Reuters: “Ông lớn” bia Nhật Kirin xem xét mua cổ phần của Sabeco; Hơn 33 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong 11 tháng; Bitcoin bùng nổ, chuẩn bị vượt 10.000 USD?; Hàng ngàn người 'sập bẫy' địa ốc Alibaba
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 26-11-2017
- Cập nhật : 26/11/2017
Giá cà phê lao dốc, nông dân găm hàng, doanh nghiệp khó thu mua
Trước việc giá cà phê giảm, người trồng cà phê tại tỉnh Gia Lai đang trữ hàng, chờ giá lên, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu mua.
Sau khi đạt mức giá 45 triệu đồng/1 tấn ở đầu vụ, hiện nay giá cà phê chỉ còn 38 triệu đồng/1 tấn và tiếp tục có xu hướng lao dốc. Trước tình hình đó, người trồng cà phê tại tỉnh Gia Lai đang trữ hàng, chờ giá lên, nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu mua.
Hiện nay, giá cà phê nhân đang ở mức 38 triệu đồng/1 tấn, giảm 6 triệu đồng/1 tấn so với đầu vụ. Trước tình hình đó, anh Đặng Đình Nam ở thôn Kop, xã Kon Gang, huyện Đăc Đoa, tỉnh Gia Lai quyết định đi vay để thanh toán tiền nhân công thu hái và trả nợ phân bón thay vì bán bớt cà phê như các năm. Đây là kinh nghiệm của người trồng cà phê trong nhiều năm qua.
“Vì các chủ vườn bán ồ ạt nên các thương lái o ép. Nên tôi phải tích trữ, bán nhỏ giọt để thương lái không ép giá. Đầu vụ nhà tôi không bán, bởi vì đây là tính toán của người nông dân. Đến tháng 7, tháng 8 (năm sau) mới bán, mức giá khi đó có thể lên. Mấy năm trước tôi tích trữ như vậy đều lên hết” - anh Đặng Đình Nam chia sẻ.
Việc nông dân tích trữ cà phê chờ giá, khiến doanh nghiệp thu mua gặp khó khăn. Bà Huỳnh Thị Lệ Huyền, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn Huyền Phát Gia Lai cho biết, năm nay, công ty dự kiến mua khoảng 30.000 tấn cà phê nhân, nhưng từ đầu vụ tới nay, chỉ mới thu mua được 2.000 tấn.
Nguồn cung khan hiếm, các nhà rang xay và doanh nghiệp xuất khẩu ở TP.HCM cũng đang nhập hàng cầm chừng. Vì vậy, doanh nghiệp thu mua cà phê nhân xô cũng lựa chọn phương án mua bán trao tay kiếm lợi nhuận chênh lệch, thay vì tích trữ chờ giá lên như các năm.
“Năm nay, sản lượng vượt hơn năm ngoái 20%, nên tất cả đơn vị đều nhận định giá sẽ xuống tầm 37.000 - 38.000 đồng/1 kg. Nhà rang xay chưa muốn mua hàng vào, vì họ còn đang chờ giá xuống nữa. Nói chung tôi là đơn vị trung gian nên có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu, mua rồi bán ngay” - bà Huỳnh Thị Lệ Huyền cho biết.
Ông Phạm Tấn Lực, Trưởng phòng Quản lý Xuất - Nhập khẩu, Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết: "Hiện tại, giá cà phê nội địa và xuất khẩu đều sụt giảm so với cùng kỳ các năm. Đây là hiện tượng khác với quy luật nhiều năm, khó dự đoán. Vì vậy, cả doanh nghiệp thu mua lẫn người trồng cà phê cần thận trọng để tránh rủi ro".
Ông Phạm Tấn Lực nói thêm: "Giá cà phê xuống thấp như hiện nay sẽ ảnh hưởng mạnh tới việc đầu tư, chăm sóc và lợi nhuận của người trồng cà phê. Còn các thương lái, việc thu mua cà phê sẽ khó khăn khi gặp rủi ro cả trong việc thu mua trực tiếp của người dân và bán ra, xuất khẩu. Trước thực tế đó, người trồng cà phê cần theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến giá cà phê thị trường trong nước và nước ngoài. Tùy theo khả năng tài chính và nội lực của mình để quyết định thời điểm bán phù hợp, nhằm đảm bảo khả năng thu hồi vốn và tái đầu tư sản xuất.”.(VOV)
--------------------------
Nên dừng khai thác mỏ Thạch Khê
Việc dừng hay không dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) đang có nhiều ý kiến trái chiều ở các cơ quan có thẩm quyền.
Đầu tháng 8 vừa rồi, Bộ KH-ĐT đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê do năng lực tài chính của Công ty CP sắt Thạch Khê (chủ đầu tư) không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư tổ hợp dự án theo tiến độ và quan ngại những vấn đề liên quan đến môi trường, hiệu quả... của dự án. Bộ Công thương đang tập hợp các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Hà Tĩnh; đánh giá, rà soát lại toàn bộ dự án, đặc biệt là vấn đề môi trường, hiệu quả kinh tế, xã hội để có quyết định cuối cùng trước khi đề xuất Thủ tướng trong việc tiến hành hay dừng không khai thác dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Ảnh hưởng môi trường, cư dân trên diện rộng
Chưa nói đến quy hoạch ngành thép và bất cập của việc tiêu thụ sản phẩm, công nghệ khai thác một mỏ sâu và ngay cạnh biển như mỏ Thạch Khê là rất phức tạp, đầy rủi ro, chi phí khai thác rất cao trong khi quặng sắt đang tràn ngập thị trường với giá ngày càng giảm.
Ngày 17.5.2007, Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) đã ra mắt với 9 cổ đông sáng lập, vốn điều lệ 2.400 tỉ đồng. Tuy nhiên, một số cổ đông đã không góp vốn đúng cam kết, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch hoạt động của công ty. Sau đó, Bộ Công thương đã tiến hành tái cơ cấu lại TIC theo hướng TKV giữ cổ phần chi phối, loại bỏ một số cổ đông.
Mỏ thân quặng của Thạch Khê nằm sâu dưới mực nước biển. Cụ thể nóc quặng (đỉnh) bắt gặp nông nhất ở độ cao khoảng từ -15 tới -45 m, đáy quặng từ -400 đến -650 m. Thân quặng nằm sát bờ biển khoảng 1,5 km cho nên vài năm qua Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) khi bốc mở một điểm tới đỉnh thân quặng thì nước biển đã ngập ngay điểm mở. Có thể suy ra toàn thân quặng thấm ngập nước biển.
Như vậy, vấn đề nước biển ngấm vào moong mỏ là thực tế và cần một hệ thống bơm lớn, bơm liên tục mới khai thác được. Công ty Braunkohle của Đức đã chạy mô hình toán học vấn đề tháo nước ở đây khi các tập đoàn Krupp, Lonrho Mining Pacific, Mitsui tiến hành nghiên cứu mỏ này. Chắc chắn chỉ có thể khai thác lộ thiên. Mà như vậy, sẽ ảnh hưởng môi trường và cuộc sống của cư dân trên diện rất rộng.
Đã có vài công ty lớn đến rồi đi, như BHP, Krupp, Glencore, Mitsui... Liên kết Krupp-Lonrho và Mitsui đưa ra lý do rút khỏi dự án là hàm lượng kẽm cao. Còn BHP đến khảo sát kỹ, nhưng nhận thấy khai thác mỏ Thạch Khê sẽ gặp nhiều khó khăn vì mỏ nằm ngay sát biển và thân quặng chìm dưới mặt nước biển nên cũng rút lui.
Chất lượng quặng kém
Hàm lượng kẽm trong quặng rất cao: 0,037% đối với quặng giàu, 0,028% đối với quặng nghèo. Trong quá trình luyện gang, kẽm sẽ bốc hơi dưới dạng ô xít. Hơi kẽm thấm vào thành (xốp) gạch chịu lửa, và làm nứt gạch thành lò cao, dẫn đến phá hủy thành lò.
Bình thường một lần xây thành lò cao, sẽ dùng được 4 - 5 năm. Nhưng nếu dùng quặng có kẽm cao như mỏ Thạch Khê thì tiểu tu, trung tu và đại tu thành lò cao sẽ phải thường xuyên hơn, rất tốn kém, ảnh hưởng đến sản lượng. Trong khi, Formosa với tổng nhu cầu quặng sắt từ 7 - 14 triệu tấn/năm vẫn chưa có ý định mua quặng sắt mỏ Thạch Khê. Xin lưu ý chỉ quặng mỏ Thạch Khê thôi không thể luyện gang thép được, mà phải pha trộn với các loại quặng khác. Tỷ lệ quặng Thạch Khê trong trộn lẫn này sẽ thấp hơn hẳn, tỷ lệ quặng nhập về để luyện gang thép với quặng Thạch Khê sẽ cao hơn.
Đặc biệt, chỉ riêng cơn bão số 12 vừa qua cho thấy sóng biển đã cao hơn rất nhiều so với cách tính trong thiết kế bãi thải của dự án. Với tần suất khoảng 10 năm một lần, những cơn bão như vậy sẽ san bằng mỏ sắt Thạch Khê (bãi thải ngoài biển, và khai trường trong bờ) là không tránh khỏi.
Vì vậy, nếu chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước thì nhập khẩu nguyên liệu là rẻ nhất, tránh được vấn đề môi trường do khai thác tạo ra. Trong khi quặng sắt, nếu VN có nhu cầu, rất có sẵn trên thị trường thế giới.
Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đề nghị dừng, không khai thác mỏ Thạch Khê, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và chỉ nghiên cứu khởi động lại dự án khi đủ các điều kiện nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững là chính xác.(Thanhnien)
-------------------------
Việt Nam có thể trở thành trung tâm thiết kế của thế giới
Mặc dù mạng di động 4G mới được triển khai tại Việt Nam nhưng lúc này khi nhìn đến mạng 5G, không phải là quá sớm để các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị cả về nhân lực, công nghệ.
Có thể thấy mạng đi động 4G hiện nay đang được các nhà mạng trong nước triển khai đang mang lại rất nhiều lợi ích. Đối với người dùng, việc bỏ ra một chi phí chỉ cao hơn 3G một chút nhưng lại có tốc độ kết nối và lưu lượng sử dụng lớn hơn nhiều 3G đã tạo ra những lựa chọn mới, có thể thay thế cho kết nối Internet có dây hiện nay.
Đây cũng chính là tiền đề để phát triển những tiện ích mới trên môi trường Internet như Internet vạn vật (IoT) hay thành phố thông minh và cũng là cơ hội cho những thiết bị mới bên cạnh smartphone.
Theo Tiến sỹ Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương: “Hiện nay thị trường smartphone đang nhỏ lại thì đối với IoT, cuộc chơi sẽ hoàn toàn khác. Internet vạn vật có những nhánh nhỏ hơn và khi doanh nghiệp Việt Nam có năng lực thì đây sẽ là cơ hội”.
Việc phát triển các trang bị IoT và thành phố thông minh cần có sự tuỳ biến. Ví dụ hệ thống thành phố thông minh sẽ có các thiết bị như camera thông minh, đèn thông minh và những bộ tín hiệu trung tâm. Để lắp đặt ở Hà Nội, tất cả các thiết bị này đều cần tuỳ biến riêng, tới khi lắp ở thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ phải tuỳ biến lại nên thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn.
Thế nhưng không phải doanh nghiệp nào của Việt Nam cũng sẵn sàng nắm bắt cơ hội này. Kỹ sư Việt Nam có kỹ thuật tốt nhưng với những thiết kế mới vẫn cần thời gian. Cụ thể như một chi tiết ăngten của smartphone. Không phải công ty nào cũng có thể làm tốt chi tiết này do ăngten để thu tín hiệu 4G khá phức tạp hay người dùng hiện nay thích một chiếc smartphone chụp ảnh đẹp, không phải ai cũng có thể làm được.
Khi được hỏi về khả năng tiếp nhận công nghệ cũng như nắm bắt cơ hội của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam ông Nam cho rằng: “Những kỹ sư của Việt Nam rất giỏi nên không có băn khoăn gì về năng lực, nhưng nguồn lực còn thiếu. Việc tuyển được những kỹ sư giỏi hiện nay rất khó. Trong khi ngành công nghệ có rất nhiều kỹ năng mới”.
Một điểm thiếu khác cũng được ông Nam nhận định đó là vốn. Bản thân việc đầu tư cho công nghệ rất rủi ro. Ở Mỹ có Thung lũng Silicon, nơi mà các doanh nghiệp chỉ cần có ý tưởng và công nghệ phù hợp sẽ không phải lo về vấn đề vốn.
Nếu so sánh trong ngành smartphone có thế thấy, việc phát triển ngành này xuất phát ban đầu từ Mỹ, sau đó tới Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và giờ đang hướng tới Việt Nam.
Trong những năm tới, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để trở thành trung tâm thiết kế của thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn đạt hiệu quả cao trong chuỗi giá trị phải tham gia từ khâu thiết kế.
Lúc này nhiều sản phẩm công nghệ của các công ty trong nước có thể chưa thật sự có vị trí trên thị trường ông Thiều Phương Nam cho rằng: “Với một sản phẩm công nghệ như smartphone, thời gian cần thiết để công nghệ sản xuất phát triển là từ 10 đến 15 năm. Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình này”.
Ông cũng đề cập đến các yếu tố về thị trường khi khách hàng Việt Nam thích những thương hiệu nước ngoài. Các thương hiệu trong nước cần làm thế nào để khách hàng tin rằng sản phẩm của mình là tốt.
Đối với các sản phẩm IoT ví dụ nhà thông minh, khách hàng sẽ không quan tâm đến sản phẩm đến từ nhà sản xuất nào mà quan trọng nhất là những dịch vụ và giải pháp được mang đến cho mình.
Với các mạng di động, việc chuyển sang công nghệ 5G trong tương lai sẽ không mất quá nhiều chi phí do mạng di động mới được phát triển từ cơ sở mạng 4G tốc độ cao. Chi phí với các nhà cung cấp dịch vụ có thể nằm ở phí cấp phép băng tần. Việc kinh doanh với mạng di động 5G cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn do chi phí cho mỗi GB dữ liệu còn rẻ hơn 4G hiện nay ngoài ra khách hàng của các nhà mạng sẽ có thêm cả những thiết bị thông minh thay vì chỉ smartphone như hiện nay.(Bizlive)
-------------------------------
Dược Lâm Đồng: Nguyễn Kim muốn thâu tóm, SCIC đăng ký thoái sạch
Với thị giá hiện 38.000 đồng/cp, SCIC dự thu về gần 95 tỷ đồng từ thoái vốn Dược Lâm Đồng.
Thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đăng ký bán toàn bộ gần 2,5 triệu cổ phiếu CTCP Dược Lâm Đồng – Ladophar (HNX: LDP), tương đương tỷ lệ 31,88% vốn.
Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ 30/11/2017 đến hết 29/12/2017.
Thông tin SCIC muốn thoái vốn ngay sau khi Nguyễn Kim Group chào mua công khai LDP nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ 24% lên 51,14% vốn điều lệ và chuyển LDP thành công ty con.
Giá Nguyễn Kim chào mua tối đa 32.000 đồng/cp và nằm trong biên độ dao động của giá cổ phiếu theo quy định của Pháp luật. Tuy nhiên đến nay LDP đã có mức giá đến 38.000 đồng/cp.
Nguồn vốn Nguyễn Kim thực hiện mua là vốn tự có. Thời điểm chào mua từ 25/10-25/11/2017 và thời hạn dự kiến hoàn tất việc chào mua 10/12/2017.
Về hoạt động kinh doanh, LDP có doanh thu quý III đạt 164,6 tỷ, tăng trưởng 19%. Lãi sau thuế 5,8 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 4%.(NDH)