tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 18-06-2017

  • Cập nhật : 18/06/2017

Nhà sản xuất túi khí ô tô của Nhật nộp đơn phá sản

Theo Reuters, Takata, công ty đang đối mặt với hàng tỉ USD số tiền phải trả vì túi khí dính lỗi, đang chuẩn bị nộp hồ sơ phá sản sớm nhất là trong tuần tới và cố gắng nhận được hỗ trợ tài chính từ hãng sản xuất phụ tùng ô tô Mỹ Key Safety Systems. Nhiều tháng qua, Takata làm việc với Key Safety để hoàn tất thỏa thuận.

logo takata anh: reuters

Logo Takata ẢNH: REUTERS

Một nguồn thạo tin cho hay Key Safety sẽ mua lại các tài sản của Takata theo kế hoạch tái cơ cấu khi công ty Nhật phá sản. Theo nhật báo Nikkei, công ty mới sắp được Key Safety thành lập sẽ thâu tóm hoạt động kinh doanh trị giá khoảng 180 tỉ yen Nhật, tương đương 1,6 tỉ USD, của Takata, tiếp tục cung ứng túi khí, dây an toàn và nhiều sản phẩm khác.

Takata từ chối bình luận về thông tin trên. Công ty Key Safety có trụ sở ở bang Michigan (Mỹ) và thuộc sở hữu của nhà cung ứng Trung Quốc Ningbo Joyson. Ngày 16.6, Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo cho biết họ tạm ngừng giao dịch cổ phiếu Takata sau khi báo giới đưa tin về kế hoạch phá sản của hãng. Tại thời điểm chốt phiên giao dịch gần nhất, Takata có giá trị thị trường là 360 triệu USD.

Chuyện Takata còn nợ các hãng sản xuất ô tô thế giới 850 triệu USD tiền thỏa thuận thu xếp vụ lỗi túi khí cũng là vấn đề được quan tâm. Các nguồn thạo tin giấu tên cho hay thỏa thuận cuối cùng với Key Safety có thể không được hoàn tất trước khi Takata phá sản. Công ty Nhật Bản có kế hoạch bắt đầu thủ tục phá sản ở Mỹ và quê nhà. Nhiều hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới lo ngại về việc nộp đơn xin phá sản trước khi có thỏa thuận mới của Takata, vì điều này có thể cản trở việc sản xuất túi khí thay thế. Hơn 65% trong số 46,2 triệu túi khí Takata bị thu hồi ở Mỹ chưa được sửa lại.

Một tòa án Mỹ mới đây cho hay chi phí thay thế toàn bộ túi khí bị lỗi của Takata có thể lên 8 tỉ USD. Túi khí của Takata bung ra khi gặp tác động quá mức từ bên ngoài, song lại phóng ra nhiều mảnh vỡ kim loại bên trong ô tô hoặc xe tải, gây hại cho tài xế. Hồi tháng 1, Takata thừa nhận phạm tội hình sự và trả 1 tỉ USD để giải quyết cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về túi khí dính lỗi, khiến 16 người chết và 180 người bị thương trên thế giới.

Takata đã trả 25 triệu USD tiền phạt, và 125 triệu USD tiền bồi thường cho các nạn nhân. Hãng còn thời gian đến đầu năm 2018 để trả 850 triệu USD tiền nợ các nhà sản xuất ô tô. Đợt triệu hồi khoảng 100 triệu túi khí Takata bắt đầu từ năm 2008. 19 nhà sản xuất ô tô sử dụng túi khí của hãng này, trong đó có Honda Motor, Ford Motor, Volkswagen và Tesla. Các đợt thu hồi túi khí dính lỗi sẽ kéo dài ít nhất là đến cuối năm 2019. (Thanhnien)
-----------------------------------

Nhà đầu tư rót 30 tỷ USD vào các quỹ ETF toàn cầu

Các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) đã nhận được hơn 30 tỷ USD, đồng thời ghi nhận tuần hút vốn mạnh nhất trong năm 2017, dẫn đầu là các quỹ cổ phiếu Mỹ khi các chỉ số chứng khoán đồng loạt chạm mức cao kỷ lục, EPFR Global cho biết.

Cụ thể, theo Financial Times, nhà đầu tư đã rót 31.6 tỷ USD vào các quỹ ETF trên toàn cầu trong tuần kết thúc vào ngày thứ Tư, vượt trội hơn cả mức cao kỷ lục trước đó trong năm 2017 với 26.5 tỷ USD trong tuần kết thúc ngày 26/04/2017.

Bất chấp đà bán tháo nặng nề của nhóm cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu FAANG – sự kết hợp của Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Google. 4 chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đều chạm mức cao kỷ lục mới trong tuần vừa qua. S&P 500, Nasdaq Composite và Russell 2000 đồng loạt leo lên mức cao nhất mọi thời đại vào ngày thứ Sáu. Còn Dow Jones đã chạm mức kỷ lục trong ngày thứ Tư.

“Mọi người đều bàn tán về nhóm cổ phiếu FAANG, nhưng vẫn còn có chút cảm giác bỏ lỡ điều gì đó”, Matthew Bartolini, Trưởng bộ phận nghiên cứu SPDR tại State Street Global Advisors, cho biết. “Thị trường cổ phiếu tiếp tục leo dốc”.

EPFR cho biết quỹ SPDR S&P 500 ETF đã hút vốn mạnh nhất trong tuần này, kế đó là iShares Core S&P 500 ETF và iShares Russell 2000 ETF.

Mặc dù các quỹ bên ngoài nước Mỹ cũng nhận được dòng vốn mạnh trong năm nay, nhưng ông Bartolini lại chỉ ra có sự chuyển dịch của dòng vốn về hướng nước Mỹ trong tuần gần đây nhất.

Dữ liệu từ EPFR cho thấy các quỹ cổ phiếu toàn cầu, ngoại trừ Mỹ, đã thu hút tổng cộng là 48.54 tỷ USD trong năm 2017, cao hơn so với mức hút vốn của quỹ toàn cầu có bao gồm cả Mỹ là 17.13 tỷ USD.

Trong khi đó, các quỹ trái phiếu thị trường mới nổi chứng kiến tuần hút vốn thứ 20 liên tiếp ở mức 1.33 tỷ USD, qua đó nâng tổng lượng vốn hút vào từ đầu năm đến này lên hơn 35 tỷ USD.

Trái phiếu đã hưởng lợi do lợi suất thấp kéo dài của trái phiếu Mỹ và đồng USD yếu hơn trong thời gian gần đây. Đồng bạc xanh yếu đã thúc đẩy các lĩnh vực có mức độ nợ bằng đồng USD cao.

Ngược lại, quỹ cổ phiếu Anh lại chứng kiến tuần rút vốn thứ 8 liên tiếp với 563 triệu USD, khi nước này rơi vào tình trạng bất ổn chính trị. Nhà đầu tư đã rút hơn 3 tỷ USD khỏi các quỹ trên trong giai đoạn 8 tuần vừa qua(Vietstock)
------------------------------

Ngân hàng trung ương Nga cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 9%

Ngày 16/6, Ngân hàng trung ương Nga đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản trong sáu tháng cuối năm nay, từ mức 9,25% xuống 9%.

Theo thông báo của Ngân hàng trung ương, Nga sắp đạt được mục tiêu tỷ lệ lạm phát và hoạt động kinh tế sẽ được phục hồi. Nguy cơ lạm phát đã giảm trong ngắn hạn, trong khi vẫn duy trì trong trung hạn. Do đó, Ngân hàng trung ương Nga sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ "thắt chặt vừa phải" nhằm kiềm chế lạm phát, hướng đến mục tiêu 4% mà chính phủ đưa ra.
 


Sau khi Ngân hàng trung ương Nga công bố quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản trên, giá trị đồng nội tệ (ruble) Nga tăng nhẹ so với đồng USD và euro. Theo đó, 57,56 ruble đổi được 1 USD, tăng từ mức 57,69 ruble/1 USD, trong khi 64,37 ruble đổi được 1 euro, tăng so với tỷ lệ 64,46/1euro.

Ngân hàng trung ương Nga cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay lên 1,3-1,8% từ mức 1-1,5%, đồng thời nhận định hoạt động kinh tế tiếp tục được phục hồi.

Trước đó, trong buổi giao lưu trực tuyến với người dân lần thứ 15 diễn ra hôm 15/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặc biệt chú trọng lĩnh vực kinh tế.

Ông khẳng định nền kinh tế Nga đã vượt qua giai đoạn suy thoái và bước sang thời kỳ tăng trưởng với nhiều tín hiệu tích cực. Kinh tế Nga đã đạt tăng trưởng trong ba quý liên tiếp và trong bốn tháng đầu năm nay.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây dù có gây tác động tiêu cực nhưng lại tạo ra động lực để nền kinh tế Nga phát huy tối đa nội lực, hàng hóa sản xuất trong nước có cơ hội nâng cao chất lượng thay thế hàng nhập khẩu. Nền kinh tế đã đạt những thành công trong đa dạng hóa các lĩnh vực then chốt, giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt, tìm kiếm các thị trường mới cho hàng hóa trong nước (Vietnam+)
-------------------------

Brazil: Bê bối Odebrecht khiến 7 quốc gia thiệt hại 6 tỷ USD

Theo phóng viên TXTVN tại Nam Mỹ, báo Folha de Sao Paulo của Brazil ngày 16/6 đưa tin thiệt hại về kinh tế trong vụ bê bối ở Tập đoàn xây dựng hàng đầu Brazil Odebrecht đã làm 7 quốc gia thiệt hại tới 6 tỷ USD.

Theo nguồn tin trên, việc đội giá các công trình xây dựng công cộng là nguyên nhân chủ yếu khiến tác hại kinh tế trong vụ tham nhũng này trở nên vô cùng trầm trọng.

Peru, Mexico, Ecuador, Colombia, Venezuela, Panama và Mozambique là 7 trong số 12 nước có liên quan cho tới nay đã thống kê mức thiệt hại của vụ bê bối tiền tỷ này.
 


Tờ báo này cho biết 20 nhà báo tới từ 12 quốc gia đang hợp tác cùng Folha de Sao Paulo và trang mạng Convoca của Peru để điều tra 50 hợp đồng xây dựng mà Odebrecht đã thắng thầu ngoài lãnh thổ Brazil.

Cơ quan tư pháp Mỹ cho biết từ năm 2001, Odebrecht đã "đi đêm" 788 triệu USD cho hàng trăm quan chức và chính trị gia của nhiều nước Mỹ Latinh, châu Phi và châu Âu, để giành được các dự án.

Bản thân Tập đoàn Odebrecht thừa nhận đã đưa hối lộ tại 12 quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh trong suốt 10 năm để giành hợp đồng trong quá trình đấu thầu, đồng thời chấp nhận trả khoản tiền phạt khổng lồ 3,5 tỷ USD vì những hành vi đưa hối lộ tại Mỹ, Thụy Sĩ và Brazil.

Odebrecht, trong nhiều năm là tập đoàn xây dựng lớn nhất Mỹ Latinh, là tâm điểm của vụ bê bối khổng lồ ở tập đoàn dầu khí Petrobras của Brazil, gây chấn động chính trường nước Nam Mỹ này từ tháng 3/2014.

Hơn 100 cá nhân đã bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu nước này.

Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sỹ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra.

Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo Petrobras (Vietnamplus)

Trở về

Bài cùng chuyên mục