Hà Nội bán nhà cũ sở hữu nhà nước giá cao nhất 102 triệu đồng/m2
Hà Nội vừa quyết định danh sách, giá bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước với mức giá cao nhất thuộc về căn nhà trên đường Trần Hưng Đạo với giá 102 triệu đồng/m2.
Hà Nội bán nhiều nhà cũ thuộc sở hữu nhà nước - Ảnh minh họa: Minh Hoàng
Theo quyết định 6121 của UBND TP.Hà Nội ngày 12.11, Hà Nội bán 50 căn nhà ở cũ thuộc sở hữu của nhà nước tại các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai. Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã có tờ trình thành phố đề nghị việc bán các nhà cũ thuộc sở hữu của nhà nước theo nghị định số 34 của Chính phủ.
Đáng chú ý, trong đó có những căn nhà phân phối sử dụng từ năm 1954 như căn nhà số 2 Nguyễn Biểu (ngôi phụ biệt thự), 36 Nguyễn Thái Học, 17 Hàng Quạt, 14 Ô Quan Chưởng, 50 Đào Duy Từ, 5-7 Lý Thái Tổ.
Giá bán cao nhất thuộc về căn 15B phố Trần Hưng Đạo giá 102 triệu đồng/m2, tiếp sau đó là căn 14 phố Hàng Da với giá 94 triệu đồng/m2…
Một số căn nhà có mức bán tương đối thấp như căn 36 Nguyễn Thái Học (14 hộ dân đang thuê) bán với giá 9,8 triệu đồng/m2, hệ số K (hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất) là 2,7. Một số căn tại đường La Thành, ngõ Thái Thịnh (quận Đống Đa) có mức giá 970.000 đồng/m2…
Mức giá thấp nhất thuộc về các căn tại phố Nguyễn Văn Trỗi (quận Hoàng Mai) với 530.000 đồng/m2. Các căn nhà này đều được sử dụng từ năm 1954, 1975, 1982, 1992…
55 cán bộ của HUD bị kiểm điểm sau thanh tra
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo Thủ tướng về thực hiện kết luận thanh tra Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD).
Theo đó, Bộ Xây dựng đã kiểm điểm trách nhiệm của 55 cán bộ các cấp của HUD vì xảy ra những sai phạm nghiêm trọng tại tổng công ty này. Trong đó, Hội đồng thành viên bị kiểm điểm vì những tồn tại, vi phạm trong việc quyết định dự án đầu tư vượt quá năng lực; quyết định những dự án bất động sản và các khoản đầu tư ngoài doanh nghiệp không hiệu quả...
Các thành viên Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc, Trưởng các ban chức năng của HUD, người đại diện vốn của HUD tại các công ty có liên quan cũng bị kiểm điểm vì các khuyết điểm, vi phạm liên quan đến quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo kết luận thanh tra công bố hồi tháng 5 năm nay, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm của HUD. Trong đó, việc quản lý các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của HUD yếu kém, hiệu quả đầu tư thấp, làm thâm hụt vốn như việc đầu tư vào Công ty CP xi măng Sông Thao 516 tỉ đồng nhưng do dự án chậm tiến độ, chi phí phát sinh sớm nên đến cuối năm 2012, lỗ lũy kế 305 tỉ đồng...
Công suất văn phòng cho thuê tại TP.HCM cao nhất trong 6 năm qua
Chỉ số giá bất động sản tại TP.HCM do Savills Việt Nam công bố hôm nay 13.11 cho thấy nhu cầu thuê văn phòng quý 3 tăng 3% so với quý trước và tăng 4% so cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo giá thuê văn phòng sẽ tăng trong các quý sắp tới - Ảnh: Ngọc Thắng
Đặc biệt, giá thuê trung bình quý 3 tăng 3%, công suất thuê cũng tăng 3% so cùng kỳ. Theo nhận định của Savills, trong quý 3, công suất thuê văn phòng tại TP.HCM đạt mức cao nhất trong 6 năm qua. Lý do đến từ nguồn vốn FDI và tổng sản phẩm quốc nội ở TP.HCM trong 9 tháng năm 2015 cũng được dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu văn phòng của thành phố.
Tại khu vực trung tâm, công suất cho thuê văn phòng tăng 3%, giá thuê cũng tăng 2% và chỉ số hoạt động văn phòng tăng đến 4% so vùng kỳ. Khu vực ngoài trung tâm, theo khảo sát của tổ chức này, công suất thuê văn phòng, nhu cầu thuê cũng tăng 2% so cùng kỳ.
Với tình hình trên, trong quý 3, tổng lượng tiêu thụ văn phòng tại TP.HCM đạt hơn 63.000 m2, tăng 148% theo quý và 112% theo năm. Nguồn cung chủ yếu đến từ các tòa nhà hạng A và B. Như vậy, nếu theo đúng kế hoạch, đến cuối năm 2016, toàn TP sẽ có thêm 11 dự án mới gia nhập thị trường, tổng nguồn cung văn phòng dự kiến sẽ đạt 1,6 triệu m2, tăng 7% so với năm 2015.
Tại Hà Nội, báo cáo của Savills cũng cho thấy nhu cầu thuê văn phòng quý 3 có tăng nhưng so với cùng kỳ năm ngoái tỉ lệ tăng không cao như TP.HCM. Cụ thể, công suất thuê văn phòng quý 3 tại Hà Nội tăng 3% theo quý nhưng theo năm chỉ tăng chưa tới 1%. Giá thuê tại khu vực trung tâm Hà Nội tăng 8,3%, ngoài trung tâm tăng 7,5% so cùng kỳ năm 2014. Với tình hình kinh tế khả quan hơn, Savills dự báo giá thuê văn phòng tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng trong các quý sắp tới
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội ngân hàng Châu Á và Hiệp hội ngân hàng Việt Nam
Ngày 12.11.2015, tại Đài Bắc (Đài Loan), trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 32 Hiệp hội ngân hàng Châu Á (ABA) đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Hiệp hội ngân hàng Châu Á (ABA) và Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA).
Ông Daniel Wu, Chủ tịch Ngân hàng CTBC (Đài Loan) đồng thời là Chủ tịch của ABA và Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank đồng thời là Chủ tịch VNBA đã đại diện cho hai Hiệp hội thực hiện nghi lễ ký kết Biên bản ghi nhớ trước sự chứng kiến của các thành viên Hội đồng quản trị ABA và đông đảo đại diện của các ngân hàng thành viên.
Ông Daniel Wu, Chủ tịch Ngân hàng CTBC (Đài Loan) đồng thời là Chủ tịch của ABA (bên trái) và Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank đồng thời là Chủ tịch VNBA đã đại diện cho hai Hiệp hội thực hiện nghi lễ ký kết Biên bản ghi nhớ
Việc ký kết Biên bản ghi nhớ là cột mốc quan trọng đánh dấu cho sự phát triển về quan hệ hợp tác giữa hai bên, đồng thời là nền tảng cho sự hợp tác phát triển của cộng đồng các ngân hàng thành viên của hai Hiệp hội trong thời gian tới.
Hội nghị thường niên Hiệp hội ngân hàng Châu Á lần thứ 32 với chủ đề "Các ngân hàng Châu Á: phát triển vượt biên giới" sẽ chính thức khai mạc vào ngày Thứ Sáu 13/11/2015 và kết thúc cùng ngày.
VN chưa có kinh nghiệm về chứng khoán phái sinh
Hôm qua 12.11, tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về chứng khoán phái sinh”, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) Nguyễn Thành Long cho biết chứng khoán phái sinh là lĩnh vực hoàn toàn mới, VN chưa có kinh nghiệm thực tiễn vận hành thị trường này trong khi các quốc gia trong khu vực và thế giới đã hình thành khá lâu.
Vì vậy, công tác xây dựng năng lực tổ chức thị trường phải được nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn của VN. Cùng với công tác xây dựng khung pháp lý, UBCKNN còn triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và mô hình để các nhà đầu tư có thể tiếp cận thị trường nhanh chóng.
Theo dự kiến, trong thời gian đầu (từ 2016 - 2020), VN chỉ tổ chức giao dịch hai sản phẩm phái sinh cơ bản là hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số cổ phiếu và hợp đồng tương lai dựa trên trái phiếu chính phủ. Đây là lần thứ sáu, UBCKNN tổ chức hội thảo về chủ đề thị trường chứng khoán phái sinh, nhằm chuẩn bị kỹ những kiến thức để đưa thị trường đến gần hơn với công chúng đầu tư và các thành viên thị trường.
(
Tinkinhte
tổng hợp)