Với việc nhiều Hiệp định thương mại tự do đã và đang được ký kết, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển.
Tăng cường kết nối và hỗ trợ phát triển tài chính, thương mại nội khối ASEAN
- Cập nhật : 06/04/2016
(Tin kinh te)
Trong ngày 3 và 4-4-2016, trong khuôn khổ hợp tác tài chính ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 20 (AFMM 20) và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 2 (AFCGM 2) đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Lào.
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN, Thống đốc Ngân hàng trung ương các nước ASEAN, Tổng thư ký ASEAN, đại diện các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN+3 (AMRO) và quan chức tài chính ngân hàng các nước thành viên. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Tài chính Việt Nam tham dự Hội nghị.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 20 và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 2 (AFCGM 2) năm 2016 là năm đầu tiên triển khai các công việc của Cộng đồng kinh tế ASEAN trong lĩnh vực tài chính. Hội nghị đã thảo luận về tình hình phát triển kinh tế khu vực và thế giới, tiến độ triển khai các sáng kiến hợp tác tài chính ASEAN và thảo luận về Kế hoạch hành động chiến lược hội nhập tài chính tới 2025.
Cập nhật tình hình kinh tế khu vực
Hội nghị ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN đạt 4,4% trong năm 2015 mặc dù nền kinh tế toàn cầu còn đang gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu nội địa sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng ở các nền kinh tế các nước thành viên ASEAN. .bất ổn bên ngoài sẽ vẫn là những thách thức lớn cho khu vực. Các Bộ trưởng ghi nhận rằng những yếu tố bất ổn bên ngoài vẫn là thách thức cho các nền kinh tế ASEAN trong năm tới.
Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết thực hiện các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các biện pháp chính sách thận trọng khác để duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính, kinh tế vĩ mô, trong đó, tái cơ cấu kinh tế vẫn là ưu tiên của khu vực. Các Bộ trưởng nhất trí tăng cường hợp tác và triển khai các sáng kiến hội nhập, để duy trì sự phát triển ổn định của khu vực ASEAN trước những cú sốc bên ngoài khu vực và biến động của thị trường tài chính. Các Bộ trưởng các nước ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) trong việc giám sát kinh tế tài chính để ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng khu vực.
Lộ trình hội nhập tài chính tiền tệ ASEAN
Hội nghị rà soát các công việc đã triển khai của lộ trình hội nhập tài chính tiền tệ ASEAN về tự do hóa dịch vụ tài chính, tự do hóa tài khoản vốn và phát triển thị trường vốn. Một số kết quả nổi bật là:
Về dịch vụ tài chính, các nước đã kết thúc đàm phán Gói cam kết 7 về Tự do hóa dịch vụ tài chính tiến tới ký kết trong năm 2016, trong đó 8 nước ASEAN đã tự do hóa hoàn toàn phương thức cung cấp qua biên giới đối với dịch vụ bảo hiểm cho hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không và quá cảnh, tiếp tục hỗ trợ cho thương mại nội khối. Các nước cũng nhất trí khởi động vòng đàm phán 8 trong năm 2016 để mở cửa hơn nữa thị trường dịch vụ tài chính, đặt trọng tâm vào tự do hóa hơn nữa dịch vụ bảo hiểm trong ASEAN.
Về tự do hóa tài khoản vốn, các Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng trung ương cam kết sẽ tiếp tục dỡ bỏ những hạn chế còn tồn tại đối với thương mại và đầu tư trực tiếp. Đầu tư gián tiếp và các luồng vốn khác cũng sẽ tiếp tục được tự do hóa tùy vào điều kiện của từng quốc gia cùng với các biện pháp phòng vệ hợp lý.
Về phát triển thị trường vốn, hội nghị khẳng định sẽ thúc đấy kết nối thị trường vốn khu vực thông qua tạo môi trường hội nhập khu vực, xây dựng cơ sở hạ tầng thị trường. Hội nghị đã ghi nhận việc 13 quỹ đạt chuẩn ASEAN đã tham gia Cơ chế đầu tư hỗn hợp (CIS) để thúc đẩy các giao dịch qua biên giới đối với dịch vụ chứng khoán.
Tăng cường hợp tác tài chính khu vực
Các Bộ trưởng tài chính ASEAN tiếp tục ủng hộ các sáng kiến hợp tác tài chính khu vực nhằm tăng cường kết nối và hỗ trợ phát triển thương mại nội khối ASEAN. Theo đó, các Bộ trưởng đã ghi nhận một số kết quả đạt được, cụ thể:
Trong lĩnh vực hải quan, các nước đã hoàn tất việc ký kết Nghị định Thư về Khung Pháp lý để áp dụng triển khai Cơ chế Một cửa ASEAN nhằm tạo thuận lợi hơn nữa hoạt động thương mại hàng hóa trong khu vực ASEAN. Các nước thành viên ASEAN tiếp tục cam kết tích cực triển khai Cơ chế Một cửa ASEAN và Cơ chế Một cửa quốc gia.
Trong lĩnh vực thuế, 9/10 nước ASEAN đã hoàn tất hiệp định thuế song phương. Các nước đã khởi động thảo luận về vấn đề đảm bảo nguồn thu và chống chuyển giá nhằm củng cố tài khóa của các nước thành viên.
Trong lĩnh vực tài trợ cơ sở hạ tầng, Quỹ Cơ sở hạ tầng (AIF) đóng vai trò quan trọng để tăng cường kết nối vật chất và thu hẹp khoảng cách phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực. Theo đó, AIF đã tài trợ vốn cho 7 dự án cơ sở hạ tầng và tiếp tục thúc đẩy các dự án mới.
Về tài chính toàn diện, Ủy ban công tác về Tài chính toàn diện (WC-FINC) đã được thành lập với vai trò hỗ trợ mở rộng tiếp cận tài chính toàn diện trong khu vực ASEAN để cải thiện tăng trưởng kinh tế, xóa nghèo và giảm bất bình đẳng về thu nhập. Các Bộ trưởng đã tái khẳng định cam kết đưa tài chính toàn diện là một trong những ưu tiên chính sách và là một trụ cột trong hợp tác tài chính ASEAN trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể về AEC 2025.
Kế hoạch hành động chiến lược hội nhập tài chính ASEAN tầm nhìn 2025
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN đã trao đổi về Kế hoạch hành động chiến lược hội nhập tài chính ASEAN tầm nhìn 2025. Đây sẽ là tài liệu cơ sở để định hướng hoạt động hội nhập và hợp tác tài chính ASEAN trong 10 năm tới nhằm hướng tới sự ổn định, toàn diện và hội nhập tài chính.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng tài chính ASEAN đã nhất trí tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMIS) lần thứ 11 trong năm 2016 để quảng bá ASEAN là một điểm đầu tư hấp dẫn và khẳng định AFMIS là sự kiện quan trọng để đối thoại với các bên liên quan và nhà đầu tư về tình hình phát triển và năng lực cạnh tranh trong đó có triển vọng và cơ hội tiềm năng kinh doanh tại ASEAN.
Bên lề Hội nghị, các Bộ trưởng đã có buổi gặp gỡ với Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN, Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN để tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, Châu Âu và ASEAN thông qua các chủ đề gồm kết nối ASEAN, thuận lợi hóa thương mại, đối thoại giữa khu vực công và tư, tài chính toàn diện và hội nhập tài chính ASEAN.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 20 và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN đã thành công tốt đẹp. Hội nghị tiếp theo sẽ diễn ra tại Philippines vào năm 2017.
* Ngay sau Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính ASEAN sẽ tổ chức họp báo công bố nội dung Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 20 (AFMM 20) và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 2 (AFCGM 2). Toàn văn Tuyên bố chung được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính và báo Hải quan Online.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính