Bộ Tài chính vừa có dự thảo gửi Chính phủ trình Quốc hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm thuế suất phổ thông xuống còn 17% thay vì 20% như hiện tại.
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh tham gia TPP
- Cập nhật : 01/08/2016
Ở nước ta, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Trước khi tham gia Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nước ta đã tiến hành tái cơ cấu DNNN, và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Khi tham gia TPP, đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để nâng cao hiệu quả cải cách DNNN.
Trong các biện pháp cải cách DNNN ở Việt Nam (trước đây gọi là sắp xếp, đổi mới, và từ năm 2012 có tên gọi mới là tái cơ cấu DNNN) thì cổ phần hoá được coi là hướng đi chính, là biện pháp quan trọng, có ý nghĩa chi phối đối với quá trình cải cách DNNN. Nếu tính từ năm 1992 nước ta bắt đầu thí điểm cổ phần hoá DNNN, thì đến nay quá trình đã triển khai được 24 năm. Tuy ở từng giai đoạn, tiến trình cổ phần hoá có những bước thăng trầm, nhưng nhìn chung, quá trình cổ phần hoá được đánh giá là đã tạo ra nhiều tác động tích cực đối với doanh nghiệp cổ phần hoá và toàn bộ khu vực DNNN.
Đối với doanh nghiệp, tiến trình cổ phần hoá đã đem lại tính năng động, tích cực hơn trong quản trị, điều hành, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động. Đối với khu vực DNNN, cổ phần hoá cùng với các biện pháp khác dẫn đến giảm đáng kể số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, từ trên 12 nghìn DNNN đầu những năm 1990 xuống còn 909 doanh nghiệp đến hết năm 2013 (chưa kể nông, lâm trường quốc doanh). Trong năm 2014, đã hoàn thành cổ phần hoá được 143 doanh nghiệp; năm 2015, tiếp tục thực hiện được 222 doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm 2016, cũng đã cổ phần hoá được 38 DNNN.
Nhìn chung, cổ phần hoá DNNN đã góp phần phân bổ lại nguồn lực của nền kinh tế; chuyển dịch một số nguồn lực từ khu vực DNNN như tài chính, tín dụng, nhân lực, đất đai… sang khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và khu vực doanh nghiệp FDI để sử dụng có hiệu suất, hiệu quả hơn. Thông qua đó tạo điều kiện thúc đẩy sự tham gia của 2 khu vực kinh tế tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế đất nước. Có thể nhận thấy, tuy tỷ trọng của kinh tế nhà nước trong GDP giảm (từ 40% xuống còn khoảng 28%) nhưng với sự tăng trưởng mạnh hơn của khu vực kinh tế tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài nên nền kinh tế vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng khá cao.
Thực tiễn cho thấy, trước khi đàm phán Hiệp định TPP, cam kết đa phương duy nhất của Việt Nam có nội dung về DNNN là cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong các hiệp định song phương đã ký, Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ cam kết riêng về DNNN, ngoại trừ 2 điều khoản trong Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 2001) là có liên quan tới hoạt động của DNNN. Trong những năm sau đó, các cam kết này cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của DNNN và sự điều hành của Chính phủ đối với DNNN.
Trong quá trình đàm phán Hiệp định TPP, vấn đề DNNN được các thành viên đề cập ngay từ những phiên đầu tiên, khi thảo luận về các quy tắc liên quan đến xây dựng và thực thi chính sách cạnh tranh. Mục tiêu chính của các thành viên TPP khi xây dựng bộ nguyên tắc mới về DNNN là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong khu vực thương mại tự do. Đồng thời, các thành viên cũng thừa nhận, do sự đa dạng về lịch sử, chính trị và kinh tế, nên tại một số nước thành viên, đặc biệt là các nước đang phát triển, khu vực DNNN đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu chính sách công, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an ninh - quốc phòng. Cũng trong quá trình đàm phán, Việt Nam giữ quyền bảo lưu các hình thức hỗ trợ cần thiết cho DNNN trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Nhà nước về chương trình cổ phần hoá và tái cơ cấu khu vực DNNN với mục đích làm cho DNNN hoạt động tốt hơn theo các tín hiệu thị trường.
Là một trong những thành viên tham gia đàm phán thành lập khu vực thương mại tự do theo Hiệp định TPP, Việt Nam cùng các thành viên khác đã xây dựng bộ nguyên tắc mới, điều chỉnh hoạt động của các DNNN. Các nguyên tắc này vừa mang tính chất cân bằng, có tính tới yếu tố phát triển, hướng tới mục tiêu bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, nhưng cũng khẳng định vai trò của DNNN trong việc thực hiện nhiệm vụ chính sách công, bảo đảm kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Các nghĩa vụ đối với DNNN mà Việt Nam cam kết là phù hợp với định hướng tái cơ cấu DNNN. Vì vậy, nếu được thực thi nghiêm túc, sẽ có tác động tích cực trong việc nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của các DNNN, cũng như hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với DNNN.
Tham gia Hiệp định TPP, vừa là thách thức, song cũng là cơ hội để Việt Nam thực hiện tái cơ cấu DNNN. Khi tham gia TPP, các DNNN sẽ không còn còn được hưởng các ưu đãi, không còn những đặc quyền, đặc lợi, các doanh nghiệp khác sẽ có cơ hội để phát triển và cạnh tranh bình đẳng. Đồng thời, TPP sẽ tạo sức ép thúc đẩy các DNNN chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh. Tham gia TPP, Việt Nam sẽ phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng cải cách mạnh mẽ DNNN, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường, loại bỏ hình thức trợ cấp trái với quy định của WTO, cải thiện và hoàn thiện thể chế pháp luật kinh doanh.
Nhìn chung, TPP không ảnh hưởng nhiều đến các DNNN của các thành viên trong khối và cũng không ảnh hưởng nhiều đến quá trình tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam, nếu có thì TPP cũng chỉ mang vai trò thúc đẩy quá trình này ở Việt Nam mà thôi. Song, TPP cũng cung cấp cho Việt Nam một động lực quan trọng để đẩy mạnh cải cách DNNN, đặc biệt là quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp này. Mặc dù cải cách DNNN đã trở thành một trong ba trụ cột chính của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nước ta từ năm 2012, nhưng tiến độ của nó trên thực tế lại chậm hơn dự kiến. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã tăng cường những nỗ lực và thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, như mở cửa cho cạnh tranh trong một số ngành mà trước đây được độc quyền bởi các DNNN như than, điện, xăng dầu; kỷ luật những cán bộ quản lý không đáp ứng được tiến độ cổ phần hoá. Những bước phát triển này cho thấy Việt Nam đang điều chỉnh chính sách DNNN của mình theo hướng các cam kết TPP, điều này có thể giúp Việt Nam cải thiện hiệu suất của các DNNN cũng như của cả nền kinh tế trong dài hạn…
Nguồn: dangcongsan.vn