Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lên tiếng về việc vay Trung Quốc gần 7.000 tỷ đồng làm đường cao tốc
- Cập nhật : 29/07/2016
Không quan trọng là vay của nước nào, mà vấn đề là phải sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, đáp ứng được điều kiện và tiêu chuẩn để đảm bảo Việt Nam có khả năng vay, trả nợ tốt nhất.
Trả lời bên hành lang Quốc hội chiều ngày 28/7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ quan điểm ủng hộ với việc vay vốn Trung Quốc để triển khai dự án này, nếu như việc vay vốn, sử dụng vốn tuân thủ được các điều kiện để đáp ứng yêu cầu về hiệu quả đầu tư.
Trước đó, dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được Bộ Giao thông Vận tải trình ra với tổng mức đầu tư trong giai đoạn 1 là 382 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc 304,6 triệu USD, tương đương 6.860 tỷ đồng. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về hiệu quả vay và sử dụng vốn vay từ Trung Quốc khi làm các công trình hạ tầng giao thông.
Vấn đề là vốn vay đáp ứng được nhu cầu
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay Việt Nam đang có nhu cầu lớn trong xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư trong nước mặc dù có, nhưng lại không đủ, nên việc huy động vốn từ các khoản vay, viện trợ ODA của các nước là cần thiết.
"Việc Trung Quốc hay nước nào có ODA, nếu như đáp ứng nhu cầu của chúng ta thì ta sử dụng, chứ không phải là nước này nước kia. Trên cơ sở là nguồn vốn đó có đáp ứng đủ điều kiện của chúng ta hay không, đảm bảo cho chúng ta có khả năng vay, trả nợ và đáp ứng tốt nhất hay không" - Phó Thủ tướng bày tỏ quan điểm.
Trước những lo ngại đặt ra khi cho rằng, nhiều dự án vay vốn từ Trung Quốc luôn đặt ra những điều kiện về nhà thầu, đưa những nhà thầu kém chất lượng, máy móc công nghệ lạc hậu vào triển khai dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng dự án, Phó Thủ tướng cho rằng điều kiện về nhà thầu không phải chỉ riêng Trung Quốc đặt ra.
Theo đó, khi vay vốn ODA thì nước nào có những điều kiện nhất định, trong đó có yêu cầu về nhà thầu. Bởi khoản vay ODA là khoản vay với lãi suất thấp hơn vay thương mại, nên các nhà thầu cũng được quyền tham gia, sử dụng máy móc, thiết bị và đây là điều kiện.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng khẳng định việc vay vốn ODA, kể cả với Trung Quốc, nếu các nhà thầu đáp ứng được nhu cầu, điều kiện mà chúng ta đặt ra, và Việt Nam thấy rằng vay mà có lợi thì vẫn sử dụng nguồn vốn vay này để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đối với những phản ánh liên quan đến trường hợp dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn để lại nhiều hệ quả, được xem là bài học đắt giá trong việc vay vốn Trung Quốc, Phó Thủ tướng cho rằng mỗi dự án nhanh hay chậm có nhiều nguyên nhân.
"Trong nhiều phân tích đã có rồi, có thể do mặt bằng, sử dụng không hiệu quả các nhà thầu phụ, chứ không phải do đồng tiền làm chậm" - Phó Thủ tướng nói.
Quan trọng là sử dụng hiệu quả
Do đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh lại rằng đối với vốn vay ODA, quan trọng không phải vay của nước nào, mà là sử dụng thế nào cho hiệu quả và đó là vấn đề đặt ra với mỗi cơ quan, đơn vị trong sử dụng nguồn vốn này.
Phó Thủ tướng nói: "Nếu chúng ta đã dùng nguồn vay, càng kéo dài thì giá càng đắt hơn, do thời gian trả nợ, thời gian ân hạn ngắn lại, nếu không triển khai nhanh thì bị thiệt hại nhiều".
Đối với dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Bộ Giao thông vận tải đề nghị áp dụng cơ chế tài chính theo hình thức cấp phát toàn bộ vốn vay nước ngoài cho dự án (vay vốn với điều kiện sẽ chỉ định nhà thầu Trung Quốc thi công).
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại tỏ rõ băn khoăn về việc vay vốn Trung Quốc cho dự án này. Cũng bởi, các khoản vay ưu đãi bên mua của Trung Quốc đều là các khoản vay “có ràng buộc, phải sử dụng nhà thầu, công nghệ, máy móc, thiết bị của Trung Quốc”.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần tính toán, so sánh với khả năng huy động vốn từ các nguồn khác có chi phí rẻ hơn hoặc chất lượng, công nghệ tốt hơn nhằm giảm rủi ro trong quá trình xây dựng dự án. Đồng thời, cân nhắc chủ trương sử dụng vốn tín dụng ưu đãi bên mua của Trung Quốc cho dự án này.
(Trí thức trẻ)