tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 17-06-2017

  • Cập nhật : 17/06/2017

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017

Theo VEPR, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 có thể đạt được với quyết tâm của Chính phủ hiện nay.

Sáng ngày 16/6, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2017.

Báo cáo đưa ra hai kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2017 và một số thảo luận chi tiết về các chính sách ngắn hạn đang được áp dụng hiện nay.

Theo VEPR, kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng 6,7% có thể đạt được với quyết tâm như hiện nay của Chính phủ, nhưng điều này đặt ra một vấn đề liệu tốc độ tăng trưởng như vậy có bền vững hay không. Trong kịch bản này lạm phát cả năm được dự báo khoảng 3,2%.

Trong một kịch bản nền kinh tế tăng trưởng trong trạng thái "tự nhiên" hơn, thì tăng trưởng đạt khoảng 6,37% và lạm phát cả năm dừng ở mức thấp hơn là 2,35%.

bao cao thuong nien kinh te viet nam dua ra 2 du bao ve tang truong kinh te

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam đưa ra 2 dự báo về tăng trưởng kinh tế

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Chủ biên báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2017, có một số dấu hiệu rủi ro vĩ mô cần lưu ý.

Thứ nhất, dấu hiệu phụ thuộc vào khu vực FDI trong hoạt động xuất khẩu ngày càng rõ rệt. Khu vực sản xuất trong nước ngày càng trở nên yếu thế hơn trong quá trình hội nhập quốc tế đang mở rộng.

Thứ hai, ngân sách và nợ công vẫn là nguy cơ tạo nên các bất lợi vĩ mô của Việt Nam.

Thứ ba, tỉ trọng chi cho đầu tư phát triển có xu hướng giảm. Thu ngân sách chỉ đủ cho các khoản chi thường xuyên, vốn vẫn đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian qua.

Thứ tư, Fed tăng lãi suất và chính sách kinh tế của Tổng thống Trump có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

Về chính sách ngắn hạn, VEPR cho rằng các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô... có thể làm chậm năng động cải cách, trì hoãn sự phục hồi tăng trưởng bền vững.

Cơ quan hoạch định chính sách cần thẩn trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đặc biệt cần chặt chẽ và độc lập trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2017, giữ vững mục tiêu lạm phát.

Chính phủ cần thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên, tiếp tục cải cách DNNN theo hướng tinh giản, đồng thời nên cắt bỏ những khoản hỗ trợ dành cho các hoạt động nhờ vào NSNN như khu vực hội, đoàn thể.

Về tầm nhìn chính sách trong trung và dài hạn, VEPR đề xuất cần cải cách thể chế để xây dựng nhà nước kiến tạo, đặt nền tảng cho những nguyên tắc căn bản của xã hội, người dân. Giải quyết các mối quan hệ lớn thông qua xây dựng hoặc sửa đổi pháp luật.

Bên cạnh đó, phân định quyền tài sản với tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững. Điều chỉnh chính sách theo hướng phù hợp với thực trạng tầng lớp trung lưu đang hình thành và phát triển nhanh chóng (tránh sa vào hướng dân túy). Đồng thời khuyến khích phát triển xã hội công dân, các hình thức tổ chức phi lợi nhuận, nhằm giúp nâng cao năng lực quản trị địa phương.(NDH)
-----------------------

Techcombank dự kiến mua lại khoản thoái vốn của HSBC

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam dự kiến mua gần 222 triệu cổ phiếu quỹ, chủ yếu từ khoản thoái vốn của HSBC.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa gửi thông báo đến các cổ đông xin ý kiến về việc mua lại cổ phần bằng hình thức chào mua công khai từ cổ đông hiện hữu để làm cổ phiếu quỹ. Dự kiến ngân hàng sẽ mua lại gần 222 triệu cổ phiếu, tương đương 25% tổng số cổ phần đang lưu hành.

Để thực hiện giao dịch này, Techcombank đồng thời trình cổ đông phê duyệt thỏa thuận thoái vốn sở hữu của HSBC tại nhà băng này theo phương án mua lại cổ phần. HSBC hiện nắm gần 20% vốn và là cổ đông lớn nhất tại Techcombank.

Đại diện ngân hàng cho biết, kể từ năm 2012, HSBC đã không còn tham gia vào các hoạt động quản trị và điều hành của Techcombank, nên việc thoái vốn không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

techcombank-du-kien-mua-lai-khoan-thoai-von-cua-hsbc

Techcombank trình cổ đông mua 222 triệu cổ phiếu quỹ và kế hoạch thoái 20% vốn của HSBC tại nhà băng này. Ảnh: TCB

Phía Techcombank cho rằng các đề xuất trên được đưa ra vào thời điểm ngân hàng đạt kết quả kinh doanh tích cực trong nhiều năm nên có đủ tiềm lực để giải quyết nhu cầu của cổ đông mà không ảnh hưởng đến các chỉ số an toàn về hoạt động, cũng như lợi nhuận và doanh thu.

Cùng thời gian, Techcombank cũng thông báo tạm hoãn phương án tăng vốn điều lệ lên 14.000 tỷ đồng để tiến hành mua lại cổ phiếu quỹ theo quy định. Hội đồng quản trị ngân hàng sẽ xem xét phương án tăng vốn vào thời điểm thích hợp khác trong năm 2017.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017, tổng tài sản của Techcombank là 232.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.059 tỷ.(Vnexpress)
-------------------

Công viên Thống Nhất kinh doanh chật vật

Do khó khăn từ tiết giảm chi phí đầu tư công, Công viên Thống Nhất đặt kế hoạch kinh doanh giảm mạnh trong những năm tiếp theo.

Với không gian rộng và được ví như "lá phổi xanh của Hà Nội", Công viên Thống Nhất là địa điểm quen thuộc cho mục đích tham quan, vui chơi giải trí của du khách và là nơi tổ chức các chương trình, sự kiện ngoài trời lớn.

Năm 2016, đơn vị này ghi nhận 44,5 tỷ đồng tổng doanh thu và 1,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với năm 2015, lợi nhuận của Công viên Thống Nhất gần như không thay đổi, trong khi doanh thu giảm 29%.

cong-vien-thong-nhat-kinh-doanh-chat-vat

Kết quả kinh doanh của Công viên Thống Nhất trong những năm gần đây và kế hoạch trong những năm tới. Nguồn: Công viên Thống Nhất

Trong báo cáo mới công bố, ban lãnh đạo Công viên cho biết, chủ trương tiết giảm chi phí đầu tư công của Chính phủ và thành phố Hà Nội đã gây ảnh hưởng lớn đến khối lượng duy trì, cũng như doanh thu sản xuất kinh doanh của Công viên. 

Là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực công ích, nguồn thu của Công viên Thống Nhất chủ yếu đến từ việc duy trì, chăm sóc cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ. Tuy nhiên, phần doanh thu từ hoạt động này trong năm 2016 chỉ đạt gần 29,5 tỷ đồng, giảm gần 60% so với năm trước và chỉ đạt 70% kế hoạch đã đề ra.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến ban lãnh đạo Công viên đặt kế hoạch kinh doanh giảm mạnh trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Theo đó, doanh thu năm 2017 của đơn vị này dự kiến giảm 24% so với thực hiện năm 2016 còn 34 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế đạt 400 triệu đồng, giảm hơn 70%.

Cũng theo kế hoạch trong 5 năm tới, Công viên dự kiến giữ nguyên quy mô tổng tài sản đạt gần 54 tỷ và vốn chủ sở hữu 37,4 tỷ đồng. Nợ phải thu đặt mục tiêu giảm từ 20 tỷ năm 2017 còn 10 tỷ năm 2021, trong khi nợ phải trả giảm từ 9 tỷ xuống 2 tỷ đồng.

Cuối tháng 9/2016, Công viên Thống Nhất cùng với vườn thú Thủ Lệ, công ty nước sạch Hà nội và một số doanh nghiệp phục vụ lợi ích công khác đã được đề xuất trong kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 của UBND thành phố Hà Nội.

Theo kế hoạch này, UBND thành phố sẽ chỉ giữ vốn ở các doanh nghiệp cần nắm giữ cổ phần chi phối (trên 50%) theo quy định của Nhà nước. Còn lại, sẽ thoái toàn bộ vốn với các doanh nghiệp khác.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục