Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày mai (12/4/2016). Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong giai đoạn tới vẫn phải đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước, nhưng không nên làm ồ ạt.
GS Trần Văn Thọ: Vì sao Việt Nam không phát triển nhanh?
- Cập nhật : 06/04/2016
(Tin kinh te)
Tiềm năng của nước ta rất lớn, nhưng đến bao giờ mới được phát huy? Trào lưu phát triển ở Á châu có thể sẽ bỏ Việt Nam lại đằng sau.
GS Trần Văn Thọ - Giáo sư kinh tế học, Đại học Waseda (Tokyo) lo lắng dựa trên những phân tích hai nền kinh tế Myanmar và Indonesia. Báo Đất Việt xin đăng tải nguyên văn bài viết của vị Giáo sư về vấn đề trên.
Myanmar vượt qua Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian
Trong thời gian gần đây ở Nhật Bản có hai sự kiện liên quan đến kinh tế châu Á làm tôi suy nghĩ nhiều đến Việt Nam. Thứ nhất là Hội nghị quốc tế về Myanmar nhằm giúp nước này phục hưng kinh tế, tổ chức tại Tokyo ngày 11/10/2013, ngay sau hội nghị thường niên của WB và IMF. Thứ hai là hiện tượng một cuốn sách về kinh tế của một nước châu Á đang bán rất chạy, đó là cuốn Indonesia: Cường quốc kinh tế của Sato Yuri, nhà nghiên cứu Nhật Bản chuyên về Đông Nam Á.
Hình ảnh của Myanmar trên vũ đài quốc tế ngày càng sáng sủa, kể từ khi chính phủ mới thành lập tháng 3/2011, với thái độ, chính sách hòa hợp hòa giải của tổng thống Thein Sein và sự hưởng ứng tích cực của bà Aung San Suu Kyi, Chủ tịch Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Mỹ đã hứa giải trừ hầu hết chính sách cấm vận và cộng đồng quốc tế đã đi đến đồng thuận là giúp Myanmar phát triển.
Hội nghị quốc tế về Myanmar có sự tham gia của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có những nhà tài trợ lớn như Nhật, WB, IMF, và ADB. Đây cũng là những chủ nợ lớn của Myanmar từ trước. Mục đích của hội nghị là để quyết định việc xử lý những nợ tồn đọng làm tiền đề cho những khoản tài trợ mới nhằm giúp nước này xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thu hút đầu tư, mở đầu kỉ nguyên phát triển. Tại hội nghị, Nhật Bản, chủ nợ lớn nhất (500 tỉ yen) của Myanmar, đã cam kết xóa 300 tỉ yen và các ngân hàng thương mại Nhật sẽ cho vay 200 tỉ yen để trả số nợ còn lại. WB cũng hứa cho vay 400 triệu USD và ADB cho vay 500 triệu USD để Myanmar trả họ các món nợ cũ. Đầu năm sau, Nhật và các cơ quan quốc tế sẽ quyết định cho Myanmar vay những khoản mới để xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong tình hình mới này, Câu lạc bộ Paris mà các nước Âu châu là thành viên cũng dự kiến có hành động tương tự đối với Myanmar.
Từ trước hội nghị quốc tế, ở Nhật đã xảy ra hiện tượng "bùng nổ Myanmar": Sách báo viết về Myanmar, chương trình truyền hình về nước này xuất hiện nhiều, doanh nghiệp Nhật đổ xô sang Myanmar tìm cơ hội đầu tư. Đặc biệt, Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật (JETRO) và nhiều tập đoàn kinh tế đã lập phòng đại diện tại Yangon, cựu thủ đô và là thành phố lớn nhất Myanmar. Các tập đoàn Mitsubishi, Sumitomo và Marubeni đã quyết định xây dựng các khu công nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào nước này. Ngày 15/10, hãng hàng không ANA bắt đầu đường bay trực tiếp từ Tokyo đến Yangon.
Sự kiện này làm tôi nhớ lại năm 1993, năm "Bùng nổ Việt Nam" trên vũ đài thế giới, nhất là tại Nhật. Nhật đi đầu trong việc nối lại viện trợ cho Việt Nam (vào cuối 1992) và vận động các nước khác và các tổ chức tài chính quốc tế để đi tới Hội nghị quốc tế về Việt Nam tại Paris (Hội nghị này sau đó tổ chức hàng năm với tên gọi là CG-Consultative Group). Tôi vẫn nhớ rất rõ không khí sôi nổi không phải chỉ trong giới doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức kinh tế, mà còn trong giới truyền thông, học thuật,... khi bàn về triển vọng phát triển của việt Nam. Doanh nghiệp, ngân hàng Nhật đã ồ ạt sang Việt Nam như ta đã biết.
Nhưng hiện tượng "Bùng nổ Việt Nam" chỉ kéo dài độ ba năm, đến khoản đầu năm 1996. Tại Nhật, quan tâm về Việt Nam nguội dần. Trên thực tế, nhiều văn phòng đại diện của ngân hàng thu hẹp phạm vi hoạt động, có cả trường hợp họ đóng cửa và cho văn phòng ở Bangkok kiêm nhiệm. Không phải chỉ có sự thay đổi từ Nhật Bản. Nhìn toàn thể, FDI vào Việt Nam bị ngưng trệ trong một thời gian dài (từ 1997 đến 2004). Về nguyên nhân của tình trạng này, như ta đã biết, chính sách thu hút FDI có nhiều nội dung không hợp lý, xa lạ với thường thức quốc tế nhưng chậm được cải thiện, chính sách kinh tế hay thay đổi, thủ tục hành chính rườm rà, chính sách giá cả dịch vụ phân biệt đối xử với người nước ngoài, và nhất là định hướng phát triển công nghiệp không rõ ràng, không có những yểm trợ cần thiết,...
Cùng lúc đó, có hiện tượng bùng nổ đầu tư mới tại vùng duyên hải Trung Quốc và FDI chuyển nhanh sang thị trường lớn đó. Đầu năm nay, trong một hội nghị tại Tokyo, tôi gặp một cựu quan chức Bộ Tài chính Nhật, một trong những người đại diện Chính phủ Nhật phụ trách việc nối lại viện trợ cho nước ta và vận động chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế về Việt Nam năm 1993. Ông nói với tôi đầy sự tiếc rẻ: "Hồi đó chúng tôi nghĩ Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ. Việt Nam chứ không phải Trung Quốc".
So sánh thời điểm hai hội nghị quốc tế và hai hiện tượng bùng nổ, cũng như xét về tình trạng hạ tầng và nhiều tiêu chí khác, ta thấy Myanmar đi chậm hơn Việt Nam khoảng 20 năm. Nếu tình hình ở Việt Nam hiện nay không thay đổi, nếu Việt Nam không nhanh chóng thực hiện thành công chiến lược tái cơ cấu và thay đổi mô hình tăng trưởng như đã bàn thì chuyện Myanmar theo kịp và vượt qua Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian.
Việt Nam có thể sẽ bị bỏ lại phía sau
Bây giờ bàn về cuốn sách Indonesia: Cường quốc kinh tế. Với dân số 240 triệu, thu nhập đầu người khoảng 3.500 USD, nền kinh tế 850 tỉ USD (tư liệu năm 2011) tuy không nhỏ (gấp bảy lần Việt Nam) nhưng cũng chưa thể gọi Indonesia đã là một cường quốc kinh tế. Cuốn sách này cũng không có ý nói Indonesia đã là cường quốc kinh tế. Nhưng bằng những phân tích từ lí luận kinh tế phát triển, bằng khảo sát chi tiết về tiềm năng, về thể chế, về chiến lược phát triển kinh tế vừa công bố năm 2010 và về khả năng của tầng lớp lãnh đạo hiện nay, tác giả đã chứng minh một cách rất thuyết phục rằng Indonesia đang bước vào giai đoạn phát triển cao, bền vững và sẽ là một cường quốc kinh tế tron tương lai không xa. Có thể tóm tắt ba điểm chính:
Thứ nhất, ngoài sự phong phú và đa dạng về tài nguyên, là nước đông dân thứ tư trên thế giới, Indonesia được thuận lợi nhiều mặt về quy mô thị trường. Hơn nữa, cơ cấu dân số với tỉ lệ người trong độ tuổi lao động tiếp tục tăng trong khoảng 20 năm tới sẽ giúp cho nước này tăng tích lũy và bảo đảm nguồn lao động trong quá trình phát triển nhanh sắp tới. Nhưng điểm này chỉ là thuận lợi chứ không cơ bản. Hai điểm sau đây quan trọng hơn.
Thứ hai, chất lượng thể chế của Indonesia ổn định và ngày càng được cải thiện, được thế giới đánh giá cao. Sau cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á kéo theo sự sụp đổ của Tổng thống Suharto (tháng 5/1998), quyền hạn của Quốc hội và tư pháp được củng cố, thể chế tam quyền phân lập được xác lập từng bước. Năm 1999, lần đầu tiên Indonesia thực hiện tổng tuyển cử, năm năm sau, lần đầu tiên dân chúng được trực tiếp bầu tổng thống. Tổng thống được bầu Susilo B. Yudhoyono tiếp tục ổn định tình hình xã hội, kinh tế và được tái cử năm 2009. Ông được báo Time (Mỹ) năm 2009 bình chọn là 1 trong 100 người có ảnh hưởng trên thế giới và được xếp ở vị trí rất cao (thứ 9). Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định, chẳng hạn lạm phát từ năm 2009 đến nay được giữ ở mức trung bình 4%, tỉ lệ nợ công trên GDP liên tục giảm (gần đây chỉ còn độ 25%), cán cân thanh tóan và cán cân vãng lai tính theo năm thì luôn xuất siêu từ những năm gần đây,... Liên quan chất lượng thể chế để bảo đảm cho kinh tế ổn định, một điểm đáng nói là thống đốc ngân hàng nhà nước được độc lập, không bị chính trị chi phối, vì theo luật mới, một khi đã được Quốc hội bầu thì suốt nhiệm kỳ năm năm, cả Tống thống và Quốc hội không có quyền bãi nhiễm.
Thứ ba, chiến lược, chính sách phát triển kinh tế dài hạn được hoạch định công phu, nội dung có sức thuyết phục và các cơ chế, biện pháp thực hiện được dư luận trong và ngoài nước đồng tình. Năm 2009, sau khi đắc cử nhiệm kỳ 2, Tổng thống Yudhoyono xúc tiến lập Chiến lược phát triển kinh tế 15 năm của Indonesia và khi công bố phải "biểu thị được ý chí phát triển không có gì đáng hổ thẹn với thế giới". Phương pháp lập kế hoạch là huy động trí tuệ của chuyên gia, trí thức và triệt để dân chủ và phân quyền. Cứ vài ba tháng, Tổng thống triệu tập lãnh đạo của 13 châu trong cả nước và đại diện các đoàn thể kinh tế cùng với giới chuyên gia hội họp một lần để bàn nội dung kế hoạch và các công cụ chính sách để thực thi. Sự phân công về vai trò của nhà nước và thị trường, của trung ương và địa phương cũng được đặc biệt lưu ý.
Tháng 5/2011, khi kế hoạch soạn xong, đích thân Tổng thống Yudhoyono công bố với cả giới truyền thông trong và ngoài nước. Nội dung chiến lược 2011 - 2025 được công bố bằng cả tiếng Indonesia và tiếng anh. Theo chiến lược này, toàn quốc sẽ chia làm sáu vùng phát triển, gồm tất cả 22 ngành, mỗi vùng phát triển chú trọng một số ngành tùy theo đặc điểm của mình. Nhìn chung, 22 ngành ấy có cả nông lâm ngư nghiệp, chế biến công nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin... phản ánh tính chất và quy mô của một nền kinh tế đông dân và nhiều tài nguyên. Chủ thể đầu tư chính cho chiến lược là tư nhân trong và ngoài nước. Kể cả các dự án kết hợp tư nhân và Chính phủ (hình thái PPP), tỉ lệ của tư nhân (bao gồm FDI) trong tổng đầu tư chiếm gần 75%. Đầu tư của Chính phủ tập trung vào hạ tầng và đặt trọng tâm vào việc liên kết các vùng kinh tế.
Chiến lược 15 năm này dự kiến kinh tế Indonesia phát triển trung bình 7-9%/năm và vào năm 2025, Indonesia sẽ là một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP khoảng 4.000-4.500 tỉ USD và GDP đầu người độ 14-15 vạn USD. Ngoài ba đặc điểm giới thiệu ở trên, trong cuốn sách đã dẫn, tác giả Sato phân tích nhiều mặt khác, như bộ máy hành chính, chất lượng quan chức, sự thay đổi tư duy của giới doanh nghiệp... và kết luận rằng khả năng thành công của Chiến lược 2011-2025 của Indonesia là rất lớn.
Đọc cuốn Indonesia: Cường quốc kinh tế, trong đầu tôi luôn hiện ra câu hỏi: Tại sao không phải là Việt Nam? Tới bao giờ Việt Nam mới được người dân trong nước và dư luận quốc tế tin tưởng sẽ có ngày trở thành một nền kinh tế có địa vị đáng kể trên thế giới? Tuy dân số không bằng Indonesia nhưng Việt Nam cũng là một nước đông dân (xếp thứ 14 trên thế giới). Các điều kiện khác thì Việt Nam thuận lợi hơn nhiều. Indonesia có hơn 10.000 đảo lớn nhỏ, việc xây dựng hạ tầng rất tốn kém và khó có hiệu quả cao. So với Việt Nam, khí hậu Indonesia không thuận lợi bằng và họ lại nằm xa các trung tâm phát triển ở Á châu. Việt Nam còn nhiều yếu tố thuận lợi khác nữa.
Hiện nay quan hệ Nhật - Trung xấu đi nên Nhật chuyển đầu tư sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Do đó mặc dù nhìn chung, FDI vào Việt Nam gần đây giảm nhiều nhưng riêng của Nhật thì tăng đáng kể. Tuy nhiên, cần chú ý là Nhật đang chú trọng đầu tư ở Thái Lan và Indonesia hơn là ở Việt Nam. Chẳng hạn, năm 2011, tuy FDI của Nhật tại Việt Nam đạt 150 tỉ yen, tăng tới 2,4 lần so với năm trước, nhưng trong cùng thời kì, FDI của Nhật tại Thái Lan lên tới 570 tỉ yen, tăng gần 3 lần, và tại Indonesia 280 tỉ yen, tăng tới 7 lần và còn đang tăng nhanh. Một điểm đáng lưu ý nữa là dư luận ở Nhật nói chung ngày càng ít lạc quan về triển vọng phát triển của việt Nam nên khuynh hướng tăng FDI của Nhật có thể sẽ không bền vững, trừ trường hợp Việt Nam cho thấy có tiến bộ rõ rệt trong quá trình cải cách thể chế và có chiến lược phát triển được đánh giá là khả thi.
Theo Báo Đất Việt