Ban lãnh đạo ACB cho biết nhà băng đã thu hồi khoảng 3.000 tỷ trong năm qua, trong bối cảnh hàng nghìn tỷ đồng nợ liên quan nhóm 6 công ty Bầu Kiên tiếp tục được cổ đông quan tâm tại đại hội sáng nay.
Ai sẽ thắng trong “cuộc chiến” giành quyền tái cơ cấu Sacombank?
- Cập nhật : 31/03/2017
Câu chuyện tái cơ cấuSacombank đang “nóng” lên từng ngày và sẽ là chủ đề chính của kỳ Đại hội Cổ đông (ĐHCĐ) vào ngày 28.4 tới. Bên cạnh đó, giới đầu tư tài chính cũng nhấp nhổm không kém khi có nhiều thông tin các đối tác trong và ngoài nước hiện đang đề xuất với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để tham gia tái cơ cấu nhà băng này...
Ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến giành quyền “kiểm soát” tại một ngân hàng cổ phần mà Nhà nước không chi phối có tổng tài sản dẫn đầu này?
Xuất hiện ứng cử viên sáng giá
Mới đây nhất, nhóm nhà đầu tư trong và ngoài nước bao gồm Evercore Group (Công ty hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư có trụ sở tại New York), Redsun Capital Limited (một công ty tư vấn chuyên về M&A) và ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thành Thành Công đã có văn bản đề xuất tái cơ cấu Sacombank gửi đến NHNN. Theo văn bản này, nhóm nhà đầu tư trên đã xin phép NHNN cho phép được tiếp cận số liệu, rà soát và đánh giá tình hình hoạt động của Sacombank để thẩm định chính xác thực trạng ngân hàng.
Sau khi tiếp cận các số liệu để có đánh giá chính xác, nhóm đầu tư Evercore Group - Redsun Capital Limited và ông Đặng Văn Thành sẽ xây dựng phương án tái cấu trúc cụ thể, chi tiết, chính xác và đề xuất một số cơ chế đặc thù từ phía NHNN và Chính phủ để tái cơ cấu đạt hiệu quả đề ra.
Cũng theo đề xuất của nhóm đầu tư, nếu được NHNN và Chính Phủ phê duyệt, nhóm trước tiên sẽ bổ sung năng lực tài chính cho Sacombank thông qua việc tăng ròng vốn điều lệ thêm 20.600 tỷ đồng. Như vậy Sacombank sẽ tiếp nhận một khoản vốn mới để cải thiện căn cơ các chỉ số an toàn hoạt động. Đồng thời, nhóm sẽ thành lập một hội đồng xử lý nợ để tập trung giải quyết nợ xấu và thu hồi các tài sản tồn đọng; kế đến là sử dụng các nguồn thu nhập có được để trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu...
Ngoài nhóm trên, chính bản thân Sacombank cũng đã gửi Đề án Tái cấu trúc Sacombank sau sáp nhập lên NHNN và năm 2017 sẽ là năm Sacombank thực hiện mạnh mẽ công tác tái cấu trúc sau khi được NHNN phê duyệt. Theo ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín trả lời báo giới cách đây không lâu “đang có nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư 1 tỷ USD vào Sacombank và có 1 nhà đầu tư trong nước khác muốn mua 20% vốn của ngân hàng với giá 1.5 (tức 15.000 đồng/CP), cao hơn nhiều so với thị giá cổ phiếu STB hiện tại”.
Tuy nhiên, chia sẻ này của ông Kiều Hữu Dũng lại gây ra khá nhiều nghi ngờ cho giới đầu tư tài chính. Cụ thể, mức vốn hóa thị trường hiện nay của Sacombank trên sàn chứng khoán chỉ là 20.200 tỷ đồng, nếu đối tác này bỏ 1 tỷ USD thì hoàn toàn có thể “mua đứt” ngân hàng này nếu tính theo thị giá hiện tại của STB nhưng điều này là không thể vì theo luật quy định, room nước ngoài chỉ 30%.
Trong khi đó, với 1 tỷ USD đầu tư vào Sacombank (hiện tại room nước ngoài còn lại là 19,1%) thì nhà đầu tư này phải bỏ mức giá hơn 60.000 đồng/CP để sở hữu. Mức giá này là không tưởng khi thị giá STB thời điểm hiện tại chỉ xoay quanh vùng giá 10.000 - 11.400 đồng/CP.
“Sức khỏe” của Sacombank hiện nay ra sao?
Chưa biết NHNN sẽ quyết định chọn nhà đầu tư nào để tham gia tái cơ cấu Sacombank, tuy nhiên những thông tin có nhiều đối tác tham gia đề án lại là thông tin vui với các cổ đông nhà băng này khi tình trạng sức khỏe của nhà băng này vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn.
Thực tế, từ sau khi sát nhập với Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank), với khối tài sản tăng gấp đôi, Sacombank đã vươn từ vị trí thứ 5 lên dẫn đầu trong danh sách các ngân hàng cổ phần mà Nhà nước không chi phối, thay thế vị trí của Ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank). Hiện, tổng tài sản của Sacombank lên tới 333.295 tỷ đồng, cùng với vốn điều lệ tăng từ 10.740 tỷ đồng (trước sát nhập) lên tới 18.852 tỷ đồng thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, lợi nhuận từ khi sát nhập đến nay của Sacombank lại giảm dần qua các năm. Từ mức lợi nhuận 2.838 tỷ đồng (năm 2013) và 2.851 tỷ đồng (năm 2014) thì bước sang năm 2015, lợi nhuận chỉ còn 1.470 tỷ đồng và năm 2016 còn thảm hơn, chỉ còn 532 tỷ đồng. Ngoài ra, chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành mà Sacombank đang nắm giữ lên tới 38.300 tỷ đồng, trong đó 95% là trái phiếu do VAMC phát hành. Điều này cho thấy Sacombank đã bán cho VAMC số nợ rất lớn, có lẽ chỉ sau Agribank trong hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, không thể bỏ qua yếu tố hấp dẫn của Sacombank trong mắt giới đầu tư nước ngoài đó là Sacombank hiện có hệ thống mạng lưới rộng, nền tảng cơ bản,... các yếu tố cần để bức phá đã có nên chỉ cần một bộ máy quản trị chuyên nghiệp, có tầm hơn thì việc nhanh chóng vượt lên vị trí dẫn đầu trong hệ thống các tổ chức tín dụng không khó với Sacombank.
Tài sản ông Trần Bê sẽ được ưu tiên để xử lý nợ
Theo thông cáo báo chí của NHNN, mọi tài sản của ông Trầm Bê và những người liên quan (không chỉ tài sản thế chấp, cầm cố tại Sacombank) đều phải được ưu tiên để xử lý nợ ở Sacombank, do đó mọi giao dịch chuyển nhượng đều phải được sự chấp thuận của NHNN. Đồng thời, ông Trầm Bê và người có liên quan có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại ở Sacombank theo quy định của pháp luật hiện hành...
Quốc Hải
Theo danviet.vn