Tạm đình chỉ ba công ty đưa lao động sang Ả-rập Xê-út
Hàng Nhật chờ thuế giảm để vào VN
Hoàng tử Anh hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp Việt Nam
Nhiều ‘ông lớn’ điện tử đầu tư tỉ đô vào Việt Nam
Thương mại hóa sản phẩm công nghệ nano 'made in VN'
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 13-11-2015
- Cập nhật : 13/11/2015
Thêm khu kinh tế 24.000 hecta ở Quảng Trị
Cảng biển nước sâu tại khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có thể đón tàu lên đến 100.000 tấn. Ảnh: Ban quản lý khu kinh tế Quảng Trị
Tỉnh Quảng Trị vừa công bố xây dựng khu kinh tế phía Đông Nam tỉnh được Chính phủ quyết định thành lập vào tháng 9/2015, với các khu chức năng công nghiệp, du lịch dịch vụ, khu dân cư, khu cảng... Quy mô dân số đến 2030 được dự kiến là 90.000 người.
Khu kinh tế được thành lập nhằm phát huy tối đa lợi thế, thu hẹp khoảng cách giữa tỉnh Quảng Trị với các vùng trong cả nước, trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, trung tâm giao thương quốc tế…
Ông Nguyễn Quân Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, hiện đã có 4 dự án triển khai các giai đoạn đầu tư vào khu kinh tế này. Trong đó, nhà máy nhiệt điện công suất 2.400 MW, với vốn đầu tư 2,26 tỷ USD do Công ty điện lực quốc tế Thái Lan là chủ đầu tư, cùng với 2 dự án nhiệt điện, điện khí khác sẽ đưa Quảng Trị thành trung tâm nhiệt điện, điện khí miền Trung.
Hạ tầng hiện tại ở khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Táo
Trung tâm phức hợp năng lượng này, ngoài phục vụ nhu cầu trong nước sẽ xuất khẩu sang các nước lân cận, tiến tới phát triển hành lang năng lượng kết nối Việt Nam - Lào - Thái Lan.
Trong khi đó, dự án cảng biển Mỹ Thủy là đầu mối trung chuyển hàng hóa, cửa ra thuận tiện và ngắn nhất trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Cảng Mỹ Thủy có độ sâu -17,5 mét, đón tàu có trọng tải đến 100.000 tấn, vốn đầu tư 630 triệu USD được 8/9 bộ ngành chấp thuận đầu tư. Ngoài ra, một số dự án di dân, tái định cư đang được khởi động để thực hiện các dự án động lực quy mô lớn ở trên.
10 tháng, xử lý 170 nghìn vụ buôn lậu và hàng giả
Trong 10 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 170 nghìn vụ buôn lậu. Có những lô hàng số lượng lớn với hàng trăm tấn hàng có giá trị hàng ngàn tỷ đồng.
Cơ quan quản lý thị trường TP.HCM phát hiện lượng lớn thực phẩm chức năng, dược phẩm giả mạo từ Trung Quốc tại kho chứa Q.11 - Ảnh: Lê Sơn
Ngày 11-11, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 quốc gia) đã tổ chức họp báo về kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo cơ quan này, trong 10 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp. Các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 170 nghìn vụ vi phạm. Có những lô hàng số lượng lớn với hàng trăm tấn hàng có giá trị hàng ngàn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá số vụ việc vi phạm bị bắt giữ liên tục chỉ trong một thời gian ngắn. Đặc biệt trong quý 3, lực lượng chức năng triệt phá đường dây buôn bán xuyên quốc gia số lượng động vật hoang dã có quy mô lớn.
Đó là trường hợp vi phạm của một doanh nghiệp đã làm giả chứng từ khai là nhập khẩu gỗ, hạt nhựa nhưng bên trong là 4 tấn vẩy tê, 142 kg sừng tê giác và khoảng 3,8 tấn ngà voi qua đường biển tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án và đang điều tra.
Cũng theo ông Cẩn, lợi dụng sự thông thoáng trong cải cách hành chính, nhiều đối tượng đã đưa mặt hàng cấm nhập khẩu vào VN.
Tại thời điểm này, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, khám xét một lượng lớn hàng nhập lậu ở khu vực TP.HCM. Cơ quan Hải quan đã rà soát, phân tích đánh giá trên 204 container tồn đọng quá hạn, có dấu hiệu nhập khẩu trái phép.
Qua khám xét thực tế, cơ quan chức năng phát hiện toàn hàng nhập khẩu có điều kiện như xe đạp, xe máy, máy điều hòa, máy giặt đã qua sử dụng. Tổng khối lượng hàng hóa là khoảng 6.000 tấn trị giá ước 100 tỷ đồng.
“Hiện Tổng cục cảnh sát đang cùng lực lượng chức năng tiến hành khám xét một số kho của doanh nghiệp ở Huyện Bình Chánh, TP.HCM. Kết quả khám xét bước đầu cho thấy hàng gồm các sản phẩm cấm nhập khẩu và nhập khẩu có điều kiện” - ông Cẩn cho hay.
Bên cạnh đó, cũng theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM, cơ quan chức năng cũng phát hiện và bắt giữ những vụ nhập khẩu lên đến 10 tấn mỹ phẩm giả về chất lượng, nhãn mác, bao bì.
Thương lái Trung Quốc khiến doanh nghiệp bị “vạ lây”
Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không được thu mua nguyên liệu nông sản trực tiếp từ nông dân khiến chi phí sản xuất tăng, hoạt động gặp khó.
Đó là phản ảnh của nhiều doanh nghiệp tại tọa đàm “Gặp gỡ giữa chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ” do UBND TP Cần Thơ tổ chức ngày 11-11.
Theo Công ty TNHH Kwong Lung Meko (Đài Loan), nghị định 08 năm 2013 của Bộ Công thương có điều khoản cấm doanh nghiệp FDI tổ chức mạng lưới thu gom hoặc mua nông sản trực tiếp từ nông dân, trong khi các thương lái Trung Quốc lại thoải mái thu gom trực tiếp từ người dân, không nộp thuế, không bị chế tài, thao túng nguyên liệu, thị trường, gây khó cho doanh nghiệp khác, cho nền kinh tế.
Ông Trương Quang Hoài Nam, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thừa nhận “để thương lái Trung Quốc làm như vậy là không công bằng cho doanh nghiệp làm ăn chân chính nên UBND TP đã chỉ đạo lực lượng chức năng làm quyết liệt.
Chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Công thương có sự điều chỉnh phù hợp”.
Ra mắt văn phòng đại diện doanh nghiệp Việt - Mỹ tại Bình Dương
Ngày 11-11, văn phòng đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Việt - Mỹ tại tỉnh Bình Dương đã đi vào hoạt động.
Bà Mai Hoàng, chủ tịch Phòng Thương mại Việt - Mỹ, cho biết với nhu cầu tìm hiểu môi trường đầu tư, kiếm đối tác và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ tại VN ngày càng tăng, văn phòng đại diện này sẽ là “cầu nối” xúc tiến việc gặp gỡ, hợp tác giữa doanh nhân VN và Mỹ nhằm tạo ra “sản phẩm” hợp tác là những dự án cụ thể.
Ông Mai Hùng Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết tính đến tháng 10-2015, Bình Dương đã thu hút 81 dự án FDI của Mỹ với tổng vốn lên tới 650 triệu USD, nên việc đưa vào hoạt động văn phòng này sẽ góp phần thúc đẩy, thu hút mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào VN.
Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn
Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao sức cạnh tranh trong thời điểm hội nhập sâu rộng là chủ đề được các diễn giả, chuyên gia bàn luận sôi nổi tại hội thảo Kinh tế VN - triển vọng 2016 do CLB giám đốc điều hành TP.HCM (CEO Club TP.HCM) tổ chức chiều 11-11.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo Kinh tế Việt Nam - triển vọng 2016 chiều 11-11 - Ảnh: Thanh Tùng
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho rằng việc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang phụ thuộc quá nhiều vào vốn của ngân hàng đang là một trong những thách thức của VN.
Muốn vay vốn, doanh nghiệp phải chứng minh khả năng trả nợ, dòng tiền, phương án khả thi, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại thường gặp khó khăn ở bước này.
“Trong khi doanh nghiệp các nước chỉ phụ thuộc vào ngân hàng ở những khoản vay ngắn hạn, thì ở VN, dù ngắn hạn hay dài hạn họ đều tìm đến ngân hàng. Thách thức của hệ thống ngân hàng là cân đối vốn để đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp” - bà Hồng nói.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được vốn. Theo ông Nguyễn Đình Cung - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, khó khăn đầu tiên mà doanh nghiệp nhỏ và vừa của VN phải gánh chịu trong năm 2016 là chi phí vốn cao, khả năng tiếp cận vốn bị hạn chế, nguy cơ bị tăng các khoản thu cũng có thể xảy ra vì ngân sách đang bức bách.
Dù vậy, điểm sáng trong năm tới là cải cách doanh nghiệp nhà nước tích cực hơn, đặc biệt là quá trình thoái vốn nhanh hơn, tạo ra cơ hội đầu tư cho khu vực kinh tế tư nhân.
“Nhà nước cần thay đổi thể chế mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp có niềm tin thực hiện chiến lược kinh doanh dài hạn, khi đó họ mới bắt đầu mạnh dạn đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, những yếu tố nền tảng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển lâu dài, dần dần xóa bỏ tư duy làm ăn ngắn hạn, nhỏ lẻ, chụp giật...” - ông Cung nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Đặng Thị Minh Phương, chủ tịch CEO Club TP.HCM, cho rằng việc nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong bối cảnh VN hội nhập hiện nay là rất cấp bách, bởi bên cạnh cơ hội thì doanh nghiệp Việt cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.
Ngay trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần, cơ hội cho các doanh nghiệp này rất nhiều do luân chuyển hàng hóa của VN sau khi có các hiệp định thương mại tự do chắc chắn sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, nếu không có sự đầu tư công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng... với tầm nhìn dài hạn, doanh nghiệp Việt sẽ không thể nắm bắt được cơ hội.