Thủ tướng thăm Thái Lan: Nâng tầm quan hệ chiến lược Việt - Thái; Thông tin xuất khẩu lợn sang Trung Quốc đã khơi thông trở lại là không chính xác; Trữ lượng dầu mỏ Trung Quốc tăng liên tục trong 5 năm qua; Alibaba sắp đuổi kịp Amazon về vốn hóa thị trường
Tin kinh tế đọc nhanh 17-08-2017
- Cập nhật : 17/08/2017
Bắt giữ tàu Trung Quốc chở đầy cá mập
Nhà chức trách Ecuador vừa bắt giữ toàn bộ thủy thủ một tàu cá Trung Quốc vì tội đánh bắt cá mập ở quần đảo Galapagos.
Bức hình do nhà chức trách Ecuador công bố cho thấy rất nhiều cá mập bị đánh bắt trên chiếc tàu Trung Quốc
Theo đài BBC, tàu Fu Yuan Yu Leng 999 bị phát hiện ở quần đảo Galapagos hôm chủ nhật (13-8) khi đang chở 300 tấn cá.
Hầu hết số cá này là cá mập, trong đó có loài cá mập đầu búa đang được bảo vệ.
Khoảng 20 người Trung Quốc phải đối mặt với hình phạt lên đến 3 năm tù giam vì tội đánh bắt trái phép các chủng loài được bảo vệ.
Galapagos là một khu bảo tồn biển được tổ chức UNESCO xếp vào hàng di sản thế giới do hệ sinh thái cực kỳ phong phú của khu vực này.
Bộ trưởng Môi trường Ecuador Tarsicio Granizo cho biết một thẩm phán trên hòn đảo San Cristobal đã ra lệnh giam các thủy thủ Trung Quốc để chờ ngày ra tòa.
“Không nhất thiết là tất cả số cá đó được đánh bắt từ khu bảo tồn, nhưng sự thật là trong đó có cả cá mập con cho thấy khả năng này rất cao” - bộ trưởng Granizo trả lời hãng tin AFP.
Ông Walter Bustos, giám đốc Công viên quốc gia Galapagos, cho biết tàu Fu Yuan Yu Leng 999 là con tàu lớn nhất bị bắt giữ trong khu vực bảo tồn biển.
Năm 2015, cảnh sát Ecuador bắt giữ khoảng 200.000 tấn vây cá mập chuẩn bị xuất khẩu sang châu Á. Đây được xem là món ăn ngon ở Trung Quốc.
Các nhà hoạt động môi trường chỉ trích nhu cầu tiêu thụ vây cá mập đã dẫn đến hoạt động đánh bắt lậu tấp nập và cái chết của nhiều chủng loài trên bờ tuyệt chủng.(Tuoitre)
-------------------------------
Bộ Tài chính công bố sửa đổi 5 luật thuế
Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật Thuế tài nguyên.
Theo Bộ Tài chính, một trong những lý do phải xây dựng luật sửa đổi, bổ sung các luật thuế đó là thực hiện mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính về định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế gồm: GTGT, TTĐB, TNDN, TNCN và Thuế tài nguyên, qua thực tiễn triển khai thực hiện các luật thuế thời gian qua cho thấy quy định tại các luật thuế cơ bản phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nên đã phát huy được những tác động tích cực.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế -chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế VN nói riêng, chính sách thuế cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của DN, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) có vướng mắc đáng kể về đối tượng không chịu thuế như phân bón, máy móc cho nông nghiệp, chuyển quyền sử dụng đất… gây khó khăn cho doanh nghiệp và công tác quản lý thuế. Mức thuế suất thông thường 10% tương đối thấp, chưa phù hợp thông lệ quốc tế. Một số hàng hoá dịch vụ như nước sạch, hoạt động văn hoá, triển lãm, thể dục thể thao, phim ảnh… đã được xã hội hoá mạnh mẽ nhưng vẫn chịu thuế suất thuế GTGT là 5% là chưa bình đẳng với các lĩnh vực khác. Việc quy định thuế suất 5% với những hàng hoá có thể sử dụng đa mục đích dẫn đến không thống nhất trong thực hiện.
Hơn nữa, trong hoàn thuế, quy định không hoàn thuế với những sản phẩm xuất khẩu chế biến từ tài nguyên khoáng sản có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên gây phức tạp trong thực hiện. Cùng với đó, quy định không hoàn thuế với trường hợp có số thuế GTGT đầu vào luỹ kế âm liên tục nhiều kỳ khiến DN thêm khó khăn vì tăng chi phí thuế.
Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện chưa quy định rõ thế nào là xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện và mức thuế suất với xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng hiện còn thấp, dẫn tới nhiều trường hợp mua xe theo diện này để tiêu dùng cá nhân.
Còn Luật Thuế TNDN hiện hành vẫn còn một số nội dung cần hoàn thiện để đáp ứng tình hình mới như chưa có quy định khống chế chi phí được trừ đối với chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu, từ đó chưa đảm bảo bình đẳng giữa DN sử dụng vốn chủ sở hữu để kinh doanh với DN sử dụng vốn vay, đồng thời không đảm bảo an toàn tài chính của DN. Luật chưa có sự rà soát và xác định các lĩnh vực, địa bàn cần tiếp tục ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển giai đoạn tới, như ưu đãi thuế với lĩnh vực công nghệ cao (CNC), khoa học công nghệ (KHCN) theo Luật CNC, Luật KHCN, ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư tại Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Khu CNC… ; dự án đầu tư công nghệ thông tin, hoạt động đầu tư cải tạo chung cư cũ…
Với thuế thu nhập cá nhân (TNCN), một số quy định tại Luật Thuế TNCN hiện hành còn phức tạp, phát sinh thủ tục hành chính, chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế và khó khăn cho công tác quản lý thuế. Chưa có chính sách phù hợp nhằm thu hút cá nhân là nhân lực công nghệ cao, chính sách thuế với cá nhân có thu nhập từ trúng thưởng.
Và Luật Thuế tài nguyên còn một số quy định chưa thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan và chưa phù hợp với thực tế. Ví dụ, quy định về người nộp thuế trong trường hợp khai thác nhỏ lẻ (hầu hết không được cấp phép khai thác) là chưa phù hợp với Luật Khoáng sản. Quy định về giá tính thuế tài nguyên với nước thiên nhiên cho sản xuất thuỷ điện và tài nguyên khai thác xuất khẩu là chưa phù hợp với quy định pháp luật về điện lực, hải quan.
Để khắc phục những bất cập này và thực hiện các mục tiêu đã nêu, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật về thuế, thu thập kinh nghiệm quốc tế về cải cách các sắc thuế, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế. (Infonet)
------------------------
Ô tô nhập khẩu từ Indonesia tăng mạnh
Tính đến hết tháng 7, lượng ô tô nhập khẩu từ Indonesia là 12.600 xe, gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2016, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan.
Bên cạnh Indonesia, xe có xuất xứ từ Thái Lan cũng tăng hơn 16%, tương đương 21.900 chiếc.
Ngoài 2 thị trường trong khu vực ASEAN này, các thị trường khác đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2016, cụ thể như: Hàn Quốc đạt 5.400 chiếc, giảm 52,6%; Ấn Độ là 5.200 chiếc, giảm 34%; Trung Quốc đạt 4.100 xe, giảm gần 47%…
Lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu trong 7 tháng đạt 57.800 xe, trị giá gần 1,21 tỉ USD, giảm 4,1% về lượng, giảm 16% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong số này lượng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 29.100 xe, trị giá là 499 triệu USD, tăng 13,9% về lượng và tăng 10,7% về trị giá.
Hiện nay Thái Lan và Indonesia là 2 thị trường xuất khẩu ô tô vào Việt Nam lớn nhất, nguyên nhân là do xe từ 2 thị trường này được giảm thuế theo lộ trình thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), năm 2017 giảm về 30% và đến năm 2018 về 0%.
Trong năm 2018, dự báo lượng ô tô nhập khẩu từ Thái Lan sẽ còn tăng cao và nước này tiếp tục dẫn đầu về cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam, bỏ xa các đối tác khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.(thanhnien)
----------------------
Những điều 'chưa từng có' trên thị trường nhà đất
Rất khó có khả năng giá căn hộ trên thị trường bất động sản có thể hạ nhiệt khi mà quĩ đất ngày càng cạn kiệt, nguồn vốn tín dụng đổ vào bất động sản càng ngày càng bị “siết” chặt hơn.
Đó là nhận định của một số chuyên gia bất động sản tại Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng bất động sản cuối năm 2017" do báo Thanh Niên tổ chức vào sáng ngày 16-8.
Khách hàng có nhiều lựa chọn
Trước ý kiến nhận định thị trường bất động sản đang có xu hướng chững lại, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng "điều này chỉ đúng với phân khúc cao cấp hoặc phân khúc codotel, hay những dự án căn hộ cao cấp gặp khó khăn trong việc thoát hàng vào thời điểm giao nhà". Riêng đối với phân khúc nhà ở bình dân thì cầu vẫn tăng, bởi những đối tượng mua để ở vẫn còn rất lớn.
Đồng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng chưa bao giờ khách hàng có nhiều sự lựa chọn về giá cả phù hợp như hiện tại. Thị trường địa ốc TP.HCM đang xuất hiện những "cái chưa bao giờ có" từ sau giai đoạn khủng hoảng đến nay.
Đó là, chưa bao giờ thị trường có nguồn cung đa dạng và chất lượng như lúc này; chưa bao giờ khách hàng được chủ đầu tư "nâng niu" kỹ như trước đây bằng nhiều ưu đãi; chưa bao giờ khách hàng tránh được những rủi ro khi mua nhà như hiện tại vì thị trường đang rất minh bạch. Và đặc biệt chưa bao giờ khách hàng được tự quyền lựa chọn các sản phẩm có giá cả phù hợp với túi tiền mình.
"Cho nên không có chuyện chủ đầu tư vì lợi nhuận mà tăng giá một cách vô tội vạ. Nếu chúng ta không có chiến lược kinh doanh, không định giá sản phẩm phù hợp trước khi tung ra thị trường thì sẽ thất bại ngay lập tức. Những dự án có vị trí tốt thì giá chỉ có tiếp tục tăng chứ khó có thể giảm được. Trong bối cảnh mà thị trường đang có nguồn cung dồi dào mà chủ đầu tư không biết cách làm mới, không có chính sách bán hàng phù hợp thì không thể thu hút khách hàng, ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, số lượng chủ đầu tư đưa ra hình thức thanh toán 30% đến tận khi bàn giao nhà ngày càng nhiều. Chính vì lẽ đó, mua nhà vào thời điểm hiện tại thực sự là cơ hội tốt đối với cả người mua để ở lẫn đầu tư. Khi chủ đầu tư phải cạnh tranh bằng giá thì chính là thời điểm tốt nhất để người mua nhà “xuống tiền”.
Đơn cử như dự án Rosita Garden, do Khang Điền làm chủ đầu tư còn chiết khấu 18%/năm cho khoản tiền thanh toán trước hạn, thanh toán 30%, hỗ trợ vay đến 65% giá trị căn nhà, hưởng 0% lãi suất ân hoạn nợ gốc trong vòng 12 tháng đầu tiên. Tương tự là các dự án: Khu dân cư Mỹ Hạnh Hoàng Gia, Mỹ An, Mỹ Khang, Mỹ Thịnh, Mỹ Vượng, Bao Ngoc Residence, khu đô thị Bella Vista, khu nhà ở chuyên gia Vista Land, khu nhà ở kết hợp viện dưỡng lão Phúc AnCity, Tran Anh Riverside...
Rất khó có cơ hội giảm giá nhà khi mà tiền sử dụng đất vẫn cở mức cao và quĩ đất ngày càng hạn hẹp
"Bất động sản hồi phục mạnh mẽ trong thời gian tới"
TS. Bùi Quang Tín, thông tin giảm lãi suất những ngày gần đây cho thấy không chỉ khiến các chủ đầu tư, nhà thầu tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ hơn. Với mức lãi suất hấp dẫn sẽ giúp cho thị trường bất động sản hồi phục mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, vì bản thân các doanh nghiệp bất động sản khi hoạt động cũng chủ yếu dựa trên nguồn vốn đi vay ngân hàng và người mua nhà cũng phải vay tiền, nên ngành này nhận được tác động tích cực kép.
"Không chỉ xu hướng lãi suất của 4 - 5 tháng còn lại của năm 2017 giảm mà định hướng về lãi suất trong các năm tiếp theo cũng theo hướng giảm đồng bộ các loại lãi suất trên thị trường (lãi suất huy động, cho vay, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, …) cùng với nhiều chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ và các cơ quan chức năng. Từ đó sẽ càng làm cho thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ, ổn định và tính thanh khoản ngày càng dồi dào hơn trong thời gian tới", TS. Tín phân tích
Hơn nữa, Thủ tướng cũng đã định hướng chỉ tiêu này năm nay cần đạt khoảng 20%, thay vì mức 18% mà Ngân hàng Nhà nước dự tính và cân đối từ đầu năm.
So với kế hoạch dự tính ban đầu của Ngân hàng Nhà nước với tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 18%, thì lượng vốn cho vay tăng thêm theo giả định nâng lên 22% nói trên là khoảng 220 nghìn tỷ đồng.
"Ngoài ra tỷ giá USD trong thời gian vừa qua vẫn ở trạng thái ổn định, điều này cũng khiến tâm lý các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam cũng an tâm hơn rất nhiều", ông Tín nhận định.
Vẫn theo ông Hiển, tất cả các yếu tố trên sẽ hỗ trợ rất nhiều cho thị trường bất động sản, đặc biệt gỡ khó cho các chủ đầu tư trong bối cảnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đang dần bị siết chặt hơn.
Ngoài ra, nguồn vốn ngoại đang tiếp tục tiếp sức cho thị trường BĐS tiếp tục phát triển trong thời gian tới, bất động sản là ngành đứng thứ 4 thu hút nguồn vốn FDI tính từ đầu năm đến nay. (PLO)