Tháng 10/2015: Thép xây dựng đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay
Mong muốn Singapore tiếp tục đầu tư vào các KCN VSIP
Đẩy mạnh hợp tác hàng không, sữa với New Zealand
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: DN nhỏ và vừa vẫn khó vay vốn
Jetstar Pacific mở 3 đường bay mới
Tin kinh tế đọc nhanh 15-11-2015
- Cập nhật : 15/11/2015
Nhiều ngân hàng bất hợp tác với công an
Tội phạm công nghệ cao trên địa bàn TP HCM diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi gây hậu quả rất nghiêm trọng và sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Tuy nhiên nhiều ngân hàng bất hợp tác với công an trong việc điều tra.
“Tội phạm công nghệ cao trong những năm gần đây tăng một cách đột biến trong khi đó trình độ hiểu biết về công nghệ của điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán còn rất hạn chế. Hiệu quả của công tác đấu tranh, khám phá, điều tra, truy tố xét xử chưa đạt được kết quả như mong đợi”.
Đó là nhận định của ông Dương Ngọc Hải – Phó viện trưởng VKSND TP HCM trong chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn TP HCM” do VKSND TP HCM tổ chức ngày 12-11.
Trong vòng 3 năm qua, cơ quan điều tra 2 cấp đã khởi tố 127 vụ tội phạm công nghệ cao. Đáng chú ý số vụ trong năm 2015 tăng đột biến và hình thức rất đa dạng, tập trung ở những nhóm tội lừa đảo, sử dụng mạng để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, sử dụng mạng để chiếm đoạt tài sản…
Tuy số vụ không nhiều so với mặt bằng tội phạm ở TP HCM (khoảng 11.000 vụ mỗi năm) nhưng gây hậu quả rất lớn, chiếm 1/5 số vụ tội phạm công nghệ cao toàn quốc.
Nổi lên trong thời gian qua là các vụ giả danh cơ quan công quyền như công an, viện kiểm sát, tòa án để hù dọa, lừa đảo người dân chuyển tiền vào tài khoản chỉ định để chiếm đoạt. Đa số các vụ lừa này các đối tượng nhắm vào những phụ nữ đã nghỉ hưu hoặc nội trợ “yếu bóng vía”. Những vụ án loại này khi phát hiện, khám phá công an cũng chỉ bắt giữ được những đối tượng trung gian, còn kẻ cầm đầu thường lọt lưới do chúng điều khiển từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, không ít bị can dùng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản là nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên kế toán, thu ngân của các công ty lớn. Vừa qua, Công an TP HCM đã khám phá vụ án Lê Thị Phương Thảo, nhân viên thu hồi nợ của Trung tâm thẻ Ngân hàng S. lợi dụng nhiệm vụ để thay đổi thông tin của khách hàng trên thẻ tín dụng. Sau khi nhận thông tin của khách hàng chấm dứt sử dụng thẻ tín dụng thanh toán, Thảo không báo về trung tâm mà tự thay đổi thông tin của chủ thẻ rồi dùng các thẻ mới được cấp lại để mua hàng hóa, chiếm đoạt của ngân hàng hơn 380 triệu đồng.
Đại tá Nguyễn Minh Thông, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP HCM chia sẻ: “Tội phạm công nghệ cao không có địa giới hành chính, không có địa giới quốc gia. Nhiều địa phương ngại đấu tranh với loại tội phạm này vì rất khó khăn, chi phí điều tra và phá án rất cao. Đơn cử như có địa phương ở miền Bắc sau khi nhận được các tin báo tội phạm công nghệ cao thì né tránh, hướng dẫn bị hại đến TP HCM tố cáo vì…tiền được chuyển vào ngân hàng có trụ sở ở TP HCM”.
Xuất khẩu tôm sang Mỹ nhiều triển vọng lạc quan
Thông tin mới nhất từ Hiệp hội Thủy sản Mỹ cho thấy tiêu thụ tôm trên đầu người ở nước này đang tăng.
Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết năm 2014, tiêu thụ tôm trên đầu người ở Mỹ tăng 11,1% so với năm 2013, đạt mức 4 pao/người. Trong năm nay, tiêu thụ tôm trên đầu người ở nước này tiếp tục tăng lên do NK tôm cả năm dự kiến tăng và báo cáo từ dịch vụ thực phẩm chỉ ra rằng doanh số bán tôm ở thị trường Mỹ tăng khá mạnh.
VASEP cho biết, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 9 đạt 77,6 triệu USD, tăng gần 29% so với tháng 8 và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng XK tôm sang Mỹ trong quý 3 đạt 188,8 triệu USD, tăng 62,3% so với quý 1/2015 và tăng 29% so với quý 2/2015 tuy nhiên vẫn giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Sau khi khảo sát nhu cầu dinh dưỡng của người Mỹ, Ủy ban Tư vấn Chế độ ăn uống năm 2015 cho biết, các gia đình ở Mỹ cần được khuyến khích và hướng dẫn tiêu thụ một thực đơn giàu hải sản hơn. Nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ gần đây chỉ ra rằng, 80-90% người tiêu dùng Mỹ không ăn đủ số lượng thủy sản như đã được khuyến nghị.
Theo nhận định của VASEP, trong những tháng cuối năm, việc tôm Việt Nam chịu thuế chống bán phá giá (CBPG) ở mức thấp trong kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế CBPG mà Bộ Thương mại Mỹ công bố, cũng có thể tạo hiệu ứng giúp tăng trưởng XK sang thị trường này.
Các cục thuế “đốc thúc” thu 15.000 tỷ đồng nợ thuế
Được Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế giao nhiệm vụ thu thêm 15.000 tỷ đồng tiền nợ thuế từ giờ đến cuối năm để bù hụt thu ngân sách, lãnh đạo các cục thuế lớn đã “xắn tay” giao tiếp chỉ tiêu xuống từng chi cục, cán bộ cấp dưới.
Hà Nội được giao nhiệm vụ nặng nề nhất trong 9 cục thuế lớn với nhiệm vụ đến cuối năm phải thu 7.000 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi, Phó cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, ông Mai Sơn cho hay: Ngay sau khi Tổng cục Thuế giao, chúng tôi đã có quyết định “ấn” chỉ tiêu cho từng chi cục thuế và yêu cầu thực hiện ngay, đôn đốc kịp thời như mục tiêu đề ra.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Cầu Giấy, ông Nguyễn Đức Hùng cho biết, chi cục được giao thu thêm gần 260 tỷ đồng. “Con số này nằm trong khả năng, nguồn thu không chỉ nợ mà còn có nhiều nguồn thu thuế phát sinh khác. Thực ra, tình hình đôn đốc thu nợ thuế từ đầu năm đến nay đã vượt chỉ tiêu thu nợ được giao từ đầu năm, nên con số này gần như sẽ hoàn thành”, ông Hùng cho biết.
Cục Thuế TPHCM được giao thu thêm 5.500 tỷ đồng, cũng theo cách phân bổ về từng chi cục, các đội. Phó Cục trưởng Lê Duy Minh cho biết, Chi cục Thuế quận 1 được giao thu thêm 600 tỷ đồng, dù theo kế hoạch đề ra từ đầu năm thì chi cục này chỉ còn khoảng 80 tỷ đồng phải thu cho đến cuối năm 2015.
Với nhiệm vụ được giao thu thêm 500 tỷ đồng tiền nợ thuế, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Đồng Nai cũng tự tin cho rằng, nhiệm vụ này nằm trong khả năng. Theo Cục trưởng Nguyễn Văn Công, sau khi được giao nhiệm vụ, đơn vị đã về giao chỉ tiêu tới từng đội.
“Nguồn thu nợ là có, nhưng cũng nên cân đối về khả năng của doanh nghiệp. Riêng những doanh nghiệp nào nợ thuế trên 1 tỷ đồng sẽ do chính tôi phụ trách đôn đốc nợ”, ông Công nói.
Ông cho biết thêm, có hơn 120 doanh nghiệp đang nợ thuế hơn 700 tỷ đồng, trong đó có hơn 200 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Chỉ cần đôn đốc thu nợ tốt, số lượng doanh nghiệp này có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Xử lý hơn 46.000 vụ phạm tội kinh tế trong 3 năm
Báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết đã tập trung nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, nhất là trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm.
Từ tháng 6/2012 đến nay, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 46.170 vụ, 44.572 đối tượng phạm tội về kinh tế, 1.145 vụ với 1.930 đối tượng phạm tội về tham nhũng, Bộ trưởng nêu con số cụ thể.
Trong các vụ này, theo Bộ trưởng, có nhiều vụ tội phạm kinh tế, tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Điển hình như vụ Huỳnh Thị Huyền Như gây thiệt hại trên 4.000 tỷ đồng, vụ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Nam Hà Nội gây thiệt hại 3.900 tỷ đồng. Vụ Hà Văn Thắm và ba lãnh đạo khác của ngân hàng Đại Dương cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại 5.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, báo cáo còn điểm danh vụ Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch Công ty Xây dựng nhà đất Hà Nội, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13 lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc huy động hơn 377 tỷ đồng của nhà đầu tư vào dự án nhà chung cư, biệt thự B5 Cầu Diễn.
Nếu chỉ nhìn vào con số thì trong cùng thời gian hơn 3 năm qua, số đối tượng phạm tội về tham nhũng được phát hiện và xử lý ít hơn đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia (1.410 vụ, 2.680 đối tượng).
Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an tập trung lực lượng, biện pháp đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Các “kế hoạch”, “chiến dịch” của các tổ chức phản động người Việt lưu vong nhằm tuyển lựa, huấn luyện, phát triển lực lượng đưa người về nước phạt động phá hoại, tạo dựng “ngọn cờ” thành lập tổ chức chính trị đối lập trong nội địa cũng được vô hiệu hóa.
Kết quả được nêu ở phần phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia còn có việc ngăn chặn kịp thời hoạt động của số đối tượng chống đối trong nước kích động, lôi kéo quần chúng tụ tập tuần hành, biểu tình chống Đảng, Nhà nước. Chủ động tấn công chính trị, bao vây cô lập, phân hóa, ly gián số đối tượng cầm đầu, không để tập hợp lực lượng dưới các hình thức “tổ chức xã hội dân sự”.
Từ tháng 6/2012 đến nay, số đối tượng chống đối đã lập hơn 60 hội, nhóm bất hợp pháp dưới danh nghĩa dân chủ, nhân quyền, với khoảng 350 đối tượng tham gia ở 50 tỉnh, thành, Bộ trưởng cho biết.
Phần nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, báo cáo nêu rõ, chủ động đấu tranh vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động.
Phát hiện, xử lý kịp thời các nhen nhóm tổ chức phản động, hoạt động liên kết trong - ngoài, kích động biểu tình gây rối, gây bạo loạn, ngăn chặn ý đồ hình thành và công khai tổ chức chính trị đối lập trong nước cũng như hoạt động lập, công khai hóa các hội, nhóm bất hợp pháp trên Internet.
Đồng Nai loại bỏ 13 cụm công nghiệp khỏi quy hoạch của tỉnh
Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết theo đề án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai vẫn giữ quy hoạch 27 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 1.500ha và xóa khỏi quy hoạch 13 cụm công nghiệp có diện tích gần 619ha.
Theo Sở Công Thương Đồng Nai, thời gian qua tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn tỉnh rất chậm.
Hiện mới có hai cụm công nghiệp mới cơ bản đầu tư hoàn thành hạ tầng là cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), cụm công nghiệp gốm Tân Hạnh (thành phố Biên Hòa) và hai cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư hạ tầng là Phú Cường (huyện Định Quán), Phú Thạnh-Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch). Hiện vẫn còn 14 cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư hạ tầng.
Nguyên nhân khiến nhiều cụm công nghiệp khó thu hút chủ đầu tư là vì mức hỗ trợ còn quá thấp chỉ khoảng 10 tỷ đồng/cụm (chính sách hỗ trợ cũng chỉ có cụm công nghiệp Phú Cường được ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng lập quy hoạch chi tiết xây và đầu tư hạ tầng kỹ thuật). Do đó, để việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp diễn ra thuận lợi, trong 5 năm tới (giai đoạn 2016-2020), Sở Công Thương đề xuất tỉnh cần hỗ trợ các cụm công nghiệp hoàn thiện nhanh cơ sở hạ tầng nhằm tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thuộc diện di dời khỏi các khu đô thị các khu dân cư tập trung, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, nên giúp bốn huyện khó khăn được ứng trước tiền bồi thường cho bốn cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư, sau đó có nhà đầu tư sẽ thu hồi dần trả lại ngân sách.
Theo ông Trần Minh Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, tỉnh đã thống nhất theo đề xuất và ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 20 tỷ đồng cho việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật một cụm công nghiệp. Ngoài ra, ngân sách tỉnh cũng ứng trước 240 tỷ đồng phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, sau đó sẽ thu hồi thông qua tiền thuê đất của doanh nghiệp