũng không nói về bất cứ điều gì xoay quanh việc ai sẽ là tổng thống tiếp theo của Myanmar.
Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã giành đến 80% số ghế trong Quốc hội Myanmar sau cuộc bầu cử vào ngày 8-11.
Mặc cho hàng ngàn người, trong đó có cộng đồng người Hồi giáo thiểu số Rohingya, phản đối cuộc bầu cử này, đây vẫn được cho là cuộc bầu cử dân chủ nhất tại đất nước trong vòng 25 năm trở lại đây.
Quân đội Myanmar hoàn toàn lãnh đạo chính phủ quốc gia từ năm 1962 đến năm 2011, thời điểm chính quyền được quân đội hậu thuẫn của ông Thein Sein lên nắm quyền và tiến hành hàng loạt cải cách.
Ý bắt 4 nghi can âm mưu tấn công Đức Giáo hoàng
Dựa trên manh mối do Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cung cấp, chính quyền Ý đã bắt giữ thành công 4 nghi phạm đang lên kế hoạch tấn công Đức Giáo hoàng ngay tại thủ đô.
Những kẻ tình nghi khủng bố ở Ý được cho là đang lên kế hoạch tấn công Đức Giáo hoàng Francis - Ảnh: AP
Theo IbTimes ngày 2-12, cả 4 nghi phạm đều bị bắt giữ trong một cuộc bố ráp của cảnh sát tại Kosovo, một vùng đất nằm bên trong Serbia phía đông nam châu Âu. Cả 4 tên này đều nằm trong đường dây khủng bố đang có kế hoạch tấn công Đức Giáo hoàng Francis.
“Nhóm bị tình nghi là khủng bố trên có tư tưởng thánh chiến trên các trang mạng xã hội. Chúng tuyên bố rằng (Đức Giáo hoàng) Francis có thể là “Đức Giáo hoàng cuối cùng” - đại diện cảnh sát địa phương cho biết.
Kể từ sau cuộc tắm máu Paris diễn ra hôm 13-11, chính phủ Ý đã tiến hành nhiều cuộc bố ráp và tăng cường lực lượng tuần tra đường phố Rome. An ninh càng được thắt chặt hơn bao giờ hết sau khi IS tuyên bố sẽ tấn công khủng bố ngay tại thủ đô.
“Theo lời thánh Allah, sau khi tấn công Pháp ngay tại trái tim của chúng là Paris, chúng tao thề sẽ tấn công Mỹ ngay tại trái tim của chúng là Washington, và như thánh Allah đã cho phép, chúng tao cũng sẽ xâm chiếm Rome, thủ đô nước Ý” - phiến quân IS tuyên bố trong một đoạn video ngày 16-11.
Bên cạnh đó, lực lượng tình báo Mỹ và FBI cũng đưa ra lời cảnh báo chính phủ Ý rằng IS đang lên kế hoạch tấn công tại nhà thờ Thiên chúa Giáo ở Vatican.
Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giáo hoàng nhận phải lời đe doạ tấn công từ tổ chức khủng bố IS. Hồi tháng 9, trong chuyến thăm đến Mỹ, ông cũng từng bị một thiếu niên 15 tuổi tự xưng là thành viên IS đe doạ tấn công. Tuy nhiên, cảnh sát Mỹ đã bắt giữ nghi phạm này sau khi tổ chức bao vây căn nhà của cậu.
Mỹ, Nga, Đức tăng quân đánh IS
Lực lượng đặc nhiệm từ Mỹ cùng 1.200 binh sĩ Đức sẽ được điều đến Iraq để tham chiến chống lại nhóm khủng bố IS.
Tuyên bố trên được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố ngày hôm qua, 1-12. Lực lượng này sẽ thực hiện nhiệm vụ mở các chiến dịch đơn phương bên trong lãnh thổ Syria, đồng thời hỗ trợ quân đội Iraq trực tiếp chiến đấu với các nhóm phiến quân trong khu vực.
Phát biểu trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân lực Hạ viện, Bộ trưởng Carter cho biết đây là một lực lượng đặc biệt có khả năng “bố ráp quân địch, giải cứu con tin, thu thập thông tin tình báo và bắt giữ các thủ lĩnh IS bất kỳ lúc nào” tại Iraq cũng như bên trong lãnh thổ Syria.
Ông Carter cho rằng việc Mỹ triển khai lực lượng đặc nhiệm sẽ giúp cải thiện công tác thông tin tình báo, phát hiện nhiều mục tiêu tấn công hơn. Được triển khai theo đề nghị của chính quyền Baghdad, lực lượng này cũng có nhiệm vụ bảo vệ các đường biên giới của Iraq và xây dựng năng lực cho các lực lượng an ninh Iraq.
Bên cạnh đó, văn phòng Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 1-12 cũng cho biết nước này sẽ điều 1.200 binh sĩ cùng nhiều máy bay do thám Tornado đến hỗ trợ không kích chống lại IS ở Iraq.
Các cơ quan truyền thông Đức cho biết vào ngày 4-12, rất có thể Quốc hội Đức sẽ tổ chức bỏ phiếu thông qua kế hoạch hỗ trợ trị giá 134 triệu euro (tương đương 173 triệu USD) để quân đội nước này thực hiện nhiệm vụ chống IS ngay từ tháng 1-2016.
Bên cạnh việc tham gia cuộc chiến chống IS ở Syria, Đức cũng sẽ tăng cường hỗ trợ lực lượng chiến đấu của Pháp ở Mali, theo đó Berlin sẽ triển khai tối đa 650 binh sĩ tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Mali (MINUSMA).
Cùng ngày, theo cơ quan tình báo Mỹ ở Trung Đông, Nga đang xây thêm căn cứ không quân thứ 2 và một vài căn cứ quân sự khác ở Syria.
Theo tờ Al-Rai của Kuwait, căn cứ Nga đang xây dựng tại Shayrat có 45 nhà chứa máy bay đã được nâng cấp, cho phép bảo vệ máy bay trước các đợt bắn phá.
Bộ Quốc phòng Mỹ phản ứng khá gay gắt trước thông tin trên. Theo một quan chức giấu tên, đây rõ ràng là hành động “bành trướng” chứ không phải “phòng vệ”, thể hiện tham vọng quyền lực ngày càng tăng của Nga trong khu vực.
Thủ lĩnh Taliban bị "trọng thương" vì đấu khẩu
Các nguồn tin Taliban hôm 2-12 cho biết thủ lĩnh Mullah Akhtar Mansour bị trọng thương ở Pakistan trong một vụ đọ súng giữa các thành viên cấp cao của phong trào này.
Hai chỉ huy Taliban cho biết ông Mansour bị trọng thương sau trong vụ nổ súng sau khi xảy ra tranh cãi tại nhà của một chỉ huy cấp cao Taliban Mullah Abdullah Sarhadi ngoại ô TP Quetta, phía Tây Pakistan.
Một trong hai chỉ huy trên cho biết: “Trong suốt cuộc thảo luận, mâu thuẫn phát sinh giữa một số thành viên cấp cao và họ nổ súng về phía nhau”.
Thủ lĩnh Mullah Akhtar Mansour được cho là đã bị trọng thương. Ảnh: Reuters
Theo người này, 5 thành viên cấp cao Taliban đã chết ngay tại chỗ và hàng chục người khác, bao gồm thủ lĩnh Mansour, bị trọng thương vì trúng đạn. Ông này đang được điều trị tại bệnh viện tư sau khi trúng 4 phát đạn của khẩu súng trường AK-47. Trong khi đó, một số nguồn tin khác cho rằng vụ việc xảy ra ở TP Kandahar - Afghanistan gần biên giới với tỉnh Balochistan của Pakistan.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid đã phủ nhận thông tin “vô căn cứ” nói trên và cho hay ông Mansour đang ở Afghanistan. Người phát ngôn này nói: “Thủ lĩnh Mohammad Mansour hoàn toàn khỏe mạnh và không có gì xảy ra với ông ấy. Đó là chủ ý của các cơ quan tình báoAfghanistan. Họ lan truyền những tin đồn về một cuộc đụng độ giữa các thủ lĩnh Taliban. Chuyện đó không hề xảy ra ở Pakistan”.
Kể từ khi thông tin thủ lĩnh tối cao Mullah Mohammad Omar qua đời cách đây 2 năm được xác nhận hồi tháng 7, nội bộ phong trào Taliban đối mặt sự chia rẽ sâu sắc.
Ông Mansour, cấp phó lâu năm của thủ lĩnh tối cao Mullah, được chọn làm thủ lĩnh mới của Taliban nhưng một số phần tử phong trào này nhanh chóng phản đối quyết định trên, đồng thời cáo buộc ông này che giấu cái chết của thủ lĩnh tối cao Omar.
Theo một chỉ huy Taliban, cuộc họp hôm 2-12 thảo luận về tương lai của các cuộc đàm phán hòa bình với Mỹ và chính phủ Afghanistan, cũng như chiến lược đối phó với một nhóm đứng đầu bởi Mullah Mohammad Rasool Akhund, người phản đối Mansour làm thủ lĩnh Taliban.