tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 21-09-2018

  • Cập nhật : 21/09/2018

Nhiều hãng xe châu Âu “xả kho” trước khi thực hiện quy trình kiểm tra khí thải bắt buộc​

Các hãng sản xuất ô tô Renault, Volkswagen và Fiat Chrysler đã áp dụng các chương trình giảm giá nhằm "xả kho" trước khi bước vào các cuộc kiểm tra khí thải khắc nghiệt.

Volkswagen áp dụng các chương trình giảm giá. Ảnh minh họa: Reuters

Các hãng sản xuất ô tô Renault của Pháp, Volkswagen của Đức và Fiat Chrysler (liên doanh giữa Italy và Mỹ) đã dẫn đầu đà tăng doanh số bán xe toàn châu Âu (29,8%) trong tháng Tám vừa qua, nhờ việc áp dụng các chương trình giảm giá nhằm "xả kho" trước khi bước vào các cuộc kiểm tra khí thải khắc nghiệt. 

Theo báo cáo ngày 19/9 của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA), lượng xe đăng ký mới tại châu Âu đã tăng lên mức 1,17 triệu chiếc trong tháng 8/2018, cao hơn nhiều các mức thấp thường thấy vào tháng Tám hàng năm và mức tương ứng 902.870 chiếc của cùng kỳ năm 2017. 

Đợt tiến hành Quy trình kiểm tra đồng bộ dành cho xe hạng nhẹ toàn cầu (WLTP) được tiến hành bắt buộc vào ngày 1/9, buộc các nhà sản xuất ô tô bao gồm Renault và Volkswagen tạm dừng giao hàng đối với một số mẫu xe chưa được tái chứng nhận về nồng độ khí thải. 

Trước khi đến hạn chót thực hiện việc kiểm tra khí thải, nhiều hãng xe đã đưa ra các chương trình hỗ trợ tài chính hấp dẫn để thúc đẩy doanh số bán. Nhờ đó lượng đăng ký xe mới tại châu Âu đã đạt mức tăng trưởng hai con số trong tháng Tám vừa qua. 

Số liệu của Liên minh châu Âu (EU) và bốn quốc gia thuộc Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA) công bố ngày 19/9 cho thấy, hãng chế tạo ô tô Renault của Pháp đạt mức tăng trưởng doanh số bán cao nhất khu vực trong tháng Tám vừa qua, với 56,4%. Đối tác của Renault là Nissan cũng chứng kiến mức tăng 46,3% trong doanh số bán cùng kỳ. 

Doanh số bán hàng của Volkswagen Group tăng 39,3% trong tháng Tám, trong khi Fiat Chrysler tăng 38,9%, với doanh số bán mẫu xe Jeep tăng vọt 158%. 

Các nhà dự báo thị trường kỳ vọng sự gia tăng doanh số bán ô tô tăng mạnh trong tháng Tám sẽ bù đắp cho xu hướng sụt giảm doanh số bán trong những tháng còn lại của năm nay. 

Ngược lại, nhà sản xuất ô tô Peugeot PSA Group của Pháp và Toyota của Nhật Bản, đều thực hiện WTLP trước thời hạn, ghi nhận doanh thu tháng Tám chỉ tăng lần lượt 17% và 18%. (Bnews)
------------------------

Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu với một số đối tác thương mại lớn

Trung Quốc như vậy đang gửi đi thông điệp rằng Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục mở cửa và cải cách dù chiến tranh thương mại có như thế nào đi nữa.

Trung Quốc đang có kế hoạch giảm thuế nhập khẩu trung bình với một số nước đối tác lớn bắt đầu từ tháng 10/2018, theo nguồn tin thân cận với vụ việc được Bloomberg trích đăng. Động thái này sẽ giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ ngày một tồi tệ hơn, theo tin từ Bloomberg.

Phó Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường, trong ngày thứ Tư thông báo Trung Quốc sẽ giảm thuế. Bằng việc giảm thuế đối với một số nước khác dù vẫn tiếp tục tăng thuế với hàng nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc như vậy vẫn duy trì mục tiêu tăng cường nhập khẩu. 

Động thái này được đưa ra ở thời điểm Trung Quốc đang cố gắng kích thích tiêu dùng nội địa để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Trước đó vào tháng 7/2018, Trung Quốc từng giảm thuế với nhiều mặt hàng tiêu dùng.

“Bằng việc giảm thuế nhập khẩu với một số đối tác lớn, Trung Quốc như vậy đang gửi đi thông điệp rằng Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục mở cửa và cải cách dù chiến tranh thương mại có như thế nào đi nữa. Dường như Trung Quốc đang cố gắng thực hiện đúng cam kết với cả nội địa và nước ngoài”, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng OCBC, ông Tommy Xie, nhận xét.

Bộ Tài chính Trung Quốc tuy nhiên đã không trả lời phản hồi đề nghị bình luận về vụ việc. Dù có giảm thuế nhưng Trung Quốc vẫn có tỷ lệ thuế trung bình cao hơn phần lớn các nước phát triển. 

Trong ngày thứ Tư, Phó Thủ tướng Trung Quốc khẳng định Trung Quốc sẽ vẫn ủng hộ chủ nghĩa đa phương và những quy định của thương mại tự do. Ông tin rằng dù thay đổi có như thế nào, thương mại tự do vẫn mang lại nhiều lợi ích; và rằng nếu có vấn đề gì đó, người ta sẽ cùng đàm phán để tìm ra giải pháp. (Bizlive)
------------------------

“Quả bom” tín dụng đen bắt đầu... phát nổ?

Tín dụng đen quy mô không quá lớn nhưng lại gây hệ lụy lớn đến xã hội.

Theo các chuyên gia tài chính, tín dụng đen thường diễn ra như những hoạt động ngầm, âm thầm, không ồn ào nhưng hệ lụy của nó thì có thể là khuynh gia bại sản, thậm chí có những tình huống xiết nợ bạo lực, gây bất an cho xã hội.

Hoạt động tín dụng đen ở nước ta đã âm ỉ từ rất lâu nhưng gần đây mới đổ bể nhiều và diễn biến phức tạp. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng gần đây các vụ vỡ nợ tín dụng đen mới bung ra một cách khủng khiếp hơn hẳn thời gian trước là do việc các tổ chức tín dụng thắt chặt các điều kiện tín dụng.

Từ năm 2011, nợ xấu tăng, các tổ chức tín dụng thắt chặt các điều kiện cấp tín dụng để giảm thiểu rủi ro, đây là cơ hội để tín dụng đen bùng phát. Tín dụng ngân hàng bị thắt chặt cộng với suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp rơi vào cảnh sức cùng lực kiệt, nên các "quả bom” tín dụng đen bắt đầu phát nổ.

Đánh giá về thực trạng và hậu quả của tín dụng đen, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết: Năm 1993, ở Việt Nam, tín dụng phi chính thức chiếm khoảng 60%-70% tổng tín dụng nền kinh tế. Đến năm 2006, tín dụng phi chính thức còn 16%-20%, con số này khá phù hợp vì một nghiên cứu theo tôi biết thì 20% là tốt. Trong 20% đấy, tín dụng đen chiếm khoảng 30%-35% tổng tín dụng phi chính thức, còn lại sẽ vay ở bạn bè, người thân, vay tổ chức tài chính vi mô...

Quy mô tín dụng đen của nền kinh tế ở khoảng 6%-8% tổng dư nợ nền kinh tế, chỉ tầm 400.000-500.000 tỉ. Mặc dù quy mô không quá lớn nhưng lưu ý là hệ lụy xã hội rất lớn. 

Bên cạnh đó, TS Lực cũng cho rằng nên thống nhất một thuật ngữ khác cho tín dụng đen, là tín dụng phi chính thức, nặng lãi, không theo pháp luật. Nếu gọi là tín dụng đen, vậy còn “sáng” thì là gì?

Cũng theo TS Cấn Văn Lực, ở Việt Nam hiện có ba loại vay tín dụng đen. Một là cho vay tiền gộp, nghĩa là ngắn hạn, yêu cầu trả gốc và lãi hằng ngày. Hai là vay nóng, trả lãi theo ngày, trả nợ gốc vào một thời điểm ấn định, loại này cực kỳ rủi ro vì lãi suất cao. Vay gộp, lãi suất hiện nay khoảng 60%-70%. Còn vay nóng lên hơn 100%. Thứ ba là cho vay mua xổ số hay đề đóm".

Thực tế cho thấy sự biến tướng, lách luật của đối tượng vi phạm trong hoạt động tín dụng đen khá tinh vi. Hoạt động này gần như chỉ diễn ra ngầm giữa các cá nhân với nhau và mặc dù trên đường phố vẫn nhan nhản những tờ rơi, quảng cáo cho vay tài chính, cho thuê tài chính hay vay tiền... nhưng quá trình kiểm tra, xử lý cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.(PLO)

Trở về

Bài cùng chuyên mục