tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-09-2018

  • Cập nhật : 21/09/2018

Hà Nội sẽ có thêm một quận từ năm 2020

Ban chỉ đạo xây dựng huyện Hoài Đức trở thành quận vào năm 2020 do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đứng đầu vừa được thành lập.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung sẽ là Trưởng Ban chỉ đạo.

Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP; ông Vũ Đức Bảo - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy; ông Nguyễn Văn Phong - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, làm Phó ban.

Ban Chỉ đạo sẽ xây dựng chương trình, chỉ đạo, giám sát, đôn đốc thực hiện các giải pháp để tập trung thực hiện được các dự án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức đã xác định trong đề án, đảm bảo đến năm 2020 đạt được các tiêu chí thành lập quận.

Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đồng ý chủ trương thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020. Ban cán sự đảng UBND TP được giao thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo việc tổ chức triển khai đề án.

Theo Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đề án trên cần đặc biệt tập trung hoàn thiện việc quy hoạch xây dựng, ưu tiên thúc đẩy sớm hoàn thành 8 chỉ tiêu chưa đạt; các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.

Đặc biệt, đề án cần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới. Thành phố cũng yêu cần yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng đô thị.

Để có đủ nguồn lực thực hiện đề án, TP Hà Nội chỉ đạo các sở ngành phối hợp với huyện Hoài Đức đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn đầu tư tại chỗ từ tiềm năng đất đai trên địa bàn thông qua việc đấu thầu, đấu giá theo quy định và cơ chế điều tiết tiền sử dụng đất một cách hợp lý.

Về việc đảm bảo tiến độ, TP Hà Nội cần nghiên cứu, xem xét đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho huyện Hoài Đức thực hiện các thủ tục liên quan đến phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư công và phê duyệt chủ trương đầu tư cũng như quyết định đầu tư các dự án đầu tư công, nhất là các dự án về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội.(NDH)
----------------------

Chiến tranh thương mại sẽ giúp cho sản xuất Đông Nam Á vượt Trung Quốc?

Hoạt động sản xuất ở Đông Nam Á liệu có vượt qua được Trung Quốc về quy mô hay không còn phụ thuộc vào hướng diễn biến của chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Các công ty sản xuất tại Đông Nam Á đang đẩy mạnh sản xuất ở tốc độ cực nhanh, chi phí lao động tại Trung Quốc tăng cao khiến cho nhiều doanh nghiệp trước đó hoạt động tại Trung Quốc giờ đây đang chuyển sang hoạt động tại khu vực Đông Nam Á, theo nhận định được Nikkei đưa ra trong bài báo mới đây. 

Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật (JCER) công bố chỉ số ngành sản xuất của 5 nước Đông Nam Á trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2018 tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ năm, chỉ thấp hơn chút so với con số 6,9% của Trung Quốc.

Xuất khẩu tăng và nhu cầu nội địa cao đang giúp cho hoạt động sản xuất trong khu vực phát triển. Hoạt động sản xuất ở Đông Nam Á liệu có vượt qua được Trung Quốc về quy mô hay không còn phụ thuộc vào hướng diễn biến của chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Tăng trưởng sản xuất của nhóm 5 nước bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Singapore, tức 5 nền kinh tế phát triển hơn trong ASEAN, tăng trưởng 4,5% trong cả năm 2017.

Đáng chú ý, sản xuất của nhóm 5 nước này đã không ngừng tăng trưởng từ năm 2015, trong khi đó, sản xuất tại Trung Quốc không ngừng tăng trưởng yếu đi tính từ mức đỉnh tăng trưởng vào năm 2010 đạt 15,7%.

Chỉ số sản xuất của Philippines tăng 13,8% trong nửa đầu năm 2018 khi chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte đẩy mạnh chi tiêu để phát triển cơ sở hạ tầng. Chỉ số sản xuất của Singapore tăng trưởng 10,7% trong khoảng thời gian trên, mức tăng tương đương của cùng kỳ năm 2017, trong khi đó, tăng trưởng sản xuất của Indonesia, Malaysia và Thái Lan trung bình đạt từ 4 đến 5%. Xuất khẩu của các nước kể trên đồng loạt tăng trưởng cao, các dự án hạ tầng và thu nhập tăng cao giúp cho tiêu dùng người dân cải thiện.

Chi phí lao động cao tại Trung Quốc là một yếu tố khiến cho các nhà sản xuất tại Trung Quốc phải tính đến chiến lược Trung Quốc cộng một. Hãng xe BMW của Đức mới đây đã sản xuất một số mẫu xe tại Thái Lan, một trung tâm sản xuất ô tô và xuất những mẫu xe này sang Trung Quốc. Những công ty sản xuất các sản phẩm thâm dụng lao động cũng đang hướng đến địa diểm sản xuất có chi phí lương thấp hơn, ví như Việt Nam hay Philippines.

Nhiều công ty giờ đây phải tính đến chuyển sản xuất còn để né tránh tác động tệ hại của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Công ty sản xuất hàng điện tử tiêu dùng New Kinpo đang muốn xây nhà máy tại Philippines. CEO của công ty, ông Simon Shen, cho biết doanh nghiệp quan tâm đến khu vực Đông Nam Á bởi chiến tranh thương mại ngày một tồi tệ hơn. Công ty đồng thời muốn mở rộng sản xuất tại nhiều nước như Thái Lan hay Malaysia.

Dù tăng trưởng sản xuất tại Trung Quốc đã chững lại bởi Trung Quốc điều chỉnh sản xuất trong các ngành công nghiệp nặng như thép hay đóng tàu, sản xuất của Trung Quốc vẫn có quy mô lớn hơn rất nhiều nếu so với các nước láng giềng. Trong nửa đầu năm 2018, Trung Quốc sản xuất ra 14,06 triệu ô tô, gần gấp 7 lần năng suất tại Đông Nam Á. (Bizlive)
---------------------------

Ngành thép và dệt may lựa chọn khách hàng để tránh những rủi ro

Bên cạnh những thách thức thì cơ hội cũng là không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt; trong đó, nhiều ngành hàng trong nước được dự báo có thể hưởng lợi lớn.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo mức thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và mức thuế này sẽ tăng lên tới 25% vào cuối năm 2018. Dự kiến mức thuế quan này sẽ có hiệu lực từ ngày 24/9/2018. Động thái này được cho là có thể làm gia tăng xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đại diện doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh những thách thức thì cơ hội cũng là không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt; trong đó, nhiều ngành hàng trong nước được dự báo có thể hưởng lợi lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần cảnh giác với việc hàng Trung Quốc núp bóng, lấy thị trường Việt Nam làm chỗ “né” xuất xứ rồi xuất khẩu sang Mỹ. 

Kho hàng thành phẩm thép mạ của Công ty TNHH NS BlueScope tại Khu công nghiệp Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, việc Mỹ tiếp tục đẩy mạnh đánh thuế lên các sản phẩm của Trung Quốc đã được dự báo trước. Đây là cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn. Do đó, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nói chung và ngành thép nói riêng. Đánh giá cụ thể thì cũng chưa có báo cáo chi tiết về thiệt hại đối với việc xuất nhập khẩu các sản phẩm thép Việt đối với hai thị trường này. Tuy nhiên, cuộc chiến này sẽ mang lại cả lợi ích và thiệt hại cho ngành thép trong nước. 

Cụ thể, về lợi ích, Mỹ đẩy mạnh áp thuế đối với sản phẩm từ Trung quốc và điều này đã thực hiện qua việc Chính phủ của Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc; trong đó, có mặt hàng thép. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho sự cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam khi đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường này, đặc biệt, là các nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất thép như than, quặng, sắt thép vụn... Giá vật liệu đi xuống có thể giúp cho doanh nghiệp Việt đẩy mạnh sản xuất. 

Ở chiều ngược lại, cuộc chiến thương mại này cũng khiến cho Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc xuất khẩu thép sang Mỹ. Do vậy, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để lách luật, xuất khẩu thông qua một thị trường khác để tránh bị áp thuế. Thị trường Việt Nam rất có thể là một trong những con đường đó. 

Ông Sưa cũng cho hay, thép Việt là một trong những ngành chịu nhiều áp lực từ phòng vệ thương mại nhất. Trong hơn 1 tháng qua, thép Việt phải chịu đến hơn 10 vụ kiện phòng vệ. Nay lại gặp thêm tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ là rất khó khăn cho doanh nghiệp thép trong nước. Thép Trung Quốc thời gian tới có khả năng sẽ tìm cách đẩy mạnh vào thị trường Việt Nam. 

Vì vậy, đòi hỏi sự nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao chất lượng sản phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhằm thuận lợi trong xuất khẩu sang thị trường khác, tránh việc bị áp thuế không đáng có. Ngoài ra, cơ quan chức năng nhà nước cũng cần có những chính sách, biện pháp để kiểm soát chặt chẽ nguồn thép nhập khẩu, bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, tránh việc sản phẩm thép từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam để lẩn tránh thuế xuất khẩu sang Mỹ. 
 

Lao động tại Công ty cổ phần Dệt may Huế. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Một số doanh nghiệp trong ngành dệt may cũng cho hay, thời gian qua đã có sự dịch chuyển đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, số lượng các đối tác là bạn hàng từ Trung Quốc tìm kiếm làm ăn với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tăng lên đáng kể. Ông Trần Văn Quy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH dệt may Trung Quy bày tỏ, bạn hàng từ phía Trung Quốc đã tìm đến Công ty của ông nhiều hơn và mong muốn được hợp tác làm ăn. Tuy nhiên, theo ông Quy thì Công ty vẫn đang cân nhắc lựa chọn khách hàng để tránh những rủi ro. 

Còn ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng khi vừa qua Mỹ tiếp tục gia tăng thuế suất đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ; trong đó có sản phẩm dệt may. Với tình hình này, Trung Quốc sẽ tìm các bạn hàng mới từ các nước; trong đó có Việt Nam, nhằm giảm giá thành sản phẩm để bù đắp việc giảm 10% doanh thu ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt thuế. Điều này sẽ khiến sự cạnh tranh trên thị trường mặt hàng dệt may ngày càng khốc liệt hơn. 

Nếu gói trừng phạt 200 tỷ USD được Mỹ thực hiện thì năm 2019 xuất khẩu dệt may sẽ bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của hai nước lớn, cơ hội cho dệt may Việt Nam là 50/50 và vấn đề là doanh nghiệp có tận dụng được cơ hội hay không ? Tuy nhiên, điều doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần lúc này là thông tin cụ thể, cảnh báo sớm từ cơ quan quản lý để doanh nghiệp chủ động, có giải pháp ứng phó. Về phía Cơ quan quản lý của Việt Nam cần cảnh giác với chiêu núp bóng, lấy thị trường Việt Nam làm chỗ né xuất xứ rồi xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ. (Bnews)

Trở về

Bài cùng chuyên mục