Đại diện Ngân hàng thế giới (World Bank) khẳng định mức nợ công chiếm 62,2% GDP vẫn an toàn và Chính phủ Việt Nam vẫn có khả năng trả 100% các khoản nợ đến hạn.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó
- Cập nhật : 08/04/2016
(Tin kinh te)
Phân tích về việc gia tăng số DN ngừng hoạt động trong thời gian qua, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN nước ta hiện nay còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Từ công nghệ cho đến máy móc thiết bị, thậm chí đến đầu ra sản phẩm của các DN cũng bị phụ thuộc rất lớn vào điều này.
“Công nghệ và nguyên liệu ở những thị trường lớn tất nhiên có chất lượng tốt hơn, nhưng nếu so nồi đồng với nồi đất thì người nghèo vẫn phải chấp nhận sử dụng nồi đất trước, sau đó có điều kiện mới có thể sử dụng nồi đồng. Mặc dù ai cũng biết mua 1 cái nồi đồng đắt bằng mấy lần 1 cái nồi đất, nhưng vì nghèo quá nên cứ phải mua nồi đất trước”, ông Kiêm ví von khi so sánh nguyên liệu, hàng hóa Trung Quốc với các nước khác.
Để tăng “sức khỏe”, từ đó hạn chế số lượng DN phải ngừng hoạt động, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, chính DN cần phải tăng cường nội lực, đó là quan trọng nhất. DN phải tạo được ra thế mạnh, có công nghệ và chất lượng nguồn lực thực sự chứ không chỉ là hô hào. Nhà nước cần phải có thể chế, chính sách kích thích, tạo động lực cho các DN yên tâm, hăng hái khai thác các nguồn lực địa phương để tự túc nguyên liệu hoặc nguồn nhân lực.
Tuy vậy, các DN cũng cần phải được trang bị công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực cần phải được đào tạo nhanh, để nâng cao chất lượng đội ngũ lao động. Những yếu tố mấu chốt này cần phải được làm khẩn trương để có thể nhanh chóng bù đắp được những thiếu hụt cho DN khi đang phải phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài.
Muốn làm được điều này, DN ngoài việc có công nghệ tiên tiến, con người với trình độ tốt, thì rất cần thiết có hệ thống pháp luật cởi mở để tạo động lực cho DN phát triển tốt hơn. Mặc dù hiện nay luật pháp của nước ta về cơ bản là đầy đủ, nhưng quan trọng là ở khâu triển khai, cụ thể hóa những quy định cụ thể của Chính phủ, của các ngành, làm sao để biến những luật đó thành những quy định, hành động cụ thể áp dụng vào thực tế hoạt động của DN.
“Cơ bản vẫn là DN phải tự căn cứ vào nội lực của mình để bố trí chiến lược, phán đoán, dự báo và phát huy những ưu điểm hiện có, hạn chế những yếu điểm. Đây là việc làm chủ quan của mỗi DN, không ai có thể làm thay. Nhà nước chỉ hỗ trợ về chính sách, về cơ chế, đào tạo nguồn lực cũng như quy hoạch kế hoạch”, ông Cao Sỹ Kiêm chỉ rõ.
Chung nhận định về thực tế hiện nay của các DN Việt Nam, TS. Trần Hoàng Ngân cho biết, số lượng DN đăng ký mới cũng nhiều, nhưng số lượng DN ngừng hoạt động, phá sản cũng không ít, vì nhiều DN làm ăn mang tính chất thời vụ, ngắn hạn và chụp giật hơn là đầu tư dài hạn.
Một trong những điểm yếu của DN Việt Nam là công nghệ, máy móc thiết bị. Nhiều DN không dám đầu tư khi không có nguồn vốn lớn và nhất là lãi suất thiếu ổn định. Do đó, nếu có nguồn vốn đầu tư cho DN với mức lãi suất ổn định và thấp, sẽ khuyến khích DN đầu tư dài hạn.
Trong quý I/2016, số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh lên tới 2.919 DN, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phần lớn là những DN có quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (chiếm tới 93%).
Trong khi đó, số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong quý I năm nay lên tới 20.044 DN, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, có đến 8.026 DN đăng đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 12.018 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký.
Quỳnh Hương
(Thời báo Ngân hàng)