tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 24-07-2017

  • Cập nhật : 24/07/2017

Hai thứ nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett luôn đặt trong ví

Dù sở hữu tài sản khủng 73 tỉ USD, nhà đầu tư huyền thoại và là tỉ phú giàu thứ tư thế giới vẫn là một người giàu tình cảm đáng ngạc nhiên.

warren buffett anh: bloomberg

Warren Buffett ẢNH: BLOOMBERG

Theo CNBC, GOBankingRates vừa hỏi nhà sáng lập tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway về những món ông giữ trong ví, và ông đáp mình luôn giữ hai vật. Thứ nhất là bộ sưu tập các bức ảnh con và cháu của ông, thứ nhì là tờ 50 USD đến từ nhà băng ở Rockford, bang Illinois mà hãng Berkshire từng sở hữu với chữ ký của chủ nhà băng.

“Họ phát hành đồng tiền riêng của họ, vì vậy tôi mang chúng theo để may mắn”, ông Buffett nói. Trước đây, ví tiền của ông Buffett từng đầy ắp tờ 100 USD, một chiếc thẻ cho phép ông dùng bữa miễn phí tại bất cứ cửa hàng McDonald’s nào ở Omaha, bang Nebraska, và một chiếc thẻ American Express từ năm 1964.

Ví không phải là nơi duy nhất tỉ phú cất giữ nhiều món đồ quý giá. Tại văn phòng, ông không chỉ ngồi làm việc trên chiếc bàn mà cha ông từng dùng mà còn giữ mô hình tàu hỏa mà cha ông từng sở hữu. Đây là điều gợi nhắc tỉ phú Mỹ về người mà ông cho là anh hùng. Trả lời phỏng vấn vào năm 2012, Buffett nói về cha mình: “Ông ấy là một con người tuyệt vời”.

Trên bức tường trong phòng làm việc của ông, bạn sẽ tìm thấy nhiều bản sao của các bài báo cũ trên tờ New York Times và một chứng chỉ từ khóa học ở Dale Carnegie. Các bài báo bao gồm bài viết về vấn đề khủng hoảng năm 1907 và thời Đại khủng hoảng được ông xem như những câu chuyện cảnh báo bản thân.

“Tôi muốn dán lên tường những ngày hết sức hoảng loạn tại Phố Wall để nhớ rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trên thế giới này”, ông Buffett nói trong chương trình Becoming Warren Buffett trên kênh HBO. Giấy chứng nhận thì mang ý nghĩa cá nhân hơn khi nó nhắc ông nhớ về khóa học đã giúp mình vượt qua nỗi sợ hãi cực lớn về việc phát biểu trước đám đông. Buffett cho hay điều này thay đổi cả cuộc đời ông.(Thanhnien)
--------------------------

Chính sách tiền tệ vạ lây?

Tuần vừa rồi, thị trường tiền tệ mở cửa với một điểm mới: sau hơn bốn tháng, Ngân hàng Nhà nước trở lại phát hành tín phiếu hút bớt tiền về.

 

tu ngay 17/7, thi truong bat dau ghi nhan ngan hang nha nuoc phai hut bot tien ve, lien tiep sau do va khoi luong lon nhanh.

Từ ngày 17/7, thị trường bắt đầu ghi nhận Ngân hàng Nhà nước phải hút bớt tiền về, liên tiếp sau đó và khối lượng lớn nhanh.

 

Đó là phiên ngày 17/7, với 8.000 tỷ đồng tín phiếu phát hành và được các tổ chức tín dụng hấp thụ 100%.

Sau đó, trọn tuần hoạt động này nối dài, số dư lưu hành tín phiếu (hay lượng tiền hút bớt về) tăng lên nhanh chóng; lãi suất tín phiếu chỉ giảm chỉ còn khoảng một phần ba so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với hoạt động trên, lãi suất VND trên liên ngân hàng liên tiếp giảm sâu. Lãi suất chào bình quân VND qua đêm ghi nhận dưới 1%/năm sau một thời gian dài.

Nhìn bề nổi, mọi cái dường như êm đềm, không có gì xáo trộn hoặc biến động lớn. Và sự chú ý đầu tiên đơn giản ở các cân bằng: nếu lãi suất VND cứ rơi sâu, điểm hoán đổi lãi suất nhỏ đi, bập bênh quan hệ với tỷ giá USD/VND có thể sớm thể hiện.

Thêm nữa, những diễn biến trên cho thấy hệ thống đang thừa tiền, thậm chí thừa nhiều. Cho nên, về bề nổi, tiền ra nhiều mà tăng trưởng thấp, nền kinh tế vẫn hấp thụ kém, thì dễ kích lạm phát.

Cả hai ý trên, tỷ giá và lạm phát, nếu xẩy ra tình huống không mong đợi, nhiều con mắt trên thị trường sẽ nhìn về chính sách tiền tệ với sự trách móc, đổ lỗi(?).

Nhưng nhìn sâu hơn vào hệ thống, nếu có những tình huống đó, thì chính sách tiền tệ có phần bị vạ lây.

Vì nhìn vào câu hỏi: sao lại ứ đọng tiền dẫn đến những chuyển động và có thể phát sinh những tình huống đó?

Có một câu trả lời, theo người viết, nằm ở một thực tế: “Nghèo nhưng vẫn còn hoang”.

Nghèo, vì ngân sách vẫn liên tục phải đi vay mượn qua phát hành trái phiếu để cân đối hầu bao và trang trải chi tiêu. “Hoang” nằm ở chỗ, tiền đi vay về chưa giải ngân hết vẫn liên tiếp đi vay nữa. Tiền chưa giải ngân hết, chưa dùng được ngay, thì phải trả lãi suất và vẫn đang nối thêm thời gian khê đọng nguồn đó.

Nếu nhìn trong khuôn khố của một gia đình, ví như đang xây nhà cần vay tiền, chuẩn bị xây móng thì vay và nhận ngay 10% thôi, đến đổ trụ thì vay và nhận tiếp 20% nữa, đến đổ mái thì thêm 30%... Như thế giảm thiểu chi phí và dùng vốn vay hợp lý hơn là vay hẳn 100% rồi để đấy giải ngân dần.

Nói theo lý thuyết thì kế hoạch vay và giải ngân cần khớp kế hoạch để tránh “hoang”. Như ở bài viết gần đây trên VnEconomy về hai bánh của chiếc xe, trong sự kiện Ngân hàng Nhà nước đồng loạt giảm lãi suất điều hành.

Khi thừa vốn như vậy, khê đọng như vậy, tiền được gửi lại hệ thống ngân hàng, là một trong những nguyên nhân chính dồn đẩy những chuyển động như nêu ở đầu bài. Thế nên, chính sách tiền tệ có thể bị vạ lây là vậy.

Dẫn chứng và tham khảo thêm: lãnh đạo Chính phủ đã thấy rõ những mối quan hệ và tình huống hệ lụy có thể xẩy ra. Nên đầu tháng này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã quyết liệt khi yêu cầu kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan về việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, dẫn đến một sự khê đọng vốn.

Trong khi đó, chính sách tiền tệ vẫn phải gồng mình xử lý. Nói gồng mình vì lãi suất có chỉ đạo mục tiêu giảm tiếp, nhưng lại không thể thực hiện bằng cách đẩy tiền ra cho nhiều. Và tiền có biểu hiện ứ nhiều, ám ảnh lạm phát và tỷ giá buộc phải tăng cường hút về.

Phát hành tín phiếu đang là kênh chủ lực, phản ứng nhanh. Lượng hút về đã lớn trong tuần qua để can thiệp và giữ cân bằng. Ở đây lại phát sinh một điểm liên quan đến cái “hoang” nói trên: phát hành tín phiếu thì phải trả lãi suất cho thị trường.(VNeconomy)
-------------------------------

Giảm lãi suất không phải là tín hiệu nới lỏng tiền tệ

Lãi suất cho vay VND ngắn hạn giảm 0,5%/năm nhưng chỉ đối với 05 lĩnh vực ưu tiên, nhiều doanh nghiệp trong 05 lĩnh vực này là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó khăn trong vay tiền. Do đó, việc giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước không phải là tín hiệu nới lỏng tiền tệ.

Giảm lãi suất không phải là tín hiệu nới lỏng tiền tệ

Ảnh minh họa

Chia sẻ tại tọa đàm “VN-Index cao nhất 9 năm, chứng khoán Việt Nam trước những kỳ vọng mới” do BizLIVE tổ chức chiều ngày 22/7/2017, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho biết:

"Câu hỏi về mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 là 18% có cao không? Theo tôi là cao".

Ông Hiếu phân tích: Nếu mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay là 6,7%, tăng tín dụng nên gấp 2,5 lần GDP, do vậy con số tăng trưởng tín dụng năm nay nên là 17%, nếu tăng 18% là cao. Đã có ý kiến nên đẩy tăng trưởng tín dụng lên 20%, nếu vậy sẽ đẩy kinh tế Việt Nam trở nên dư thừa tín dụng.

Vẫn theo ông Nguyễn Trí Hiếu, một vấn đề nữa của tín dụng là cần phân loại rõ ràng về tín dụng bất động sản.

Hiện đang xếp cho vay mua nhà vào tín dụng tiêu dùng khiến con số thống kê tín dụng bất động sản chỉ chiếm 8-10% tổng dư nợ, quá thấp. Nếu tính cả tín dụng cho vay mua bất động sản nữa thì con số này cao hơn nhiều và phản ánh đúng thực chất.

Chúng ta nên cẩn trọng về tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng Việt Nam cho vay dựa rất nhiều vào tài sản thế chấp, dựa vào tài sản đảm bảo là bất động sản, họ không quan tâm nhiều và nhìn vào nguồn trả nợ thứ nhất, thứ hai, thứ ba... của người vay.

Ngân hàng Việt Nam chỉ quan tâm đến tài sản đảm bảo là bất động sản là vui mừng.

Tác động của việc giảm lãi suất vừa qua tới thị trường là có. Ngân hàng Nhà nước đã giảm 0,25%/năm lãi suất điều hành, đây là lãi suất sử dụng trên liên ngân hàng, nhưng hiện nay các ngân hàng không cho vay lẫn nhau nhiều, thành ra tác động không nhiều lắm.

Lãi suất cho vay VND ngắn hạn giảm 0,5%/năm đối với 05 lĩnh vực ưu tiên, nhiều doanh nghiệp trong 05 lĩnh vực này là doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng vẫn khó khăn trong vay tiền.

Ngân hàng cũng khó khăn trong giảm lãi suất đối tượng này, vì rủi ro cao hơn đối tượng khác và ngân hàng áp lực với cổ đông về hiệu quả kinh doanh.

Do đó, việc giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước không phải là tín hiệu nới lỏng tiền tệ.

Về tỷ giá sẽ có nhiều áp lực từ nay đến cuối năm. Vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất cơ bản vào tháng 9 hoặc tháng 12/2017, mức tăng có thể là 0,25%/năm sẽ khiến tăng lãi suất Libor hiện là 1,2%/năm tiếp tục tăng, gây áp lực lên lãi suất USD trong nước.

Rất nhiều khả năng sẽ có một số ngoại tệ sẽ tuồn ra nước ngoài để tìm kiếm mức sinh lời cao hơn. Do đó, chúng ta sẽ có áp lực về tỷ giá cuối năm.

Nợ xấu của ngân hàng cũng đang nóng khi Nghị quyết về xử lý nợ xấu vừa được thông qua. Nếu xử lý được nợ xấu sẽ giúp giảm lãi suất.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng với hơn 600 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tương đương vốn chủ sở hữu của các ngân hàng, nếu 50% nợ xấu trở thành nợ không thu hồi được thì vốn chủ sở hữu của các ngân hàng sẽ giảm và hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) có thể xuống 6%.

Còn theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, Nghị quyết về xử lý nợ xấu không phải mới, ý tưởng này đã có ngay từ khi thành lập Công ty Quản lý Tài sản Quốc gia (VAMC) năm 2013.

Lúc đó chúng tôi cho rằng cần phải chỉnh sửa pháp lý mới giải quyết được nợ xấu. Nếu Nghị quyết này được thông qua lúc đó thì việc hóa giải nợ xấu nhanh hơn.

Tuy nhiên, mới đây nó mới được thông qua và cho thấy 3 điểm tích cực: Thứ nhất, nó giúp đẩy nhanh xử lý nợ xấu; Thứ hai, nếu xử lý được 600 nghìn tỷ đồng nợ xấu sẽ giảm được lãi suất 1%/năm; Thứ ba, góp phần thúc đẩy lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, hiện đang áp chuẩn Basel 2.

Điều này sẽ tác động tốt đến thị trường chứng khoán.(Bizlive)
---------------------------

Trung Quốc tham vọng dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo

Trung Quốc muốn vượt qua các đối thủ công nghệ để trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu trong vòng chưa đầy 15 năm nữa.

Theo CNBC, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã đưa ra một lộ trình ba bước vào hôm 20.7 để xây dựng và triển khai công nghệ AI trong tất cả các lĩnh vực, từ nông nghiệp, y học, quy hoạch thành phố cho đến quân đội, qua đó có thể đạt được mục đích trở thành nước dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030.

“Trí thông minh nhân tạo đã trở thành động cơ mới cho sự phát triển kinh tế”, trích trong tài liệu của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc.

Ông Li Meng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết từ giờ đến năm 2020, Đại lục sẽ cố gắng rút ngắn khoảng cách với các nước đang dẫn đầu về AI, xây dựng thế hệ lý thuyết và công nghệ AI mới cho một số thiết bị cũng như phần mềm cơ bản. Sau đó sẽ có những đột phá lớn để “nâng cấp công nghiệp, chuyển đổi kinh tế” vào năm 2025. Và cuối cùng là trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới với “đế chế” AI trị giá 1.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương khoảng 150 tỉ USD, vào năm 2030.

Sự quan tâm đặc biệt của Bắc Kinh đối với AI, đặc biệt là việc ứng dụng trí tuệ ảo vào quân sự, đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Một báo cáo của Lầu Năm Góc mới đây lên tiếng cảnh báo chính quyền Washington cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa nguồn tiền đầu tư từ Trung Quốc đang chảy vào các công ty khởi nghiệp về công nghệ của Mỹ.

“Nếu chúng ta cho phép Trung Quốc tiếp cận với những công ty công nghệ cao trong nước, thì chúng ta không chỉ mất đi sự ưu việt về công nghệ của mình, mà còn có thể tạo điều kiện thuận lợi giúp Trung Quốc xây dựng ưu thế công nghệ”, báo cáo từ Nhà Trắng cho biết.

Các “ông lớn” công nghệ của quốc gia châu Á bao gồm Alibaba, Baidu và Tencent đều đang tập trung mạnh vào phát triển ứng dụng AI. Ví dụ, bên cạnh một phòng thí nghiệm AI ở Thung lũng Silicon, Baidu còn đầu tư vào công nghệ tự lái. Trong khi đó, Alibaba cũng đã dùng AI để nhận biết hàng giả được bán trên các trang thương mại điện tử của họ.

Song đi kèm với viễn cảnh đầy hứa hẹn của AI là một số cảnh báo từ các nhà công nghệ hàng đầu về tác động của công nghệ mới đối với tình hình việc làm cũng như đời sống xã hội. Elon Musk, ông chủ hãng xe điện Tesla, đã từng dự đoán rằng trong trường hợp AI phát triển, nhà nước buộc sẽ phải áp dụng chính sách thu nhập cơ bản cho toàn dân.

Jack Ma, chủ tịch Tập đoàn Alibaba, trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4.2017 cũng nói: “Trong 30 năm tới, thế giới có lẽ sẽ đau khổ nhiều hơn là hạnh phúc. Xã hội sẽ chứng kiến sự gián đoạn trong các khu vực kinh tế khác nhau do internet và công nghệ mới gây ra”.

Và đó dường như cũng là điều mà Bắc Kinh đã nhận thức được khi trong bản kế hoạch của họ có đoạn: “Trong khi đẩy mạnh phát triển trí thông minh nhân tạo, chúng ta cũng phải chú trọng hết sức đến các nguy cơ có thể xảy ra”.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục