tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

TS Nguyễn Đình Cung: Việt Nam chưa có thị trường đúng nghĩa, nhìn đâu cũng méo mó thiên lệch

  • Cập nhật : 03/08/2016

Nhân tố thị trường của nước ta nếu nhìn lại sẽ thấy nó đang méo mó. Về phía đất đai tài nguyên không có thị trường, cơ chế phân bổ nguốn lực chủ yếu là xin cho, hành chính và chia chác. Vì không có thị trường cho nên các nhóm lợi ích đang chi phối và phân bố nguồn lực, còn nhìn ra chỗ khác thì đầy rẫy rào cản thị trường.

Đấy là những chia sẻ của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo Xây dựng chính sách cạnh tranh toàn diện cho Việt Nam sáng nay tại Hà Nội.

Theo phân tích của ông Nguyễn Đình Cung, trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có dấu hiệu giảm dần, những nến tảng kinh tế vĩ mô kém vững chắc, nguy cơ bất ổn nền kinh tế cũng đang dần rõ nét. Để thoát khỏi hiện trạng đó, Việt Nam cần phải cải cách kinh tế bằng cách tập trung xây dựng chính sách cạnh tranh.

“Chúng ta cải cách nền kinh tế đã 30 năm, dư địa cải cách đã chạm trần. Muốn tăng trưởng, chúng ta phải dỡ trần để tạo ra tăng trưởng mới. Cốt lõi của cải cách kinh tế lần 2 là tập trung xây dựng chính sách cạnh tranh. Nghị quyết 19 của Chính phủ đã giao cho CIEM đến năm 2017 phải trình đề án chính sách cạnh tranh toàn diện. Việc này như một kịch bản cải cách mới”, ông Nguyễn Đình Cung nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Cung, nếu nhìn lại thì thị trường của chúng ta hiện đang rất méo mó. Về phía đất đai tài nguyên không có thị trường, phân bố nguồn lực chủ yếu là cơ chế xin cho, hành chính và chia chác. Chính vì không tồn tại thị trường nên các nhóm lợi ích mới có điều kiện chi phối và phân bổ nguồn lực. Còn nhìn ra chỗ khác thì thấy đầy rẫy rào cản thị trường.

Thị trường đang bị thiên lệch, méo mó, không công bằng, “mua đắt bán rẻ” ngược hẳn với nền kinh tế thị trường nhẽ ra phải “mua rẻ, bán đắt”, doanh nghiệp nhà nước thì được hưởng quá nhiều ưu ái so với doanh nghiệp tư nhân…ông Cung cho hay.

Hay trong một ví dụ khác, ông chỉ ra sự méo mó của thị trường: "Người làm ăn gian lận có lợi hơn làm ăn trung thực. Người mày mò đi phát triển, nghiên cứu khoa học thì không kiếm được lợi nhuận, tài sản bằng ông có quan hệ, chạy chọt. Những sáng kiến, sáng tạo đáng lẽ tạo được giá trị gia tăng nhưng lại không khuyến khích được do sản phẩm giả, vi phạm sở hữu trí tuệ".

Bởi những thứ méo mó đã tạo ra những tín hiệu sai lệch dẫn đến việc sử dụng nguồn lực kém hiệu quả, chính sách bị chi phối bởi những nhóm lợi ích khác nhau.

Chính vì vậy, theo ông Cung cần phải cải cách nhanh hơn, mạnh hơn. Cải cách những thứ, xét về kinh tế thị trường, có thể động chạm ý thức hệ, như sở hữu tài sản công và lợi ích nhóm trong doanh nghiệp nhà nước. Cải cách lần này không thể không nói đến đất đai, không thể không nói đến vai trò của sở hữu Nhà nước.

Nhà nước cần chống độc quyền và tạo ra sức cạnh tranh với quốc tế trong điều kiện hiện nay: Cần thực hiện nguyên tắc cạnh tranh trung lập với các nội dung về thuế, nợ…, doanh nghiệp nhà nước không được hưởng ưu đãi về thuế; đồng thời, phải chịu chi phí như doanh nghiệp khác chứ không nhận ưu đãi. Trung lập về quản lý, bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Bảo đảm ngân sách nhà nước được sử dụng ưu đãi cho tất cả doanh nghiệp…

 

Đức Minh
Theo Trí thức trẻ/CafeF

Trở về

Bài cùng chuyên mục