Doanh nghiệp bất động sản sử dụng kênh khác để gọi vốn; Ngành nông nghiệp cắt giảm 241/345 điều kiện đầu tư kinh doanh; Nhà máy lọc dầu 9 tỷ USD được xuất khẩu xăng dầu
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-09-2018
- Cập nhật : 22/09/2018
Venezuela nhận 5 tỉ USD từ Trung Quốc để cứu nền kinh tế
Hôm 18-9, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết Trung Quốc đã đồng ý đầu tư 5 tỉ USD vào nước này, qua đó mở ra “kỷ nguyên kinh tế mới”.
Theo ông Maduro - người vừa trở về sau chuyến thăm Bắc Kinh, khoản tiền nói trên sẽ giúp Caracas tăng đáng kể sản lượng dầu, đồng thời giảm áp lực tài chính trong bối cảnh kinh tế đất nước đi xuống.
Là một đối tác kinh tế lớn của Venezuela, Trung Quốc đã đồng ý đầu tư thêm 5 tỉ USD vào quốc gia này. Nhân chuyến thăm Bắc Kinh gần đây, ông Maduro nói xuất khẩu dầu sang Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi nếu Caracas nhận được khoản đầu tư đó, lên khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày.
"Chúng tôi đang thực hiện những bước đầu tiên cho một kỷ nguyên kinh tế mới. Chúng tôi đang trên đà tạo ra một nền kinh tế mới và các thỏa thuận với Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy điều này" – ông Maduro nói.
Ông Maduro phát biểu tại một cuộc họp báo ở Caracas hôm 18-9. Ảnh: EPA
Sắp tới, người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc sẽ đến Venezuela để hoàn tất kế hoạch tăng lượng xuất khẩu dầu.
Venezuela cũng đồng ý bán 9,9% cổ phần của liên doanh Sinovensa cho một công ty dầu mỏ của Trung Quốc (giúp công ty này nắm 49% cổ phần) nhằm mở rộng hoạt động khai thác khí đốt ở Venezuela.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Asdrubal Oliveros làm việc tại Công ty Econalitica (Caracas), nghi ngờ tuyên bố xuất khẩu khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày sang Trung Quốc của ông Maduro khó đạt được vì tập đoàn nhà nước PDVSA đang đối mặt nhiều khó khăn.
"Chỉ tính riêng các công ty Trung Quốc, họ không đủ sức cũng như quy mô để tiếp nhận lượng dầu lớn như vậy" – ông Oliveros bình luận.
Ông Maduro bắt tay Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc Wang Yilin tại Bắc Kinh hôm 15-9. Ảnh: Reuters
Trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã cho vay và đầu tư sang Venezuela số tiền 65 tỉ USD. Khoản nợ mà Caracas đang phải gánh là hơn 20 tỉ USD.
Nhà phân tích Russ Dallen, đối tác tại tổ chức Thị trường Vốn Caracas, cho rằng mục đích Trung Quốc rót tiền là muốn Venezuela phải trả lại bằng dầu mỏ.
Ông Maduro gần đây cũng đề ra kế hoạch cải cách kinh tế sâu rộng bao gồm phát hành đồng tiền mới, tăng lương tối thiểu và tăng thuế.(NLĐ))
-------------------------
27.000 tỷ đồng đăng ký đầu tư vào An Giang
Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018 sẽ diễn ra vào ngày 29/9 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với sự tham dự của hơn 500 đại biểu. Tại hội nghị, UBND tỉnh An Giang sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư cho 23 dự án với vốn đăng ký trên 27.000 tỷ đồng.
Sáng 20/9, UBND tỉnh An Giang tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018 với chủ đề “An Giang Kết nối cơ hội, hợp tác thành công”.
Ông Phạm Thành Nhơn, Phó giám đốc Sở KH&ĐT An Giang cho biết, hội nghị sẽ diễn ra ngày 29/9 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng với hơn 500 đại biểu tham dự. Hội nghị giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đặt biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch. Ngoài ra, giới thiệu một số cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp…
Ông Nhơn còn cho biết thêm, tại hội nghị, UBND tỉnh An Giang sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư cho 23 dự án ở 5 lĩnh vực gồm: nông nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch; công nghiệp; xây dựng, đô thị và y tế với vốn đăng ký đầu tư trên 27.000 tỷ đồng; đồng thời, trao cam kết đầu tư cho 7 nhà đầu tư với vốn dự kiến trên 101.000 tỷ đồng.
Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh An Giang kêu gọi đầu tư 8 dự án. Trong đó đáng lưu ý là Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời kết hợp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã An Cư, huyện Tịnh Biên, dự kiến vốn đầu tư kêu gọi là 6.000 tỉ đồng; Dự án làng bè nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái Cù Lao Giêng với vốn dự kiến 2.000 tỉ đồng. Ngoài ra, An Giang còn chú trọng mời gọi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp điện gió, điện mặt trời…
Ông Lê Khánh Hiệp, Giám đốc Sở VH&TTDL An Giang cho biết, thông qua hội nghị sẽ tạo môi trường du lịch thân thiện. Đồng thời, sẽ khai thác nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh như du lịch mùa nước nổi gắn thiên nhiên, homestay, du lịch cộng đồng, tâm linh…
Ông Lê Văn Nưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu. ẢNH: HÒA HỘI
Ông Lê Văn Nưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị các cơ quan báo chí đưa tin không chỉ tiềm năng, lợi thế của tỉnh mà chú trọng những khó khăn, bất cập của địa phương như: địa thế bất lợi, không đủ quỹ đất sạch… để Chính phủ, doanh nghiệp hay nhà đầu tư hiểu rõ những thuận lợi và khó khăn của địa phương. Bên cạnh đó, với những chính sách mới sẽ thể hiện trách nhiệm, tình cảm trong sáng của lãnh đạo địa phương trong việc thu hút, mời gọi nhà đầu tư vào An Giang. (Tienphong)
----------------------------
Doanh nghiệp Nhà nước chiếm nguồn vốn lớn, chủ yếu là vốn vay
Dù chiếm nguồn vốn lớn trong nền kinh tế song hiệu suất sinh lời của khu vực doanh nghiệp Nhà nước lại không cao so với quy mô vốn...
Theo báo cáo tại buổi Họp báo công bố kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2017 diễn ra ngày 19/9, mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng số doanh nghiệp, chỉ với 0,5% nhưng nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp Nhà nước chiếm tới 28,4% tổng nguồn vốn toàn bộ khu vực doanh nghiệp, cao hơn nguồn vốn của khu vực FDI.
Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tới 53,3% tổng nguồn vốn, nhưng số lượng các doanh nghiệp loại hình này chiếm tới 96,7% tổng số doanh nghiệp.
Dù chiếm tỷ trọng lớn nhưng cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp Nhà nước chủ yếu là vốn vay. Vốn chủ sở hữu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước so với tổng nguồn vốn chỉ chiếm khoảng 23,2%, trong khi tỉ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 30,7% và khu vực doanh nghiệp FDI là gần 40%.
Hiệu suất sinh lời của khu vực doanh nghiệp Nhà nước cũng không cao so với quy mô vốn. Cụ thể, hiệu suất sinh lời trên tài sản năm 2016 của doanh nghiệp Nhà nước đạt 2,6%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 1,4%. Cao nhất là khu vực doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài FDI có hiệu suất sinh lời lên đến 6,9%.
Xét về hiệu suất sinh lời trên doanh thu, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước là hai loại hình doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu năm 2016 đạt khá cao với 6,7% và 6,6%. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ suất sinh lời trên doanh thu đạt thấp nhất với 1,9%.
Về mức thuế và các khoản đã nộp ngân sách của các doanh nghiệp, thì khu vực doanh nghiệp Nhà nước dẫn đầu với trung bình 104 tỷ đồng/doanh nghiệp, cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp FDI là 18 tỷ đồng/doanh nghiệp và doanh nghiệp ngoài nhà nước là 1 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Cũng theo báo cáo này, dù khu vực FDI đóng góp vào ngân sách còn thấp, trung bình chỉ bằng 17% so với một doanh nghiệp Nhà nước, tuy nhiên, đây lại là khu vực tuyển dụng lao động nhiều nhất và liên tục tăng trong khoảng thời gian từ năm 2012-2017.
Tại thời điểm đầu 2017, số lượng doanh nghiệp Nhà nước giảm 18,4% và lao động giảm tới 23,1% so với thời điểm đầu năm 2012. Bình quân giai đoạn 2012-2017, mỗi năm doanh nghiệp Nhà nước giảm 4% về số doanh nghiệp và 5,1% về số lao động.
Trong khi đó, đầu năm 2017, số doanh nghiệp FDI tăng tới 54% và lao động trong khu vực này tăng tới 62,8% so với đầu năm 2012. Bình quân trong giai đoạn 2012-2017, số doanh nghiệp FDI tăng tăng 9% và lao động tăng 10,2%, cao hơn 2 lần so với doanh nghiệp Nhà nước.
Số doanh nghiệp ngoài nhà nước tại thời điểm đầu năm 2017 tăng 52,3% và lao động tăng 27,9%. Bình quân năm giai đoạn 2012-2017 số doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 8,8% và lao động tăng 5%.(Vneconomy)