Giảm thuế, giá ô tô trong nước sẽ giảm mạnh?; Tăng 1.255 mã hàng trong danh mục hàng xuất nhập khẩu mới; Siết chặt quy định tham gia thị trường hàng không; Cá tra Việt Nam đạt tiêu chuẩn hàng đầu trong hệ thống siêu thị Nhật
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 24-07-2017
- Cập nhật : 24/07/2017
Ai có thể cản bước các ông lớn công nghệ?
10 năm trước, Microsoft là công ty công nghệ duy nhất nằm trong top có vốn hóa thị trường cao nhất thế giới. Hiện nay, 5 công ty đứng đầu bảng danh sách này đều là 5 công ty công nghệ: Apple, Facebook, Amazon, Alphabet và Microsoft. Trong 10 năm qua, Google, Facebook và Amazon đã vươn tay chạm tới hầu hết các ngành công nghiệp sáng tạo: truyền thông, âm nhạc, sáng tác, phim ảnh. Trong 10 năm tới, họ sẽ thống trị trí tuệ nhân tạo và xoay chuyển nền kinh tế dịch vụ, gồm giao thông, y tế và bán lẻ.
Công nghệ kỹ thuật số đã trở thành điều không thể thiếu cho mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện đại và cho sự tồn tại của nền kinh tế ngày nay nhưng mỗi thay đổi, mỗi phát triển trong nền công nghệ ấy lại không được quyết định bởi đa số mà bởi một nhóm các kỹ sư và nhà lãnh đạo của Google, Facebook và Amazon cùng các công ty công nghệ hàng đầu khác. Chúng ta chỉ là những người bị áp đặt.
Thế độc quyền song hành trong quảng cáo và đưa tin của Google và Facebook đã khiến các hãng tin và báo chí truyền thống phải bắt tay nhau để đệ đơn kiến nghị lên Quốc hội Mỹ vào hồi đầu tháng này. Và chưa bao giờ vấn đề bảo mật và riêng tư lại được quan tâm như bây giờ.
Gần đây Facebook đã thông báo về một nghiên cứu hãng này đang tiến hành, cho phép người dùng chỉ bằng suy nghĩ cũng có thể điều khiển được các thiết bị kỹ thuật số. Nếu dự án này thành công, mạng xã hội khổng lồ này sẽ có thể tiếp cận mọi suy nghĩ của chúng ta.
Còn Google, tháng 6 vừa rồi đã tuyên bố ngừng quét mail người dùng để lấy dữ liệu quảng cáo. Điều này có thể được hiểu rằng, ông lớn công nghệ này đã tìm ra nguồn dữ liệu mới và không cần quá phụ thuộc vào thói quen sử dụng mail của người dùng nữa. Với tình trạng như hiện tại, liệu chúng ta đã sẵn sàng để chấp nhận việc các công ty công nghệ giám sát cuộc sống của mình như vậy?
Sức mạnh và tầm ảnh hưởng khủng khiếp của Google, Amazon và Facebook (tranh minh họa của Robert Neubecker)
Thế giới bên ngoài Thung lũng Silicon cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, rất hiếm chính trị gia nào muốn lắng nghe những nguy cơ của trí tuệ nhân tạo hay chịu tìm hiểu những khả năng và ảnh hưởng chính trị mà trí tuệ nhân tạo có thể gây ra. Hy vọng sớm nhất may ra có thể đến vào cuộc bầu cử năm 2018 khi áp lực cần phải kiểm soát hiện tượng độc quyền công nghệ ngày càng lớn và giới chính trị không thể phớt lờ hơn nữa.
Biện pháp trước mắt có thể là một đạo luật chống độc quyền mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Việc thi hành luật cũng cần chặt chẽ hơn. Khoản phạt 2,7 tỉ USD của EU cho Google và án phạt của Đức cho Facebook là hai minh chứng điển hình.
Chính lịch sử của Thung lũng Silicon cũng cho chúng ta vài gợi ý để giải quyết vấn đề. Cuộc cách mạng công nghệ suốt nửa thế kỷ qua đã không xảy ra nếu không có 3 vụ khởi tố vi phạm độc quyền này.
Năm 1956, AT&T buộc phải chia sẻ bằng sáng chế máy laser, thiết bị vệ tinh, pin mặt trời… cho các công ty khác trên nước Mỹ. Nhờ phán quyết này, Motorola và Intel ra đời. Những năm 1970, sau quá trình kháng cáo kéo dài 13 năm không thành, IBM buộc phải chấp nhận để các công ty khác tự do sản xuất phần mềm và phát triển hệ điều hành. Hai chàng thanh niên Bill Gates và Paul Allen đã làm nên lịch sử. Đến lượt Microsoft, vụ kiện năm 1998 giúp người dùng Windows có thể lựa chọn một trình duyệt web khác ngoài Internet Explorer. Và Google sẽ mãi biết ơn phán quyết này.
Có thể thấy, những hành động chống độc quyền sẽ là biện pháp tốt nhất, không phải là để kìm hãm sự tiến bộ mà là để thúc đẩy nó, luôn tạo một sân chơi bình đẳng để không ai có thể là “ông lớn” mãi mãi.( ITCNEWS)
--------------------
Tập đoàn Dầu Khí lo mất 2 tỷ USD bù lỗ cho Lọc dầu Nghi Sơn
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) muốn tháo gỡ khó khăn về việc bao tiêu sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn bởi đến nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Bởi, trong 10 năm kể từ khi lọc dầu Nghi Sơn vận hành, PVN có thể sẽ phải bỏ ra 1,5-2 tỷ USD để bù lỗ cho dự án.
Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/7, PVN kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm phê duyệt Quy chế tài chính, Điều lệ tổ chức hoạt động, Kế hoạch tái cấu trúc Tập đoàn giai đoạn 2016- 2020.
Đáng chú ý, PVN đề nghị kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề bao tiêu sản phẩm của Nhà máyLọc hoá dầu Nghi Sơncũng như nguồn để bù chênh lệch thuế suất nhập khẩu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ đối với Dự án Liên hợp Lọc Hoá dầu Nghi Sơn, cơ chế hoàn trả tiền PVN thay mặt Chính phủ bù cho Công ty TNHH Lọc Hoá dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm sau ngày vận hành thương mại,...
Đây không phải lần đầu tiên PVN kêu lên cơ quan chức năng về những vướng mắc trong việc bao tiêu sản phẩm cũng như bù thuế cho lọc dầu Nghi Sơn.
Dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang được triển khai tại khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa có vốn đầu tư lên đến 9 tỷ USD. PVN là đối tác nội duy nhất và là 1 trong 4 đối tác góp vốn vào dự án.
Tuy nhiên, vai trò của PVN ở dự án này không chỉ dừng lại ở số vốn góp chiếm 25,1%.
Theo thỏa thuận giữa Chính phủ - do PVN thay mặt ký với liên doanh nhà đầu tư, dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn không chỉ được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu mà còn được cộng vào giá bán thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...).
Đặc biệt, theo thỏa thuận với liên danh nhà đầu tư lọc dầu Nghi Sơn, trong 10 năm, nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho Lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.
Đây chính là mấu chốt cho các tính toán thiệt hơn ngày càng lộ rõ.
Trên thực tế, theo lộ trình hội nhập, thuế nhập khẩu dầu từ ASEAN hiện nay (0%) đã thấp hơn giá trị ưu đãi cho Lọc dầu Nghi Sơn. Vì thế, nếu lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, trong vòng 10 năm, PVN sẽ phải bỏ ra hàng tỷ USD để bù lỗ cho nhà máy này.
Cụ thể, theo một tính toán gần đây, với giá dầu 45 USD/thùng, dự kiến PVN sẽ phải bù lỗ cho Lọc dầu Nghi Sơn 1,54 tỷ USD. Số tiền bù lỗ này sẽ lên 1,8 tỷ USD nếu giá dầu là 50 USD/thùng. Còn ở phương án giá dầu 70 USD/thùng, PVN dự kiến sẽ phải chi ra 2 tỷ USD để bù lỗ cho lọc dầu Nghi Sơn.
Tóm lại, trong 10 năm kể từ khi lọc dầu Nghi Sơn vận hành, PVN có thể sẽ phải bỏ ra 1,5-2 tỷ USD (từ 30.000 tỷ-trên 40.000 tỷ đồng) để bù lỗ cho dự án này.
Đó là chưa kể số kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho lọc dầu Nghi Sơn để đầu tư các hạng mục công trình.
Cách đây ít lâu, phát biểu tại Hội thảo "thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế", ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cũng đã chỉ ra bất cập liên quan tới dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khithuế nhập khẩu xăng dầugiảm theo lộ trình ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Cụ thể, theo ông Trương Đình Tuyển, Chính phủ cam kết giữ thuế nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn 7% để bảo hộ cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm, tính từ ngày nhà máy sản xuất thương mại.
Như vậy, nếu năm 2018 Lọc dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất thương mại, thì theo thỏa thuận với nhà máy này, Việt Nam phải giữ thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu ở mức không thấp hơn 7% cho đến hết năm 2028.
Tuy nhiên, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), với xăng từ năm 2023 thuế nhập khẩu đã xuống 5% và từ năm 2024 là 0%. Diesel và mazut là 0% từ năm 2016. Còn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu diesel từ 2016 là 5% và từ năm 2018 là 0%, riêng mazut từ năm 2016 thuế nhập khẩu đã là 0% .
"Vậy là phát sinh mâu thuẫn giữa cam kết FTA với cam kết Nghi Sơn. Theo FTA với ASEAN và Hàn Quốc, lộ trình giảm thuế giảm nhanh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cũng không thể phá bỏ cam kết với Nghi Sơn thì nguồn bù đắp 7% từ đâu? Con số này rất lớn mà phải nghĩ đến", ông Trương Đình Tuyển nói.
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng đây là lỗi và khiếm khuyết của chúng ta khi đàm phán.(Vietnamnet)
-------------------------------
Mỹ cân nhắc áp đặt lệnh trừng phạt tài chính lên Venezuela
Theo CNBC, đây là thông tin mà một quan chức cấp cao Nhà Trắng và một cố vấn có kiến thức về vấn đề này cho hay. Động thái này có thể hạn chế nghiêm trọng xuất khẩu dầu thô của quốc gia thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), khiến chính phủ cạn tiền mặt.
Các lệnh trừng phạt sẽ chặn hãng dầu quốc doanh Venezuela PDVSA thực hiện bất cứ giao dịch nào bằng USD. Đây là một trong nhiều biện pháp gắt gao nhất liên quan đến vấn đề dầu thô đang được thảo luận tại Nhà Trắng. Chính quyền Mỹ muốn gây áp lực lên Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phải hủy kế hoạch về quốc hội mới vốn sẽ giúp củng cố quyền lực của ông.
Nền kinh tế dựa vào dầu mỏ của Venezuela gặp khó vì đợt suy thoái kinh tế và giá trị nội tệ sụt giảm. Nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ cũng diễn ra ở nước này. Các lệnh trừng phạt áp đặt lên những giao dịch thực hiện bằng USD sẽ khiến chính phủ Venezuela gặp khó trong việc thanh toán nợ và trả tiền cho hàng hóa nhập khẩu cơ bản.
Nhà Trắng từ chối về các biện pháp đang được xem xét. PDVSA và Bộ Dầu mỏ Venezuela chưa trả lời yêu cầu bình luận. Các biện pháp đang được thảo luận ở Mỹ tương tự như nhiều biện pháp từng được áp đặt lên Iran về chương trình vũ khí hạt nhân, vốn hạ một nửa số dầu xuất khẩu của nước này và chặn nhiều khách mua hàng trả tiền cho dầu Iran. Đây là một trong các biện pháp trừng phạt kinh tế hiệu quả nhất từng được áp đặt, giúp kiềm chế hoạt động hạt nhân của Tehran.
Các biện pháp trừng phạt tài chính sẽ giúp chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp lực lên Venezuela bằng cách đe dọa trừng phạt với bất kỳ hãng Mỹ nào làm ăn với PDVSA, hoặc đe dọa trừng phạt bất kỳ ngân hàng Mỹ nào xử lý các giao dịch bằng USD. Vấn đề này được nhắc đến nhiều lần trong các cuộc thảo luận ở Nhà Trắng gần đây về Venezuela. Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng thảo luận về việc cấm nhập khẩu dầu từ Venezuela nhưng chưa đi đến quyết định cuối cùng.
Lệnh cấm vận giao dịch thực hiện bằng đồng đô la có thể gây tác động lớn hơn lệnh cấm nhập khẩu vì nó có thể khiến bất kỳ hãng lọc dầu nào cũng gặp khó trong việc mua dầu Venezuela, không chỉ có các khách hàng ở Mỹ. Lệnh cấm vận với PDVSA sẽ lan rộng thị trường dầu mỏ, buộc các nhà máy lọc dầu phải tiếp cận nguồn cung thay thế.(Thanhnien)
-----------------------
Tội phạm tham nhũng: Phá hoại “con voi”, thu hồi “con kiến“
Trong 6 tháng đầu năm, lượng tiền thi hành án mới chỉ đạt 23%, trong đó, bế tắc tập trung nhiều ở các tội phạm tham nhũng. Đơn cử cựu Chủ tịch HĐQT Vinashin – Phạm Thanh Bình, ông này bị cho đã “đút túi” gần 500 tỷ đồng, nhưng đến nay, số tiền thi hành án là một con số vô cùng "ấn tượng": Không đồng.
Thất thoát rất nhiều, thu hồi chẳng bao nhiêu...
Thống kê của Bộ Tư pháp cho hay, tính đến tháng 7.2017, công tác thi hành án dân sự (THADS), về vụ việc, đã giải quyết xong 314.000 việc, đạt tỷ lệ trên 59%, tuy vậy, về tiền, đã thu hồi hơn 21.400 tỷ đồng, nhưng chỉ đạt tỷ lệ 21%. Theo Bộ Tư pháp, toàn hệ thống THADS đã tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, liên quan đến tín dụng, ngân hàng, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp.
Tuy công tác THADS được cho đã có những chuyển biến tích cực, ấy vậy, khi nhìn vào các vụ án tham nhũng, con số này gần như “án binh bất động”.
Vụ "đại án" được dư luận hết sức quan tâm, đó chính là cựu Cục trưởng Hàng hải Việt Nam – Dương Chí Dũng và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) – Phạm Thanh Bình.
Theo bản án, Dương Chí Dũng phải bồi hoàn cho Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam số tiền 110 tỷ đồng. Nhưng, với vài căn nhà nhỏ được cơ quan chức năng kê biên, ông Dũng vẫn còn khoản tiền hơn 88 tỷ đồng phải thi hành án, và một điều rất rõ là, cựu Cục trưởng Hàng hải không còn khoản tài chính nào để thi hành.
Trường hợp Dương Chí Dũng xem ra còn đỡ hơn rất nhiều so với Phạm Thanh Bình. Khi bản án có hiệu lực, ông Bình bị cáo buộc phải bồi hoàn gần 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 7.2017, số tiền mà cựu Chủ tịch HĐQT Vinashin đã thi hành án là một con số ấn tượng: “Không đồng”. Qua công tác xác minh của cơ quan chức năng, ông Bình đang thụ án dài hạn và không có tài sản để thi hành án.
Trước đó, hồi giữa năm 2016, khi tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, cơ quan chức năng đã đưa ra con số rất đáng suy ngẫm: 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Qua 10 năm, số tiền bị tham nhũng qua các vụ án được xác định hơn 59.000 tỷ đồng, nhưng thu hồi chỉ vỏn vẹn 7,8%.
Còn nhiều khó khăn, trở ngại
Lý giải nguyên nhân cho những con số “không đồng” khi thi hành án tội phạm tham nhũng, phía Cục THADS thành phố Hà Nội nhận định, người phạm tội ngay từ thời điểm đầu tiên đã chủ ý không đứng tên sở hữu tài sản, không kê khai, có hành vi tẩu tán hoặc che giấu rất tinh vi, do đó, việc xác minh tài sản gặp vô vàn khó khăn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, công tác thi hành án không đảm bảo tính khả thi.
Nhìn nhận vấn đề này, các chuyên gia pháp lý phân tích, các vụ án tham nhũng hầu hết được phát hiện rất chậm, phát hiện ra lại chậm xử lý, chậm kết luận, do vậy, công tác giám định, xác minh, điều tra gặp nhiều trở ngại.
“Họ tham nhũng, họ chuyển hoá tài sản cho hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai (vợ, chồng, con cái, bố mẹ - PV), rồi sau cả chục năm mới bị phát hiện, khi ấy, tài sản đã được di chuyển, còn, mất, sang tên người này, người khác, hoặc đã được hợp thức nguồn, vậy, làm sao có thể thu hồi” – luật sư Hằng Nga, Trưởng văn phòng luật sư Hằng Nga, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đưa quan điểm.
Có thêm lý do để các tội phạm tham nhũng “có cửa sống” chính là tập quán giao dịch kinh tế, dân sự của đại bộ phận người dân được thực hiện bằng tiền mặt. Với tập quán này, tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp nhìn nhận, sẽ rất khó cho công tác giám sát. “Mỗi năm, hàng chục, hàng trăm tấn vàng trên thị trường được tiêu thụ, hàng triệu giao dịch được tiến hành, nhưng, không thể kiểm soát, nắm bắt được số tiền, số vàng này đi đâu,về đâu. Đây chính là một trong những lý do, tội phạm tham nhũng có điều kiện ẩn khuất, che giấu” – ông Thiệp nói thêm.(Laodong)