tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hàng chục ngàn DN ‘chết’, sao nói là bình thường?

  • Cập nhật : 10/04/2016

(Tin kinh te)

Hơn 20.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động chỉ trong một quý do gặp khó khăn.

can giam bot ganh nang thue, phi de doanh nghiep phat trien ben vung. anh: cao thang

Cần giảm bớt gánh nặng thuế, phí để doanh nghiệp phát triển bền vững. Ảnh: Cao Thăng

Chiều 8-4, trò chuyện với báo chí, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung bày tỏ nhiều băn khoăn về những vướng mắc đang cản trở doanh nghiệp (DN) phát triển.

Không bình thường

“Một điểm mà báo chí ít nói hoặc nói không sâu là tại sao số DN ngừng hoạt động, giải thể tăng nhiều thế?” - ông Cung đặt vấn đề.

Cụ thể, giai đoạn từ khoảng 2007-2011, tức giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động chỉ bằng khoảng 15%-20% so với số thành lập mới. Thế nhưng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ riêng trong quý I năm nay, số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, giải thể lên đến trên 20.000, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số thành lập mới cũng chỉ đạt 23.767. Như vậy, tỉ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động bằng 84% so với thành lập mới.

“Có người nói điều này là bình thường nhưng đó là cách nói an ủi nhau, thiếu trách nhiệm. Vì nếu xem xét kỹ thì không bình thường chút nào” - ông Cung khẳng định.

Theo Viện trưởng CIEM, nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng loạt DN “chết” có thể do chi phí sản xuất tăng lên, doanh thu giảm xuống. Bởi nếu làm ăn tốt thì chả ai bỏ kinh doanh, giải thể hàng loạt như thế.

Lời ông Cung nói là có cơ sở khi hầu hết những gì DN đang phải trả cho chi phí sản xuất, quản trị đã tăng lên rất nhiều. Đơn cử lãi suất tăng, các chi phí về lao động, bảo hiểm, công đoàn và nhiều khoản thuế cũng tăng như thuế môn bài đề xuất tăng hai ba lần; thuế môi trường, chi phí vận tải, phí đường bộ, đường cao tốc... cũng tăng. “Không thấy một khoản nào giảm để kích thích sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN phát triển” - ông Cung nhận định.

Gánh nặng thuế, phí đè doanh nghiệp

Lý do cho việc tăng chi phí như nhiều chuyên gia và cả ông Cung cũng nhận định: Ngân sách thất thu và chênh lệch bội chi đã khiến các khoản thu tăng lên theo kiểu “tận thu”.

Ông Cung nói: “Có những khoản trước đây không phải thu nhưng giờ lại thu. Những khoản nào có thể thu là thu ngay. Và tất cả điều này cản trở sự tiến bộ của Luật DN, Luật Đầu tư và những cởi mở của Nghị quyết 19 của Chính phủ”.

Áp lực tăng thu để giảm bội chi ngân sách tạo tâm lý lo lắng cho DN, đè nặng DN. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến DN giải thể nhiều, sức lực của DN tư nhân bị xói mòn, hao tổn rất lớn.

“Đáng lẽ ra thời kỳ này phải là thời kỳ nuôi dưỡng, nâng đỡ, tạo ra một tinh thần khởi sự DN, khởi nghiệp kinh doanh nhưng lại không có động lực mà chúng ta đang nhìn thấy. Đó là những điều bất thường” - ông Cung nói và cho rằng: Đứng trước yêu cầu phát triển kinh tế trong nước và hội nhập, lẽ ra các chính sách phải nâng cao năng lực DN trong nước nhưng tình hình lại không như thế. Đây là một vấn đề nghiêm trọng.

Một rừng các điều kiện kinh doanh

Công nhận vai trò của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh trong việc tạo ra những sự kiện cải cách, với sự góp sức của nhiều chuyên gia và báo chí, ông Cung đặc biệt nhấn mạnh đến những thay đổi tích cực từ Luật DN và Luật Đầu tư.

Theo đó, quyền tự do kinh doanh được quy định trong hai luật này đã được đẩy lên tột độ đúng như Hiến pháp 2013 quy định, giảm rủi ro pháp lý cho những người kinh doanh. Trước đó, nhiều giám đốc, tổng giám đốc đã vào tù tạo nên một tâm trạng bấp bênh nơi những người kinh doanh.

“Nhưng với Luật DN và Luật Đầu tư, người dân có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm và nếu họ kinh doanh những gì pháp luật không cấm thì cũng đồng nghĩa không cần đăng ký, không cần báo cáo. Không thể xử lý hình sự những hành vi không đăng ký, không báo cáo vì đó là quyền con người được hiến định” - ông Cung nói.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tới 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. “Con số này thực tế là quá lớn, quá nhiều trong một nền kinh tế bình thường” - ông Cung nhận định. Và từ 267 điều kiện kinh doanh này sẽ phái sinh ra một rừng các điều kiện khác.

“Điều này hạn chế tính sáng tạo, tính đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa việc cung cấp sản phẩm tốt hơn” - ông Cung nhận định và đưa ra ví dụ về các hãng taxi hiện nay chẳng mấy khi giảm giá khi giá dầu giảmlàm minh chứng. Bởi những người kinh doanh không có “sự đe dọa” để làm tốt hơn. Nguy cơ tồn tại để tốt hơn là không có.

Một cách mạnh mẽ, ông Cung nói về sự không cần thiết của các điều kiện kinh doanh: “Nếu bỏ hết đi cũng chả sao. Bởi điều kiện kinh doanh chỉ mới là điều kiện gia nhập thị trường. Phải thay đổi cách quản lý bằng hậu kiểm. Tức là cần quản lý đầu ra của sản phẩm bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng mà Việt Nam đã có” - ông Cung nói.

Chẳng hạn đối với việc quản lý vận tải hành khách, chỉ cần xe tốt, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và môi trường, lái xe đủ các tiêu chuẩn thì đượckinh doanh vận tải. Điều này có nghĩa không nên phân biệt xe chạy tuyến, xe hợp đồng.

Theo ông, tư duy quản lý hiện nay của chúng ta không thúc đẩy cạnh tranh, mà ngược lại đôi khi còn phản cạnh tranh, phản thị trường. Trong khi chỉ có cạnh tranh lành mạnh mới khuyến khích sản xuất. “Lẽ ra phải dẹp buôn lậu để thúc đẩy sản xuất nhưng chúng ta lại hạn chế cạnh tranh” - ông Cung kết luận.

Có được tự do kinh doanh vàng tài khoản?

Hàng trăm thông tư của các bộ, ngành cụ thể hóa điều kiện kinh doanh của Luật DN và Luật Đầu tư nhưng thực ra là đặt ra điều kiện kinh doanh. Hiện nay điều kiện kinh doanh vẫn là vướng mắc lớn nhất trong việc thi hành hai luật này.

Kinh doanh vàng tài khoản (sàn vàng) không có trong danh mục cấm cũng như kinh doanh có điều kiện thì có được tự do kinh doanh không? Hoặc dự thảo nghị định quy định về các điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ hòa giải thương mại đang trình Chính phủ nhưng ngành nghề này lại không có trong số 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện?

Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ công tác thi hành Luật DN, Luật Đầu tư

Nhìn lại thời gian qua, vì để ổn định vĩ mô nên sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào nền kinh tế là rất nhiều. Các ngành đều bị can thiệp và tình trạng này trở nên phổ biến.

Bởi vậy, những tiến bộ của Luật DN, Luật Đầu tư và Nghị quyết 19 dường như mới chỉ dừng lại trên giấy tờ, văn bản, còn tác động thực chất đến nền kinh tế thì còn khoảng cách xa.

Ông Nguyễn Đình Cung

 

 

Theo Chân Luận
Pháp Luật TPHCM

Trở về

Bài cùng chuyên mục