Trường Hải phân phối BMW - cuộc chiến không chỉ bằng giá; Siết cho vay chứng khoán; Thủ tướng: "Điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, dễ dãi"; EVN tổ chức roadshow tại Singapore cho các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-01-2018
- Cập nhật : 16/01/2018
Tiêu thụ xe máy một tháng bằng cả năm bán ô tô
Trong khi doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô giảm sút đến 10% do nhiều chính sách mới ban hành thì doanh số của thị trường xe máy Việt Nam tăng trưởng gần 5% trong năm 2017.
Bình quân, mỗi tháng người Việt mua gần 273.000 xe máy, tương đương với doanh số bán cả năm 2017 của toàn thị trường xe ô tô Việt Nam.
Dù được dự báo là thị trường xe máy đã bão hòa, nhưng theo Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), doanh số bán hàng quý 4 năm 2017 của 5 thành viên vẫn đạt 899.461 xe trong khi quý 3 chỉ đạt 845.604 xe các loại.
Tính chung tổng doanh số bán xe máy của các thành viên VAMM cả năm 2017 có đến 3.272.373 xe máy mới được bàn giao đến tay khách hàng trong cả nước, tăng 4,8% so với năm 2016.
Với tổng doanh số bán hàng trên, bình quân mỗi tháng người Việt tiêu thụ gần 272.700 xe máy, bằng với doanh số bán hàng cả năm 2017 của toàn thị trường xe ô tô Việt Nam khi chỉ đạt 272.750 xe các loại (doanh số toàn thị trường ô tô năm 2017 giảm 10% so với năm 2016 dù doanh nghiệp liên tiếp khuyến mãi giảm giá để kích cầu thị trường). Qua đó, cho thấy khoảng cách lớn giữa thị trường xe máy và ô tô và xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân Việt Nam.
Ngoài ra, tổng doanh số bán hàng công bố trên chưa bao gồm lượng xe xuất khẩu của các doanh nghiệp thành viên. Bên cạnh đó, Thị trường xe máy Việt Nam còn có doanh số bán hàng của các thương hiệu xe khác đang phân phối tại Việt Nam là Ducati, Kawasaki, BMW, KTM, Benelli... Tuy nhiên, đây là những đơn vị phân phối nhưng không phải là thành viên của VAMM nên không có báo cáo bán hàng cả năm qua.
Hiện nay, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam có 5 đơn vị thành viên là Honda, Yamaha Motor, Piaggio, Suzuki và SYM Việt Nam. Các doanh nghiệp này đang cung cấp cho thị trường nhiều dòng sản phẩm đa dạng, từ bình dân đến cao cấp và hạng sang, bao gồm xe số, xe tay ga và xe thể thao với mức giá từ mười mấy đến hàng trăm triệu đồng.
Với dải sản phẩm phong phú này, các doanh nghiệp xe máy đã không bỏ sót bất cứ nhu cầu khác hàng nào còn người tiêu dùng trong nước cũng có nhiều lựa chọn khi mua sản phẩm phù hợp cho mình hơn.
Chỉ tiếc rằng, khác với Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) thường công bố doanh số bán hàng chi tiết của các đơn vị thành viên và toàn thị trường ô tô hàng tháng thì VAMM chỉ công bố vỏn vẹn tổng doanh số của 5 đơn vị thành viên, không có thêm số liệu nào khác.
Theo nhìn nhận của giới chuyên môn, cùng với sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, thu nhập của người dân Việt Nam ngày càng tăng kéo theo nhu cầu mua sắm xe máy mới, thị trường xe máy đã và đang dịch chuyển từ nhu cầu xe số sang xe tay ga. Tại Việt Nam, dòng xe tay ga đang chiếm hơn 45% thị phần và tiếp tục là phân khúc tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Còn theo tiết lộ từ Yamaha Motor Việt Nam, đón đầu xu hướng tích cực được dự báo của thị trường, trong năm 2017 đơn vị này đã tập trung đầu tư mạnh vào sản xuất mảng xe máy tay ga. Nhờ đó, doanh số xe tay ga bán ra trong năm qua đạt 177.025 chiếc, tăng hơn 15% so với năm 2016 và chiếm 11,30% thị phần xe tay ga tại thị trường Việt Nam.
Đóng góp cho mức tăng trưởng trên phải kể đến mẫu xe Janus giá từ 27 đến 32 triệu đồng đã dẫn dắt doanh số bán hàng của Yamaha Motor Việt Nam và giành phần áp đảo trong việc cạnh tranh với các dòng xe ga tầm trung khác. Cụ thể, nếu như năm 2016 khi vừa ra mắt doanh số bán lẻ của Janus chỉ dừng ở mức 18.039 xe, nhưng đến năm 2017 con số này đã tăng lên đến 74.203 xe và có mức tăng trưởng đến 260%.
Bên cạnh đó, mẫu xe ga thể thao mới dành cho giới trẻ là NVX dù mới “trình làng” được một năm nhưng cũng đã ghi dấu ấn đặc biệt với 41.000 xe bán ra trong năm 2017....
Diễn biến trên thị trường xe máy Việt Nam những tháng gần đây cho thấy, thị trường này đã sôi động hơn khi mùa mua sắm cao điểm cuối năm Âm lịch đang cận kề, nhiều đại lý bán xe tiếp tục tăng giá ở một số mẫu xe “ăn khách” như Honda Lead, Vision, SH 125/150/300cc phiên bản mới. Tùy vào từng mẫu xe, phiên bản và màu sắc mà đại lý điều chỉnh giá bán khác nhau với mức tăng từ vài triệu đến khoảng 20 triệu đồng, do yếu tố thị hiếu và cung - cầu theo quy luật thị trường.
Ngược lại, ở những dòng xe khác như xe số Wave Alpha 110, Wave RSX 110, hay xe tay côn Winner 150cc và MSX lại có giá bán thấp hơn so với giá bán lẻ đề xuất của nhà sản xuất. Với các mẫu xe của Yamaha, Piaggio, Suzuki và SYM Việt Nam dường như không có biến động nhiều về giá...
Theo đánh giá của giới chuyên doanh, nếu tiếp tục giữ đà tăng trưởng như năm 2017 và đặc biệt là vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm Âm lịch đang cận kề, thị trường xe máy Việt Nam năm 2018 sẽ tăng trưởng hơn năm vừa qua và có thể vượt ngưỡng 3 triệu xe.
Theo đó, khi đời sống người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu sử dụng xe máy còn nhiều tiềm năng không chỉ ở thành phố mà còn ở các vùng nông thôn, do đó các doanh nghiệp vẫn tập trung khai thác ở những thị trường này.
Bên cạnh đó, quỹ đất ở các thành phố hạn chế, đường nhỏ, nhiều ngõ ngách sâu, công trình giao thông công cộng chậm phát triển… nên xe máy vẫn là phương tiện thiết yếu của người dân bởi tính kinh tế, tiện lợi và phù hợp với điều kiện đường sá của Việt Nam.(TTXVN)
---------------------------
Mối lo lớn từ chiến lược thương mại của Tổng thống Donald Trump
Các nhà chiến lược ngày càng quan tâm đến chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi hai sự kiện thương mại đặc biệt trong tuần qua đã gây ra sự lộn xộn trong các thị trường tài chính.
Sự kiện đầu tiên là báo cáo của Bloomberg hôm 10.1 về việc các quan chức cấp cao Bắc Kinh đang rà soát lại nguồn dự trữ ngoại hối và dự định sẽ giảm tốc độ mua vào hoặc dừng mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Theo nguồn tin thân cận với vấn đề, bên cạnh việc trái phiếu Mỹ hiện không còn hấp dẫn bằng các tài sản khác, thì còn một nguyên nhân khác là do căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn. Lợi tức trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng ngay sau khi thông tin này được đưa ra, cho thấy giá trái phiếu giảm xuống, cùng với đó đồng USD cũng trên đà giảm giá.
Sự kiện thứ hai là việc Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức chính phủ Canada giấu tên cho biết giới chức Canada ngày càng có niềm tin mạnh mẽ rằng nhiều khả năng Mỹ sẽ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Cổ phiếu, đồng peso Mexico và đồng đô la Canada sụt giảm ngay sau khi thông tin này được tung ra, các công ty Mỹ trong lĩnh vực nhạy cảm với thương mại như ô tô cũng bị ảnh hưởng.
“Mọi người dường như đã miễn nhiễm với ý tưởng rủi ro chính trị ảnh hưởng đến thị trường vào năm 2017 chỉ đơn giản là bởi vì nó đã không diễn ra. Và từ quan điểm đó chúng tôi nghĩ rằng mọi người đang quá chủ quan trong việc các rủi ro chính trị có thể ảnh hưởng mạnh đến giá cổ phiếu và thị trường tài chính trong năm nay”, Julian Emanuel, giám đốc chiến lược phái sinh của hãng dịch vụ tài chính toàn cầu BTIG, nói.
Theo Bloomberg, các nhà chiến lược khác cũng chỉ ra rằng thương mại là một trong những rủi ro lớn nhất trong năm nay. Công ty quản lý tài sản BlackRock tuần qua dựa trên các chỉ số độc quyền nhận định rằng nguy cơ địa chính trị tác động đến thương mại toàn cầu đang tăng lên.
Tháng 1.2018 là tháng quan trọng đối với các vấn đề thương mại của chính quyền Tổng thống Trump. Cuộc đàm phán lại NAFTA lần thứ sáu sẽ bắt đầu vào ngày 23.1 tại Canada, nhưng có vẻ các nhà đàm phán sẽ khó thoát ra khỏi những bất đồng trong các vấn đề then chốt. Chính quyền ông Trump dự kiến cũng sẽ đưa ra hai quyết định thương mại quan trọng về thép và nhôm có khả năng tác động lớn đến Trung Quốc vào cuối tháng này.
Các nhà phân tích của tập đoàn tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group hiện nghi ngờ rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng các khoản đầu tư vào Kho bạc Mỹ để tạo mối đe dọa thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có nhiều công cụ để gây áp lực đến việc mua bán trái phiếu Mỹ nhằm cảnh báo chính quyền Tổng thống Trump và trả đũa các biện pháp thương mại, bao gồm việc từ chối cho các công ty Trung Quốc tiếp cận với thị trường và công ty Mỹ. “Đây là những công cụ đã được Bắc Kinh sử dụng rộng rãi, gần đây nhất là với Hàn Quốc”, các nhà phân tích của Eurasia Group viết.
Còn trường hợp NAFTA, thị trường toàn cầu coi đây là vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều. Theo Jens Nordvig, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thông tin Exante Data, bất đồng trong đàm phán NAFTA là nguy cơ lớn nhất đối với mặt trận thương mại và chính quyền ông Trump có thể làm tổn thương đồng USD nếu quyết định rút khỏi hiệp định. Nếu giá đồng peso Mexico và đô la Canada bị giảm vì quyết định này, thì giá trị đồng bạc xanh cũng không thoát khỏi trường hợp bị lùi lại phía sau so với đồng euro và đồng yen. Ngoài ra, nếu Mỹ có những biện pháp bảo hộ cực đoan hơn, đồng USD có thể sẽ mất sức hấp dẫn của một đồng tiền dự trữ trong dài hạn.
Ông Trump ngay khi còn là một ứng cử viên tổng thống đã tỏ thái độ chống lại NAFTA vì cho rằng đây là hiệp định không công bằng với Mỹ. Phía chỉ trích cho rằng NAFTA khiến thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Mexico tăng cao, trong khi đó những người ủng hộ NAFTA lại nói hiệp định nếu bị hủy bỏ sẽ làm tăng giá cả ở Mỹ, đồng thời gây tổn thương cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm ô tô và nông nghiệp.
Hiện tại, theo các nhà phân tích, tương lai của NAFTA ra sao vẫn còn là một dấu chấm hỏi. “Đây là một trường hợp 50 - 50, không có điều gì là hoàn toàn chắc chắn, nhưng cá nhân tôi nghĩ Mỹ có thể sẽ không rút ra khỏi NAFTA”, Juan Carlos Hartasánchez, giám đốc công ty chiến lược toàn cầu Albright Stonebridge, nói.(Thanhnien)
----------------------------
Mexico và Tây Ban Nha trong “cuộc chiến pho mát” khốc liệt
Hai loại pho mát có cùng tên "manchego" là tâm điểm của cuộc xung đột đang làm chậm lại thỏa thuận thương mại lớn giữa Mexico và Liên minh châu Âu (EU).
Pho mát manchego được bày bán tại Tây Ban Nha. Ảnh: Alamy.
Một bên là pho mát sữa cừu nức tiếng từ vùng La Mancha của Tây Ban Nha, thường được dùng trong món khai vị, một bên là pho mát sữa bò thường được bán rẻ tại các siêu thị Mexico và nhồi vào bánh quesadilla.
Các nhà sản xuất manchego ở Tây Ban Nha cho biết sản phẩm của họ có định vị xuất xứ và muốn loại pho mát của Mexico ngừng mang cùng tên.
Ismael Álvarez de Toledo, chủ tịch tổ chức Brotherhood of the Spanish Manchego Cheese, khẳng định rằng chỉ có một sản phẩm xứng đáng với cái tên, và đó chính là loại được làm từ sữa cừu ở vùng La Mancha.
"Manchego của Mexico là một loại pho mát sữa bò nhạt, đôi khi thậm chí còn trông chẳng giống miếng pho mát bởi nó nhiều khi được cắt thành lát để làm bánh kẹp", Guardian dẫn lời ông. "Điểm chung duy nhất giữa nó và pho mát của chúng tôi là cái tên. Nhưng đó là một cái tên rởm".
Mâu thuẫn này đang kìm hãm những cuộc đàm phán để nâng tầm thỏa thuận thương mại giữa Mexico và EU, đã được ký kết năm 2000. Tương lai Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) bất định, Mexico cố gắng giảm phụ thuộc thương mại vào Mỹ, vì vậy thỏa thuận trên đang được sửa đổi và mở rộng.
EU đã hy vọng những sửa đổi sẽ được thống nhất trước lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, bất chấp chuyến thăm Brussels ba ngày của Bộ trưởng Kinh tế Mexico, Ildefonso Guajardo, một thỏa thuận đã không thể đạt được.
Các chỉ dẫn địa lý thường được các nước EU bảo vệ quyết liệt. Một thập kỉ trước, chính phủ Tây Ban Nha đã kêu gọi châu Âu phải có hành động chống lại Bỉ sau khi xuất hiện một nhà sản xuất pho mát ở đó bán sản phẩm "bắt chước", Queso Manchego. Đó là thương hiệu từ năm 1996 của loại pho mát được làm từ Tây Ban Nha.
Mexico cũng đang ra sức bảo vệ những định vị xuất xứ của mình như rượu tequila và rượu mescal, nhưng ngành công nghiệp sữa của đất nước này không thể hiện sự sốt sắng tương tự đối với các loại pho mát.
"Mexico giống Mỹ hơn trong việc tập trung vào các thương hiệu", Rene Fonseca, tổng giám đốc Phòng Công nghiệp Sữa Quốc gia, nói. "Chúng tôi đã không lo lắng về việc bảo vệ tên chung".
Vùng La Mancha nằm ở trung tâm Tây Ban Nha, phía nam thủ đô Madrid. Ảnh: Wikipedia.
Nếu phải tìm ra ai đó để đổ lỗi cho sự nhầm lẫn này, Fonseca lập luận, thì chính là những nhà chinh phạt người Tây Ban Nha đã mang cái tên manchego đến Mexico. "Họ sẽ dùng cái gì khác ngoài tên từ quê hương họ?", ông nói. "Chính người châu Âu đã đặt tên này. Không ai có ý định lừa ai cả".
Tuy nhiên, Álvarez nhấn mạnh sự nhầm lẫn này dẫn đến thiệt hại thực sự cho các nhà sản xuất Tây Ban Nha, đặc biệt là ở thị trường Mỹ: "Nếu chúng tôi cố bán pho mát tại Miami, hoặc bất cứ nơi nào có ảnh hưởng của Mexico với giá 15 USD/kg, mọi người sẽ nói 'nhưng chúng tôi có thể mua manchego với chỉ 7 USD mà!'".
Santiago Altares, thư ký một tổ chức về định vị xuất xứ pho mát manchego cho hay Tây Ban Nha xuất khẩu khoảng 80 tấn manchego sang Mexico chỉ trong năm 2016. "Đề nghị sử dụng manchego như một thuật ngữ chung là một sự sai lầm", Altares nói. "Những người ở Mexico đang cố gắng tận dụng tên, danh tiếng và danh tiếng của pho mát manchego vì lợi ích kinh tế của riêng họ. Họ cũng lừa dối người tiêu dùng ở Mexico, Mỹ và các nước khác, nơi họ bán manchego giả. Đó là hành vi lừa đảo".(Zing News)
---------------------------
Trung Quốc tăng cường kiểm soát ngành tài chính trong năm 2018
Trung Quốc sẽ tăng cường giám sát lĩnh vực ngân hàng trong năm nay để giảm rủi ro tài chính.
Theo CNBC, đây là thông tin cho Ủy ban Quản lý Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) cho biết hồi cuối tuần trước. CBRC nhấn mạnh Đại lục cần có nỗ lực dài hạn để kiểm soát biến động mạnh trong ngành ngân hàng.
Cụ thể, hôm 13.1, CBRC tuyên bố rằng ưu tiên của họ đang là tăng cường giám sát hoạt động ngân hàng ngầm và liên ngân hàng. “Việc quản lý cổ đông ngân hàng, quản trị doanh nghiệp và cơ chế kiểm soát rủi ro vẫn còn yếu. Gốc rễ gây ra hỗn loạn trên thị trường không thay đổi về mặt cơ bản. Việc kiểm soát ngành ngân hàng sẽ là bước đi dài hạn, khó khăn và phức tạp”, CBRC nói.
Giới chức Đại lục cho biết vi phạm trong quản trị doanh nghiệp, cho vay bất động sản, thanh khoản tài sản không sinh lợi sẽ bị phạt nặng hơn. Động thái này sẽ củng cố nỗ lực quản lý rủi ro trong các hoạt động liên ngân hàng, sản phẩm tài chính và bảng cân đối tài chính của các doanh nghiệp.
Trung Quốc nhiều lần cam kết sẽ làm sạch hệ thống ngân hàng. Những tháng gần đây, các nhà quản lý áp dụng một loạt biện pháp mới để kiểm soát rủi ro, tạo đòn bẩy trong hệ thống tài chính thông qua nhiều khía cạnh từ hoạt động cho vay cho đến ngân hàng ngầm.
Trong tháng này, CBRC đã đưa ra quy định về số lượng ngân hàng thương mại mà các nhà đầu tư có thể nắm giữ cổ phần phần lớn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây cũng cho biết an ninh tài chính là rất quan trọng với an ninh quốc gia Đại lục.
Chính phủ nước này đặc biệt quan tâm đến ngành ngân hàng ngầm, hoạt động cho vay thực hiện bên ngoài hệ thống ngân hàng chính thức vốn được quy định đầy đủ. Trung Quốc lo rằng một đợt vỡ nợ có thể khiến nền kinh tế nước nhà chao đảo, khiến hoạt động cho vay ngân hàng ngừng đột ngột. (Thanhnien)