Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được chính thức ký kết vào ngày 4/2 tại New Zealand, đánh dấu kết thúc thắng lợi của các cuộc đàm phán suốt 5 năm qua.
Tin trong nước đọc nhanh 28-01-2016
- Cập nhật : 28/01/2016
Hơn 50 căn nhà bị sóng biển đánh sập
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, hai ngày qua, do triều cường dâng cao cộng với gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, sóng biển đã đánh sập 25 căn nhà ở thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong.
Còn ở TP Phan Thiết, tình trạng xâm thực cũng làm 1.000 m2 bờ biển sạt lở, 28 căn nhà sập hoàn toàn, 24 hộ phải di dời và hơn 120 hộ khác đang bị uy hiếp. Ước tính thiệt hại ở hai địa phương bị ảnh hưởng hơn 6 tỷ đồng.Trước tình hình trên, lực lượng biên phòng, quân sự đã giúp người dân di chuyển tài sản, chằng chống nhà cửa, làm bờ kè tạm bằng bao cát chắn sóng... Những người có nhà bị sập được bố trí lên khu vực xưởng sản xuất hạt điều để ở tạm.
Lãnh đạo địa phương cho biết đang tiến hành thống kê cụ thể mức độ thiệt hại để có hướng hỗ trợ vật tư, kinh phí di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; đồng thời cử cán bộ theo dõi tình hình triều cường và diễn biến sạt lở đang có chiều hướng phức tạp trong những ngày tới.
Đây là hai khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở khi có gió mạnh và triều cường. Tuy nhiên, theo địa phương, do thói quen bám biển nên nhiều người vẫn chọn khu vực này để sinh sống.
Ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng bí thư
Ngày 27/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII họp Hội nghị lần thứ nhất để bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Theo TTXVN, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI tiếp tục được bầu làm Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Các đại biểu Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Ông Nguyễn Phú Trọng dù đã lớn tuổi nhưng được Bộ Chính trị, Trung ương khóa XI giới thiệu vào vị trí Tổng bí thư khóa mới vì số lượng và chất lượng đề cử vào vị trí này trong độ tuổi được đánh giá là chưa đạt. "Việc đề cử ông Nguyễn Phú Trọng tái cử với mục đích kế thừa, tập hợp giữ vững ổn định chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân và đặc biệt là giữ đoàn kết, thống nhất trong Đảng", Thượng tướng Võ Tiến Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng cho hay.
Ông Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944 (72 tuổi), quê ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ông là giáo sư, tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng); Cử nhân Văn - Đại học Tổng hợp.
Từ tháng 8/1999 đến 4/2001, ông Trọng tham gia Thường trực Bộ Chính trị. Từ tháng 1/2000 đến 6/2006 là Bí thư Thành uỷ Hà Nội (khoá XII, XIII, XIV). Ông là Đại biểu Quốc hội khoá XI, XII. Từ tháng 7/2007 đến nay, ông kinh qua các cương vị Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày mai, kết quả bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư sẽ được báo cáo để đại hội Đảng lần thứ 12 thông qua.
TP HCM kiến nghị trung ương thưởng hơn 10.000 tỷ đồng
UBND TP HCM vừa kiến nghị Bộ Tài chính thưởng vượt dự toán thu ngân sách năm 2015 hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó, thưởng vượt thu là hơn 899 tỷ đồng, bổ sung có mục tiêu từ nguồn vượt thu ngân sách trung ương hơn 9.100 tỷ đồng.Đề xuất này của thành phố là căn cứ theo quy định của Luật Ngân sách và Nghị định của Chính phủ về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với TP HCM.
Năm 2015, dự toán thu ngân sách trên địa bàn TP HCM (không kể dầu thô) là hơn 233.700 tỷ đồng. Nhưng cuối năm thành phố đã thu được hơn 255.000 tỷ đồng (đạt hơn 109% so với dự toán).
Trước đó, hồi tháng 6/2015, UBND TP HCM cũng kiến nghị được thưởng vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2014 cho thành phố 7.994 tỷvì thu vượt ngân sách. Trung ương sau đó đã đồng ý thưởng cho thành phố nhưng số tiền ít hơn số đề xuất.
Tại thời điểm đó, UBND TP HCM cho rằng số tiền thành phố đề xuất thưởng là khoản thành phố được hưởng, bởi Luật Ngân sách cho phép "địa phương thu vượt ngân sách thì được điều tiết giữ lại theo tỷ lệ phần trăm". Thành phố được giữ lại để đầu tư cho các công trình trọng điểm đang còn thiếu rất nhiều tiền. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chậm giải quyết khoản dư này cho thành phố.
Bộ Công thương tinh giản gần 200 biên chế trong năm 2015
Trong năm 2015 Bộ Công thương đã thực hiện tinh giản 199 biên chế đối với các công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ.
Tại Hội nghị triển khai công tác Cải cách Hành chính năm 2016 của Bộ Công Thương, ông Đào Văn Hải, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, trong năm 2015, Bộ Công Thương đã bãi bỏ 30 thủ tục hành chính (TTHC) và đơn giản hóa 54 TTHC, theo hướng bãi bỏ một số thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng thực hiện TTHC nhanh gọn, hiệu quả; công tác thi tuyển công chức Bộ Công Thương đã được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.
Cũng trong năm 2015, Bộ Công Thương đã cung cấp 12 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Đặc biệt, theo ông Hải, Bộ Công Thương đã đi đầu trong việc triển khai thực hiện Đề án Tinh giản biên chế. Trong năm 2015 Bộ Công Thương đã thực hiện tinh giản 199 biên chế đối với các công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ.
Ông Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế cũng cho biết, năm 2015, các ý kiến phàn nàn về thủ tục hành chính của Bộ Công Thương đã giảm đáng kể và nhận được ý kiến phản hồi tích cực của doanh nghiệp.
Đại diện Cục Điều tiết điện lực cũng cho hay Cục cũng đã rà soát, tiết giảm từ 72 xuống còn 26 TTHC.
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện kế hoạch liên quan đến cải cách hành chính chưa hoàn thành 100% kế hoạch hoặc hoàn thành chưa cao; một số cơi công tác cải cách hành chính còn mang tính hình thức, nặng về đối phó mà chưa chú trọng đến chất lượng, hiệu quả công việc, chưa hướng đến mục tiêu phục vụ nhân dân; thái độ phục vụ nhân dân của một bộ phận công chức chưa thực sự tốt; TTHC còn rườm rà, phức tạp, thời gian giải quyết TTHC còn dài, chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Chính vì thế, Bộ Công Thương xác định, cải cách thể chế và kiểm soát thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2016.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh trong năm 2016, các đơn vị thuộc Bộ phải kiểm soát chặt chẽ TTHC, đảm bảo chỉ ban hành những TTHC cần thiết; rà soát, đơn giản hóa TTHC hằng năm và bãi bỏ các TTHC không cần thiết, hạn chế phát sinh số lượng TTHC. Đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm.
"Năm 2016, các đơn vị chức năng của Bộ tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính để đơn giản hóa và bãi bỏ những thủ tục không cần thiết, qua đó nâng cao tính minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các doanh nghiệp, người dân, đồng thời, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Từ 1/2, xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông
Từ ngày 1/2/2016, lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra, xử lý đối với người đi bộ vi phạm luật giao thông tại các nút giao thông trọng điểm có đèn tín hiệu giao thông, vạch sơn và cầu vượt cho người đi bộ, trên các tuyến cấm người đi bộ…
Theo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trong thời gian qua, tình trạng người đi bộ tham gia giao thông vi phạm và không chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) như đi qua đường không đúng nơi quy định, vượt qua dải phân cách, đi vào đường cao tốc; người điều khiển xe mô tô đi vào đường cấm, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, dừng đỗ sai quy định, chở 3-4 người tham gia giao thông gây nguy hiểm… là nguyên nhân gây cản trở giao thông và tai nạn giao thôngtrên địa bàn thành phố.
Số liệu thông kê của PCSGT cho thấy, năm 2015 địa bàn TP Hà Nội xảy ra 1.696 vụ tai nạn giao thông trong đó tai nạn liên quan đến người đi bộ xảy ra 112 vụ, tai nạn do người đi bộ gây ra xảy ra 33 vụ, tai nạn liên quan đến xe mô tô xảy ra 1.008 vụ, tai nạn do xe mô tô gây ra xảy ra 916 vụ, chiếm 54%.
Để đảm bảo TTATGT phục vụ Tết Nguyên Đán Bính Thân 2016, Phòng CSGT sẽ tập trung tuyên truyền, kiểm tra, xử lý người đi bộ vi phạm các quy định về TTATGT; người điều khiển xe mô tô đi vào đường cấm, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, dừng đỗ sai quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và các trường hợp xe khách dừng đỗ, đón trả khách sai quy định trên tuyến cao tốc vành đai 3 trên cao.