Hàn Quốc thắng kiện Mỹ về thuế chống bán phá giá sản phẩm ống thép; Airbus bất ngờ thắng Boeing trong cuộc đua doanh số năm 2017; Standard Chartered thoái toàn bộ vốn khỏi ACB; Chăn nuôi thua lỗ, vẫn chi 9.500 tỉ nhập trâu, bò...
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 16-01-2018
- Cập nhật : 16/01/2018
Suy kiệt: Lời cảnh báo từ mỏ dầu lớn nhất Việt Nam
Hầu hết các mỏ dầu ở Việt Nam đều đã khai thác trong thời gian dài và hiện đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên. Mỏ Bạch Hổ cung cấp sản lượng lớn nhất, chiếm hơn 60% sản lượng của PVN từ xưa đến nay, đã vào giai đoạn suy kiệt.
Ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Vietsovpetro cho biết như trên và không khỏi âu lo trước việc sản lượng khai thác đang sụt giảm.
“Móng mỏ Bạch Hổ còn quanh quẩn 10 triệu tấn, tối đa chỉ khai thác được 4-5 năm nữa thôi”, ông Từ Thành Nghĩa nói tại Hội nghị tổng kết năm 2017 của PVN mới đây. “Việc duy trì mỗi năm khai thác trên 4 triệu tấn là một thách thức”.
Vị lãnh đạo này khẳng định: Năm ngoái là năm gia tăng trữ lượng dầu khí thấp nhất từ trước đến nay. Năm 2018, PVN giao cho Vietsovpetro khoan tìm kiếm thăm dò 10 giếng, so với 2017 chỉ khoan 4 giếng, như vậy năm nay vượt 2,5 lần số giếng thăm dò. Nếu không tăng tìm kiếm thăm dò sẽ không có sản lượng cho những năm về sau. Tuy nhiên, vị trí dự kiến phát triển mỏ là mỏ nhỏ. Mỏ lớn như Bạch Hổ “không còn nữa rồi”.
“Chi phí hòa vốn của Vietsovpetro là 47 USD/thùng. Với giá dầu hiện nay, với lộ trình tiết giảm chi phí, Vietsovpetro có thể phát triển được các mỏ nhỏ này”, ông Nghĩa nói.
Lãnh đạo Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) cũng cho hay, 2017 là năm thứ 3 liên tiếp giá dầu duy trì ở mức thấp hơn kỳ vọng của PVEP. Vị này lo ngại trước việc các mỏ dầu khai thác bị giảm sản lượng tự nhiên, hoạt động tìm kiếm thăm dò bị hạn chế, thiếu cơ chế đối với DN thăm dò khai thác...
Ông Nguyễn Quỳnh Lâm, phó Tổng giám đốc PVN, cũng không giấu nỗi lo ngại trước việc khó gia tăng trữ lượng. Tuy nhiên, ông Lâm cũng nhắc đến điều mà ông cho là “rất mâu thuẫn” khi PVN nộp ngân sách hàng chục nghìn tỷ mà nguồn vốn cho tìm kiếm thăm dò năm 2017 lại không có.
“Tất cả phải bắt đầu từ tìm kiếm thăm dò. Thiếu thăm dò sẽ thiếu trữ lượng mỏ, không đủ dầu cung cấp cho các nhà máy lọc dầu, không cung cấp được khí, nguyên liệu cho các nhà máy phân đạm, đặc biệt không có công ăn việc làm”, ông Lâm cho rằng đã làm “tất cả những gì có thể“ và "không ngồi nhìn và trượt vì cơ chế”.
Tuy nhiên, những người phụ trách mảng thăm dò tìm kiếm như ông Lâm có thêm nỗi lo khác. Đó là nỗi lo xử lý chi phí các mỏ thăm dò không thành công.
“Thủ tướng vừa phê duyệt Điều lệ của tập đoàn. Quy chế tài chính cũng sẽ được phê duyệt nhanh. Trong quy chế tài chính, PVN đã trình lên cơ chế trích quỹ tìm kiếm thăm dò để có cơ chế hạch toán và xử lý tiền thăm dò không thành công", ông Lâm nói.
Ông Nguyễn Quỳnh Lâm chia sẻ thêm: “Những năm qua ta tiêu tương đối nhiều tiền, có nơi thành công nơi chưa thành công. Đó là quy luật của tìm kiếm thăm dò. Cái này phải được đánh giá và hạch toán theo đúng thông lệ quốc tế. Số tiền này ngày càng tích lại, nếu không xử lý được thì giống như đang để 1 cái gông trên cổ”, ông Lâm băn khoăn.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc PVN, thừa nhận: Trước đây hàng năm, PVN khoan 30-40 giếng thăm dò, chi phí tốn từ 2-2,5 tỷ USD, gia tăng được 35-40 triệu tấn quy dầu. Thế nhưng, từ 2015 trở lại đây, đầu tư của ta và nước ngoài chỉ đâu đó 400-500 triệu USD cho tìm kiếm thăm dò, giảm 5 lần so với trước.
“Hậu quả là trữ lượng gia tăng hàng năm giảm mạnh, năm 2017 chỉ đạt 4 triệu tấn dầu, thấp nhất lịch sử”, ông Sơn lo ngại.
Theo báo cáo của PVN, gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2017 đạt thấp hơn nhiều so với mục tiêu chiến lược đề ra. Mục tiêu đề ra trong nước là 20-30 triệu tấn/năm và ở nước ngoài là 8-12 triệu tấn/năm (tổng cộng là 28-42 triệu tấn/năm) thì năm 2016, 2017 PVN đều không hoàn thành và đạt thấp hơn nhiều (năm 2016 đạt 16,66 triệu tấn quy dầu và năm 2017 đạt 4,0 triệu tấn quy dầu).
Hầu hết các mỏ đều đã khai thác trong thời gian dài và đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên hàng năm từ 15% tới trên 30%.(VietnamNet)
-------------------------------------
Campuchia đe dọa vị trí 'cường quốc điều' của Việt Nam?
Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật để Campuchia trồng 500.000ha điều trong 10 năm tới, nhưng rất có thể ngành xuất khẩu trị giá 3,5 tỉ USD trong năm 2017 bị đe dọa.
Tại một cơ sở chế biến hạt điều ở Việt Nam - Ảnh: T.MẠNH
Theo Vinacas, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong năm 2017 đạt trên 3,5 tỉ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2016. Như vậy, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu điều đứng đầu thế giới năm thứ 12 liên tiếp.
Tuy nhiên, ngành điều đang đối mặt bài toán thiếu nguyên liệu khi phải nhập khẩu chủ yếu từ châu Phi. Ông Hồ Ngọc Cầm, giám đốc Công ty xuất nhập khẩu nông sản Phương Minh, cho biết mua điều của châu Phi rất rủi ro.
Chỉ trong vòng 3-4 năm qua, giá điều thô của châu Phi bán cho Việt Nam tăng từ 1.000 USD/tấn lên mức 2.200-2.300 USD/tấn như hiện nay.
"Gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam mua hạt điều châu Phi về chế biến để có việc làm chứ lợi nhuận không có", ông Cầm nói.
Theo các doanh nghiệp, hạt điều từ châu Phi có thể sẽ tiếp tục bị "làm giá", còn chi phí vận chuyển - giao nhận lên đến 70-80 USD/tấn trong khi ở Campuchia chỉ hơn 10 USD.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, cho biết năng lực chế biến điều của VN sẽ sớm đạt 2 triệu tấn/năm.
Trong khi đó, sản lượng điều trồng tại Việt Nam chỉ ở mức 300.000-350.000 tấn/năm, vì thế việc sớm tìm ra một nguồn nguyên liệu ngoài châu Phi là rất có lợi.
Ông Hồ Ngọc Cầm cũng cho rằng chiến lược lâu dài cho ngành điều Việt Nam là phải lấy Campuchia làm thị trường số 1 để nhập khẩu hạt điều, thay vì châu Phi.
Tại cuộc họp với Vinacas hồi đầu tháng 12-2017, ông Hean Vannhorn - Tổng cục trưởng Tổng cục Nông nghiệp (Bộ Nông lâm ngư nghiệp) Campuchia - rất tự tin nói nước này có đầy đủ mọi yếu tố để phát triển 500.000ha điều, thậm chí hơn.
Theo vị này, nếu năm 2014 chỉ có 30% điều thô Campuchia xuất qua Việt Nam thì nay đã lên tới 98%, vì thế các doanh nghiệp Việt Nam muốn hợp tác phát triển vùng nguyên liệu có thể yên tâm đầu tư.
Theo ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc An (Bình Phước), chính sách của Campuchia cũng định hướng phát triển cây điều và kỹ thuật canh tác điều cũng ở mức "khá cao".
"Chúng tôi đi tham quan thấy nhiều vườn điều của họ trồng tốt hơn ở Việt Nam do lợi thế đất rộng, bằng phẳng nên dễ chăm sóc và quản lý", ông Luyến nói.
Trước băn khoăn việc hỗ trợ Campuchia trồng điều có làm mất vị thế ngành điều Việt Nam như Ấn Độ trước đây, ông Thanh cho rằng ngành điều Việt Nam ở vị thế rất mạnh về công nghệ và sức cạnh tranh, đã chuyển sang chế biến sâu, không chế biến thô nữa.
"Đối thủ của chúng ta là Trung Quốc và Ấn Độ, còn Campuchia và châu Phi là đối tác", ông Thanh nhận định.
Nhập 2,5 tỉ USD hạt điều nguyên liệu/năm
Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 4 thế giới về sản lượng điều thu hoạch trong nước. Năm 2017, các doanh nghiệp phải bỏ ra hơn 2,5 tỉ USD để nhập khẩu trên 1,3 triệu tấn điều thô về chế biến.
Để hiện thực hóa kế hoạch phát triển nửa triệu hecta điều ở Campuchia, tổ công tác, nghiên cứu, hỗ trợ phát triển điều Việt Nam - Campuchia của Vinacas đã được ra mắt.
Vinacas đã trao tặng nguồn kinh phí 1,5 tỉ đồng hỗ trợ phát triển 1 triệu cây điều tại Campuchia trong giai đoạn 2018-2022.(Tuoitre)
-------------------------------
Hơn 2,2 tỉ USD nhập khẩu ô tô năm 2017
Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12.2017 đã có hơn 13.000 ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu vào nước ta.
Trong đó có tới 8.070 xe nhập từ Thái Lan, chiếm tới hơn 60% số lượng xe được nhập khẩu trong tháng. Lượng ô tô nhập khẩu này tăng hơn 112% về số lượng (tháng 11 chỉ có 6.422 xe) và gần 100% về giá trị so với tháng trước.
Tính chung cả năm 2017, cả nước đã nhập khẩu 97.231 xe ô tô nguyên chiếc các loại với giá trị hơn 2,2 tỉ USD. Lượng xe nhập khẩu trong năm 2017 giảm 13,6% về giá trị và 6,1% về lượng so với năm 2016.
Đáng chú ý, trong tháng cuối cùng của năm, lượng xe ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ được nhập khẩu tăng đột biến, đạt 3.857 xe, tăng gần 5 lần so với tháng 11 (592 xe). Đây được xem là động thái nhập khẩu gấp rút nhằm "chạy" Nghị định 116 có hiệu lực từ ngày 1.1.2018.(Thanhnien)
--------------------------
Trung Quốc: Đồng Nhân dân tệ tăng giá nhanh so với đồng USD
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo, đồng nội tệ của nước này ngày 15/1 đã tăng giá lên mức cao nhất trong hơn 2 năm qua so với đồng USD sau khi ngân hàng trên tăng biên độ giao dịch hàng ngày lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng.
Kiểm tiền nhân dân tệ (phải) và đôla Mỹ (trái) tại ngân hàng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông báo cho biết tỷ giá hiện tại giữa đồng Nhân dân tệ và đồng USD đã lên tới mức 1 USD đổi được 6,4574 Nhân dân tệ. Trong khi đó, cũng nhờ việc tăng biên độ giao dịch trên, tỷ giá giữa 2 đồng tiền này trên thị trường nội địa Trung Quốc đã lên tới mức 1 USD đổi được 6,4138 Nhân dân tệ, mức cao nhất kể từ cuối năm 2015.
Để ổn định đồng nội tệ, Trung Quốc chỉ cho phép tăng hoặc giảm giá đồng Nhân dân tệ ở mức 2% theo biên độ giao dịch hàng ngày. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương nước này đã buộc phải tăng biên độ giao dịch để đối phó với sức ép từ các thị trường. Nhờ vậy, đồng Nhân dân tệ dường như đã được hưởng lợi thế do sự giảm giá của đồng USD.
Giữ vững được trị giá nhờ sự ổn định của nền kinh tế Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá so với đồng USD kể từ mùa Hè năm ngoái và tính trong cả năm 2017, giá trị của đồng tiền này đã tăng hơn 6%.(TTXVN)