Xúc tiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Xin giảm thuế nhập khẩu cho xăng dầu Dung Quất
Nhựa Bình Minh bị phạt và truy thu thuế gần 7,6 tỉ đồng
Bảo hiểm BIC bán 35% cổ phần cho Fairfax
Ngưng nhập lúa mì nhiễm mọt từ Ukraine
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 14-11-2015
- Cập nhật : 14/11/2015
28% doanh nghiệp phải chi "phí đen" khi thực hiện thủ tục hải quan
Theo ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và Công nghiệp VN, dù tỉ lệ này có giảm so với hai năm trước, nhưng việc phải trả chi phí đen đang khiến cộng đồng doanh nghiệp bức xúc.
Ngày 12-11, Phòng thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức hội thảo công bố báo cáo kết quả khảo sát năm 2015 về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Thay mặt nhóm nghiên cứu để công bố kết quả khảo sát, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết 28% DN doanh nghiệp phản hồi cho biết họ có chi trả các chi phí không chính thức ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. Trong khi đó, năm 2013 và 2012 tỷ lệ này là 49% và 57%.
Tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh dù tỉ lệ này có giảm so với hai năm trước, song tình trạng này đang khiến cộng đồng doanh nghiệp bức xúc.
Hầu hết doanh nghiệp đều mong mỏi ngành hải quan cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhanh hơn nữa để hạn chế những tồn tại nêu trên. Bên cạnh đó, cán bộ công chức hải quan cần cởi mở hơn, coi doanh nghiệp là đối tác để hỗ trợ, tư vấn chính sách và thủ tục hành chính hải quan cho doanh nghiệp.ông Đậu Anh Tuấn (trưởng ban Pháp chế VCCI)Cũng theo kết quả khảo sát, có tới 39% doanh nghiệp được hỏi phản ánh họ không bị phân biệt đối xử khi không chi phí ngoài quy định. Còn tại các cục hải quan địa phương, nơi thấp nhất là 8% nhưng nơi cao nhất có tới 80% doanh nghiệp cho biết họ bị phân biệt đối xử khi không chi trả chi phí ngoài quy định.
Về thủ tục hoàn thuế, doanh nghiệp cho biết họ vẫn phải vất vả, đi lại nhiều lần mới hoàn thiện được hồ sơ hoàn thuế. Cụ thể, đối với trường hợp kiểm tra trước hoàn thuế sau thì có tới 49% doanh nghiệp cho biết họ chỉ đi lại 1 lần là có thể hoàn thiện hồ sơ hoàn thuế hợp lệ.
Tuy nhiên, có tới 35% doanh nghiệp phải đi lại 2 lượt và 16% doanh nghiệp đi lại 3 lượt trở lên mới có thể hoàn thiện bộ hồ sơ hoàn thuế.
Với thời gian hoàn tất thủ tục hoàn thuế, thông thường các doanh nghiệp mất 7 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ đến khi nhận được tiền hoàn thuế hoặc văn bản không đồng ý của cơ quan hải quan, dù đó là hoàn thuế trước kiểm tra sau hay kiểm tra trước hoàn thuế sau.
Về thủ tục thông quan, có tới hơn 58% doanh nghiệp phản hồi rằng từng gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục thông quan do nhiều biểu mẫu khai báo và hay thay đổi biểu mẫu… Bên cạnh đó, gần một nửa DN cho biết họ đang bị yêu cầu cung cấp những giấy tờ ngoài quy định.(Tuổi Trẻ)
Bộ Tài chính xử lý nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015
Nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương (NSTW) năm 2015 đã bố trí 13.000 tỷ đồng, theo quy định tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ thì 50% nguồn dự phòng được phép sử dụng là 6.500 tỷ đồng, 50% còn lại tạm giữ lại để xử lý khi nguồn thu NSTW giảm lớn.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, đến ngày 23/9/2015, tổng số đã phân bổ, sử dụng và đang trình cấp có thẩm quyền từ nguồn dự phòng NSTW năm 2015 là 6.648,3 tỷ đồng. Tại văn bản số 752/BTC-NSNN, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng 3.000 tỷ đồng từ nguồn 50% dự phòng NSTW tạm giữ lại để xử lý các nhiệm vụ phòng chống thiên tai, dịch bệnh và đột xuất cấp thiết khác những tháng cuối năm 2015.
Tuy nhiên, hiện nay đang là thời điểm mùa mưa lũ năm 2015 nên cần dành một phần nguồn dự phòng NSTW để bố trí phòng chống khắc phục hậu quả mưa lũ và các nhiệm vụ đột xuất phát sinh, vì vậy Bộ Tài chính sẽ căn cứ vào khả năng cân đối nguồn vốn dự phòng và nhu cầu của các bộ, địa phương về xử lý các công trình đê kè phòng, chống lụt bão, các dự án cấp bách đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Bộ Tài chính xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ một phần vốn dự phòng NSTW trong tổng số 3.000 tỷ đồng từ nguồn 50% dự phòng NSTW tạm giữ lại để hỗ trợ cho một số địa phương thuộc các vùng miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung, vùng Tây Nam bộ và một số dự án quan trọng cấp bách khi có ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Bước đi tích cực trong việc phân loại tài sản của các ngân hàng Việt Nam
Việc thực hiện phân loại tài sản dựa trên số liệu của Trung tâm Thông tin Tín dụng thuộc NHNN Việt Nam (CIC) đã thu hẹp sự chênh lệch về tiêu chuẩn phân loại nợ của các ngân hàng Việt Nam.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã đánh giá như vậy về hệ thống ngân hàng Việt Nam trong Báo cáo hàng tháng mới nhất về hệ thống ngân hàng châu Á – Thái Bình Dương.
“Đây là một bước đi tích cực”, tổ chức này nhận xét. Tuy nhiên, theo Fitch, tỷ lệ thu hồi nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) còn thấp.
Mặc dù vậy, theo Fitch, sự ổn định của kinh tế vĩ mô có thể sẽ giúp làm chậm sự hình thành nợ xấu mới. Bên cạnh đó những giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững cũng như nới lỏng quy định về sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài cũng giúp tài sản thế chấp phục hồi giá trị.
Đưa vào hoạt động cảng Tân Cảng - Thốt Nốt
Dự án do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn làm chủ đầu tư, có quy mô diện tích bãi 1,1ha, cầu tàu dài 75m, có thể tiếp nhận tàu 2.000 tấn và bến sà lan dài 90m.
Ngày 12-11, phát biểu tại lễ khai trương cảng Tân Cảng - Thốt Nốt tại Q.Thốt Nốt (TP Cần Thơ), bà Võ Thị Hồng Ánh - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho rằng việc đưa vào hoạt động cảng này sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống cảng của TP Cần Thơ, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế không chỉ cho TP Cần Thơ mà còn cho cả khu vực ĐBSCL.
Được biết, dự án do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn làm chủ đầu tư, có quy mô diện tích bãi 1,1ha, cầu tàu dài 75m, có thể tiếp nhận tàu 2.000 tấn và bến sà lan dài 90m, tiếp nhận sà lan 1.000 tấn.
Mất 464 - 605 ngày để khởi công dự án bất động sản
Làm một dự án BĐS thường bị kéo dài trong 464 ngày làm việc đối với dự án dưới 20ha, trong 486 ngày với dự án từ 20 - 100ha, trong 605 ngày với dự án trên 100ha.
Tthời gian thực hiện các thủ tục của một dự án dài hơn nhiều do thủ tục hành chính phức tạp, quy định pháp luật không rõ ràng, việc bồi thường giải phóng mặt bằng khó khăn...
Từ khi bắt đầu một dự án bất động sản (BĐS) cho đến khi khởi công phải qua hàng loạt thủ tục, kéo dài trong 464 ngày làm việc đối với dự án dưới 20ha, trong 486 ngày với dự án từ 20 - 100ha, trong 605 ngày với dự án trên 100ha.
Thậm chí thời gian thực hiện các thủ tục trên dài hơn nhiều do thủ tục hành chính phức tạp, quy định pháp luật không rõ ràng, việc bồi thường giải phóng mặt bằng khó khăn...
Đó là thông tin được nhóm tác giả của đề án Phát triển thị trường BĐS TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 công bố tại hội thảo tìm giải pháp và định hướng phát triển thị trường BĐS TP.HCM do Sở Xây dựng tổ chức ngày 12-11.
Để rút ngắn thời gian, đề án đã đưa ra nhiều giải pháp như công khai thông tin quy hoạch, minh bạch thông tin thị trường, hoàn thiện các quy định về thuế và tài chính..
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh: Không tích cực cổ phần hóa hãy kiểm điểm đi
Chủ trị Hội nghị đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh phê bình các đơn vị chậm cổ phần hóa, thoái vốn và yêu cầu phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.
Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp về kế quả cổ phần hóa cho thấy 10 tháng 2015 cả nước đã có 175 doanh nghiệp được sắp xếp. Trong đó, 159 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, 16 doanh nghiệp thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác nhau.
Từ năm 2011 đến ngày 10.11.2015 cả nước sắp xếp được 471 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 408 (bằng 79,37% kế hoạch 2011-2015) và sắp xếp theo các hình thức khác 63 doanh nghiệp. Dự kiến 2015 sẽ cổ phần hóa được 210 doanh nghiệp. Riêng 2 năm 2014 và 2015 cổ phần hóa được 353 doanh nghiệp.
Về kết quả thoái vốn nhà nước, lũy kế từ năm 2012 đến ngày 28.10.2015 cả nước thoái vốn được 16.450 tỉ đồng, thu về 22.870 tỉ đồng. Trong đó, bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính ngân hàng 8.074 tỉ đồng (trên tổng số 23.325 tỉ đồng phải thoái, bằng 37%) thu về 9.540 tỉ đồng. Bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác là 7.746 tỉ đồng, thu về 13.339 tỉ đồng.
Theo đánh giá, tiến độ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được đẩy nhanh nhưng số lượng doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa trong 2 tháng cuối năm vẫn còn khoảng 20% kế hoạch 2011-2015. Số vốn các tập đoàn, tổng công ty phải thoái khỏi các lĩnh vực: bất động sản, chứng khoán, tài chính ngân hàng từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng 60% tổng số vốn phải thoái.
Tại hội nghị, các địa phương và Bộ ngành vin vào lý do khó xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt bất động sản… nên bị chậm cổ phần hóa so với tiến độ. Tuy nhiên, thủ tướng đã thẳng thắn phê bình bởi đây là các lý do cũ đã được Chính phủ tháo gỡ, không còn vướng mắc gì.
“Lý do các đồng chí đưa ra chẳng có vướng mắc gì cả, trên này xử lý rất rất nhiều và rất sớm, kể cả hướng dẫn cũng có rồi. Tôi nói thế các đồng chí suy nghĩ, chắc là do các đồng chí không tích cực. Hoặc nếu doanh nghiệp không tích cực thì báo cáo Ủy ban tỉnh để kiểm điểm đi”, Phó thủ tướng phê bình rồi tiếp tục nhắc nhở: “Lý do đó hoàn toàn không chính đáng. Tôi nghe không thông, tôi xin lỗi cách đây nửa năm tôi đã yêu cầu các đồng chí báo cáo lên xử lý rồi. Như Hải Phòng vừa rồi rất khó khăn nhưng đưa lên mấy bộ ngồi xử lý được hết".