tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 23-09-2018

  • Cập nhật : 23/09/2018

MF: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến kinh tế thế giới trả giá đắt

Hãng tin RT cho biết, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo về những hậu quả mà cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay, có thể xảy ra.

kinh te the gioi co the se lam vao khung hoang neu chien tranh thuong mai my - trung tiep tuc keo dai.

Kinh tế thế giới có thể sẽ lâm vào khủng hoảng nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục kéo dài.

Phát ngôn viên của IMF Gerry Rice cho biết, cơ quan này vẫn đang đánh giá những ảnh hưởng của việc Mỹ và Trung Quốc đánh thuế nặng tay đối với mặt hàng xuất khẩu của nhau, song chi phí kinh tế “sẽ nhanh chóng tăng lên”.

Ông Ricw nói rằng “tùy vào tình hình và cách thực hiện các biện pháp đánh thuế, hành động của Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ khiến thế giới phải chịu hậu quả đáng kể về kinh tế”.

Trung Quốc đã thêm 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ vào danh mục các mặt hàng bị đánh thuế vào ngày 18/9 nhằm đáp trả việc Mỹ đánh thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 24/9 tới.

Bắc Kinh cũng đã đề đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về quyết định áp thuế nặng nề đối với 200 tỷ USD hàng xuất khẩu sang Mỹ của nước này. Trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đe dọa sẽ tiếp tục đánh thuế đối với số lượng hàng hóa có tổng giá trị 267 tỷ USD nếu Bắc Kinh đáp trả Mỹ.

Vào tháng 7, IMF đã cảnh báo Tổng thống Trump rằng một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu bị hao hụt 430 tỷ USD, và Mỹ sẽ “đặc biệt bị tổn thương”.

Chính quyền Trump cho biết hành động đánh thuế của họ là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia cũng như quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp ở Mỹ, đồng thời giảm bớt thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố rằng họ phản đối gây chiến tranh thương mại, song họ sẽ đáp trả để bảo vệ nền kinh tế của mình.

Vào năm 2017, Mỹ công bố rằng thâm hụt thương mại với Trung Quốc đã đạt mức 376 tỷ USD. Phần lớn các mặt hàng nhập khẩu đều là sản phẩm của các công ty Mỹ, khi họ đưa nguyên liệu thô sang Trung Quốc để sản xuất do chi phí nhân công rẻ ở đây.(infoNet)
-------------------------

Đàm phán NAFTA giữa Mỹ và Canada chưa thu hẹp được bất đồng

Hiện Mỹ và Canada vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành chế biến sữa và một số điều khoản của NAFTA.

Mỹ và Canada ngày 20/9 đã kết thúc cuộc đàm phán cấp cao kéo dài hai ngày tại thủ đô Washington về thỏa thuận sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mà vẫn chưa thể thu hẹp bất đồng trong nhiều lĩnh vực.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nhấn mạnh cuộc đối thoại diễn ra "không ngừng nghỉ" và mang tính "xây dựng", xoay quanh nhiều vấn đề gai góc.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland. Ảnh: TTXVN phát

Trong bối cảnh Mỹ và Mexico đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về hiệp định này hồi tháng 8 vừa qua, sức ép ngày càng gia tăng đối với Canada.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump chủ trương đạt thỏa thuận sửa đổi NAFTA với Canada vào cuối tháng 9 tới, một phần là để kịp trình văn kiện này thông qua tại Quốc hội Mỹ trước khi chính quyền mới tại Mexico nhậm chức vào đầu tháng 12.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Freeland nhấn mạnh mục tiêu của Canada là đạt được một thỏa thuận tốt cho người dân Canada và Ottawa không cảm thấy áp lực trong vấn đề thời gian.

Mỹ và Canada vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành chế biến sữa và một số điều khoản của NAFTA.

Tuy nhiên, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định nước này sẽ tiếp tục bảo vệ ngành công nghiệp này. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại liên quan chính sách thuế của Tổng thống Trump là trở ngại khiến hai nước đồng minh lâu đời này không thể xích lại gần nhau trong cuộc đàm phán NAFTA.

Ông Jerry Dias, Chủ tịch Unifor, nghiệp đoàn lớn nhất Canada trong lĩnh vực tư, cho rằng Canada có thể không nhất trí về thỏa thuận sửa đổi NAFTA với Mỹ nếu Washington tiếp tục đe dọa áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Canada và duy trì mức thuế đối với sản phẩm gỗ xẻ mềm, thép và nhôm.

Theo một số chuyên gia, nền kinh tế Canada sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu Mỹ thay đổi chính sách thương mại.

Hiện khoảng 20% thu nhập quốc gia của Canada là từ hoạt động cung cấp hàng hóa và dịch vụ sang thị trường Mỹ, đây cũng là điểm đến của lượng hàng hóa tương đương 76% tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Canada.

Trong khi đó, nếu so với Canada hay Mexico, nền kinh tế Mỹ ít phụ thuộc trực tiếp hơn vào hoạt động ngoại thương (Bnews)
--------------------------

Cuộc khủng hoảng cho vay trực tuyến tại Trung Quốc

Mô hình cho vay trực tuyến phi ngân hàng bùng nổ cho đến khi chính phủ Bắc Kinh siết quản lý và những hệ lụy bắt đầu xuất hiện. 

Peter Wang đang ngủ tại nhà ở Bắc Kinh khi bị cảnh sát ập vào trong một buổi sáng hồi đầu tháng Tám. Ông bị buộc tội giúp đỡ tổ chức một cuộc biểu tình vào cuối ngày hôm đó. Khắp các thành phố khác tại Trung Quốc, những người mất tiền khi đầu tư vào các nền tảng cho vay ngang hàng trực tuyến (P2P) như ông Wang cũng được cảnh sát ghé thăm. Khi đó, họ định tổ chức một cuộc biểu tình lớn trước Ủy ban quản lý và bảo hiểm ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) tại quận tài chính ở thủ đô Bắc Kinh.

Cho vay ngang hàng trực tuyến (P2P) là hình thức các doanh nghiệp, tổ chức thu hút tiền của nhà đầu tư, sau đó kết nối cho các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân khác vay, với cam kết lợi nhuận cao qua trang web hoặc nền tảng ứng dụng. Tức là, qua nền tảng này, người có tiền và cần tiền sẽ tìm đến nhau và giao dịch mà không qua ngân hàng.

Theo dữ liệu trên p2p001.com do Viện nghiên cứu Tài chính Internet Thâm Quyến quản lý, lĩnh vực cho vay ngang hàng của Trung Quốc có giá trị gần 218 tỷ USD. 

Tại Trung Quốc, loại hình này phát triển trên quy mô lớn khi các công ty được chính phủ khuyến khích đột phá sáng tạo về tài chính để phục vụ các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ đang đói vốn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng lợi dụng, núp bóng hình thức này để cho vay với lãi suất “cắt cổ” lên tới gần 40% hoặc lừa đảo sau khi huy động vốn.

Hình thức này bắt đầu bùng nổ tại Trung Quốc vào năm 2011 và dần rơi vào tình trạng không được kiểm soát. Khi đạt đỉnh năm 2015, Trung Quốc có khoảng 3.500 doanh nghiệp cho vay P2P. Tuy nhiên, sau khi Bắc Kinh bắt đầu một chiến dịch tháo các ngòi nổ bong bóng nợ và giảm thiểu rủi ro với nền kinh tế trong cả khu vực phi ngân hàng, các vết nứt bắt đầu xuất hiện khi nhà đầu tư ồ ạt rút tiền.

Từ tháng Sáu, 243 nền tảng cho vay này tại Trung Quốc đã dừng hoạt động, theo wdj.com – một nhà cung cấp dữ liệu P2P. Cũng trong thời gian này, các công ty cho vay chứng kiến dòng vốn bị rút ra mạnh nhất kể từ năm 2014.

Lĩnh vực cho vay ngang hàng tại Trung Quốc giai đoạn 2014 - 2018. Ảnh: FT
Lĩnh vực cho vay ngang hàng tại Trung Quốc giai đoạn 2014 - 2018. Ảnh: FT

Đây là cũng là thời hạn cuối để các nền tảng cho vay P2P nộp giấy tờ hoạt động, gồm chi tiết về hoạt động kinh doanh, đối tượng cho vay, biện pháp quản lý rủi ro... cho các cơ quan quản lý Trung Quốc. Sau đó, các nhà quản lý sẽ cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp đủ năng lực và đóng cửa những bên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động thay vì phải đáp ứng các quy định quản lý khó khăn hơn”, Zane Wang – Giám đốc công ty cho vay trực tuyến quy mô siêu nhỏ China Rapid Finance nhận định. Ông cho rằng, điều này cũng tạo sự hoảng loạn trên thị trường khi các nhà đầu tư cố gắng rút tiền khỏi các tổ chức cho vay P2P khiến các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn gặp vấn đề về thanh khoản.

Trụ sở Ezubao tại thành phố Hàng Châuđã đóng cửa(Trung Quốc). Ảnh: AFP
Trụ sở Ezubao - một trong những nền tảng P2P - tại thành phố Hàng Châuđã đóng cửa(Trung Quốc). Ảnh: AFP

Ezubao – từng là một trong những nền tảng P2P lớn nhất Trung Quốc đã thực hiện một kế hoạch lừa đảo Ponzi khi huy động gần 60 tỷ NDT ( hơn 9 tỷ USD) của 900.000 nhà đầu tư. Vào thời điểm bị cảnh sát điều tra đầu năm 2016, công ty này không thể trả được 38 tỷ NDT cho các nhà đầu tư.

“Tôi được nhiều người bạn làm trong ngành tài chính khuyên phải cẩn thận nhưng tôi đã quen sử dụng các nền tảng này từ lâu nên khá tinh tưởng”, Sarah Chen – một nhà tư vấn tại Thượng Hải đã đầu tư 290.000 NDT vào nền tảng cho vay P2P Zhuaqianmao cho biết.

Tuy nhiên, đến hôm 16/7 đáo hạn, Chen không thể lấy lại số tiền này. “Tôi đến báo cảnh sát Hoàng Phố (Thượng Hải) và chứng kiến rất nhiều người cũng gặp trường hợp tương tự, ngoài Zhuaqianmao còn nhiều nền tảng khác”, cô nói.

Ngân hàng đầu tư của Trung Quốc - CITIC Securities ước tính, chỉ khoảng 100 nền tảng cho vay ngang hàng trong số 1.836 nền tảng hiện tại có thể đáp ứng quy định mới của các nhà quản lý Trung Quốc. Số nền tảng có thể phát triển không nhiều hơn 50.

Tang Ning – sáng lập, kiêm giám đốc điều hành CreditEase, sở hữu nền tảng cho vay P2P Yirendai tỏ ra lo ngại về sự hoảng loạn trong lĩnh vực này sẽ leo thang. Ông kêu gọi, các cơ quan quản lý “hành động với ý thức khẩn cấp” để bảo vệ các nền tảng cho vay P2P tốt và xử lý nghiêm những nền tảng xấu để không làm tổn hại hệ thống tài chính và nền kinh tế Trung Quốc.

Theo Tang, nếu không xử lý được, các doanh nghiệp nhỏ sẽ mất đi một nguồn tài chính quan trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới hệ thống tài chính mà còn tới cả nền kinh tế.

Hiện tại, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra 10 biện pháp để kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực cho vay ngang hàng, trong đó có cấm mở các công ty về nền tảng cho vay P2P mới, tăng cường hình phạt đối với các công ty có hành vi lừa đảo.

“Điều chúng tôi mong muốn nhất lúc này là lấy lại số tiền đã bỏ ra, một phần nào đó cũng được”, ông Wang chia sẻ. Ông và gia đình đã đầu tư 7 triệu NDT tiền tiết kiệm để mua nhà vào 2 nền tảng cho vay P2P hiện đã dừng hoạt động.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục