tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 23-09-2018

  • Cập nhật : 23/09/2018

Walmart điêu đứng vì thuế quan của ông Trump

Vòng áp thuế mới nhất trong cuộc chiến thương mại sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến Walmart, nơi người Mỹ đến mua sắm các mặt hàng được sử dụng hàng ngày.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Walmart đứng trước những lựa chọn khó khăn khi chính quyền Trump áp thuế với các mặt hàng của Trung Quốc: tăng giá bán hoặc chịu mức doanh thu thấp. Tuy nhiên, việc tăng giá sản phẩm lại quá khó khăn đối với họ, bởi hầu hết khách hàng của Walmart đều có thu nhập thấp hoặc trung bình.

 

Trong một bức thư gửi Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Walmart đã nói về việc tăng mức thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ gây tổn hại đến người tiêu dùng, các nhà cung cấp của họ cũng như toàn bộ nền kinh tế Mỹ. Họ yêu cầu chính quyền Trump rút những mặt hàng sau ra khỏi danh sách bị áp thuế: đèn trang trí Giáng Sinh, dầu gội, đồ ăn cho chó, vali, đệm, túi xách, balo, máy hút bụi, xe đạp, lò nước, dây cáp và điều hoà không khí.

Walmart viết trong bức thư: "Tác động ngay trước mắt của thuế quan sẽ là giá cả tăng lên và làm tổn hại đến các doanh nghiệp Mỹ".

Tuy vậy, chính quyền Trump vẫn không thay đổi quyết định. Hôm thứ Hai, họ đã áp mức thuế 10% cho các mặt hàng kể trên và lên tổng cộng 200 tỷ USD các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Các mức thuế sẽ có hiệu lực từ ngày 24/9 và tăng lên mức 25% vào cuối năm nay.

Vòng áp thuế mới nhất trong cuộc chiến thương mại sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến Walmart, nơi người Mỹ đến mua sắm các mặt hàng được sử dụng hàng ngày.

Tăng giá hoặc chấp nhận mức doanh thu thấp

Các hãng bán lẻ và công ty sản xuất hàng tiêu dùng khác cũng đưa ra ý kiến tương tự. Target cho biết mức thuế sẽ "gây tổn hại đến người tiêu dùng Mỹ", và các gia đình sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các nhu yếu phẩm trong trường học như vở, máy tính, máy tính xách tay và bàn học. Chính quyền Trump đã đề xuất áp dụng mức thuế cho những mặt hàng này, tuy nhiên cuối cùng đã loại những sản phẩm sau ra khỏi danh sách: mũ bảo hiểm xe đạp, ghế ngồi trên ôtô và xe đẩy cho trẻ em, cùng những sản phẩm của Apple là Apple Watch và tai nghe Air Pods.

Target và Walmart đứng trước những lựa chọn khó khăn: họ có thể chấp nhận các loại chi phí cao hơn do thuế quan ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận, hoặc có thể đối mặt bằng cách tăng giá thành sản phẩm.

Walmart đưa ra lời cảnh báo trong bức thư: "Người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn, lợi nhuận các nhà cung cấp nhận được cũng thấp hơn, hoặc người tiêu dùng sẽ mua ít sản phẩm hơn, hay cũng có thể đặt mua trước tất cả các món đồ cùng một lúc."

Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) ước tính rằng mức thuế 25% với đồ nội thất sẽ khiến người Mỹ tiêu tốn hơn 4,5 tỷ USD mỗi năm, trong khi mức thuế này đối với các sản phẩm du lịch như túi xách và vali sẽ tiêu tốn thêm 1,2 tỷ USD.

Máy giặt là một ví dụ đầu tiên về việc thuế quan ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Chính quyền Trump đã áp mức thuế 20% cho các loại máy giặt vào đầu năm nay và giá các thiết bị giặt ủi cũng tăng gần 20% trong những tháng vừa qua, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Walmart sẽ phải đau đầu với câu hỏi về giá thành. Trong số 500 tỷ USD doanh thu của năm ngoái, có khoảng 50 tỷ USD đến từ việc nhập khẩu các sản phẩm từ Trung Quốc hoặc hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc, theo ước tính của ông Greg Melich, một nhà phân tích lĩnh vực bán lẻ tại MoffettNathanson.

Việc tăng giá sản phẩm là một điều không hề thoải mái đối với Walmart, bởi công ty này đang nắm giữ khoảng 10% thị trường bán lẻ của cả nước và lượng khách hầu hết đều có thu nhập thấp hoặc trung bình.

Chuỗi cung ứng có thể bị phá huỷ

Các nhà cung cấp đến từ Mỹ của Walmart phụ thuộc vào những chi nhánh tại Trung Quốc để lắp ráp và hoàn thành quá trình sản xuất tại Mỹ. Ví dụ như xe đạp, mỗi chiếc xe đạp có 40 bộ phận tách lẻ cần sản xuất và tất cả đều phải nhập khẩu. Walmart cho biết: "Thuế quan đối với những bộ phận của xe đạp sẽ khiến việc sản xuất của Mỹ không còn cạnh tranh và đẩy mức giá lên rất cao."

Dù công ty đã nỗ lực rất nhiều để nhập xe đạp từ các nhà sản xuất tại Mỹ, nhưng số lượng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ngay cả sau khi mức thuế 25% được áp dụng, việc mua những bộ phận xe đạp sản xuất tại Trung Quốc vẫn rẻ hơn so với các nhà cung cấp trong nước.

Các nhà bán lẻ đã đặt hàng sản phẩm của họ từ 6 tháng đến 1 năm trước và họ đang nháo nhào đi tìm những lựa chọn thay thế cho năm tới.

Chính quyền Trump đang sử dụng thuế quan để thúc đẩy các công ty sản xuất nhiều sản phẩm hơn ngay trong lãnh thổ Mỹ. Tuy vậy, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia nói rằng tư duy của chính quyền có những thiếu sót và kế hoạch cẩn trọng về chuỗi cung ứng không thể vạch ra chỉ trong một đêm.

Hiệp hội này cho hay: "Chính quyền vẫn đánh giá quá cao về khả năng của các công ty Mỹ trong việc đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Chuỗi cung ứng toàn cầu vô cùng phức tạp, có thể sẽ mất rất nhiều năm để tìm những đối tác phù hợp có thể đáp ứng những tiêu chí trong sản xuất ở quy mô như cũ và chi phí cần thiết."

Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu 474 triệu USD các loại đèn trang trí Giáng Sinh, 85% trong số đó đều đến từ Trung Quốc. Vì thế, khi Walmart đang đối mặt với những khó khăn cùng thời điểm mùa nghỉ lễ đang đến gần thì giá các loại đèn trang trí Giáng Sinh chắc chắn sẽ cao hơn trong năm tới.(CafeF)
-----------------------

Trump: Đã đến lúc phải cứng rắn với Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc đã gây thiệt hại cho Mỹ suốt thời gian dài và cần phải cứng rắn với Bắc Kinh.

“Đã đến lúc phải cứng rắn với Trung Quốc”, Tổng thống Donald Trump cho biết trong cuộc phỏng vấn với Fox News cuối ngày 20/9. “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Đã rất lâu rồi. Họ đang làm tổn hại chúng tôi”.

Đòn công kích lớn nhất ông Trump tung ra trong cuộc chiến thương mại hiện nay là thuế suất 10% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, hiệu lực từ ngày 24/9 và tăng lên 25% từ đầu năm 2019. Ông còn dọa áp thuế với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nếu Bắc Kinh có động thái đáp trả.

Trước đó, Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế 25% với 50 tỷ USD hàng hóa của nhau kể từ tháng 7.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: The Hill

Giới chức Bắc Kinh lo ngại các chính sách thuế của Trump có thể dẫn đến đối đầu trong dài hạn, ảnh hưởng sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những bình luận gần đây từ ông chủ Nhà Trắng và xu hướng hiếu chiến với Trung Quốc trong chính quyền Mỹ gia tăng càng làm gia tăng lo ngại trên.(NDH)
-------------------------

Cảng biển Hàn Quốc khó đạt mục tiêu tăng trưởng do căng thẳng Mỹ - Trung

Hoạt động trung chuyển hàng hóa tại các cảng biển của Hàn Quốc đã tăng với tốc độ chậm hơn dự kiến trong năm nay do căng thẳng thương mại ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hoạt động trung chuyển hàng hóa tại các cảng biển của Hàn Quốc đã tăng với tốc độ chậm hơn dự kiến. Ảnh minh họa: EPA/TTXVN

Khối lượng hàng container qua cảng Busan lớn nhất Hàn Quốc ở mức 12,44 triệu TEU (loại container có dung tích 20 x 8 x 8,5 feet) trong thời gian từ tháng 1-7/2018, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này chiếm khoảng 57,9% kế hoạch của cả năm là 21,5 triệu TEU. Để đạt được mục tiêu này, việc xử lý hàng hóa cần tăng trung bình 4,9% hoặc cao hơn mỗi tháng. 

Trong tổng số trên, hàng hóa xuất-nhập khẩu đứng ở mức 10,41 triệu TEU, tăng 0,5% so với năm trước đó, song khá thấp so với mục tiêu tăng 2,2% hàng tháng của Ban quản lý cảng. Ban quản lý cảng này cho rằng cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là nguyên nhân khiến xuất khẩu hàng hóa trung gian của Hàn Quốc giảm sút. 

Incheon, cảng lớn thứ hai của Hàn Quốc, cũng trong tình trạng tương tự. Trong nửa đầu năm 2018, khối lượng hàng hóa được trung chuyển qua cảng Incheon, phía tây thủ đô Seoul, đạt 1,52 triệu TEU, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu trung chuyển hàng hóa cả năm qua cảng Incheon vào khoảng 3,3 triệu TEU, tăng 8,2% so với năm ngoái, nhưng mục tiêu đó dường như không thể đạt được do tình hình sụt giảm hiện tại. 

Mức tăng chậm này là do xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm, chiếm khoảng 60% khối lượng hàng hóa trung chuyển tại Hàn Quốc, giữa bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. 

Trong khi đó, số liệu từ Cục Hải quan Hàn Quốc (KCS) cho biết trong thời gian 20 ngày đầu của tháng Chín, kim ngạch xuất khẩu tăng tới 21,6% lên 36,5 tỷ USD nhờ xuất khẩu chip điện tử và các sản phẩm hóa dầu tăng. Theo KCS, giá trị hàng hóa xuất khẩu trung bình mỗi ngày cũng tăng 21,6% lên 2,35 tỷ USD. 

Về hàng hóa, xuất khẩu chất bán dẫn tăng 35,7%, các sản phẩm hóa dầu tăng 49,3%, còn xuất khẩu ô tô tăng 9,7%. Tuy nhiên, xuất khẩu tàu thuyền và các thiết bị liên lạc không dây giảm lần lượt 9,2% và 21,2%. 

Cũng trong thời gian trên, kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc đã tăng 14% lên 30,1 tỷ USD, qua đó giúp thặng dư thương mại đạt 6,37 tỷ USD.(Bnews)

Trở về

Bài cùng chuyên mục