tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 17-08-2017

  • Cập nhật : 17/08/2017

Vì sao các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ xa rời ông Trump?

Các lãnh đạo doah nghiệp hàng đầu đang nằm trong ban tham vấn cho tổng thống Mỹ tiếp tục tuyên bố rút lui để phản ứng vụ biểu tình bạo lực ở bang Virginia.

tong thong my khang dinh con nhieu lanh dao khac san sang tham van cho ong - anh: reuters

Tổng thống Mỹ khẳng định còn nhiều lãnh đạo khác sẵn sàng tham vấn cho ông - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích các lãnh đạo doanh nghiệp rút lui khỏi ban tham vấn của ông là do đã “không làm việc nghiêm túc”.

Ông cũng khẳng định có nhiều lãnh đạo khác sẵn sàng tham gia cố vấn cho ông, tuy nhiên phủ nhận tuyên bố của ông về tình hình ở bang Virginia là nguyên nhân gây rạn rứt quan hệ với các lãnh đạo doanh nghiệp.

Hàng loạt giám đốc điều hành (CEO) của Intel, công ty dược Merck, Under Armour và chủ tịch Liên minh sản xuất Mỹ (AAM) đã đồng loạt từ chức sau tuyên bố của ông Trump đổ lỗi cho “hai bên” trong cuộc xung đột ở Charlottesville, bang Virgina cuối tuần qua.

“Chúng tôi không thể ngồi trong hội đồng tham vấn cho một tổng thống dung thứ cho sự mù quáng và khủng bố nội địa” - chủ tịch Richard Trumka của AFL-CIO, tuyên bố rút lui.

Ông là thành viên thứ năm ra đi ngay sau tuyên bố của ông Trump.

Trước đó, chủ tịch Scott Paul của AAM cũng khẳng định việc ông rút lui là “điều đúng đắn”.

Nhiều lãnh đạo khác cũng công khai tỏ thái độ xa lánh "thương hiệu Trump", như giám đốc điều hành Douglas McMillon của Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, mới đây đã chỉ trích tổng thống Mỹ trong thư gửi hơn 1,5 triệu nhân viên

“Chúng ta đều cảm thấy rằng ông ấy đã bỏ qua cơ hội quan trọng để đoàn kết đất nước bằng việc cương quyết bác bỏ hành động kinh khủng của những kẻ thượng tôn da trắng” - ông McMillon viết.

Trước đó, CEO Elon Musk của Telsa và Bob Iger của Walt Disney hồi tháng 6-2017 cũng từ chối tham vấn cho tổng thống Trump sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thoả thuận chống biến đổi khí hậu Paris.

Quan hệ giữa tổng thống Mỹ và các doanh nghiệp thêm rạn nứt sau phản ứng của ông Trump liên quan đến cuộc biểu tình ở Charlottesville do những người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng và nhóm cực hữu Ku Klux Klan (KKK) tổ chức đã bùng phát thành bạo lực ngày 12-8.

Vụ đụng độ và vụ lao xe vào đám đông biểu tình khiến 1 người chết ngày 13-8 khiến chính quyền địa phương phải huy động xe bọc thép để giải tán.

Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng bạo lực cuối tuần qua tại Charlottesville là lỗi của cả 2 bên, phe theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng và cả phe chống phân biệt chủng tộc.

Tổng thống Mỹ cũng lên tiếng thanh minh cho sự chậm trễ trong tuyên bố ban đầu của ông về tình hình bất ổn ở Charlottesville vì ông không thể biết ngay sự thật đằng sau vụ xung đột để đưa ra những lời lên án cụ thể.

Tuy nhiên thống đốc bang Virginia, ông Terry McAuliffe đã phản ứng mạnh mẽ đối với tuyên bố của tổng thống.

“Những kẻ theo chủ nghĩa phát xít mới, nhóm Klan và thượng tôn da trắng đến Charlottesville với vũ trang hạng nặng, phun ra thù hằn và muốn gây sự. Một trong số chúng đã giết chết một phụ nữ bằng hành vi khủng bố nội địa, và hai cảnh sát tài giỏi nhất của chúng ta bị giết trong một thảm kịch khi cố gắng bảo vệ cộng động. Đó không phải do ‘cả hai bên” - thống đốc McAuliffe chỉ trích.

Thống đốc Virginia không ngần ngại khẳng định Mỹ cần “một sự lãnh đạo thực sự, bắt đầu từ tổng thống” để xoá bỏ tàn tích bạo lực và thù hằn lịch sử kéo dài từ thời nội chiến.

Hồi tháng 7 vừa qua, khoảng 20 người đã bị bắt trong một cuộc biểu tình do nhóm KKK tổ chức nhằm chống lại việc thành phố Charlottesville đòi dỡ bỏ tượng của tướng Robert E. Lee, chỉ huy Liên minh miền nam (bên thua cuộc). Hai tháng trước đó, một cuộc biểu tình tương tự cũng đã diễn ra.(Tuoitre)
---------------------------

Sửa đổi quy định về mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 09/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN của Thống đốc NHNN quy định về việc mua bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Thông tư số 09/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số nội dung về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC cho phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Nghị định số 61/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết về việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn và thực tiễn hoạt động của VAMC.

Thông tư số 09/2017/TT-NHNN gồm 3 Điều với một số nội dung cơ bản như sau:

Sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ về khoản nợ và khoản nợ xấu để đảm bảo việc đối chiếu, áp dụng, xác định khoản nợ xấu phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 hoặc quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Sửa đổi, bổ sung điều kiện các khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường, trong đó quy định cụ thể điều kiện các khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường đối với: Khoản nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Khoản nợ xấu quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Sửa đổi, bổ sung quy định về việc thực hiện mua nợ xấu theo giá trị thị trường, quy định cụ thể các công việc VAMC phải thực hiện trước khi mua các khoản nợ xấu theo giá trị thị trường, bao gồm cả việc chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường, mua các khoản nợ xấu quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 42/2017/QH14 theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Quy định cụ thể thực hiện việc chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường của VAMC và TCTD bán nợ, gồm việc tất toán trái phiếu đặc biệt; thanh toán số tiền thu hồi nợ, khoản vốn góp, vốn cổ phần liên quan; thanh toán giá mua bán nợ; xử lý tài chính liên quan đến khoản nợ và dự phòng rủi ro đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt đó...

Sửa đổi, bổ sung quy định miễn, giảm tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm của các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, trong đó bổ sung quy định VAMC xem xét, giảm một phần hoặc miễn toàn bộ tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm mà khách hàng vay chưa trả của khoản nợ xấu khi khách hàng vay đã hoàn trả toàn bộ nợ gốc của tất cả các khoản nợ xấu tại VAMC.

Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến nguyên tắc bán nợ xấu đã mua, theo đó việc xác định giá bán khoản nợ, trường hợp bán đấu giá khoản nợ xấu, VAMC thực hiện theo quy định pháp luật về đấu giá tài sản.

Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến bán nợ xấu được mua theo giá trị thị trường, theo đó, VAMC bán khoản nợ xấu theo phương thức thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ khi giá bán khoản nợ không thấp hơn giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu tại VAMC hoặc sau khi đã bán nợ theo phương thức đấu giá hoặc phương thức chào giá cạnh tranh không thành.

Sửa đổi, bổ sung quy định về bán tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt, trong đó, quy định VAMC phải trao đổi với tổ chức tín dụng bán nợ trước khi thỏa thuận xử lý tài sản bảo đảm với bên bảo đảm theo quy định. Sau thời hạn 20 ngày kể từ ngày VAMC có văn bản đề nghị tổ chức tín dụng có ý kiến, VAMC quyết định và chịu trách nhiệm về việc xử lý tài sản bảo đảm với bên bảo đảm theo quy định.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2017.(infonet)

-----------------------------------

Thoái 60.000 tỉ đồng vốn nhà nước trong năm nay

Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho hay trong năm 2017 sẽ bán 60.000 tỉ đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp để bảo đảm nguồn thu từ cổ phần hóa, trong đó 6 tháng cuối năm sẽ bán khoảng 20.000 tỉ đồng.

nha nuoc sap thoai von tai tong cong ty cp bia - ruou - nuoc giai khat sai gon anh tno

Nhà nước sắp thoái vốn tại Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn ẢNH TNO

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết thông tin trên tại cuộc họp về xây dựng danh mục các doanh nghiệp nhà nước cần thoái vốn diễn ra sáng nay (16.8), do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì.

Cụ thể, trong năm 2017, Nhà nước sẽ bán 60.000 tỉ đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp để bảo đảm nguồn thu từ cổ phần hóa. Trong đó, 6 tháng cuối năm sẽ bán khoảng 20.000 tỉ theo mệnh giá và số tiền thu về dự kiến khoảng 30.000 tỉ đồng theo giá niêm yết.

Theo ông Đông, Quyết định số 58 của Thủ tướng về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước và Quyết định số 707 cũng do Thủ tướng ban hành về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đều giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư xây dựng danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện bán vốn giai đoạn 2017 - 2020.

Theo đó, tổng số doanh nghiệp còn vốn nhà nước (không tính doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND thành phố Hồ Chí Minh, Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước - SCIC, các doanh nghiệp bán vốn theo quyết định riêng của Thủ tướng) là 375 doanh nghiệp, với tổng vốn khoảng 108.502 tỉ đồng (tính theo mệnh giá).

Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã dự thảo danh mục doanh nghiệp cụ thể cần bán vốn theo từng năm. Trong đó, năm 2017 sẽ bán vốn tại 161 doanh nghiệp, năm 2018 là 185 doanh nghiệp, năm 2019 tại 65 doanh nghiệp và năm 2020 là 25 doanh nghiệp. Theo dự thảo, với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thì bán vốn thành một số đợt, nhưng mỗi đợt phải ở mức từ 20 - 36% tổng số vốn cần thoái để tạo hấp dẫn với nhà đầu tư.

Cho ý kiến vào dự thảo danh mục này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết với những doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn như 2 tổng công ty bia rượu, Tập đoàn điện lực, Tập đoàn dầu khí,... Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định riêng về cổ phần hóa, bán vốn nhà nước. Số doanh nghiệp nhà nước còn lại cần thiết phải được tập hợp đầy đủ trong một danh mục cần bán vốn để công khai cho các nhà đầu tư biết, tính toán lựa chọn sở trường để đầu tư.

Phó thủ tướng cũng đồng tình với dự thảo khi quy định tỷ lệ bán vốn từng năm (tỷ lệ tối thiểu), nhưng không “đóng băng” tỷ lệ này mà khuyến khích bộ và địa phương tăng tỷ lệ và đẩy nhanh tiến độ bán vốn theo tình hình thị trường.

“Quy định danh mục doanh nghiệp bán vốn và tỷ lệ bán vốn hàng năm từ nay tới năm 2020 để đánh giá cụ thể và ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu bộ, ngành, địa phương. Nếu không làm được thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.(Thanhnien)
-----------------------------

Giá thép tăng mạnh, gấp 4 lần

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, sản lượng thép xây dựng toàn thị trường sản xuất ra trong tháng 7-2017 đạt 780.000 tấn, tăng 24% so với cùng kỳ 2016 và tăng 7% so với tháng trước.

Tính chung bảy tháng đầu năm 2017, sản lượng thép xây dựng của cả nước đạt gần 5,2 triệu tấn, tăng 13,5% so với cùng kỳ 2016. Doanh số bán hàng thép các loại trong nước đạt khoảng 5,14 triệu tấn, tăng tương ứng là 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, với các nhà máy phía Bắc tăng giá thép 4 lần, mức tăng gộp dao động trong khoảng 750-850 đồng/kg trong tháng 7 từ mức giá 10.300 đồng/kg lên 11.150 đồng/kg. Cùng lúc đó, các nhà máy phía Nam tăng giá 3-4 lần, mức tăng gộp từ 900 đến 1.200 đồng/kg, 10.450-11.400 đồng/kg. 

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết một số yếu tố tác động đến giá thép xây dựng trong nước như giá thép phế, giá phôi thép tăng. Cụ thể, giá thép phế liệu tăng 26,5 USD/tấn từ 275-280 USD/tấn lên 303-305 USD/tấn trong tháng 7-2017. Giá thép phế liệu nội địa tăng từ mức 5.950-6.150 đồng/kg lên mức 6.350-6.550 đồng/kg. (PLO)

Trở về

Bài cùng chuyên mục