tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 16-08-2017

  • Cập nhật : 16/08/2017

Bộ Tài chính đưa phương án gỡ khó cho ô tô sản xuất trong nước

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện quy định: Giá tính thuế đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra.

Tuy nhiên, đánh giá của Bộ Công Thương cho rằng, quy định nêu trên chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chưa tạo điều kiện cho hàng sản xuất trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Ngày 28/4, Bộ Công Thương đã có báo cáo đánh giá ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam và các giải pháp phát triển. Trong đó có báo cáo liên quan đến tỷ lệ nội địa hóa với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp so với mục tiêu đề ra.

 

Do vậy, để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu, Bộ Công Thương đề xuất thay đổi giá tính thuế TTĐB đối với xe sản xuất trong nước theo hướng không tính thuế TTĐB đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng) nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước.

Trên cơ sở đó, ông Thi cho biết Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ 2 phương án.

Với phương án 1, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

Còn theo phương án 2, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giữ nguyên như hiện hành, tức là không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

Đại diện Bộ Tài chính chia sẻ rằng cơ quan này đang nghiêng về phương án đầu tiên, tức là miễn thuế tiêu thụ đặc biệt hoàn toàn cho phần linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.(NDH)
---------------------------------

7 tháng, thanh tra thuế thu và phạt 2.324 tỉ đồng

Cục Thuế TP.HCM cho biết trong 7 tháng đầu năm đã thanh tra thuế tại 11.344 doanh nghiệp với số thuế truy thu và phạt là 2.324 tỉ đồng, tăng 59,15% so cùng kỳ năm 2016. 

Trong khoản nên trên, số thuế đã được nộp vào ngân sách Nhà nước đạt hơn 52% so với số thuế truy thu và phạt.

Ngoài ra Cục Thuế thành phố còn giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 247 tỉ đồng, giảm lỗ là 6.951 tỉ đồng.

Trong những tháng cuối năm Cục Thuế thành phố cho biết sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm.

Cụ thể đó là các doanh nghiệp thuộc ngành kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngành hàng dịch vụ, ăn uống cũng như tiến hành thanh kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng.

Hoạt động thanh tra được tiến hành theo các chuyên đề như giao dịch đáng ngờ qua ngân hàng, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng vốn, ưu đãi đầu tư, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp...

Các doanh nghiệp nhiều năm chưa thanh tra, kiểm tra, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp có giao dịch liên kết… cũng được đẩy mạnh thanh tra. 

Về thu nợ thuế, Cục Thuế TP.HCM cho biết cơ quan này đang thực hiện các biện pháp xử lý nợ thuế nhằm đảm bảo số tiền nợ thuế phải giảm ở mức thấp nhất và hạn chế không để phát sinh thêm nợ mới.

Mục tiêu đến 31-12-2017 ngành thuế của thành phố sẽ thu được 100% nợ có khả năng thu năm 2016 chuyển qua, giảm nợ thuế không vượt quá 5% so tổng thu ngân sách năm 2017.

Cục Thuế TP.HCM cũng xây dựng kế hoạch và tăng cường biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định.

Ngoài ra cơ quan thuế này cũng rà soát 100% các khoản nợ thuế, phân loại cụ thể từng khoản nợ thuế, thường xuyên đối chiếu nợ nhằm hạn chế nợ sai, nợ chờ xử lý… và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng những người nộp thuế cố tình dây dưa nợ thuế, nợ thuế lớn, thời gian nợ thuế kéo dài.(Tuoitre)
-------------------------

Shell và ExxonMobil bị chỉ trích vì quảng cáo sai lệch

Hai hãng dầu khí Shell và ExxonMobil đang phải đối mặt với sự chỉ trích gắt gao từ cơ quan giám sát quảng cáo Hà Lan hôm 15.8 vì đã quảng cáo rằng khí đốt là loại 'nhiên liệu hóa thạch sạch nhất' thế giới.

exxonmobil va shell bi chi trich vi quang cao khi dot la 'nhien lieu hoa thach sach nhat' anh: reuters

ExxonMobil và Shell bị chỉ trích vì quảng cáo khí đốt là 'nhiên liệu hóa thạch sạch nhất' ẢNH: REUTERS

Theo The Guardian, đây là lần thứ hai Cơ quan Quản lý Tiêu chuẩn Quảng cáo Hà Lan lên tiếng chống lại ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, sau đợt tẩy chay Statoil hồi tháng 6.2017 vì hãng dầu khí quốc gia Na Uy đã gọi khí đốt là “năng lượng sạch” và “nhiên liệu thải thấp”.

“Việc dùng từ ngữ chỉ mức độ tuyệt đối trong nội dung quảng cáo hàm ý rằng nhiên liệu hóa thạch là sạch sẽ vì chúng không gây thiệt hại cho môi trường. Nhưng nội dung đó không chính xác và không phù hợp với tiêu chuẩn quảng cáo ở Hà Lan”, Cơ quan Quản lý Tiêu chuẩn Quảng cáo Hà Lan nhận định.

Để giảm thiểu mức trừng phạt mới nhất từ cơ quan giám sát quảng cáo Hà Lan, các phiên bản quảng cáo trực tuyến của Shell và ExxonMobil đã phải thay đổi nội dung “nhiên liệu hóa thạch sạch nhất” thành “nhiên liệu hóa thạch ít gây ô nhiễm nhất”. Đồng thời, đại diện của NAM, công ty thăm dò và sản xuất được sở hữu bởi cả Shell và ExxonMobil, cũng thừa nhận rằng nội dung quảng cáo bản gốc đã gây ra hiểu nhầm.

“Cách hành động rõ ràng của ban quản trị tiêu chuẩn quảng cáo là rất quan trọng, đặc biệt khi thỉnh thoảng các công ty dầu khí vẫn đưa ra những giá trị thông điệp sai lệch đến cho người dân. Để ngăn ngừa quá trình thay đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng, chúng ta cần phải chấm dứt sự phụ thuộc vào tất cả các nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả khí đốt”, Paul de Clerk, người đứng đầu Ban Tư pháp Kinh tế của Friends of the Earth Europe, một tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường lớn nhất ở châu Âu, có trụ sở tại Brussels (Bỉ), nói.

Khí đốt và môi trường hiện cũng là vấn đề đang gây tranh cãi và khiến Hội nghị Thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Hamburg (Đức) hồi tháng 7.2017 chia rẽ, sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đẩy mạnh khí đốt và mô tả đó là “công nghệ sạch”. Trong khi đó theo giới nghiên cứu châu Âu lượng carbon mà khí đốt tự nhiên thải ra môi trường cao hơn rất nhiều so với năng lượng tái tạo.(Thanhnien)
----------------

Nuôi chim yến trong nhà cho thu nhập tiền tỷ

Nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ là một nghề khá mới mẻ ở Việt Nam, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao vì sản phẩm này có giá trị khá lớn.

Nếu như tổ yến (yến sào) xưa kia được xem là loại thực phẩm cao cấp và quý hiếm, chỉ được dùng trong yến tiệc của vua chúa, quan lại, thì nay các sản phẩm chế biến từ yến sào đã được đa dạng hóa, đôi lúc trở nên bình dân. Tuy nhiên với trị giá hàng chục triệu mỗi kg tổ yến, thậm chí cả trăm triệu đồng mỗi kg đối với yến huyết, việc nuôi chim yến được xem như một nghề dành cho những nhà “đầu tư” có tiềm lực về tài chính. 

cham soc chim yen non tai cong ty yen sao khanh hoa.

Chăm sóc chim yến non tại Công ty Yến sào Khánh Hòa.

 

Mỏ vàng trắng” trong nhà 

Những mẩu chuyện từ hơn mười năm trước, về việc chim yến vào làm tổ một cách tự nhiên ở một số ngôi nhà: 155 Thống Nhất, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa); 21 - 23 Trần Hưng Đạo, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên); Nhà hát Thanh Bình, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận)… nay đã trở thành những tư liệu trong các công trình nghiên cứu về phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà. Trong thực tế, nghề này nay đã tạo nên một làn sóng mới về đầu tư sản xuất đầy triển vọng, có sức lan tỏa khá lớn. 

Tại một cuộc hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển bền vững ngành nghề yến sào Việt Nam”, được tổ chức tháng 6 vừa qua ở Khánh Hòa, nhóm các đại biểu đến từ  các tỉnh miền Bắc kể câu chuyện có thật diễn ra tại thành phố Hà Tĩnh. Trên đường Hoàng Diệu, một ngôi nhà mặt tiền rộng 8 mét, chủ nhà cho một ngân hàng thuê làm trụ sở, phần đất phía sau chủ nhà xây một căn nhà 4 tầng vào năm 2012. 

Trong lúc đang hoàn thiện nhà thì có nhiều chim yến bay đến đập vào cửa kính. Nhiều con bay được vào nhà thì bám lên trần tường, khiến chủ nhà quyết định dành 80m2 nhà cho chim đến ở. Từ đó hàng năm nhà yến này đã thu được một lượng tổ yến khá đều. Sự may mắn này phần nào cho thấy, không chỉ có những tỉnh vốn rất giàu “tiềm năng” để nuôi yến, tiêu biểu như Khánh Hòa, mà ngay cả những vùng đất mới, nếu lành, chim yến cũng có thể tụ về trú ngụ.  

Theo số liệu điều tra vào thời điểm tháng 6/2014, cả nước có 30 tỉnh, thành phố nuôi chim yến trong nhà với tổng số lượng trên 2.610 nhà yến, chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố: Tiền Giang, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh… 

Ba năm sau đó, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn (Trường Đại học sư phạm Hà Nội) và Thạc sĩ Hồ Thị Loan (Viện Hàn lâm và Khoa học công nghệ Việt Nam), đến tháng 3/2017, cả nước đã có 36 tỉnh, thành phố phát triển nghề nuôi yến trong nhà, với tổng số trên 5.060 nhà yến. 

Trong đó các địa phương thuộc khu vực phía Nam như: Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang mỗi nơi có từ 550 - 700 nhà yến. Miền Trung mạnh nhất là các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, khi mỗi tỉnh đều có trên 200 nhà yến và đây là những địa phương đã quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để phát triển nghề trong tương lai. 

Điều đáng ghi nhận là thời gian gần đây, các tỉnh, thành phía Bắc như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, kể cả các tỉnh Tây Nguyên gồm: Kon Tum, Gia Lai cũng đã bắt đầu hình thành nghề nuôi yến trong nhà. 

Nắm bắt cơ hội này, với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước duy nhất được giao trách nhiệm quản lý, khai thác yến sào trên các đảo tự nhiên của tỉnh Khánh Hòa, cũng là địa phương có số lượng hang yến tự nhiên và sản lượng yến sào cao nhất nước, nhiều năm qua Công ty yến sào Khánh Hòa đã đầu tư triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, phục vụ quá trình nuôi yến trong nhà. 

Đáng kể đến là các công trình: “Quy trình ấp nở nhân tạo và nuôi chim yến qua từ giai đoạn phát triển”, “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà”, “Nghiên cứu kỹ thuật nuôi chim con và phát triển bầy đàn chim yến nuôi trong nhà”… đều đạt kết quả tích cực. 

Áp dụng vào thực tiễn, Công ty yến sào Khánh Hòa xây dựng thành công trên 500 nhà yến cho các hộ dân, doanh nghiệp trên toàn quốc; tư vấn và chuyển giao kỹ thuật đối với  hơn 700 nhà yến khác tại Thanh Hóa, Cà Mau, Phú Quốc, Kiên Giang, Phú Yên, Đăk Lăk… tạo nền móng cho một nghề mới đòi hỏi khắc khe về quy trình sản xuất và hàm lượng khoa học, kỹ thuật khá cao ở nhiều địa phương. 

Gia đình chị Đặng Thị Thanh Hằng, tổ dân phố Ngọc Thảo, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa là một ví dụ. Năm 2005 gia đình chị xây dựng nhà yến, sau khi được các chuyên gia của Công ty Yến sào Khánh Hòa hướng dẫn kỹ thuật và lắp đặt thiết bị, chị đã thả chim mồi, chỉ thời gian ngắn đàn yến lần lượt kéo về và không ngừng tăng lên. Hiện gia đình chị mở rộng và sở hữu ba ngôi nhà yến, đều thành công khi hàng chục nghìn con chim yến liên tục nhả "vàng trắng", để mỗi năm chị Hằng thu về trên 300kg tổ yến, trị giá nhiều tỷ đồng. 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Hùng Sơn - Trường Đại học sư phạm Hà Nội, người dành không ít thời gian cho nghiên cứu khoa học về chim yến, nói: “Sau hơn mười năm phát triển, nghề nuôi yến trong nhà ở Việt Nam từ chỗ phải mò mẫm tìm hiểu, tự thử nghiệm hoặc nhập khẩu công nghệ, vật liệu từ nước ngoài đã dần nghiên cứu hoàn chỉnh cơ sở khoa học, công nghệ để chủ động phát triển nghề này trên quy mô rộng, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng địa phương”. 

Hướng nào cho nghề nuôi yến tương lai? 

Tuy đạt được một số kết quả khả quan, nhưng số lượng nhà yến ở Việt Nam còn khá khiêm tốn, ít hơn nhiều lần so với các nước đi đầu trong phát triển nghề nuôi chim yến trong khu vực, như 200.000 nhà yến tại Indonesia, 10.000 nhà yến ở Thái Lan và 60.000 nhà yến ở Malaysia. Nhìn vào bản đồ các nước Đông Nam Á, các vùng có chim yến sinh sống phần lớn nằm ven biển Andaman (một vùng nước ở Đông nam vịnh Pengal), vịnh Thái Lan và Biển Đông. Lợi thế này cho thấy một thời gian dài Việt Nam đã “chối bỏ” món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng. 

Điều kiện sinh cảnh lý tưởng cho yến sinh sống và phát triển bầy đàn là trong vùng có nhiều rừng (vườn) cây, có diện tích lớn mặt nước, có đồng lúa, bụi cây thấp và khí hậu nóng ẩm. Theo các nhà nghiên cứu, các tỉnh Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế hơn cả, bởi điều kiện tự nhiên ở các vùng này rất thuận lợi, hội đủ các yếu tố cho chim yến phát triển, có khả năng nhà yến cho năng suất cao. 

Tuy vậy, nghề nuôi yến có mức đầu tư ban đầu khá lớn, lên đến hàng tỷ đồng và phải có thời gian để chim phát triển bầy đàn mới có thể thu hoạch tổ. Chúng phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư, yếu tố tự nhiên, kỹ thuật công nghệ và cách quản lý, khai thác. Trong bối cảnh số lượng nhà yến đang gia tăng,  việc quy hoạch phát triển bền vững nghề nuôi chim yến cũng như quần đàn chim yến nhà là điều cần phải tính đến, trong đó nhất thiết phải có sự quản lý của nhà nước. 

Tuy nhiên đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ mới ban hành Thông tư 35/2013/TT-BNN&PTNT, quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Do đó không ít nhà khoa học, doanh nghiệp và cả người nuôi yến cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần ban hành văn bản chính thức, quy định cụ thể về quản lý nghề nuôi chim yến tại Việt Nam. 

Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến sào Khánh Hòa, gợi mở: Khi đã xác định rõ định hướng phát triển ngành nghề nuôi chim yến mang quy mô quốc gia, các địa phương trong toàn quốc cần phối hợp thực hiện trên cơ sở quy hoạch chặt chẽ ở mỗi tỉnh, tránh hiện tượng xây nhà yến theo lối tự phát, không tuân thủ quy hoạch, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành nghề nói chung và lợi ích của mỗi thành viên. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn, lưu ý thêm: “Việc quy hoạch các vùng nuôi yến cần tách biệt khu vực xây dựng nhà yến ra khỏi khu dân cư  nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Với các tỉnh hiện có số lượng nhà yến lớn như: Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang cũng nên phát triển ở mức độ vừa phải, bởi lẽ sự cân bằng giữa nguồn thức ăn tự nhiên cho chim yến và chất lượng, năng suất tổ yến cũng là vấn đề cần tính đến. 

Với những vùng nuôi yến ở phía Bắc mới hình thành, như: Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình gặp phải trở ngại về thời tiết mùa đông giá lạnh. Làm thế nào để trong mùa đông chim yến vẫn kiếm được mồi với đặc điểm sinh thái vừa bay vừa bắt mồi, là một vấn đề tiếp tục được nghiên cứu.”. 

Đi sâu vào một vấn đề chi tiết, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa Tào Anh Tuấn nêu lên yêu cầu cụ thể, cần phải tích cực trồng cây, khôi phục rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, nhất là rừng cây phòng hộ ven biển, trên các đảo, rừng ngập mặn để tạo ra một lượng côn trùng là thức ăn chính cho chim yến. Có như vậy mới từng bước kết nối để hình thành những vùng sinh cảnh phù hợp với các bầy đàn và quần thể chim yến đến kiếm ăn và làm tổ sinh sống lâu dài. 

Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn tiếp tục tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nghề nuôi chim yến, kể cả lĩnh vực chế biến, nhằm tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm yến sào. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường cạnh tranh mạnh, việc bảo hộ thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm yến sào của từng địa phương, từng doanh nghiệp cũng cần được chú trọng để đảm bảo uy tín, chất lượng cho các sản phẩm yến của Việt Nam, vốn được thị trường quốc tế lâu nay đánh giá cao.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục