Nhật Bản có thể phải “nhường” Mỹ để tránh chiến tranh thương mại; WTO xem xét yêu cầu trừng phạt của Trung Quốc đối với Mỹ; Nga cáo buộc Mỹ muốn bóp nghẹt ngành xuất khẩu vũ khí
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-09-2018
- Cập nhật : 21/09/2018
“Việt Nam nổi lên là một lựa chọn thay thế Trung Quốc cho bất kỳ nhà sản xuất nào”
Với những gì đang diễn ra trong những tuần gần đây, HSC cho biết, Việt Nam có những cơ hội từ một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài. Đã có một số dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng một số nhà sản xuất Bắc Á đang tích cực xem xét việc chuyển một số hoạt động sản xuất sang Việt Nam.
Báo cáo nhận định thị trường của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã đưa ra những nhận định lạc quan về ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam.
Theo HSC, đã có một số dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng một số nhà sản xuất Bắc Á đang tích cực xem xét việc chuyển một số hoạt động sản xuất sang Việt Nam.
Trong khi đó các nhà sản xuất đang ở Việt Nam (cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội) trong những lĩnh vực như dệt may, nội thất, sản xuất đèn chiếu sáng và công nghệ đang cho thấy doanh thu từ các thị trường chủ chốt tăng lên trong bối cảnh có thông tin là doanh nghiệp mua hàng từ Mỹ tại các thị trường này đang giảm bớt một phần đơn đặt hàng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.
“Việt Nam nổi lên là một lựa chọn cho bất kỳ nhà sản xuất nào đang đặt phần lớn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc nhờ vị trí địa lý, sự ổn định chính trị, lợi thế chi phí và chính sách thu hút vốn FDI. Những doanh nghiệp nội và FDI hiện hữu tại Việt Nam có thể sẽ có thêm nhiều cơ hội kinh doanh hơn từ những doanh nghiệp Mỹ muốn giảm nhập khẩu từ Trung Quốc”, nhóm nghiên cứu của HSC cho biết.
Theo HSC, không chỉ môi trường vi mô (các doanh nghiệp) có vẻ vẫn khá tích cực mặc dù chiến tranh thương mại leo thang mà cả môi trường vĩ mô cũng vậy.
“Chúng tôi thấy rằng mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm sau được đề ra tương đương năm nay. Do cơ quan điều hành nhìn thấy những cơ hội và rủi ro từ môi trường bên ngoài hiện gần như cân bằng lẫn nhau. Số liệu kim ngạch thương mại vẫn tốt trong khi cán cân thanh toán rất tích cực”, báo cáo HSC cho biết.
Dự báo của HSC, lạm phát năm nay sẽ khoảng 4% và năm sau tăng nhẹ lên 4,5%. Việc nâng thuế nhập khẩu tại các thị trường nước ngoài như Trung Quốc hay Mỹ sẽ không làm lạm phát tại Việt Nam tăng lên nhiều.
Tăng trưởng GDP năm 2019 vẫn đạt khoảng 6,7%, tương đương dự báo cho năm nay. Cán cân thanh toán vẫn tích cực nhờ có thặng dư cán cân thương mại và tài khoản vãng lai.
“Cho đến khi chỉ số đô la (tính dựa trên giỏ các đồng tiền tính theo tỷ trọng thương mại) còn dưới 97 và tỷ giá USD/CNY còn dưới 7 thì tỷ giá USD/VND tiếp tục nằm trong biên độ chính thức. Hiện chúng tôi cho rằng khả năng xảy ra điều này đã cao hơn nhiều sau xu hướng ổn định thời gian gần đây”, báo cáo HSC cho biết.
Cũng theo HSC, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kéo dài hơn dự kiến do cả hai bên có vẻ đang muốn kéo dài chiến tranh thương mại. Mục đích của chính phủ Mỹ có vẻ còn lớn hơn là đơn thuần chỉ giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc nên một giải pháp khó có thể nhanh chóng đạt được.(Bizlive)
--------------------------------
Ấn Độ xem xét tăng thuế nhập khẩu thép
Bộ Thương mại Thép Ấn Độ vừa đề xuất tăng thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm thép lên 15% từ mức hiện tại 5 - 12,5%, Reuters trích lời hai nguồn tin thân cận và một văn bản thu thập được từ chính phủ.
Đề xuất này là một phần trong kế hoạch của chính phủ nhằm giảm nhập khẩu các mặt hàng không cần thiết, từ đó chặn dòng chảy ngoại tệ (USD) ra ngoài và cứu đồng rupee khỏi đáy.Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang xem xét tăng thuế nhập khẩu đối với một số nông sản, vàng và các hàng hóa điện tử chất lượng cao.
Nếu đề xuất với thép được thông qua, thép chất lượng cao được sử dụng để chế tạo đồ điện gia dụng và máy biến áp có thể nằm trong danh sách những sản phẩm bị áp thuế.
“Thông điệp lớn là để giải quyết vấn đề về cán cân thương mại nhưng chúng tôi sẽ cố gắng thúc đẩy xu hướng tiêu dùng hàng hóa ‘Made in India’ bằng việc khuyến khích sản xuất thép trong nước”, một nguồn tin cho biết.
Theo số liệu chính thức, giai đoạn 2017 - 2018, nhập khẩu thép của Ấn Độ đạt tổng 6,5 tỷ USD. Trong quý II/2018, Ấn Độ trở thành nước nhập khẩu thép ròng lần đầu tiên sau hai năm, với nguồn cung thép ngoại đạt 2,1 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Nhật Bản và Hàn Quốc - hai nước mà Ấn Độ có thỏa thuận thương mại tự do - chiếm 45% trong tổng nhập khẩu 8,4 triệu tấn thép của nước này trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 có thể không bị ảnh hưởng. Đối tượng được Ấn Độ nhắm đến có thể làTrung Quốc, Nam Phi, Malaysia, Nga và Indonesia.
8 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ hơn 97.400 tấn sắt thép các loại, chiếm 2,4% tổng xuất khẩu mặt hàng này. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 138 triệu USD, tương đương 7%.(NDH)
--------------------------
OECD: Mâu thuẫn thương mại gia tăng, kinh tế toàn cầu có nguy cơ sụt giảm
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có nguy cơ sụt giảm trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại gia tăng, xuất phát từ các chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ, ảnh hưởng tới thương mại thế giới.
OECD: Mẫu thuẫn thương mại gia tăng, kinh tế toàn cầu có nguy cơ sụt giảm. Ảnh: reuters
Trong báo cáo mang tiêu đề "Bất ổn gia tăng ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu" được công bố ngày 20/9, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng GDP toàn cầu tiếp tục duy trì vững chắc, vào khoảng 3,75%, song đã xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy tăng trưởng có thể hiện đã đạt mức đỉnh.
OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức 3,7% trong năm 2018 và 2019, giảm lần lượt 0,1 và 0,2% so với dự báo hồi tháng 5 vừa qua.
Theo báo cáo, một trong những yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế là hoạt động thương mại tăng trưởng chậm lại, giảm từ 5% trong năm ngoái xuống còn khoảng 3% trong nửa đầu năm nay.
Sự sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump đã dẫn tới các mâu thuẫn với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, trong khi Mỹ cũng gia tăng sức ép đối với các đối tác thương mại châu Âu.
Ngoài ra, báo cáo của OECD cũng cảnh báo căng thẳng thương mại đang làm gia tăng bất ổn, đe dọa các nền kinh tế phát triển và mới nổi khi để lại những tác động tiêu cực tới đầu tư, việc làm và điều kiện sống trên toàn cầu.
Mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng việc làm mạnh mẽ tại các nền kinh tế phát triển, song OECD lưu ý tăng trưởng lương vẫn ở mức khiêm tốn, khiến các hộ gia đình có thu nhập thấp càng dễ bị tổn thương.
Báo cáo cũng nhận định thuế quan đã tác động mạnh tới một số lĩnh vực kinh tế. Tại Mỹ, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng máy giặt, pin Mặt Trời, thép và nhôm đã bắt đầu sụt giảm trong nửa đầu năm nay, trong khi giá các mặt hàng này tại thị trường Mỹ đã tăng mạnh.
Những cảnh báo trên được OECD đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ -Trung bị đẩy lên nấc thang mới khi Tổng thống Trump ra lệnh áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Bắc Kinh sau đó cũng thông báo sẽ áp thuế đối với hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD, đồng thời đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến động thái trên (Bnews)