Lo doanh nghiệp đối mặt thời kỳ đen tối, không còn lợi nhuận vì chính sách bảo hiểm mới; chính sách bảo hiểm có thể khiến doanh nghiệp không còn lãi…là ý kiến nhiều chuyên gia.
Quyết toán NSNN năm 2014: Giải ngân ODA tăng là tích cực cho đầu tư phát triển
- Cập nhật : 30/07/2016
Đây là đánh giá của Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) về con số giải ngân ODA tại báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014, do Chính phủ trình Quốc hội chiều 28/7.
Các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn quy định
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền Chính phủ, đã trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2014 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 1.130.609 tỷ đồng; tổng số chi cân đối NSNN là 1.339.489 tỷ đồng; bội chi NSNN là 249.362 tỷ đồng (tăng 25.362 tỷ đồng so với dự toán, bằng 6,33% GDP. Với kết quả trên, tính đến 31/12/2014, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 46,1%, dư nợ ngoài nước bằng 38,3%, nợ công bằng 58%, trong giới hạn theo quy định của Chính phủ và Quốc hội.
Giải trình về số bội chi vượt 25.362 tỷ đồng so với dự toán, Chính phủ cho biết chủ yếu là tăng chi từ giải ngân vốn ODA 26.169 tỷ đồng. Theo báo cáo, những năm qua và năm 2014 nhu cầu vốn ODA rất lớn. Do cân đối NSNN khó khăn, trong dự toán Quốc hội chỉ bố trí được 15.484 tỷ đồng.
Trước sức ép của các nhà tài trợ, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân theo đúng tiến độ ký kết với nhà tài trợ để sớm đưa công trình vào sử dụng, vì thế số giải ngân thực tế là 41.653 tỷ đồng, vượt so với dự toán là 26.169 tỷ đồng. Đồng thời nhờ có nguồn tiết kiệm chi trong nước 807 tỷ đồng, nên bội chi chỉ tăng so với dự toán đầu năm là 25.362 tỷ đồng.
Đánh giá tại báo cáo thẩm tra, UBTCNS cho rằng, năm 2014, cùng với thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thuế, hải quan, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp (DN) là sự chỉ đạo và phối hợp tốt hơn trong công tác thu ngân sách của các cấp, các ngành. Ngành Thuế và Hải quan đã tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu và xử lý các vi phạm về thuế; các DNNN được cơ cấu lại một bước theo hướng hiệu quả hơn, thu NSNN từ DNNN vượt dự toán. Mặc dù vẫn duy trì một số ưu đãi về thuế nhằm hỗ trợ DN vượt khó khăn, song với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, thu NSNN năm 2014 đã vượt 12,1% so với dự toán.
Báo cáo kịp thời hơn về giải ngân ODA
Về chi ngân sách, UBTCNS nhận thấy, chi NSNN năm 2014 cơ bản đã bám sát Nghị quyết của Quốc hội và HĐND các cấp. Công tác quản lý, điều hành chi NSNN đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quán triệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi theo quy định của pháp luật, xử lý kịp thời nhiệm vụ phát sinh.
Tuy nhiên, UBTCNS lưu ý nhiều hạn chế như: Một số khoản chi của địa phương dự toán chưa căn cứ nhiệm vụ thực tế, giao dự toán chi đầu tư phát triển không phù hợp với danh mục dự kiến, bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, xây dựng và giao kế hoạch vốn đầu tư ngoài nước chưa phù hợp... Chi đầu tư XDCB còn nhiều hạn chế. Hầu hết các dự án đầu tư được thanh tra, kiểm toán đều phát hiện có sai phạm. Nợ đọng trong đầu tư XDCB còn lớn và chưa được quan tâm đúng mức.
Đối với bội chi NSNN, UBTCNS cho rằng việc tăng bội chi so với dự toán chủ yếu là do giải ngân cho các dự án giao thông, thủy lợi... cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Việc giải ngân vốn ODA tăng nhanh là tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế, bảo đảm thực hiện theo các cam kết quốc tế. Tuy nhiên, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội kịp thời hơn theo quy định.
Qua thẩm tra, Thường trực UBTCNS đề nghị Quốc hội cho phép quyết toán NSNN như Chính phủ đã trình.
Đua lập dự án, “trăm dâu đổ đầu tằm”
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu (ĐB) đánh giá cao việc xem xét quyết toán NSNN lần này đã có thêm báo cáo chi tiết của Kiểm toán Nhà nước theo quy định của luật, từ đó để các ĐB có căn cứ đánh giá cụ thể hơn. Đa số các ý kiến cho rằng báo cáo của Chính phủ về cơ bản đảm bảo yêu cầu Quốc hội phê chuẩn.
ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) lo lắng về tình trạng nợ công tăng nhanh những năm gần đây và liên hệ với tình trạng một số địa phương lập dự án, vay nhưng không có nguồn trả nợ, khiến cho “trăm dâu đổ đầu tằm”, Chính phủ phải đứng ra lo trả nợ.
Đánh giá cao những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, địa phương, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải chú trọng nội dung về cải cách hành chính, tinh giản bộ máy để có thể giảm chi thường xuyên. Theo ĐB, nếu không kiên quyết, tình trạng bộ máy cồng kềnh sẽ ngày càng tiếp diễn.
Sáng 29/7, Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2014.
Hoàng Yến
Theo Thời báo Tài chính Việt Nam