Năm 2019, kinh tế Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng xuất phát cả từ trong và ngoài nước, tuy nhiên cũng không phải không còn những thách thức.
FTA chỉ có lợi khi phát triển tốt công nghiệp hỗ trợ
- Cập nhật : 11/04/2016
(Tin kinh te)
Với việc nhiều Hiệp định thương mại tự do đã và đang được ký kết, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển.
Cần thực hiện tốt các ưu đãi để nuôi dưỡng các DN CNHT (Trong ảnh: Sản xuất sợi của Tập đoàn Texhong (Trung Quốc) tại Lào Cai). Ảnh: T.HiỀN.
Tổng dư nợ cho vay cho ngành CNHT tăng trưởng hàng năm, trong đó ngành cơ khí - chế tạo, lắp ráp ô tô, điện tử - tin học chiếm tỷ trọng nhiều nhất (hơn 50%), ngoài ra là các ngành dệt may, da giày, công nghiệp chế biến... Dư nợ ngành công nghiệp chế biến chế tạo tính đến tháng 3-2016 là hơn 135.000 tỷ đồng, trong đó CNHT chiếm trên 10%”.
Bà Trần Thị Hồng Anh, Phó trưởng phòng Phòng Phát triển sản phẩm và Marketing Khối khách hàng DN (VietinBank)
Tuy nhiên, những yếu kém nội tại của CNHT nếu không được tập trung khắc phục sẽ trở thành điểm nghẽn cản trở quá trình đi lên của ngành công nghiệp nền tảng này.
Cơ hội mở rộng quy mô
Để khuyến khích ngành CNHT phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/NĐ-CP về phát triển CNHT với nhiều cơ chế ưu đãi cho DN CNHT như: Các DN CNHT sẽ được miễn 4 năm đầu thuế Thu nhập DN và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; các loại hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, nguyên liệu vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu; nhà đầu tư hưởng ưu đãi 50% kinh phí sản xuất thử trong hoạt động nghiên cứu và phát triển...
Cùng với những ưu đãi của chính sách trong nước, ngành CNHT đang có cơ hội lớn để phát triển khi tính đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia 16 FTA, trong đó có một số FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), FTA Việt Nam – Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Các DN CNHT đang rất kỳ vọng vào những FTA này bởi các cam kết chặt chẽ trong các FTA (trong đó các quy định về nguồn gốc xuất xứ, tỷ lệ nội địa hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan của các quốc gia thành viên) là động lực thúc đẩy ngành CNHT phát triển cũng như là cơ hội để các DN CNHT của Việt Nam mở rộng quy mô sản xuất. Đối với ngành CNHT, các FTA này vừa là cú huých lớn giúp nâng cao kim ngạch xuất khẩu sản phẩm CNHT của Việt Nam, cũng là cơ hội để ngành CNHT nói riêng, các ngành kinh tế khác nói chung giảm phụ thuộc vào Trung Quốc khi có thêm nguồn nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào rẻ hơn từ những quốc gia có chất lượng cao hơn.
TS. Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, thị trường rộng lớn của các FTA chính là bàn đạp thúc đẩy XK, dẫn đến nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất cũng tăng cao và tạo thị trường tiêu thụ cho sản phẩm CNHT. Các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới chính là tiền đề cho DN CNHT mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, đại diện Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhấn mạnh, các FTA thế hệ mới góp phần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch hơn, đồng thời giúp ngành CNHT dịch chuyển lên các khâu có giá trị gia tăng cao hơn.
Thừa nhận các FTA là đòn bẩy để Việt Nam đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa đất nước, thậm chí có thể đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp của thế giới, tuy nhiên, dưới góc độ DN, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội nhấn mạnh, để hiện thực hóa các cơ hội này, điều kiện đủ phụ thuộc vào sự phát triển của ngành CNHT. Theo đó, ông Nguyễn Hoàng khẳng định Việt Nam chỉ nhận được nhiều lợi ích từ các FTA khi xây dựng thành công ngành CNHT.
DN hỗ trợ còn thiếu và yếu
Theo đại diện Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), hiện nay, Việt Nam đã thu hút được trên 19.000 dự án đầu tư FDI đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng vốn đăng ký lên tới trên 265 tỷ USD. Trong số đó, có rất nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Canon, Hyundai, Microsoft, LG, Honda… đã và đang thiết lập nhiều nhà máy chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ các tập đoàn toàn cầu kỳ vọng vào việc cắt giảm chi phí vận chuyển và các rủi ro liên quan khi đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất tại Việt Nam, và đây cũng chính là cơ hội lớn cho các DN CNHT trong nước phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, hiện nay ngành CNHT còn nhiều hạn chế (tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu NK), theo các chuyên gia, nếu không sớm cải thiện, khắc phục, các cơ hội sẽ không đến được với các DN nội mà sẽ rơi vào tay các DN FDI. Vai trò của lực lượng DN là rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, song dù được coi là lực lượng chính yếu, quan trọng, nhưng hiện nay đội ngũ DN CNHT còn rất thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ công nghệ, vốn đầu tư, tính chuyên nghiệp...
Về những khó khăn của các DN CNHT, ông Lê Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường cho biết, nhiều DN CNHT không có mặt bằng sản xuất ổn định và lâu dài, chủ yếu là đi thuê lại với thời hạn hợp đồng ngắn hạn (3,5 hoặc 7 năm), do đó không thể đầu tư lâu dài. Hệ thống máy móc, thiết bị của DN đa phần lạc hậu, nhưng DN không dám hoặc không thể đầu tư máy mới, hiện đại vì giá rất đắt, trong khi đó DN không có khả năng tài chính, việc vay ngân hàng rất khó và nếu vay được thì lãi suất cao. Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Thủy cho biết một trong những khó khăn lớn nhất của DN là không hiểu rõ về công nghệ, hệ thống quản lý và quản trị DN còn yếu kém. “Nhà nước cần quan tâm và có những chính sách cho lĩnh vực CNHT, những ưu đãi phải được thực hiện đúng và hiệu quả, có tính khả thi cho việc áp dụng vào thực tế, đồng thời cần thống kê và đánh giá tính hiệu quả cuả chính sách. Việc hỗ trợ cần làm từ gốc chứ không chỉ hỗ trợ từ ngọn. Cần có nhiều cụm khu công nghiệp tập trung ở nhiều vị trí khác nhau từ đó giúp DN có nhà xưởng ổn định lâu dài đồng thời phát triển mạng lưới DN vệ tinh”, ông Lê Thanh Thủy kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, theo GS. Phan Đăng Tuất, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp, Việt Nam hiện mới chỉ có 1.383 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT, với 3 nhóm ngành sản xuất gồm cơ khí, điện tử, nhựa và cao su. Con số này chỉ chiếm 0,3% so với tổng số 500.000 DN đang hoạt động trên cả nước, một “con số quá ít ỏi, đáng xấu hổ và không đủ làm nguồn lực” để một nước tiến lên công nghiệp hóa, GS. Phan Đăng Tuất bình luận.
GS. Phan Đăng Tuất cho rằng, Nhà nước cần phải coi CNHT là quốc sách sống còn cho sự phát triển bền vững, theo đó, thay vì tập trung vào những DN cũ, quyết sách hiện nay là cần đẩy mạnh xây dựng các mô hình startup (khởi nghiệp) cho DN ngành CNHT.
Hoài Anh
(Theo Báo Hải Quan)