Các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước đều cho rằng, ổn định vĩ mô nên là ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách.
Bịt lỗ hổng khai thác tài nguyên
- Cập nhật : 04/08/2016
Các chuyên gia khuyến cáo, dù tiếp tục duy trì mô hình nhà nước đầu tư khai thác khoáng sản hay thúc đẩy thu hút đầu tư tư nhân, cũng cần tính đến giải pháp củng cố thể chế, chính sách pháp lý để tránh thất thoát.
Hiện nay, trên cả nước có khoảng 170 DNNN hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Tuy nhiên các hoạt động khoáng sản chủ yếu tập trung vào nhóm 5 tập đoàn và tổng công ty lớn.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, DNNN hiện đang được ưu đãi, thậm chí là hưởng độc quyền trong phân bổ nguồn lực, nhất là khai thác tài nguyên khoáng sản. Đơn cử như một số tập đoàn độc quyền khai thác: dầu khí, than - khoáng sản, hoá chất (apatit), hay có vị thế thống lĩnh thị trường như vật liệu xây dựng…
Cũng theo ông Doanh, dù các DNNN được ưu đãi và độc quyền nhưng đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội lại có chiều hướng giảm xuống. Về công nghệ tại DN được áp dụng rất khác nhau, nhưng nổi bật lên là công nghệ lạc hậu, làm ảnh hưởng môi trường, xã hội… Bên cạnh đó, tỷ lệ thu hồi khoáng sản chưa cao, nhiều khoáng sản phụ có hàm lượng thấp hơn chưa được chú trọng khai thác.
Trong khi đó vấn đề bảo vệ môi trường cũng chưa được chú trọng. Tình trạng xuất khoáng sản thô kéo dài... Vấn đề công khai, minh bạch thấp, trách nhiệm giải trình chưa được thực hiện, gây ra tham nhũng, lãng phí lớn.
TS. Lê Đăng Doanh kết luận, dù đầu tư của Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong đầu tư khai thác tài nguyên, song tính hiệu quả của nguồn lực này cần được đánh giá một cách tổng thể và nghiêm túc.
Ở khối tư nhân, tình hình cũng không khả quan hơn. Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam dẫn chứng, kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của cơ quan này thực hiện cho thấy, khai thác khoáng sản là một trong những lĩnh vực kém minh bạch nhất hiện nay.
Ông Đức dẫn ra một thông tin khá “thú vị”. Đó là kết quả kinh doanh của DN khoáng sản so với DN khác luôn thấp hơn. Thế nhưng khi được hỏi DN có ý định mở rộng hoạt động trong 2 năm tới không, thì các DN đều trả lời có. “Điều này khiến chúng tôi đặt ra nghi vấn có gian lận trong báo cáo lĩnh vực này”, ông nêu quan điểm. Các DN khoáng sản cũng cho biết thường xuyên phải chi trả các chi phí không chính thức nhiều hơn so với các DN khác, đồng thời quy mô của khoản chi cũng lớn hơn.
Một số vấn đề khác thể hiện rõ rằng tính minh bạch trong lĩnh vực này rất thấp. Điển hình là trong vấn đề quy hoạch khoáng sản. Chẳng hạn, Bộ Công Thương có 12 quy hoạch song đã sửa đổi, bổ sung tới 59 lần trong 5 năm vừa rồi. Đáng chú ý là mỗi lần chỉ bổ sung 1-2 mỏ và ngay sau đó mỏ này được cấp phép. “Quy hoạch theo kiểu “dọn đường” như vậy là không minh bạch”, ông Đức nêu giả thiết.
Với kiểu quy hoạch khoáng sản như vậy, để được cấp mỏ, DN phải tự xin điều chỉnh quy hoạch và phải hoàn toàn đi vào con đường không chính thức. Để thực hiện được quy trình này, DN đề xuất qua UBND tỉnh, sau đó khảo sát thực địa, lập đề án… Cuối cùng là xin quyết định để mỏ được xếp vào khu vực không đấu giá để không phải mang ra đấu giá quyền khai thác, tránh cạnh tranh với DN khác. Điều này cho thấy đây là thủ tục vô cùng quan trọng nhưng lại thiếu.
Việc công khai các giấy phép hoạt động khoáng sản đã cấp cũng rất thiếu minh bạch. Một số quy hoạch không công bố phụ lục trong khi đó đây mới là phần giá trị nhất, vì phần này quy định vị trí các mỏ ở đâu. Đối với danh sách khoáng sản đã cấp hiện mới đăng tải công khai tới tháng 4/2015, chậm hơn tới 16 tháng. Và thông tin đăng tải cũng rất sơ sài. Phần thông tin quan trọng nhất là ranh giới mỏ thì lại không có. Sở dĩ thông tin này quan trọng vì đây là cơ sở để cộng đồng giám sát xem DN có khai thác đúng trong ranh giới đã được cấp phép hay không.
Những biểu hiện trên cho thấy nguy cơ thất thoát trong lĩnh vực đầu tư nhạy cảm như khoáng sản là rất lớn. Do đó các chuyên gia khuyến cáo, dù tiếp tục duy trì mô hình nhà nước đầu tư khai thác khoáng sản hay thúc đẩy thu hút đầu tư tư nhân, cũng cần tính đến giải pháp củng cố thể chế, chính sách pháp lý để tránh thất thoát.
Khanh Đoàn
(Thời báo Ngân hàng)