Vào cuối năm nay thị trường lao động ASEAN (AEC) sẽ chính thức mở cửa. Cơ hội đó liệu có dành cho người lao động Việt Nam?
Doanh nghiệp Việt nên hợp công với khối FDI
- Cập nhật : 10/04/2016
(Tin kinh te)
Cuộc cạnh tranh khi hội nhập sẽ diễn ra quyết liệt nên cơ hội không tự biến thành lợi ích nếu nhà nước và doanh nghiệp không có những giải pháp hữu hiệu
Ngày 8-4, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP HCM đã tổ chức hội nghị về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chủ đề “Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam”.
Cải cách để gia tăng uy tín
Tại hội nghị, ông Trương Đình Tuyển, cố vấn cấp cao của Chính phủ trong đàm phán TPP, cho rằng cơ hội không tự biến thành lợi ích, sức mạnh trên thị trường mà phải thông qua chủ thể là nhà nước và doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt trên cả 3 cấp độ sản phẩm, DN và chất lượng thể chế, môi trường kinh doanh.
Theo bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF), quy mô nền kinh tế của Việt Nam so với các nước thành viên TPP là khá nhỏ nên khả năng tăng trưởng sẽ rất lớn nhờ lợi ích đến từ nhiều mặt. Trong đó, lợi thế về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là rất lớn khi nhà đầu tư cảm thấy tin tưởng hơn. Đổi lại, Việt Nam cũng cần quyết liệt cải cách, cởi mở hơn để gia tăng uy tín của mình trong thời gian tới.
Cụ thể, nhìn vào một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ như dệt may, da giày, các DN đang phải đóng thuế nhập khẩu rất lớn (chỉ sau Trung Quốc) do những ngành này được đánh giá nhạy cảm nên Mỹ bảo hộ. Nay với TPP, thuế nhập khẩu giảm về 0% sẽ thúc đẩy cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu giữa các nước thành viên TPP.
Giám đốc Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), ông Herb Cochran, cho biết thương mại 2 chiều Việt Nam và Mỹ có thể cán mốc 80 tỉ USD vào năm 2020. Hiện Việt Nam dẫn đầu khối ASEAN xuất khẩu vào Mỹ với khoảng 25% thị phần nhưng con số này sẽ đạt tới 33% vào năm 2020. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khoảng 70% xuất khẩu của Việt Nam đến từ khu vực FDI và khoảng 90% giá trị của kim ngạch xuất khẩu lại đến từ việc nhập khẩu nguyên phụ liệu. Do đó, phải làm sao để DN Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn từ hội nhập kinh tế toàn cầu.
Theo các chuyên gia, khu vực DN trong nước và FDI đang thiếu sự gắn kết khi DN nội địa không tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động lan tỏa từ khối FDI đến cộng đồng DN trong nước chưa như kỳ vọng. “Điều quan trọng trong TPP là hợp tác nhưng đến giờ tôi thấy có khoảng cách rất lớn giữa DN Việt và FDI. Làm sao DN Việt có thể học hỏi khi rất nhiều dự án 100% vốn nước ngoài. Do đó, cần những dự án FDI rót vào cả DN trong nước mới giúp quá trình hợp tác hoàn thiện hơn” - bà Virginia Foote gợi ý.
Về thuận lợi, theo ông Nestor Scherbey, cố vấn cấp cao Liên minh Thuận lợi hóa thương mại Việt Nam, do tác động từ TPP và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, các công ty đa quốc gia sẽ xác định lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ nhằm tận dụng ưu đãi thuế khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên. Cơ hội này sẽ giúp DN Việt Nam trở thành nhà cung cấp cho DN FDI tại Việt Nam và nhiều tập đoàn khác trong chuỗi cung ứng của họ.
Muốn vậy, ngay từ bây giờ, DN trong nước nên sẵn sàng đầu tư mới trong sản xuất nguyên vật liệu, hàng hóa nhưng cần chứng minh nguồn gốc xuất xứ và thành phần được sử dụng. “Chính phủ Việt Nam cũng nên thiết lập một cơ sở dữ liệu thông tin thương mại của DN FDI và nhà cung cấp trong nước nhằm tạo cơ hội cho DN Việt trở thành nhà cung cấp cho FDI; đồng thời, thiết lập nguồn thông tin thương mại về các FTA và các trung tâm hỗ trợ DN chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giúp họ tìm hiểu về việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” - ông Nestor Scherbey đề nghị.
Chuỗi giá trị chưa tương xứng
Theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc nền kinh tế và cộng đồng DN chú ý hơn đến thách thức và tìm giải pháp để vượt qua. Thách thức lớnnhất là phải thấu hiểu và áp dụng chính xác các quy tắc xuất xứ bởi chúng vô cùng phức tạp và dễ nhầm lẫn vì TPP là hiệp định tinh vi và phức tạp. Các DN cần đối mặt ngay từ bây giờ, tìm hiểu và có chuyên gia tư vấn áp dụng quy tắc xuất xứ nhằm tận dụng được ưu đãi thuế suất.
Bà Virginia Foote lưu ý TPP không giải quyết tất cả vấn đề sau đường biên giới - nội bộ các quốc gia. Chẳng hạn, TPP không buộc Việt Nam phải thay đổi về hành chính, chống tham nhũng hoặc hiện đại hóa các ngành nghề. Tuy nhiên, nếu TPP xây dựng “ngôi nhà đẹp” cho Việt Nam thì trong đó, cơ quan nhà nước còn rất nhiều việc phải làm. TPP đem lại lợi ích nhưng không hẳn là tối đa nên vấn đề nội bộ của các quốc gia sẽ phải tự giải quyết và Việt Nam cần cải tiến để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
“Việt Nam xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê nhưng chủ yếu về khối lượng, thay vì giá trị. Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ bởi chúng cho thấy Việt Nam đã hội nhập tốt trong các chuỗi cung ứng nhưng chuỗi giá trị lại chưa tương xứng. Cần giải bài toán để cả DN FDI và trong nước đem lại giá trị gia tăng cho Việt Nam” - bà Virginia Foote nói.
Chưa có môi trường kinh doanh an toàn
Ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh nông nghiệp và nông thôn sẽ là khu vực dễ bị tổn thương nhất nếu sản phẩm không cạnh tranh được. Dù thuế nhập khẩu giảm về 0% nhưng sản phẩm của Việt Nam không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh thì không thể xuất sang các nước thành viên của TPP hay các FTA khác.
Ngược lại, hàng ngoại lại dễ dàng vào nước ta, khi đó một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm , tạo sức ép về mặt xã hội. Vì sao các DN phải bán thương hiệu cho nước ngoài, theo ông Tuyển, là do nhà nước chưa tạo được môi trường kinh doanh an toàn và nhiều DN trong nước không tiên liệu được hậu quả này. Chưa kể, gần đây các DN FDI bắt đầu thâu tóm hệ thống bán lẻ của Việt Nam và đưa hàng ngoại vào làm cho hàng hóa của Việt Nam sẽ gặp khó khăn ngay trên sân nhà.
Theo Thái Phương
Người Lao động