tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 17-08-2017

  • Cập nhật : 17/08/2017

Ông Trump 'giơ cao đánh khẽ' với công ty Trung Quốc

Đúng như dự kiến, Tổng thống Trump ngày 14-8 đã ký sắc lệnh xem xét điều tra các hoạt động vi phạm tác quyền của các công ty Trung Quốc đối với doanh nghiệp Mỹ.

tong thong my donald trump tai buoi ky sac lenh xem xet dieu tra gian lan thuong mai cua trung quoc ngay 14-8 - anh: reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại buổi ký sắc lệnh xem xét điều tra gian lận thương mại của Trung Quốc ngày 14-8 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Trump tiếp tục nói cứng về Trung Quốc, nhưng hành động yếu ớt hơn bất cứ những gì mọi người tưởng tượng. Việc tuyên bố sẽ xem xét điều tra những hành động đánh cắp chất xám vốn của Trung Quốc giống như việc bắn tín hiệu cho Trung Quốc rằng Mỹ đồng thuận cho họ tiếp tục ăn cắp vậy.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer (Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện)

“Chúng tôi sẽ bảo vệ bản quyền, phát minh, thương hiệu, bí mật thương mại và các tài sản trí tuệ khác quan trọng đối với an ninh và sự thịnh vượng của chúng tôi” - Reuters dẫn lời ông Trump trong sự kiện ký 
sắc lệnh trên.

“Thiệt hại đến 600 tỉ USD”

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer theo đó sẽ có một năm để xem xét khả năng mở một cuộc điều tra vào chính sách thương mại của Trung Quốc đối với tài sản trí tuệ 
hay không.

Lâu nay đã xuất hiện nhiều báo cáo cho rằng chính quyền Trung Quốc cố tình dùng chính sách để cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Theo đó, cáo buộc nói rằng khi các công ty Mỹ làm ăn với người Trung Quốc, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ, họ buộc phải chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc, từ đó dẫn tới việc công ty Mỹ đánh mất lợi thế từ các phát minh của mình.

Các quan chức chính quyền ông Trump ước tính hành động ăn cắp chất xám của Trung Quốc dẫn tới thiệt hại đến 600 tỉ USD, theo Reuters.

Nếu ông Lighthizer điều tra và có bằng chứng chứng minh Trung Quốc vi phạm, Tổng thống Trump sẽ có quyền áp đặt lệnh trừng phạt đơn phương 
đối với Trung Quốc.

Trong điều 301 của đạo luật thương mại 1974, một tổng thống Mỹ có quyền áp đặt rào cản và các biện pháp hạn chế đơn phương 
nhằm bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ trước “những hoạt động thương mại không công bằng” của nước khác.

Con bài thương thảo?

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 15-8, Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo nước này sẽ không ngồi yên “nếu hành động của Mỹ gây thiệt hại cho quan hệ thương mại song phương”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định “một cuộc chiến thương mại sẽ không dẫn tới đâu và cả hai nước không ai giành chiến thắng cả”.

Sắc lệnh nêu trên là lần đầu tiên ông Trump thực hiện động thái cụ thể liên quan tới các cáo buộc gian lận thương mại của Trung Quốc, nhưng nó vẫn ở mức độ khá nhẹ.

Và ở chừng mực nào đó, sắc lệnh mang ý nghĩa 
nhiều hơn về mặt ngoại giao.

Báo New York Times ngày 14-8 lưu ý rằng ông Trump trong các phát biểu tại sự kiện ký sắc lệnh trừng phạt Trung Quốc chỉ nhắc tới chữ “Trung Quốc” đúng một lần, đồng thời đặt phạm vi của vấn đề ở mức độ rộng hơn.

Giới quan sát tại Mỹ, quốc tế và cả Trung Quốc đều xoáy vào vấn đề Triều Tiên trong sắc lệnh ảnh hưởng lên quan hệ kinh tế Mỹ - Trung này.

Việc tuyên bố “cân nhắc điều tra”, với thời hạn một năm để ông Lighthizer “xem xét”, rõ ràng tạo thời gian để Trung Quốc thay đổi các hoạt động thương mại, và cũng suy nghĩ thêm về các bước đi của Bắc Kinh đối với Triều Tiên - như yêu cầu của 
phía Mỹ lâu nay.(Tuoitre)
--------------------------

Thái Lan đặt mục tiêu gia tăng thương mại với Việt Nam lên 20 tỉ USD

Ngày 16.8, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Apiradi Tantraporn cho biết nước này đặt mục tiêu gia tăng thương mại song phương với Việt Nam lên 20 tỉ USD trong vòng 3 năm tới.

nguoi tieu dung thai trong ngoi nha chung viet nam duoc to chuc hoi dau thang 8 nay anh: minh quang

Người tiêu dùng Thái trong Ngôi nhà chung Việt Nam được tổ chức hồi đầu tháng 8 này ẢNH: MINH QUANG

Bà Apiradi cho biết như trên nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Thái Lan từ ngày 17 đến 19.8. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cho biết dịp này hai bên sẽ ký kết nhiều văn bản ghi nhớ (MOU) cùng thực hiện mục tiêu đưa tổng giá trị thương mại song phương lên 20 tỉ USD vào năm 2020, tăng 44% so với năm 2016.

Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Thái Lan trong quan hệ thương mại với thế giới và thứ 4 trong ASEAN. Thương mại song phương Việt Nam - Thái Lan từ 9 tỉ USD năm 2012 tăng lên 13,85 tỉ USD năm 2016, theo số liệu của Hội đồng Thương mại Thái Lan - Việt Nam.

Giá trị thương mại song phương hiện tại mất cân bằng theo hướng Thái Lan, hơn hai phần ba thương mại song phương do Thái Lan thực hiện.

Theo số liệu thống kê do Tổng cục Hải quan Việt Nam vừa công bố, tính từ đầu năm đến hết tháng 7, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Thái Lan đạt 2,64 tỉ USD; trong khi nhập khẩu từ Thái đạt gần 5,64 tỉ USD. Như vậy tính đến hết tháng 7 lượng nhập siêu từ Thái Lan gần 3 tỉ USD, tăng 465 triệu USD so với cùng kỳ năm 2016.

Việt Nam nhập từ Thái Lan chủ yếu ô tô và phụ tùng, hóa chất, thức uống, sắt thép, trái cây... Trong khi Thái Lan mua của Việt Nam hàng điện - điện tử, dầu thô, kim loại, xe máy và phụ tùng, cà phê, trà, hóa chất...(Thanhnien)
-----------------------------------

Khủng hoảng thịt heo có thể sẽ trở lại

Ngày 15-8, công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Ipsos Business Consulting đã công bố báo cáo về thị trường heo Việt Nam.

Báo cáo này chỉ rõ: Trong giai đoạn 2013-2016, Việt Nam xuất khẩu heo chính ngạch dưới dạng thịt xẻ đi Hong Kong và Malaysia nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nguồn cung heo Việt Nam.

Riêng xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc qua đường biên giới tăng mạnh trong ba năm qua. Cụ thể, năm 2013 Việt Nam xuất khẩu 6,2 triệu con, năm 2014 lên 9,1 triệu con, năm 2016 xuất khẩu đạt khoảng 12 triệu con, tương đương mỗi ngày xuất đi khoảng 33.000 con. Điều này dẫn đến sự tăng đột biến của giá thịt heo hơi Việt Nam tại trại trong hai năm qua.

Khủng hoảng thịt heo có thể sẽ trở lại - ảnh 1
Dự báo năm 2017 việc xuất khẩu heo hơi theo đường tiểu ngạch giảm 80% so với  năm 2016. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tuy nhiên, từ giữa năm 2016 do giá heo hơi tại trại giảm mạnh nhất trong lịch sử, nhiều trang trại nhỏ lẻ và trang trại tư nhân lớn đã phải tạm ngừng chăn nuôi heo hoặc giảm đàn nái. Trong khi đó, các trại nuôi theo mô hình khép kín vẫn tiếp tục kinh doanh.

“Dự báo năm 2017 việc xuất khẩu heo hơi theo đường tiểu ngạch ước tính khoảng 2,41 triệu con, giảm 80% so với năm 2016. Do đó dư thừa khoảng 104.750 con heo… Khủng hoảng heo có thể lặp lại nếu như không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ đàn nái do đầu mối duy nhất xác định tăng hay giảm đàn là giá heo xuất chuồng và do các trại tự quyết định” - Ipsos Business Consulting cảnh báo.(PLO)
-------------------------

Việt Nam có thể cấp thẻ thường trú cho nhà đầu tư nước ngoài tại Phú Quốc

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ dự thảo Luật Đơn vị hành chính đặc biệt. Trong dự thảo này, Bộ đề xuất hàng loạt cơ chế thu hút vốn đầu tư và chuyên gia nước ngoài đến sống và làm việc tại đặc khu kinh tế Phú Quốc.

Cụ thể, theo dự thảo luật, Phú Quốc được ưu tiên đầu tư để trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp và mua sắm quốc tế. Đây sẽ là đặc khu duy nhất được ưu tiên phát triển ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá.

Theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tiềm năng lợi thế của Phú Quốc hoàn toàn có thể phát triển thành trung tâm thương mại, dù ở xa đất liền và chỉ có hai tuyến vận tải lớn là hàng không và đường biển. Phú Quốc cũng có điều kiện thuận lợi về khí tượng thuỷ văn, môi trường tự nhiên, núi, rừng, biển, hệ sinh thái đa dạng, phong phú; thời tiết ôn hòa, thuận lợi cho phát triển du lịch quanh năm. Đặc biệt, Phú Quốc có ngư trường đánh bắt hải sản rộng lớn và tiềm năng nuôi trồng thủy sản phong phú.

Ngoài ra, Phú Quốc còn có diện tích đất nông nghiệp phì nhiêu, diện tích đất rừng lớn, chiếm 63,2% tổng diện tích đất tự nhiên, thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Cũng như hai đặc khu kinh tế khác là Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hoà), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đưa ra hàng loạt ưu đãi với Phú Quốc, như miễn thuế thu nhập trong vòng 5 năm, nhưng không quá năm 2030 đối với cá nhân khi có thu nhập diện chịu thuế phát sinh ở đặc khu kinh tế. Những năm tiếp theo, số thuế thu nhập cá nhân phải nộp sẽ được giảm 50%.

Đối với những nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân tại 3 đặc khu kinh tế kể trên, cũng được miễn thuế đến hết năm 2030 và giảm 50% số thuế theo các năm còn lại.

Ngoài việc áp dụng các cơ chế ưu đãi chung dành cho đặc khu, Phú Quốc còn được đề xuất áp dụng cơ chế riêng, như nâng mức phụ cấp từ 30% lên 50% mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại đây.

Đặc biệt, để khuyến khích đầu tư, chính quyền đặc khu sẽ cấp thẻ thường trú cho cá nhân nhà đầu tư là người nước ngoài có dự án đầu tư từ 5 triệu USD trở lên, có thời gian cư trú từ 5 năm trở lên tại Phú Quốc và không vi phạm pháp luật.

Về hạ tầng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, kết cấu hạ tầng của Phú Quốc đã được đầu tư khá đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch quy mô lớn. Nhiều khu du lịch cao cấp, quy mô lớn đã đi vào hoạt động. Bộ Chính trị đã đồng ý cho dự án casino tại Phú Quốc thí điểm mở cửa cho người Việt Nam.

Đối với đặc khu Vân Đồn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ được ưu tiên phát triển du lịch sinh thái biển đảo, phát triển công nghiệp sáng tạo và nông nghiệp công nghệ cao.

Riêng Vân Phong, với địa thế của mình, được ưu tiến phát triển cảng nước sâu, dịch vụ logistics, các dịch vụ y tế, nghỉ dưỡng chất lượng cao...(Vneconomy)

Trở về

Bài cùng chuyên mục