Dầu có thể tăng lên 100 USD/thùng vào năm 2019 do các thị trường toàn cầu thắt chặt; Mỹ chính thức áp thuế với gói hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập từ Trung Quốc; Nga lặng lẽ vươn lên vị trí điều khiển giá dầu toàn cầu
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 23-09-2018
- Cập nhật : 23/09/2018
Quan điểm trái chiều trong quy hoạch, khai thác titan
Tỉnh Bình Thuận liên tiếp có văn bản gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh giảm bớt diện tích titan đã được đưa vào quy hoạch để ưu tiên cho các dự án năng lượng, trồng rừng, du lịch.
Xuất thô, giá rẻ
Ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, phân tích lợi ích từ khai thác titan cho ngân sách không lớn nhưng để lại hậu quả tàn phá môi trường, nguồn nước rất nghiêm trọng. Nếu không đánh giá khách quan, nhìn xa hơn thì hậu quả của việc khai thác này là khôn lường. “Hiện nay công nghệ khai thác thô sơ, chưa có chế biến sâu. Chủ yếu xuất khoáng sản thô, đem lại lợi ích kinh tế rất thấp, gây chảy máu tài nguyên quý hiếm. Điều này đi ngược với chủ trương của Đảng và nhà nước ta là không có chế biến sâu thì không khai thác. Phải để dành cho con cháu chúng ta”, ông Đinh Trung nói.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Tám, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên nước (Sở TN-MT Bình Thuận), cho rằng muốn khai thác phải có chế biến sâu, đảm bảo lợi ích kinh tế và không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đặc biệt là thực hiện nghiêm về nghĩa vụ tài chính. “Các dự án khai thác titan đều phải cam kết thực hiện theo luật khoáng sản. Hiện tại họ đã làm theo luật chưa, có giấy phép sử dụng nguồn nước chưa, có chế biến sâu chưa? Vì sao vẫn để ô nhiễm môi trường? Theo luật, sau 90 ngày không khắc phục, không thực hiện đúng luật thì phải thu hồi dự án”, ông Tám đặt vấn đề.
Trong báo cáo (số 213 ký ngày 5/10/2017) gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết trong 26 khu vực quy hoạch titan đã được cấp phép thăm dò, chồng lấn lên 33 dự án khác đã được chấp thuận đầu tư (điện gió, điện mặt trời, trồng rừng, du lịch) với tổng diện tích chồng lấn là 4.576 ha. Số dự án này phải kiểm tra rà soát lại để đưa vào khu vực dự trữ. Trong 8 khu vực titan chưa cấp phép thăm dò, chồng lấn lên 18 dự án đã được chấp thuận đầu tư đã được cấp phép (trồng rừng, du lịch, điện gió và sân bay Phan Thiết) với diện tích 922 ha. Con số gần 600 triệu tấn trữ lượng sa khoáng titan trong lòng đất tại Bình Thuận (lớn nhất cả nước) theo điều tra quy hoạch của Bộ TN-MT là con số phỏng đoán, chưa có cơ sở khoa học. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ TN-MT đưa hẳn những khu vực nghèo titan ra khỏi quy hoạch để ưu tiên phát triển các dự án kinh tế khác. Nếu các dự án thăm dò titan (đã được cấp phép) muốn chuyển đổi mục đích làm các dự án kinh tế khác sẽ được tỉnh ưu tiên.
Bộ Công thương: không đồng tình
Công văn mới nhất của Bộ Công thương (số 7203, do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ký ngày 6.9) cho rằng các kiến nghị của tỉnh Bình Thuận “chưa đủ cơ sở để thực hiện điều chỉnh quy hoạch titan”. Các khu vực mà tỉnh Bình Thuận đề nghị điều chỉnh đều đã cấp phép cho các doanh nghiệp bỏ kinh phí ra để điều tra thăm dò. “Nếu điều chỉnh theo kiến nghị của tỉnh dễ gây khiếu kiện phức tạp, gây mất an ninh trật tự ở địa phương”, công văn của Bộ Công thương nêu.
Bộ này cũng cho rằng, đối với diện tích đã được cấp phép thăm dò, nếu muốn chuyển đổi sang làm điện gió, điện mặt trời hoặc du lịch thì UBND tỉnh Bình Thuận cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp rồi báo cáo Thủ tướng để đưa diện tích này vào vùng dự trữ khoáng sản. Trong trường hợp các doanh nghiệp khác có dự án (điện, du lịch) chồng lấn lên vùng dự án titan thì UBND tỉnh chủ trì thỏa thuận trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi giữa các bên.
Trả lời báo chí ngày 18/9, Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận Hồ Lâm cho biết Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Công văn số 3894 ngày 14/9 giao Sở TN-MT và Sở Công thương thống nhất về tọa độ khu vực titan dự trữ lâu dài và khu vực dự trữ có thời hạn để tham mưu cho tỉnh cập nhật quy hoạch đất đai phù hợp với quy hoạch ngành. Rà soát lại các dự án đã được cấp phép đầu tư và cả các dự án đã chấp thuận chủ trương nhưng vướng quy hoạch titan để trình Chính phủ phê duyệt. Nghiêm cấm lợi dụng các dự án khác trong khu vực dự trữ để khai thác titan. "Mặt khác, chúng tôi sẽ làm việc với từng chủ dự án thăm dò khai thác để bàn việc chuyển đổi, điều chỉnh quy hoạch. UBND tỉnh giao phải hoàn thành việc này ngay trong tháng 9", ông Hồ Lâm nói. (Thanhnien)
---------------------
Nhật Bản: Lạm phát vẫn cách xa mức mục tiêu 2%
Chỉ số giá tiêu dùng “lõi” của Nhật Bản tăng tháng thứ 20 liên tiếp, song vẫn cách khá xa mức lạm phát mục tiêu 2% Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đề ra.
Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản ngày 21/9 công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng “lõi” của nước này trong tháng 8/2018 tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhỉnh hơn mức tăng 0,8% ghi nhận trong tháng 7/2018, giữa bối cảnh chi phí năng lượng tăng.
Kết quả này đồng nghĩa với việc chỉ số giá tiêu dùng “lõi” – không tính giá thực phẩm biến động – của Nhật Bản tăng tháng thứ 20 liên tiếp, song vẫn cách khá xa mức lạm phát mục tiêu 2% Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đề ra. Trong khi đó, giá tiêu dùng tính cả giá thực phẩm tươi tăng 1,3%, do giá rau tăng.
Các sản phẩm dầu như xăng và dầu hỏa đóng góp nhiều nhất cho đà tăng giá tiêu dùng. Trong khi đó, giá quần áo và đồ gia dụng như tủ lạnh thấp hơn, cho thấy chi tiêu hộ gia đình không đủ mạnh để khuyến khích các công ty gia tăng giá thành.
Người đại diện Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết chưa đầy 50% các mặt hàng được khảo sát chứng kiến giá tăng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2013, một dấu hiệu cho thấy lạm phát chưa lan rộng.
BoJ hiện vẫn gặp khó khăn trong việc đẩy lạm phát lên bất chấp các nỗ lực mạnh tay triển khai chính sách nới lỏng tiền tệ trong hơn 5 năm. BoJ đầu tuần này đã quyết định duy trì chính sách lãi suất siêu thấp và hoạt động mua tài sản quy mô lớn. Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda phủ nhận việc BoJ sớm bình thường hóa chính sách tiền tệ. (Bnews)
------------------------
Đầu tư hơn 1.150 tỷ đồng xây dựng nhà máy điện Mặt Trời ở Long An
Dự án nhà máy điện Mặt Trời Europlast Long An, do Công ty cổ phần nhựa châu Âu làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 1.157 tỷ đồng, đã được khởi công xây dựng tại xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An ngày 21/9.
Dự án quy mô công suất là 50 MWp, diện tích sử dụng đất gần 60ha.
Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và phát điện trước tháng 6/2019, kết nối trực tiếp với hệ thống điện Quốc gia.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An cho rằng trong bối cảnh tiềm năng thủy điện ngày càng khó khăn, nhiệt điện than gặp nhiều vướng mắc do vấn đề môi trường thì xu thế phát triển nguồn năng lượng sạch ngày càng được chú trọng.
Do đó, việc xây dựng nhà máy điện Mặt Trời Europlast Long An có ý nghĩa rất lớn trong việc bổ sung nguồn điện năng cho tỉnh Long An nói riêng, cả nước nói chung.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An hy vọng rằng nhà máy điện Mặt Trời này sẽ là tiền đề để phát triển thêm nhiều nhà máy điện Mặt Trời trên địa bàn tỉnh, phù hợp với chủ trương của Chính phủ là ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, giảm thiểu tối đa mức độ ô nhiễm môi trường từ việc khai thác các nguồn điện truyền thống và đặc biệt là góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Trước đó, trên địa bàn tỉnh Long An đã có hai dự án điện Mặt Trời khác được khởi công xây dự là dự án BCG Băng Dương ở huyện Thạnh Hóa và dự án TTC ở huyện Đức Huệ (Vietnam+)